Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang
Trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, có chương trình bàn giao phi cơ quan sát loại mới O2 cho Không Lực VNCH. Hai trong bảy Phi đoàn Quan sát được chỉ định tiếp nhận loại phi cơ nầy từ Không Lực Mỹ là, PĐ118 Bắc Đẩu Pleiku và PĐ110 Thiên Phong Đà Nẵng.
Phi cơ quan sát O-2, Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu
Phi cơ quan sát O-2, Phi Đoàn 110 Thiên Phong
Phi Đoàn 110 Thiên Phong
Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu
Mỗi đơn vị gởi 10 hoa tiêu và nhân viên kỹ thuật về Sài Gòn xuyên huấn trên O2 với huấn luyện viên phi công và chuyên viên kỹ thuật Mỹ trong vòng bốn tuần lễ (?). Sau khi hoàn tất khóa học, số hoa tiêu và chuyên viên kỹ thuật nầy sẽ được phân phối đi Đà Nẵng, Biên Hòa để trực tiếp bay hành quân và sau đó sẽ lãnh trách nhiệm mang phi cơ về thẳng Đơn Vị tiếp nhận. Đợt xuyên huấn kế tiếp mỗi Phi đoàn sẽ nhận thêm 05 chiếc còn lại.
Người trưởng toán xuyên huấn đợt đầu của PĐ 118 Bắc Đẩu là Đoàn Phan, Sĩ Quan Huấn Luyện Phi đoàn. Trước đó một tuần, từ Tân Sơn Nhứt, Đại úy Phan gọi điện về Phi Đoàn, báo cáo mọi kết quả, diễn tiến khóa học, ngày dự trù hoàn tất và ngày dự trù mang phi cơ về đơn vị.
Nhận thấy đây là một niềm vinh dự cho Phi Đoàn 118 tân lập nói riêng, cho KĐ 72 CT và Sư Đoàn 6 KQ nói chung, với tư cách Phi Đoàn Trưởng, tôi viết Phiếu trình, trình lên Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn, xin tổ chức một Lễ Tiếp Nhận Phi Cơ O2 tại Phi Đạo 118 trong ngày N giờ G trọng đại đó.
Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, không những ký thuận mà còn xuất quỹ cho Phi Đoàn một ngân khoản để tổ chức buổi lễ sao cho ra trò!
Ngày N giờ G đến.
Giờ G được biết rõ là 11AM.
Vào lúc 10:45AM, hầu hết các Trưởng Phòng Sở các KĐ Chiến thuật, Yểm cứ và Bảo trì Tiếp vận đều tề tựu về địa điểm hành lễ. Một biểu ngữ Chào Mừng O2, Mắt Thần Không lực! được căng trên ụ bảo vệ phi cơ. Dưới tấm biểu ngữ là một bàn dài, trên đó chưng một lọ hoa, mấy chai sâm banh, ly điã và bánh ngọt. Dưới gầm bàn là mấy thùng sô đa ướp lạnh.
Một máy cassette trình hát những bài nhạc hùng như Xuất quân, Cờ bay, Không quân VN Hành khúc v.v…
Đúng 11AM, các Sĩ quan Tham mưu SĐ và vị Chủ toạ đến. Tôi theo vị Không Đoàn trưởng KĐ72 CT, Trung tá Lê Bá Định, đến đón chào Chuẩn tướng Tư lệnh và phái đoàn.
Không khí Lễ Tiếp nhận thật rộn ràng. Thời tiết tuyệt vời lý tưởng. Cái nắng tháng tư Tây nguyên se sẻ tươi mát mượt mà.
Chuyện vãn một lát, vị Chủ tọa nhìn đồng hồ và hỏi Không Đoàn trưởng:
– Mấy giờ thì Hợp đoàn về đáp, Trung tá?
– Thưa Chuẩn tướng, dự trù 11 giờ!
– Bây giờ đã là 11 giờ 30 phút rồi, Trung tá check lại xem sao!
Trung tá Lê Bá Định tiến lại xe jeep mình, mở tần số Đài Kiểm soát, liên lạc Bắc Đẩu 04. (Bắc Đẩu 04 là call sign của KQ Đoàn Phan, chỉ huy hợp đoàn O2 ngày hôm đó). Không nhận được tín hiệu trả lời, Trung tá Định quay lại nhìn tôi dọ hỏi. Tôi phân trần:
– Chiều qua, đại úy Đoàn Phan gọi điện về xác định cất cánh 9 giờ sáng TSN, đáp Pleiku 11 giờ!
Phi cơ quan sát O-2, Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu
Thấy không xong, vị Chủ tọa ra lệnh Phòng Hành Quân Chiến Cuộc liên lạc thẳng Bộ Tư Lệnh để check xem 10 chiếc O2 danh hiệu Bắc Đẩu giờ nầy đang nhởn nhơ ở phương trời nào?
Mười lăm phút sau, Phòng HQCC Bộ Tư lệnh cho biết, Đài kiểm soát TSN, nhận được yêu cầu xin cất cánh lúc 9 giờ sáng của Hợp đoàn Bắc Đẩu mười chiếc O2, trở về Pleiku, rôì sau đó không liên lạc được nữa. Còn Đài Phi Chiến Paris thì không nhận một tín hiệu nào của hợp đoàn nầy.
Cái nắng đầu xuân miền Cao nguyên huyền bí đang tươi mát mượt mà, bỗng chói chang gay gắt. Không khí buổi lễ đang hân hoan rộn ràng, bỗng căng thẳng nặng nề, và biến thiên theo tỉ lệ thuận với nỗi bực dọc của vị Chủ toạ:
– Chỉ huy cái gì, giờ giấc cái gi kỳ cục dzậy? Không quân đâu có giờ giấc cái kiểu nầy?
Một nỗi buồn mênh mông vây kín cõi lòng tôi.
Cũng tại cái tính ưa vẽ bày!
Cũng tại thân lừa ưa nặng!
Bày đặt vinh với dự!
Bày đặt phúc với trình!
Cứ tà tà như mọi người thì đâu phải gánh chịu cảnh mất vui nầy?
Cũng tại cái tính ưa vẽ bày!
Cũng tại thân lừa ưa nặng!
Bày đặt vinh với dự!
Bày đặt phúc với trình!
Cứ tà tà như mọi người thì đâu phải gánh chịu cảnh mất vui nầy?
Phi cơ quan sát O-2, Phi Đoàn 110 Thiên Phong
Mãi đến 1 giờ trưa, Hợp đoàn O2 mới gọi Đài kiểm soát Pleiku. Bắc Đẩu Đoàn Phan xin phép làm low pass qua phi đạo trước khi đáp, đã bị Chủ tọa trách là đã quá trễ rồi còn low pass low pet gì nữa!
Mười phi công và các chuyên viên kỹ thuật được hướng dẫn vào đứng ngay lễ đài. Khuôn mặt họ bình thản tươi vui hãnh diện, vì không ngờ được tiếp đón linh đình như thế nầy! (Đây cũng là một lỗi lầm của tôi, vì tôi muốn dành một ngạc nhiên thú vị cho các con cưng của Phi đoàn và Phi đạo, nên mới ra nông nỗi!)
Nhưng sau đó không lâu, mỗi người trong số họ đều ngơ ngác khó hiểu.
Cơn bực dọc vẫn còn hiển hiện trên gương mặt và trong giọng nói vị chủ tọa. Thay vị mở sâm banh tưới những giọt rượu mừng trên các phi cơ mới tiếp nhận, vị chủ tọa lại tưới lên cầu vai mấy phi công O2, cứ như là mừng thăng cấp vậy đó!
Ông vừa arosé từng người vưà nói :
– Một trong những nguyên tắc của Không quân là giờ giấc chính xác! Quí vị là cấp chỉ huy mà không biết rõ điều sơ đẳng nầy thì chỉ huy cáiii… gì?
Có thể có hai trong số các cấp chỉ huy hiện hữu cảm thấy nhột. Người đầu tiên chắc chắn là…tôi, còn vị chỉ huy trực tiếp của tôi, trung tá Lê Bá Định có cảm thấy nhột không, thì thật tình tôi không rõ lắm…
Ngay sau đó, vị chủ tọa lên xe về. Những người còn lại uống vớt vát vài hớp sâm banh và vài hớp soda nặng nhọc.
Tôi hỏi Đại úy Phan tại sao trễ, Phan cho biết một chiếc hư hệ thống bánh đáp, phải sửa chữa ngay tại… taxiway! (Mãi sau nầy Phan mới thú nhận, nguyên nhân trên chỉ là phụ, nguyên nhân chính do một con gà chết xin về Mỹ Tho thăm vợ, trở về hợp đoàn trễ sáng hôm sau!)
Một tuần lễ sau, tôi và Đoàn Phan được lệnh gọi lên trình diện Tư lệnh Sư Đoàn.
Cả hai chúng tôi chuẩn bị tóc tai quân phục thật tươm tất trước khi gặp mặt trời. (Từ ngày Tướng lên Pleiku, cảnh quân phục xốc xếch, tóc tai bù xù đã hết đất dụng võ!)
Cả hai đều không biết chuyện lành dữ ra sao. Cả hai đều im lặng chờ đợi. Riêng tôi thì như thấy trước điềm dữ sẽ nhiều hơn, vì mới hôm qua đây, Trung tá Lê Văn Bút đã được chỉ định thay thế Trung tá Lê Bá Định…
Trước giờ trình diện 01 phút, (giờ TOT, giờ quân đội thứ thiệt, chứ không phải giờ cao su như hợp đoàn O2 tuần trước đâu!), chúng tôi gõ cửa xin vào. Sau khi thi hành thủ tục trình diện thượng cấp, chúng tôi đứng nghiêm chờ lệnh. Chuẩn tướng đang bận xem hồ sơ. Một lát sau ông ngẫng nhìn và hỏi:
– Trung tá cho biết tại sao hợp đoàn O2 hôm đó về trễ?
– Thưa Chuẩn tướng, lỗi tại tôi!
– Lỗi tại Trung tá là như thế nào?
– Thưa Chuẩn tướng, là phi đoàn trưởng mà tôi không nắm vững giờ giấc các phi vụ trực thuộc! Tôi nhìn thẳng Tướng, và trả lời như vậy. Vị Tư lệnh không hỏi tiếp nữa, ông ra lệnh:
– Mời Trung tá ngồi! Quay sang đại úy Đoàn Phan, ông hỏi:
– Đại úy cho biết tại sao hợp đoàn hôm đó về trễ.
Tôi thật sự lo ngại cho Đoàn Phan. Tôi lo ngại câu trả lời không đi thẳng vấn đề, mà ấm ớ tại bị vòng vo, sẽ sinh rắc rối. Nhưng Đoàn Phan đã gây một bất ngờ đầy tự hào và thích thú cho tôi:
– Thưa Chuẩn tướng, lỗi tại tôi!
Câu trả lời như thể làm tan biến mọi bực dọc tồn đọng trong tâm tưởng vị Tư Lệnh cả tuần qua. Như thể ông hài lòng. Ông mời đại úy Phan ngồi và muốn hiểu rõ căn nguyên:
– Đại úy cho biết rõ lý do!
– Thưa Chuẩn tướng, chúng tôi đã sẵn sàng, đã gọi đài xin cất cánh. Đang chờ lệnh thì một chiếc bị hư hệ thống bánh đáp. Tôi quyết định tắt máy tàu đó và yêu cầu chuyên viên kỹ thuật sẵn trên tàu sửa chữa ngay tại taxiway. Phải mất hai giờ sau, hợp đoàn mới cất cánh. Lỗi của tôi là không nhờ đài Paris thông báo trở ngại kỹ thuật nầy về đơn vị gốc! (Đoàn Phan quả thông minh và quyền biến!) Nghe xong lý do, Tướng hỏi: :
– Anh có biết vì một sơ sót như vậy đã gây mất thì giờ và lo lắng cho biết bao nhiêu người khác không?
– Tôi nhận khuyết điểm và xin ghi nhớ sửa chữa lần sau! Thái độ dứt khóat của Đoàn Phan đã tái tạo không khí dễ chịu. (Một thuộc cấp đã nhận khuyết điểm thì còn có gì để mà… bực mình nữa chứ?)
Phi Đoàn 110 Thiên Phong
Chắc hẳn Tướng đã thấy rõ vấn đề nên không hỏi gì thêm. Ông căn dặn đôi điều về kỹ luật hành quân, kỹ luật bay và sau đó mời chúng tôi ra về.
Cả hai chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm. Cái câu tiền hung hậu cát áp dụng vào trường hợp nầy nghe đúng phóc!
Câu chuyện O2 trên đây được anh em trong phi đoàn gọi là biến cố Ô Hay Ô Hô từ dạo đó cho đến ngày nay.
Dễ cũng đã 30 năm nhắc lại chuyện nầy, lòng tôi vẫn còn rung động niềm quý trọng người cộng tác lỗi lạc, đại uý Đoàn Phan, mà cho đến lúc hữu sự mới thấy được cái trách nhiệm và khí phách của người chiến sĩ không quân nầy. (Thiếu gì sĩ quan khi thấy Tướng, lòng thì bối rối, mắt thì láo liên, tay thì bắt chuồn chuồn, miệng thì trình thưa dạ bẩm?)
Sau 30/04/75, Phan cũng chịu cảnh đọa đày. Khi ra tù, người vợ đã không thể hóa đá ôm con bồng mưa nắng (thơ Cung Trầm Tưởng), ném Đoàn Phan lây lất ở Gò Vấp một thời gian. May mắn thay, trời còn thương kẽ… ngoan hiền (!), đã tạo cơ duyên cho Phan gặp chị Kim Dung và hai người đã chắp cánh bay xa bay cao vào khung trời tin yêu thắm thiết mộng mơ.
Hiện Đoàn Phan sống thanh bạch nhưng hạnh phúc vững bền, bên người bạn đời ở Ontario, Canada.
Nhắc lại chuyện nầy, cũng là dịp giúp tôi nhớ lại một vài kỷ niệm đối với cấp chỉ huy xưa: Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân.
Gần hai năm phục vụ trong cùng căn cứ, nhưng tôi không có dịp gần gụi Tướng nhiều, ngoại trừ những buổi họp Sư Đoàn, hoặc những dịp Liên hoan. Tôi chỉ là thuộc cấp bình thường, và sự kiện Ô Hay Ô Hô như là kỷ niệm sâu đậm nhất giữa tôi và Tướng tại căn cứ nầy.
Thật ra, vào đầu năm 1963, khi 30 tân sĩ quan Khóa 17 Đà Lạt được tuyển sang KQ và về Nha Trang thụ huấn Anh ngữ, chúng tôi đã có dịp trình diện Trung Tá Phạm Ngọc Sang, Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn luyện Không Quân.
Vào thời điểm đó, chúng tôi không để ý đến tính réc- lô của ông. Khi ông nhậm chức Pleiku, thì một tuần sau, cả Sư đoàn đều rõ tính nguyên tắc nầy. Bảo ông khó, dĩ nhiên không sai. Nhưng bảo ông dễ, cũng không phải là không đúng.
Theo tôi, tướng nguyên tắc đối với thành phần bagai, tướng thông cảm và chia xẻ đối với ai thật lòng.
Mặc quân phục không có lôgô Tổ Quốc Không Gian, huy hiệu Đơn vị và cấp bực bảng tên, là Tướng không chịu!
Tóc tai bù xù, đội mũ lệch, không cột dây giày, mặc sính quân phục bạn như Dù, Thủy quân lục chiến.., là Tướng không chịu!
Đáp bậy, chở đồ cấm kỵ, dùng phi cơ săn bắn…, là Tướng không chịu!
Ẩn tàng trong cái võ khắt khe vì kỹ luật quân đội, hẵn trong con người ông vẫn dào dạt tính nhân bản của một Tướng lãnh Cộng hòa. Ông hân hoan khi đơn vị lập chiến công và chắc hẵn ông cũng đã âm thầm nhỏ những giọt lệ đau buồn khi mấy đứa con bốc cháy trên trục đổ quân vào Chư Pao, Dak To, Dak Pek…
Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu
Lôgô hình O2 của PĐ118 Bắc Đẩu còn lưu dấu trong quân sử ngày nay là nhờ Phi Đoàn đã biểu lộ ước muốn chân thành và Tướng đã mở rộng tấm lòng…
Năm 1973, Phi Đoàn mời Tướng tham dự Lễ Giáng Sinh. Xong tiệc là màn phát quà cho các cháu và các chiến sĩ xuất sắc. Khi ông già Noel xuất hiện thì ai cũng bật cười vì bộ râu, cái helmet trắng, cái quần sọt và nhất là cái gùi trên lưng. Trong gùi chất đầy quà.
Gói quà sau cùng dành cho Tướng là một cây thuốc lá Basto đen và mẫu in lôgô Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu có hình O2. Đợi lúc Tướng mở logo ra ngắm nghía, ông già Noel mới vào đề (rất đúng giờ TOT):
– Già nầy chuyển nguyện vọng tha thiết của sắp trẻ là, xin anh Tư Lệnh cho phép tụi nhỏ mang lôgô mới nầy!
Khuôn mặt, ánh mắt và giọng nói của ông già Noel chan chứa chân thành, thì anh Tư Lệnh nở lòng nào mà nguyên với tắc? Nghe xong nguyện vọng của sắp trẻ, Tướng tươi cười bảo ông già Noel:
– Thì ông già Noel nói với sắp trẻ là tôi cho phép rồi đó!
Cả Phi đoàn đứng dậy vỗ tay hân hoan và cám ơn Tướng.
Thật là một Giáng sinh khó quên đối với anh em trong Phi Đoàn và nhất là đối với… tôi!
Người đóng vai ông già Noel là Thiếu tá Lu Thái Hưng, Sĩ quan An Phi Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu, và là xử lý Sĩ Quan An Phi SĐ6KQ. Hiện Lu Thái Hưng còn kẹt ở quê nhà. Bao nhiêu kinh nghiệm vốn liếng của một Thiếu tá huấn luyên viên phi công trên các loại phi cơ L19, U17 và O2, đã được Hưng triển khai trên chiếc Honda ôm sau khi đi tù về, bay khắp ngõ ngách khóm phường, kiếm gạo độ nhật cho một Mẹ già, các con và đàn cháu dại nheo nhóc, qua ngày…
Xin cám ơn Tướng, và cũng xin đừng quên Hưng…
Sau 30/04/75, không ngờ tôi lại gặp Tướng trong trại tù Hà Tây. Dù chung trại, nhưng khác khu. Khu A dành giam tù bò trổng đến bò lục (bò trổng là binh nhì, bò lục là đại tá). Khu C dành cho tù hình sự, và Khu F dành cho hàng Tướng lãnh và Tổng Bộ Trưởng.
Lúc ở Trại Hà Tây, tôi được biến chế (ngôn ngữ cộng sản, có nghĩa là phân công, cắt đặt, bổ nhiệm…) vào đội rau xanh. Tết Nguyên đán 1980 thì phải, bọn bò vàng (hay còn gọi là chèo, chỉ công an cộng sản) bận ăn tết nên dễ dãi để tù qua lại các khu thăm nhau. Dịp nầy tôi dấu được một củ su hào thượng hạng và đã tìm cách gởi tặng Tướng vui xuân.
Khoảng cuối năm 1982, Trại Hà Tây đóng cửa, tù phân chia tứ tán. Tôi bị đày về Trại Nam Hà. Không ngờ, lại gặp lại Tướng tại đây. Ở Trại nào cũng vậy, hễ biết có tù mới chuyển đến là các tù cũ tìm cách dọ hỏi để nhận ra màu cờ sắc áo của nhau. Cánh không quân cũng vậy. Khi đã nhận ra nhau rồi, thế nào cũng tìm cách tổ chức một buổi cà phê họp mặt vào một sáng chủ nhật đẹp trời sau đó.
Buổi cà phê Họp Mặt KQ đầu tiên năm 1983 tại Trại Nam Hà do các KQ tù cũ của trại tổ chức, trong số đó tôi còn nhớ các ông cồ (gọi tắt của từ Mỹ colonel) Đằng Vân, Võ Quế, Nguyễn Quang Tri, Bùi Quang Khương, Nguyễn văn Chín… và các Thiên Lôi Trần Văn Nghĩa, Bùi Gia Định v.v…
Tướng Sang là thượng khách của buổi họp mặt.
Dịp nầy, anh em quây quần nghe Tướng kể lại trận Phan Rang và lý do tại sao Tướng bị bắt. Ai cũng xót xa, ai cũng ngậm ngùi…
Ở Nam Hà chừng vài tháng, tôi chuyển về Trại Xuân Lộc đầu năm 1983. Nghe đâu vài năm sau, Tướng chuyển về Trại Hàm Tân.
Tôi ra trại đầu năm 1988. Một năm sau, nhận được một số tiền do KQ Trần Dật và Sử Ngọc Cả từ Mỹ gởi về. (Tôi và Sử Ngọc Cả là anh em cột chèo, SNC đã bay về cõi hư vô tháng 4/2001). Số tiền do một số anh em KQ đóng góp, phần lớn đã từng phục vụ ở Nha Trang. Có thư kèm, yêu cầu tôi tìm cách chuyển số tiền đến các KQ vừa mới ra tù đang sống rãi rác vùng Saì gòn, Biên hòa, ( danh sách người nhận quà do bên Mỹ liệt kê gởi kèm theo )
Tôi hoàn thành tốt đẹp việc anh em nhờ. Thấy việc chuyển tiền rõ ràng minh bạch, tôi lại tiếp tục nhận tiền trợ giúp những lần sau do KQ Trần Dật đại diện Nhóm Không Gian Thân Tình gởi về. Lần nào tôi xin Nhóm ghi thêm tên một số KQ đang trong tù hoặc đang khó khăn mà không có tên trong danh sách nhận quà, trong đó có Tướng Sang.
Chính Bắc Đẩu Lu Thái Hưng đã chuyển món quà nầy đến phu nhân của Tướng tại Bình Thạnh và qua phu nhân, ân tình Quân chủng đã bay đến với Tướng ngay trong ngục tù.
Năm 1989, Tướng bệnh nặng, Trại cho chuyển về Sài gòn chữa trị. Dịp nầy, chị Mười, phu nhân Thái Dương 01 Nguyễn văn Mười về thăm quê, đã cùng vài anh em Bắc Đẩu đến Bệnh Viện (quên tên) thăm Tướng. Tướng vui hẵn lên và hình như ông xúc động trước tình cảm quân chủng sâu kín nầy.
Nghe đâu Tướng được tự do vào cuối năm.
Tháng ba năm 1992, Gia Đình Bắc Đẩu họp mặt tại Nhà Hàng Hiếu Tiều ở Quận 3. Nhà hàng nầy nổi tiếng ngon và rẻ vào thời điểm đó, cũng là địa điểm để các KQ gặp nhau. (KQ Hiếu, nickname Hiếu Tiều, phi công trực thăng SĐ4KQ ).
Có khoảng10 Bắc Đẩu gom góp từ Sài Gòn, Mỹ Tho và cả Nha Trang về dự. Khách mời hầu hết là các KQ mới thoát ngục tù Cộng sản. Lần họp mặt nầy có hai nhà văn nhà báo Lý Tưởng trước kia, là Lê văn Trước (cũng mới ra tù) và Phạm Hồ (không ở tù ngày nào). Riêng Bắc Đẩu Trương văn Trạng lặn lội về Sài gòn từ Mỹ Tho, mang đôi giày da đen bóng made in USA, loại dùng để mang khi mặc đại lễ mà gần 15 năm qua, anh không xài đến.
Thì buổi họp mặt nầy không là đại lễ đó sao?
Dịp nầy, Tướng Sang vẫn là linh hồn của Hội Ngộ.
Chúng tôi nhìn nhau không nói, men bia thủ công dù cay đắng ngậm ngùi, nhưng men tự hào thì bốc cao chất ngất.
Thế rồi hầu hết người KQ như đàn chim bỏ xứ (tổ khúc Đàm Chim Bỏ Xứ, Phạm Duy), tung bay vì khát vọng Tự Do. Có người vượt biển, có người đi diện đoàn tụ, có người đi HO. Cánh HO ào ạt qua Mỹ vào những năm 1990 đến 1993.
Qua Mỹ, người Không quân lại khát khao một tổ ấm bay về.
Lần tham dự Đêm Lạc Long năm 1997 tại Cali, trông Tướng hân hoan và khỏe mạnh hơn bao giờ.
Từ 1992 cho đến nay, đã 4 lần Bắc Đẩu Hội Ngộ, Tướng có mặt duy nhất lần thứ ba năm 1998, và phải ra về sớm vì mệt.
Năm 2000, sức khỏe Tướng suy sụp. Một vài chiến hữu thuộc SĐ6KQ trước kia, trong đó phải kể Niên trưởng Nguyễn Đức Hòa, KDT Kỹ thuật Tiếp vận Phù Cát, hiện ở Cali, định tổ chức Họp Mặt Sư Đòan, gọi là tạo một món quà thân yêu gởi vội đến Tướng cho kịp trong những ngày tháng cuối đời.
Dự định không thành, vì qua thăm dò, Tướng không muốn như thế.
Đêm Bắc Đẩu Thái Dương Hội Ngộ tháng 03/2001, Tướng hứa tham dự. Nhưng cuối cùng, Tướng cũng không dự được vì sức khỏe không cho phép. Cả Thái Dương Bắc Đẩu (và có thể cả vị Tư lênh Sư Đoàn 6 Không Quân) đều lấy làm tiếc. Lời chúc mừng Hội ngộ thành công và lời giải bày lý do không tham dự của Tướng qua trung gian Trung tá Lê văn Bút, KĐT 72 CT, vẫn phảng phất một chút gì bất trắc nghĩ ngợi xa xôi…
Đầu năm 2002, tôi nhận email của Tướng, sau lời thăm hỏi là bài viết Trận Phan Rang. Tôi đọc một mạch và xin phép Tướng phổ biến bài hồi ức nầy trên các báo KQ. Tướng đồng ý và tôi đã chuyển Trận Phan Rang cho Lý Tưởng, Đặc San KQ Bắc Cali và Lý Tưởng Úc Châu.
Trận Phan Rang đã được đón nhận trân trọng. Ngoài hai Đặc San của KQ ra, nghe đâu các báo khác cũng xin đăng, như Đặc san Đa Hiệu của Tổng Hội Võ Bị Đà Lạt và Đặc San Biệt Đông Quân v.v…
Trước khi Trung tá Lê Bá Định thuyên chuyển về Nha Trang, ông ghé Phi đoàn thăm tôi và tiên đóan:
– Sau moi, có thể là toi!
Tôi luận với ông về quẻ dịch, cùng tắc biến, biến tắc thông và chúc ông lên đường… thanh thản! Giữa tôi và ông Định, ngoài tình chiến hữu, còn là chỗ bạn văn… gừng với nhau. Chúng tôi biết tên nhau qua báo Lý Tưởng trước khi gặp mặt. Chính ông Định và Đại tá Nguyễn văn Bá, vị Không đoàn trưởng KD72 tân lập, là những người đề bạt lên Thượng cấp bổ nhiệm tôi vào chức vụ đang giữ. Cho nên có thể coi tôi và vị đệ nhị Không Đoàn trưởng KĐ72CT, là người cùng… phe!
Phe nào thì không biết, nhưng tôi và ông Định quả là người cùng phe… tình nguyện lên Pleiku! Rõ ràng là như vậy. Ông là một người tài. Ông cũng là con ngựa chứng. Có thể lời cổ nhân dụng nhân như dụng mộc chỉ áp dụng tổng quát thôi. Còn chuyện gút mắc giữa Tướng và ông Định, tôi không biết.
Trung tá Định giã từ Pleiku, tôi mất một cấp chỉ huy tài ba, cũng là một người bạn mà tôi thấy gần gụi. Thật đáng tiếc.
Trong 6 Sư đoàn và 8 căn cứ thì SĐ6KQ và căn cứ Pleiku là đáy của Quân chủng rồi, thì còn lo sợ cái thống chế gì chuyện đi chuyện ở? Từ đó, tôi làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận của một quân nhân. Quan hệ giữa tôi và Tướng Sang là quan hệ quân đội thuần túy.
Thật tình mà nói, tôi có cẩn trọng và giữ kẻ đối với ông.
Khi vào tù, thái độ giữ kẻ không còn. Tôi suy gẫm thân phận mình, thân phận đồng đội mình, thân phận đất nước mình và tôi thương ông, bởi ông phải chịu nhiều tủi nhục hơn tôi.
Khi đọc xong Trận Phan Rang, lòng tôi chùng xuống. Tôi thấy dâng lên trong lòng mình lòng kính trọng và quý mến Tướng.
Bài hồi ức có thể có nhiều thiếu sót, nhưng những sự kiện trong 16 ngày máu lửa tại căn cứ Phan Rang đã được nêu lên như lối tường thuật hàng ngày (chữ của Tướng Sang) là khả tín, vì người viết không hẵn dựa vào khả năng nghiệp vụ đã tốt nghiệp Cao Đẵng Quốc Phòng, mà do ông dựa vào chính trí nhớ của mình, một người có trách nhiệm trong Trận Phan Rang và do tham khảo nhiều tài liệu liên quan.
Trí nhớ có thể khiếm khuyết suy sụp, chỉ mong sao quý chiến hữu tham dự trực tiếp Trận Phan Rang, bổ sung bổ khuyết hoặc sửa chữa sao cho Trận Phan Rang trở thành tài liệu quân sử nhiều người viết hoàn chỉnh và trung thực.
Hẳn Tướng đã cố hết sức bình sinh để hoàn tất tác phẩm, dù ông đang bị chứng thiếu dưỡng khí hoành hành. ( Mong rằng tuýp thuốc Basto đen của PĐ118 Bắc Đẩu kính tặng Tướng năm xưa, không là nguyên nhân của chứng bịnh nầy!)
Hẳn Tướng đã bật máu tươi khi cố viết xuống những giòng chữ nặng nề tức tưởi hằng dày xéo tâm can ông bấy lâu: Tôi bỗng cảm nhận rất có tội đối với đồng bào, vì làm tướng mà không giữ được thành.
Tôi kính trọng và quý mến ông vì lẽ đó.
Tôi mong sao lòng ông nhẹ nhàng thanh thản từ đây.
Và tôi cũng không còn lo ngại cho sức khoẻ của Tướng nữa, vì dù có thế nào đi nữa, thì Tướng cũng đã để lại cho Quân chủng thân yêu Lòng Tự Trọng.
St Louis, 06/02
Võ Ý
Võ Ý
______________________
Tin Giờ Chót
Chuẩn tướng Phạm Ngoc Sang đã trút hơi thở cuôi cùng vào lúc 6 giờ chiều ngày 30 tháng 11 năm 2002 ( nhằm ngày 26 tháng 10 năm Nhâm Ngọ ) tại Garden Grove Caliornia. Hưởng thọ 71 tuổi.
Tang lễ đã được cử hành theo Lễ nghi Quân Cách do các Hội KQ, Hội Cựu Quân Cán Chính và các chiến hữu thuộc SĐ6KQ phối hợp tổ chức.
Chuẩn tướng Võ Dinh, Tham Mưu Trưởng BTL KQ tuyên dương công trạng và phủ quốc kỳ lên quan tài người quá cố, dưới sự chủ tọa của Trung tướng Nguyễn Bảo Trị.
Trong Lễ Di Quan, Tướng Trần Văn Nhựt, Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, cựu Tư Lệnh KQ và Đại tá Trần Đình Giao, Tham Mưu Trưởng SĐ6KQ đã đọc điếu văn nói lên lòng cảm phục đức độ tài năng và trách nhiệm của chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang.
Trước khi di chuyển thân xác tướng quân vào lò thiêu, một hợp đoàn ba chiếc cessna đã phi diễn trên không phận Peek Family Funeral Home, để tiễn biệt cánh chim Phượng Hoàng, lìa đàn bay vút vào Cõi Hư Vô..
Dẫu biết cuộc sống…vô thường, nhưng sao lòng lại ngẩn ngơ se thắt trước cảnh tử biệt sinh ly?
Truy Niệm Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang
Là sĩ quan ưu tú Quân Lực VNCH, từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trong Quân chủng Không quân,
Là phi công tài ba, từng được vinh hạnh chỉ định thi hành những phi vụ dành riêng cho thượng cấp,
Là cấp chỉ huy dũng cảm, đặc biệt trong giai đoạn nguy nan của đất nước qua Trận Phan Rang đã thể hiện cung cách một tướng lãnh can trường khi được lệnh làm việc ở Bộ Chỉ Huy Trên Không, đã xin ở lại trận địa để cùng chia sẻ hiểm nguy với thượng cấp và đồng đội anh em (1)
Cao cả thay tấm lòng chi binh huynh đệ một Phúc Tướng!
Khẳng khái thay can trường dũng khí cánh chim đầu đàn!
Khẳng khái thay can trường dũng khí cánh chim đầu đàn!
Vận nước gặp thời đen tối, Phượng Hoàng (2) thất thế sa cơ, đành ôm nỗi uất hận nghẹn ngào suôt 17 năm ròng trong lao lý cho đến khi đến bến bờ Tự Do thì di bệnh của tù đày âm ỉ phát sinh và Tướng quân lại âm thầm chịu đựng!
Trước khi lìa trần, Tướng quân đã moi hết tâm can viết hồi ức Trận Phan Rang lưu lại cho đời, trong đó có dòng hào hùng bi tráng: Tôi cảm nhận rất có tội với đồng bào, vì làm tướng mà không giữ được thành.
Ôi Trách Nhiệm thay Phượng Hoàng dẫn đạo
Ôi Tự Trọng thay tướng lãnh cộng hòa!
Ôi Tự Trọng thay tướng lãnh cộng hòa!
Chúng tôi, một số quân nhân thuộc quyền, kính mến và quý trọng Tướng quân vì lẽ đó.
Chúng tôi tự hào và hãnh diện phục vụ dưới cờ một Phúc tướng, như Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân.
Tổ Quốc lâm nguy thề bảo quốc
Không Gian nghiêng ngữa quyết bền gan
Phượng Hoàng xoải cánh Phan Rang địa
Trung Hiếu lung linh tận suối vàng
(Võ Ý)
Không Gian nghiêng ngữa quyết bền gan
Phượng Hoàng xoải cánh Phan Rang địa
Trung Hiếu lung linh tận suối vàng
(Võ Ý)
Thôi thì, ân đất nước đã đền, nghĩa đồng bào đã trả, xin Tướng quân thanh thản ra đi
Thôi thì, âm dương cách biệt từ nay, nhưng tinh thần Trách Nhiệm và lòng Tự Trọng của Tướng quân lưu mãi ngàn sau trong Quân sử bi hùng
Cầu xin hương linh Tướng quân vãng sanh đời đời trong cõi Yên Bình Cực Lạc
Kính bái,
_____________________
(1)… Lúc đó có chiếc C47 được trang bị máy móc để làm Bộ Chỉ Huy Trên Không. Tướng Nghi bảo Tướng Sang cùng Sĩ quan Tham mưu lên bay trên trời để tiếp vận chỉ huy. Tướng Sang trả lời : Trung tướng ba sao ở dưới đất, tại sao tôi có một sao lại lên trời? Tôi phải ở dưới cùng chịu chung nguy hiểm với Trung tướng. Khẳng khái thay lời nói của một vị tướng trong lúc tình hình thập phần bất ổn; hơn nữa Tướng Sang là không quân, chứ không phải bộ binh!!! Đáng phục thay! (Trích ĐỜI CHIẾN BINH, Trương Dưỡng, trang 194)
(2) Phượng Hoàng là danh hiệu của Tướng Sang.
No comments:
Post a Comment