Saturday, February 18, 2017

Trần Duy Đức Và Hạt Thơ Nẩy Chồi Nốt Nhạc

Bắc Đẩu 01


Nhạc Sĩ Trần Duy Đức

photo by Hoàng Khai Nhan

I- Dẫn Nhập

Tuy cùng phục vụ Sư Đoàn 6 Không Quân Pleiku, cùng trú đóng trong phi trường Cù Hanh, là mục tiêu ngon lành của hỏa tiển 122 ly và đạn pháo VC, chúng tôi không thực sự quen biết nhau.

Hai mươi lăm năm sau, trong dịp Hội ngộ Gia đình Lạc Long 229, khoảng năm 2000 hoặc 2001 gì đó tại Cali, tôi gặp KQ Trần Duy Đức, bây giờ đã là một nhạc sĩ tên tuổi. Anh tặng tôi một “Tập nhạc Trần Duy Đức”, in rất đẹp.

Hai người lại cách biệt những năm sau đó. Trần Duy Đức rộn ràng bao trăn trở ở Cali phố thị, tôi chèo queo nơi đất Thánh Saint Louis miền Trung tây hẻo lánh như Cao Nguyên mù sương năm nào.

Mười năm sau, nhân chuẩn bị Hội Ngộ Phố Núi Pleiku lần thứ nhất, tháng 3/2011 tại Cali, chúng tôi bắt liên lạc được với người nhạc sĩ tài hoa và có ý mời anh tham gia. Tiếc thay, anh đang tịnh dưỡng.

Nơi đất khách quê người, nếu có gặp nhau, cũng chỉ trong tình quân chủng, chứ chẳng phải lo toan văn học nghệ thuật gì, vì trước sau, cá nhân chúng tôi vẫn là một quân nhân được đào tạo, nêú có thơ thẩn hoặc văn nghệ văn gừng vớ vẩn, thì cũng chỉ tô điểm cho đời thêm huê dạng, nhằm phục vụ cho mục tiêu chung (hoặc thỏa mãn khát vong chung) của người Việt xa xứ mà thôi.

Xin thưa một chút về thân thế như vậy để những nhận định sau nầy về “Thơ phổ nhạc của Trần Duy Đức”, là nằm trong nhận định của một không quân thời chiến trước kia, chứ không phải của nhà văn nhà báo hoặc nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật gì.

II- Hạt Thơ Nẩy Chồi Nốt Nhạc

Được biết, vào khoảng 1972, KQ Trần Duy Đức, chưa đầy 20 tuổi, đã sáng tác hai nhạc phẩm đầu tay đáng ghi nhận, đó là bài Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc và Khúc Mưa Sầu.


Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc
Ban Đồng Ca PĐ229

Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc mang tính đơn vị cục bộ, nhưng khúc quân hành thật hùng hồn qua nét nhạc lời ca thật chập chùng sống động, thật vang dội truyền cảm, làm nức lòng những chiến sĩ không quân Pleiku một thời ngang dọc.

Năm 1976, Trần Duy Đức sáng tác Mặc Niệm Khúc trong bối cảnh pho tượng Tiếc Thương trước Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa bị kẻ ác giật sập. Những năm lưu lạc sau đó, đồng hương ân cần đón nhận hai sáng tác còn lại là Khúc Mưa Sầu và Mặc Niệm Khúc bởi giá trị nghệ thuật của nó. Riêng nhạc phẩm Mặc Niệm Khúc (sau được ca sĩ Khánh Ly đổi thành Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương) như còn đẫm ướt những rung cảm chân thành của tác giả dưới cơn mưa trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa năm nào...

Có thể nói “Khúc Mưa Sầu & Anh Đã Ngủ Yên Tên Quê Hương” là gia sản mà Trần Duy Đức đã liều mạng mang theo trên đường tìm tự do, được ra mắt giới nghệ sĩ Cali thập niên 1980 và hai bài ca gia sản trở thành ấn chứng về tài năng và tâm huyết của cánh chim tự do Trần Duy Đức.

Nếu bảo rằng, năng lực sung mãn nhất trong đời một người thường ở độ tuổi từ 30 đến 45, thì tài năng của Trần Duy Đức đã phát triển dồn dập trong thập niên 1990. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng của anh được chào đời trong giai đoạn nầy.

Dù không là chuyên viên nghiên cứu và phê bình âm nhạc, nhưng qua các trang mạng, chúng tôi ghi nhận một điều hiển hiện là, phần lớn những nhạc phẩm của Trần Duy Đức sau 1975 đều phổ từ thơ của những thi sĩ nổi tiếng ở hải ngoại.

A- Những Bài Thơ Phổ Nhạc Tiêu Biểu

Sau đây là phương danh các thi sĩ và tên các nhạc phẩm do Trần Duy Đức phổ từ thơ của các vị ấy:

  • Trần Thiện Hiệp: Vẫn Là Em Muôn Đời
  • Phạm Vũ: Cố Quận
  • Hà Nguyên Du: Sầu Không Vơi, Em Có Về Như Những Cơn Mưa
  • Lê Vương Ngọc: Coi Như Mày, Cỏ Bay Vào Không Gian, Yêu Người Như Nắng Yêu Hoa
  • Nguyễn Nam An: Bài Giã Biệt
  • Cung Trầm Tưởng: Trong Trời Anh Xanh Vút
  • Nguyễn Dũng Tiến: Hoa Ơi Có Biết Lòng Ta Nhớ Người
  • Ngô Tịnh Yên: Nếu Có Yêu Tôi
  • Mai Thảo: Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền
  • Nguyên Sa: Lúc Chết
  • Du Tử Lê: Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời, Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau…

Sẽ là điều thiếu sót nếu chúng tôi không thỉnh cầu sự hỉ xả những thi sĩ có thơ do Trần Duy Đức phổ nhạc mà không nêu tên ra đây.

B– Rung Cảm Với Nội Dung

Từ danh sách nầy, chúng tôi ghi nhận chủ quan về cá tính của nhạc sĩ Trần Duy Đức.

– Là một nghệ sĩ mẫn cảm và là một người bạn trung hậu, nhu hòa và khiêm tốn. Hầu hết các văn nghệ sĩ tài danh ở Hải ngoại đều dành cho anh lòng quý mến.

– Có nhiều cách biểu lộ thiện cảm với ân nhân bạn bè. Trần Duy Đức biểu lộ tình cảm của mình bằng cách ấp ủ hạt ngọc thơ của bạn cho đến khi nẩy chồi thành nốt nhạc!

Nghe đi rồi nghe lại, nhiều lần, những bài thơ phổ nhạc của Trần Duy Đức, chúng tôi chợt phát hiện một điều khác: Khi anh phổ thơ của một thi sĩ nào, không phải vì cảm tình riêng, hoặc nể vì, hoặc làm để lấy có, hoặc để trả nợ quỷ thần… mà anh thận trọng, có lựa chọn và dĩ nhiên, có rung cảm. Mỗi khi anh “kết” một bài thơ nào, để phổ nhạc, ít ra bài thơ phải nói lên một cái gì, gởi gắm một thông điệp gì cho nhân thế, chứa đựng một triết lý gì cho mai sau… Nói cách khác, bài thơ phải tâm đắc với anh cả nội dung và hình thức. Sau đây một vài tiêu biểu:

B1- Đối Đãi Giữa Con Người

Như trong nhạc phẩm “Nếu Có Yêu Tôi”, phổ thơ Ngô Tịnh Yên, khi hát lên, ai ai cũng thấy tác giả muốn nhắn gởi điều gì. Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ/ đừng đợi ngày mai, đến lúc tôi qua đời…

Bài ca trở thành bài công dân giáo dục cho mọi người, mọi nơi, mọi thời đại.

B2- Sự Bình Đẳng

Như trong nhạc phẩm “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền”, phổ thơ Mai Thảo, qua đó, tác giả gởi gấm một quan điểm của mình qua mấy câu thơ:

Ta thấy đường ta Chúa hiện hình/
Vườn ta Phật ngủ, ngỏ thần linh/
Sao không, tâm thức riêng bờ cõi…

Có phải “Sao không tâm thức riêng bờ cõi” mang tư tưởng bình đẳng cho tất cả chúng sanh, kể cả Chúa, Phật và thần linh?

B3- Tình Yêu Là Muôn Thuở

Như trong nhạc phẩm “Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời”, phổ thơ Du Tử Lê. Tên tuổi nhà thơ Du Tử Lê không còn xa lạ trong giới văn nghệ sĩ ở hải ngoại. Thơ ông mượt mà, ý tưởng dồi dào, óc sáng tạo độc đáo. Chỉ đọc cái tựa bài thơ thôi đã cuốn hút người đọc nói gì thơ tình phổ nhạc?

C- Chọn Lựa Về Kỹ Thuật

Ngoài nội dung ra, kỹ thuật bài thơ được chọn phải độc đáo. Trong khuôn khổ bài viết và trong khả năng hạn hẹp của mình, chúng tôi xin nêu một bài thơ phổ nhạc mà kỹ thuật gieo vần thật mới lạ và đặc biệt, đó là bài thơ lục bát “Hoa Ơi Có Biết Lòng Ta Nhớ Người” của nhà văn Nguyễn Dũng Tiến.

Chỉ 6 chữ trong “câu lục” mà tác giả đã khéo léo gieo thành hai vế, mỗi vế 3 chữ tạo ra hai phần, một tình và một cảnh, tương phản hoặc bổ sung cho nhau:

Đêm trăng trong, lòng nhớ mong
Lanh quanh tình cũ long đong muộn phiền
Hương hoa ngâu, người ở đâu?
Em khoan trở giấc bể dâu ngậm ngùi
Ôm đóa quỳnh, buồn một mình
Lơi lơi hơi thở chùng chình trái tim
Người dẫu xa, tình thiết tha
Hoa ơi có biết lòng ta nhớ người

D- Đôi Bạn

Tác giả có thơ phổ nhạc nhiều nhất là nhà thơ Du Tử Lê. Ở tuổi ngoài ba mươi, khi tình yêu đôi lứa rực cháy trong trái tim, khi nỗi khắc khoải lưu đày ray rứt trong khối óc, đã thôi thúc Trần Duy Đức tìm đọc những bài thơ tình quá mới lạ, quá lãng mạn và quá nồng nàn của họ Du:

Khi Bắt Đầu Của Những Năm Ba Mươi/ Dòng Suối Trăm Năm/ Nhớ Lại Trong Đêm Nay/ Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời/ Khúc Tháng 2/ Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt/ Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi/ Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau…

Thi nhân và nhạc sĩ có vẻ thân cận trong sinh hoạt văn nghệ với nhau, nên Du Tử Lê viết tiểu luận về “Lộ Trình Thơ, Nhạc Của Trần Duy Đức” đăng trong Trang nhà dutule.com, qua đó, ông nhấn mạnh hai chữ Thi-Ca quấn quyện hòa nhập một thể trong nhạc-thơ Trần Duy Đức: “Người ở với thơ, người kiên trì làm đầy, miệt mài trong nỗ lực cân bằng vế thứ hai của từ đôi Thi-Ca trong ngôn ngữ Việt Nam, phải kể tới Trần Duy Đức”.

“Hôm nay, giữa quê người, ở tuổi ngoài bốn mươi, với hơn hai mươi năm ăn ở thủy chung với thi-ca, chân dung âm nhạc của họ Trần, là chân dung Thi Ca. Diện mạo đó, không phải là diện mạo song sinh của hai giọt nước, hai cõi đời văn chương và nghệ thuật. (Mà,) nó đã là một. Một định hình, duy nhất. Một thịt xương, trộn lẫn, duy nhất”.

“Chính tính bất khả phân kia, nơi đời kiếp âm nhạc mang tên Trần Duy Đức, đã làm thành một Trần Duy Đức, riêng. Rất riêng.”

III- Tạm Kết

Cái rất riêng tiêu biểu của Trần Duy Đức, theo chúng tôi, được thể hiện qua nhạc phẩm “Nếu Có Yêu Tôi” mà ngày nay, bài ca đã đi vào quần chúng, ở hải ngoại cũng như tại Việt Nam.

Trần Duy Đức & Khánh Ly

Photo by Hoàng Khai Nhan

Rất nhiều ca sĩ thành danh thâu băng hoặc trình diễn ca khúc này như Khánh Ly, Thế Sơn, Khánh Hà, Elvis Phương, Hợp Ca Lê Văn Duyệt… Khúc ca đơn giản như không khí, như nguồn nước trong lành, nhưng thật sự là nhu cầu cần thiết cho cách xử thế trong cuộc sống. Không là bài giáo lý nhưng khi tiếng ca cất lên, được lắng nghe như một chân lý.

Là một cựu không quân, khi nghe khúc ca nầy, lòng chúng tôi chùng xuống bao suy nghĩ về thân phận công dân lưu đày, thân phận cánh chim tự do bỏ xứ. Tôi đang nghĩ đến sự yêu thương độ lượng của cộng đồng người Việt hải ngoại, của tập thể chiến sĩ QLVNCH, của các huynh đệ không quân của tôi, trong đó có KQ Trần Duy Đức.

Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ/ Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa người/…/ Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn. Nếu có bao dung thì hãy bao dung bây giờ/ Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi xa đời/…/ Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người. Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ/ Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời…/ Cát bụi làm sao mà biết lụy người…

Nếu Có Yêu Tôi

Thơ: Ngô Tịnh Yên
Nhạc: Trần Duy Đức
Hát: Khánh Ly
Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan

Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương

Nhạc & Lời: Trần Duy Đức
Hát: Khánh Ly
Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan

Xin cám ơn KQ Trần Duy Đức qua SĐ6KQ Hành Khúc và Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương. Anh thật sự khiêm cung, nhỏ nhẹ, nhu hòa, không đao to búa lớn, nhưng tâm tình của anh đối với quân chủng và quân đội, thật bao la và cao vút.

Xin cám ơn nhạc sĩ Trần Duy Đức, đã âm thầm đóng góp tâm huyết của mình, để giúp cho cuộc sống lưu vong của hằng triệu đồng hương thêm thăng hoa, thơm độ lượng, qua những ca khúc truyền cảm và ý nghĩa bấy nay…

Bắc Đẩu 01

Father Day, 06/2011



No comments:

Post a Comment