Monday, March 27, 2017

Nhạc Sĩ Lê Thương & 70 Năm Hòn Vọng Phu


Lê Thương (1914-1996)

Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1914 tại Yên Viên, Hàm Long, Hà Nội. Ông mồ côi mẹ từ năm chín tuổi, cha tục huyền, bốn anh em gồm ba trai một gái, được bà nội đem về nuôi. Bà nội là Trùm một họ đạo Thiên Chúa ở khu phố Hàm Long thời ấy nên Lê Thương được bà dưỡng dục trong môi trường đạo giáo. Kiến thức âm nhạc do năng khiếu bẩm sinh và hấp thụ trong môi trường nhà Dòng, chứ không được học ở một trường lớp nhạc lý nào khác. Khi tu ở nhà Dòng ông có tên là Bénilde (theo nhà thơ Huy Trâm), tu được một thời gian rồi hoàn tục, trở về dạy học năm 1935. 

image001Bút danh Lê Thương do ông ghép họ mẹ với tên con sông Thương, dòng sông của kỷ niệm tuổi thơ trong những dịp nghỉ hè với gia đình một người bạn học ở một đồn điền tại Đồng Đăng, nơi có tượng đá Tô Thị vọng phu. Hình tượng và huyền thoại Tô Thị đã in vào lòng ông, để sau này thành một trong những tố chất làm nên trường ca Hòn Vọng Phu bất tử.

Thời 1937, khi thuyên chuyển về dạy học ở Hải Phòng, ông đã cùng với Văn Cao, Hoàng Quý, Hoàng Phú, Phạm Ngữ, Canh Thân... cùng với một số ca sĩ thời bấy giờ thành lập nhóm Đồng Vọng để sáng tác và hát phụ diễn cho ban kịch của Thế Lữ tại Hải Phòng. 

Năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Hải Phòng diễn thuyết, Lê Thương đến dự và do thính giả yêu cầu, ông có trình bày một bản tân nhạc. Theo cách phân chia của Lê Thương trong bài viết “Nhạc Tiền Chiến- Lời thuật của Lê Thương” thì nền Âm Nhạc Mới (Tân Nhạc) của Việt Nam bắt đầu vào thời điểm này: 

“Năm xuất hiện chánh thức của phong trào Âm Nhạc Mới là tháng 3 năm 1938, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Saigon ra hô hào (cho âm nhạc cải cách) tại đất Bắc... Từ đầu 1939, một số bài nhạc của vài nhóm đã thấy treo bán tại các hiệu sách.” (nguồn: khanhly.net/phoxua)

Năm 1941 Lê Thương vào Nam dạy học ở tỉnh Kiến Hòa và Sài Gòn. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp đánh Sài Gòn, ông chạy xuống Mỹ Tho, theo kháng chiến ở các vùng quê. Đây là lúc Lê Thương soạn một truyện ca kháng chiến nổi tiếng: “Lòng Mẹ Việt Nam” hay “Bà Tư Bán Hàng,” và phổ nhạc nhiều bài thơ, đặt lời cho một số bản nhạc ngoại quốc.

Khi rời bỏ vùng kháng chiến, ông từng ngồi tù tại Mỹ Tho cuối năm 1946. Cuối 1947 ông được thả và trở về Sài Gòn, thêm một lần bị Pháp bắt giam vào khám Catinat cùng Phạm Duy và Trần Văn Trạch năm 1951.

Lê Thương là nhạc sĩ tiên phong của nhiều thể loại âm nhạc, từ những truyện ca, nhạc hài hước, tới những bài hát thiếu nhi. Thời VNCH ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non trên đài phát thanh Saigon, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Nổi tiếng hơn cả là bài Thằng Cuội: Bóng trăng trắng ngà / Có cây đa to / Có thằng Cuội già / Ôm một mối mơ... Ông cũng là tác giả bài Học Sinh Hành Khúc, rất phổ thông tại các trường học: Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau... 

Bên cạnh công việc sáng tác, ông dạy sử địa tại một số trường trung học, dạy nhạc sử tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Và Kịch Nghệ Sài Gòn. Từng là một kịch sĩ trong ban kịch của Thế Lữ từ 1930, ông cũng gia nhập ban kịch Sầm Giang của Trần Văn Trạch ở Sài Gòn. Lê Thương đã sáng tác ca khúc cho nhiều kịch bản, viết nhạc phim cho hãng phim Mỹ Vân. Ông còn tham gia đóng phim Đất Khổ, phim của đạo diễn Hà Thúc Cần dựng theo tác phẩm “Giải Khăn Sô cho Huế” của nhà văn Nhã Ca. 

Nhạc sĩ Lê Thương lập gia đình cùng một phụ nữ học ở Pháp về. Ông bà có 9 người con. Ông mất vào ngày 17-9-1996 tại Saigon, thọ 82 tuổi.


I. Hòn Vọng Phu, tác phẩm để đời




Hòn Vọng Phu 1, 2, 3
Thái Thanh, Ánh Tuyết & Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi


Trong sự nghiệp sáng tác của Lê Thương, vượt trên tất cả là ba bài Hòn Vọng Phu. Đây là bản trường ca trường ca đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, khởi viết từ 1942, hoàn tất năm 1947.

Ngôn ngữ trong Hòn Vọng Phu được thăng hoa đầy tính thẩm mỹ. Lời hát quyện chặt với hồn nhạc ngũ cung Việt Nam. Hơn 70 năm sau, sức sống của trường ca bất từ này vẫn vượt qua mọi giới hạn của thời thế và tiếp tục âm vang.

Sau đây là những ghi nhận về quá trình sáng tạo tác phẩm âm nhạc để đời này.
image004
- Hòn Vọng Phu 1- Đoàn Người Ra Đi


Trên đường vào Nam, Lê Thương đi ngang Phú Yên và bị thu hút bởi tượng Vọng phu cùng quang cảnh non nước “mê hoặc” ở vùng này, từ đây “Lệnh vua hành quân trống vang dồn…” ra đời. Có thể nói hình ảnh tượng đá Vọng Phu ở Phú Yên đã ảnh hưởng mạnh nhất tới cảm xúc của Lê Thương. Ông giải thích: “Núi Vọng phu ở Phú Yên tại một vùng địa lý hơi man rợ, thâm u là đá đẹp nhất, xem từ biển nhìn vào làm cho tôi cảm mến. … Nhớ lại năm 1470 đầu niên hiệu Hồng Đức tại vùng này có "thạch bi sơn" làm biên giới Việt Nam và Chiêm Thành còn sót lại... Cảnh trí đường đèo quanh co, cây cỏ um tùm man rợ làm cho dân gian ghi tạc mấy câu vè siêu thực đầy tính bí hiểm: “Mưa Đồng Cộ, Gió Tu Hoa, Cọp ổ Gà, Ma Hòn Lớn.”

Lời sơ giải của dân gian kể là: “Trên một cao nguyên nhỏ vùng đèo, thường có mây dày đặc chỉ cần gọi nhau trên đó là mưa rớt xuống (còn nhiều di tích dân cổ Chiêm Thành trên đó).

Đường lên ngọn cao nơi đó, sườn núi bị soi mòn, gió biển thổi qua các khúc quanh co, nghe như tiếng hú âm u. Đó là Mưa Đồng Cộ, gió Tu Hoa…”
“Còn Hòn Lớn thì nghe như một cái đảo âm u ngang vùng Phan Rang gì đó, có rất nhiều “ma hồi” đêm cứ lập lòe nhát các ngư phủ ghé thuyền tránh gió đến đó qua đêm!

Quang cảnh hú vía của thiên nhiên, trộn vào ảnh cảm địa lịch qua từng bước đường nam tiến vẫn ám ảnh tâm hồn tôi, một cậu trai giàu tưởng tượng để lúc sống bên bờ kinh Chẹc Xậy (tỉnh Bến Tre thân mến) phải thể hiện thành bài Hòn Vọng Phu 1.”

Đó là những hình ảnh tác động trực tiếp đến ông, và phần sâu xa nhất trong tâm thức ông là tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn/ bản dịch Đoàn thị Điểm. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Lê Phương Chi, nhạc sĩ đã xác nhận điều này: “...xin thú thật là tôi còn chịu ảnh hưởng sâu xa trong Chinh Phụ Ngâm, cụ thể là:

Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt. Thì trong Hòn Vọng Phu I tôi biến thành: “Lệnh vua, hành quân, trống kêu dồn...” / Tới Man Khê bàn sự Phục Ba ..., tôi biến nó thành: “Bến Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng/Bến Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng ...”

Có thể nói, những câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm đã in sâu vào tiềm thức những ngày tôi còn học ở nhà trường. Rồi với những ấn tượng thắng tích đá Vọng Phu qua truyền thuyết thiếu phụ ôm con mòn mỏi trông chồng đến nỗi hóa đá, đã hằn sâu trong tâm tư tôi, nay gặp ngoại cảnh núi sông hùng vĩ hiện ra trước mắt, đó là môi trường thuận lợi tác thành những giai điệu trong nhạc phẩm Hòn Vọng Phu 1.”

Vậy là Hòn Vọng Phu 1 được ra đời năm 1943 tại Bến Tre, nơi ông dạy học. Ở Hòn Vọng Phu 1 có 4 câu sau đây mà tôi đồ rằng đó chính là cái “Key” để dẫn dắt hành trình tâm lý cho cả bài trường ca: “Chiêng trống khua trăm hồi,/ ngần ngại trên núi đồi,/ rồi dậy vang khắp nơi / thắm bao niềm chia phôi…”

Cuộc xuất binh đầy thanh thế, trống đánh chiêng khua, cờ bay phất phới, nhưng, trước khi âm thanh ấy bừng bừng vang dội khắp nơi thì nó lại có một khoảng thời gian “ngần ngại” như một dấu lặng. Lê Thương đã hết sức tinh tế, khi tả cái tình huống vừa hùng tráng của phút ra quân, vừa là nỗi lòng trước cảnh chia ly không hẹn ngày trở lại. “thắm bao niềm chia phôi” của kẻ chinh phu và người chinh phụ. Bài hát là một hành khúc hùng tráng được viết ở cung Re thứ. Từng cụm âm thanh xô đẩy nhau diễn tả khí thế xuất binh… đến phần kết thúc bằng 2 câu: “Người tung hoành bên núi xa xăm, Người mong chồng còn đứng muôn năm” thì nhạc chậm lại và dứt bằng nốt chủ âm vang vọng.

image006
- Hòn Vọng Phu II - Ai Xuôi Vạn Lí


(Hương Nam xuất bản vào tháng 10 năm 1946)
Trong thư viết gửi bác sĩ Phương Hương , nhạc sĩ Lê Thương cho biết: “Bài Ai Xuôi Vạn Lý (Hòn Vọng Phu 2) là cuối năm 1945 sang 46, tôi theo kháng chiến tỉnh Mỹ Tho đi từ Cai Lậy, thuộc Nhiêu, Vĩnh Kim qua sông, đi với các em phần đông là học sinh Petrus Ký mà tôi là trưởng đoàn Ca Nhạc với những bài thanh niên lịch sử và riêng Hòn Vọng Phu 1 nghêu ngao qua các làng dừa từ Thành Triệu, An Khánh, Phú An Hòa, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa, cho đến Dòng Sầm, gần Bình Đại...

Bỗng Tây đem tàu tấn công 3 Cù Lao, Minh, Bảo, An Hóa. Tiếng Canon 75 bắn tủa vào các bờ sông có dừa, máy bay phun lửa “spitfire” từ trời bắn xuống. Đoàn phải tan rã các em trong đoàn chạy hầu hết về gia đình, chỉ còn tôi và người bạn Ánh (nay đã chết) trốn được vào vùng lá Dòng Sầm cách Bình Đại 4 cây số.

Chúng tôi được vài gia đình người Cao Đài làm đầu tộc đạo nơi đó thương xót giấu trong bìa lá và giúp lương thực sống trong sự khủng khiếp hằng ngày vì tên Pháp lai Leroy và bọn lính Partisans đầu đỏ xục xạo làng xóm gieo khủng khiếp. Lúc đầu chúng tôi còn trốn vào sâu trong ruộng, đem gạo cơm đi ăn tối về nằm trong kho lúa. Sau vì còn thấy nguy hiểm nên anh tư- bà con với ông đầu tộc đạo dẫn chúng tôi vào bìa lá dòng Sầm dày 4,5 trăm thước sát cửa biển Bình Đại.

image002
Các nhạc sĩ Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương năm 1949.

Tại nơi yên tĩnh này chúng tôi được sống bên bờ rạch dày đặt lá dừa nước! May mà còn chiếc mùng “Tuin”(tulle) để tránh muỗi, đêm đêm nghe dế than, cá thòi lòi đập đuôi lạch bạch dưới sình và tâm hồn lo âu vô vọng. Tôi hay nghĩ đến sự chết thê thảm cô đơn và lẩn vẩn trong trí óc sự tiếc nuối mênh man như lòng người chinh phụ trong giang san Đèo Cả.

“Thôi đứng đợi làm chi. Thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly.”

Nhờ cây viết máy Kaolo khô mực và nước rạch nhỏ vào cho ướt lại, tôi viết mấy ô nhịp trên.

Tâm hồn rạo rực trong mỗi buổi chiều tà làm bốc lên những tiếng mới của bài Hòn Vọng Phu 2, tức Ai xuôi vạn lý, được ghi vội vã lộn xộn nhưng cuồng nhiệt như tâm hồn tôi ghì lấy sự sống.”

Qua lời tỏ bày của Lê Thương, chúng ta thấy được nhờ sự gian nan, thiếu thốn mà ông bật lên những cung nhạc tài hoa trong Hòn Vọng Phu 2. Những lần chạy trốn hiểm nguy, cái chết cận kề, cái chết luôn lảng vảng trước mặt, bằng sự cảm nhận thiết tha với sự sống, ông đem hòa nhập những điều này vào nỗi lòng chinh phụ.

Phần đầu, expressivo, ông ông dành cho người hát diễn tả tự cảm xúc. Chính vì vậy 2 câu:

“Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ, Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ, cho đến bây giờ đã thành / đoàn cổ thụ già” nhờ một dấu nghỉ giữa 2 chữ “thành” và “đoàn” làm ta cảm nhận được cái dài đằng đẵng của thời gian. Từ lúc xuất chinh, cỏ cây chỉ là thơ trẻ mà giờ đây đã trở thành một khu rừng cổ thụ!

Bài Vọng Phu 2 là bài đặt biệt nhất trong 3 bài. Đặc biệt vì 2 bài kia chỉ thuần là kể chuyện; riêng bài này Lê Thương, trong lúc xuất thần ông thấy mình đang là chứng nhân của cảnh người vọng phu cương quyết trơ gan cùng phong nguyệt, đứng lặng nhìn về phía trời xa, một dạ đợi chồng. Ông không còn đóng vai kể chuyện nữa mà nhập vào câu chuyện trong cổ tích để nói lên nỗi lòng thương cảm của mình với nàng chinh phụ. “Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng, Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng. Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ. Những người mang mệnh biệt ly…”

Sự thương cảm đã được đẩy lên cao độ, ông quý yêu nàng, khâm phục nàng bằng tất cả tấm lòng nên tôn xưng nàng là “Bà”. Chữ bà được trịnh trọng viết hoa trong bản nhạc. Bà là danh xưng tôn quý dành cho những người phụ nữ có công đức, tài ba giúp đỡ dân lành. Được thờ tự trong am miếu.
Một chi tiết mà có lẽ ít người để ý là “Trời chuyển mưa trong tiết tháng ba, Suốt năm nước nguồn tuôn đổ xuống "Bà", hình hài người bế con nước chảy chan hòa”. Dân gian có câu “Tháng Ba bà già đi biển” ý nói thời tiết vào tháng Ba ở vùng biển rất là tốt, biển êm sóng lặng, không hề có mưa giông gió bão. Thế nhưng lòng son sắt của người đàn bà chờ chồng kia đã động đến thiên đình, dù theo thông lệ không cho mưa vào tháng ba, trời làm mưa như thác đổ, để giúp nàng quên đi cái nắng đổ lửa, cái gió cát xốn xang lòng mắt. Và cũng để “Thấm vào đến tận tâm hồn đứa con”.

Nhìn tượng vọng phu trên dãy Trường Sơn, ông lãng mạn giải thích, núi non thương tình nên kéo nhau đến kính cẩn quì trước mặt nàng tung hô tình yêu bất diệt, và, từ đấy, núi non không đi nữa cùng ở lại với nàng, trở thành dãy Trường sơn của nước Việt. “Nên núi non thương tình, kéo nhau đi thăm nàng Nằm thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước Nam.”

Nhiều đồi núi khác cũng động lòng ”rủ nhau kéo thành đảo xa, ra tới tận khơi ngàn... Xem chàng về hay chưa?”

Cũng vậy, sức liên tưởng, tưởng tượng của Lê Thương thăng hoa đến nỗi ông biến dòng sông Cửu Long thành “Chín con long thật lớn, muốn đem tin tới nàng, Núi ngăn không được xuống, chúng kêu ca dưới ngàn.”

Cũng trong bài 2 có 4 câu sau đây, tưởng cũng nên lạm bàn đôi chút: “Có con chim nhỏ bé / Dám ca câu sấm thề / Cuối thu năm Mậu Tý / Tướng quân đem kiếm về…”

Tại sao “Cuối thu năm Mậu Tý”mà không là một năm Dần, Mẹo nào đó?

Lê Thương sáng tác Hòn Vòng Phu 2 vào cuối 1945 sang đến 1946, Bính Tuất. Thời gian ngắn nhất là 2 năm nữa, là năm Mậu Tý (1948). Vậy thì chỉ có năm Mậu Tý là năm gần nhất và khả thi trong âm nhạc để tướng quân đem kiếm về!

image008
- Hòn Vọng Phu III - Người Chinh Phu về


(Dân Tộc xuất bản lần đầu vào năm 1949)

Thời điểm năm 1947 là lúc nhạc sĩ Lê Thương trở về lại Sài Gòn, cũng là thời gian ông viết bài Hòn Vọng Phu 3 để hoàn tất một trường ca bất hủ. Ông nói: “Người Chinh Phu Về (HVP3) với tình nghĩa vợ chồng đổi sang tình nghĩa non sông, nhìn đứa con để trao cho nó thanh kiếm sơn hà. “Trao nó đi gây lại cơ đồ”. Linh tính làm người Việt Nam giữa thời khói lửa vẫn đinh ninh là Hạnh Phúc vẫn là mục tiêu không kỳ hạn mà dân tộc phải tìm lâu dài cho đến khi quân bình được những cảm tình trái ngược mà lẽ đời sôi động của cuối thế kỷ đã lôi cuốn bao lớp người vào lãng phí sinh mạng như vào hận tủi bi thiết của nhân sử nòi Việt.”

Không cần phải có hòa âm, phối khí gì cả, chỉ cần khi xướng âm nó chúng ta vẫn nghe, thấy được tiếng vó câu dồn dập, tiếng ngựa hí vang trời của đoàn quân trở về trong niềm vui chiến thằng: Đường chiều/ mịt mù/ cát bay/ tỏa bước ngựa phi…

Sau đó là nhịp điệu chậm lại, diễn tả mối thương tâm của người chinh phụ khi phải chứng kiến cảnh hoang tàn của mộ bia của đình làng như một sử tích:

“…Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang động trong lòng…”

Đến đây, Lê Thương lại nẩy sinh một ý kiến mới, một ý kiến tích cực hơn trong câu chuyện có nhiều phần tiêu cực là hướng đến sự thiêng liêng cao cả của truyền thống chống ngoại xâm, khác đi huyền thoại nhân gian kể về sự tích Hòn Vọng Phu. Trong truyện kể khi người chinh phu trở về, người vợ Tô Thị bồng con lên núi chờ chàng và đã hóa đá. Nhưng Lê Thương vì muốn nêu cao tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm từ thế hệ này sang thế hệ khác của dân tộc Việt Nam. Thanh gươm báu tượng trưng cho lòng yêu nước được kế thừa nên ông đã kể lại rằng: Nàng chinh phụ nhắn, xin lỗi chồng phải nhờ người khác trông nom đứa con, để mình nàng đến tận mỏm núi cao mà vời vợi trông chàng: “Hỡi người chinh phu, anh hùng non sông/Trao người con quý cho người trông nom/ Thiếp xin lỗi thề”.

Nên chi, khi người chồng trở về: “Cầm chiếc gươm chinh phụ di truyền/Chàng bế con trao lại gươm bền/ Rồi chỉ vào sơn hà biến cố /Trao nó đi gây lại cơ đồ”.

*

Sức sống của trường ca Hòn Vọng Phu hơn 70 năm qua, được trình diễn từ những ca sĩ lừng danh, những ban hợp ca chuyên nghiệp cho đến nghiệp dư, các trường học. (Người viết bài này cũng từng hân hạnh đứng trong ban họp ca trường học của mình để tập hát Hòn Vọng Phu).

Phạm Duy đã viết trong hồi ký: “Trong số những bạn đồng nghiệp, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương…” và, "…Tôi cũng cho rằng trong làng tân nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài nhạc, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng thông điệp…”

Không chỉ Phạm Duy mà nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác đều tỏ lòng quý mến, khâm phục tài năng âm nhạc của Lê Thương, nhạc sĩ Văn Cao cũng thừa nhận ông đã ảnh hưởng Lê Thương trong việc học tập và kế thừa nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Thu but LT_ OK
Thủ bút Lê Thương viết từ Saigon cuối thập niên 80’, gửi Bác sĩ Phương Hương.

III. Một Vài Kỷ Niệm

Tôi hân hạnh được quen biết và cảm mến nhạc sĩ Lê Thương khoảng năm 1984 hay 1985, không nhớ rõ. Ông dáng người có vẻ phốp pháp, cặp mắt kính dày cộm, giọng nói trầm, ấm. Ông nói năng giản dị nhưng ân cần, điểm giữa là những tiếng cười, có khi thật hiền, có khi thật sảng khoái; ông làm người nghe cuốn hút theo.

Hiểu biết của ông về âm nhạc, về lịch sử, về văn chương thì hẳn là mênh mông. Đây là lần đầu tiên tôi mới biết bài Học Sinh Hành Khúc mà tác giả chính là ông. Những học sinh trước năm 1975 hầu như ai cũng quen thuộc, từng hát bài này, quen thuộc đến độ đã không ít người hát “chế” câu đầu thành “Học sinh là người hũ tiếu ăn hai ba tô”. Tôi nhớ mãi câu nói thật vui, thật hóm hỉnh của ông mục đích là dặn tôi nhớ số nhà để sau này trở lại chơi. “ Thuốc ba con 5 thì dễ nhớ rồi phải không, vậy thì nhớ ông Lê Thương chỉ hút 2 con 5 thôi nhé” (Nhà ông ở số 55 đường Bùi Viện.) Những năm tháng về sau tôi thường đến nhà ông, để được nghe những lời nói, những câu chuyện thật hóm hỉnh nhưng sâu sắc của ông. Lúc nào ông cũng rất lịch sự lắng nghe tôi nói, đối xử với tôi như người ngang hàng. Đây là một đức tính rất hiếm hoi ở người lớn đối với hậu sinh nhỏ thua mình trên 30 tuổi.
Sau 1975 ông có soạn một tập sách, đặt tên là Tạp Sự, ghi lại những chuyện đời của các ca nhạc sĩ cải lương, tân nhạc miền Nam được khoảng trên 300 trang viết tay. Khi Lưu Hữu Phước vào Nam, ghé thăm ông, biết cuốn này, muốn xin ông đem in, ông hẹn trả lời sau. Mấy hôm sau khi nhà thơ Huy Trâm đến chơi ông đem việc này hỏi ý, Huy Trâm nói in nguyên văn thì cũng tốt nhưng sợ là họ thêm bớt chi đó làm hại đến công trình tâm huyết của mình. Sau đó Lê Thương không nhắc đến việc này nữa.

Những văn nghệ sĩ thường lui tới nhà ông giai đoạn này mà tôi thỉnh thoảng gặp là các nhạc sĩ: Lê Cao Phan, Nguyễn Hữu Thiết, Châu Kỳ, Đức Quỳnh, Bắc Sơn… các nhà thơ như Huy Trâm, Tô Như, Hải Phương… Ông lúc nào cũng niềm nở, ân cần và khiêm tốn với tất cả mọi người. Ông luôn nói với những người nhỏ thua ông nhiều tuổi, trong đó có tôi, là hãy cứ gọi ông bằng anh cho thân tình văn nghệ.

Đã ngoài 70 tuổi nhưng Lê Thương rất khỏe, ông đạp xe đạp đến tận Gò Dưa để thăm mộ Hoàng Trúc Ly. Nhiều lần ông và tôi mỗi người một chiếc xe đạp, cót két đạp từ Sài gòn xuống Thủ Đức, đều đi về trong ngày. Ở Thủ Đức có chị Kiêm Lang là một người rất yêu thích văn chương, ca nhạc thường mời anh chị em văn nghệ sĩ xuống nhà chơi, đãi đằng, văn nghệ, có cả lén nhảy đầm. Nhạc sĩ Đức Quỳnh là người có những bước nhảy rất đẹp, thường nhảy biểu diễn, được mọi người vỗ tay tán thưởng thật nhiều.

Khoảng năm 1988, một hôm Ông bảo tôi rằng Ôâng được Thông Tin Văn Hóa Sài Gòn, qua nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, cho phép tổ chức Đêm Nhạc Lê Thương. Tôi rất vui mừng khi nghe tin này, vàtôi thật ngạc nhiên khi ông bảo là nhờ tôi viết script cho chương trình. Tôi hơi hoảng, xin từ chối vì không đủ khả năng. Ông cười tuềnh toàng, nói tôi đã nghĩ rồi, anh làm được mà, gắng giúp tôi đi nhé. Sau đó ông sắp xếp đưa tôi đi gặp một số ca sĩ như Thanh Lan, Hồng Vân… và ca đoàn nhà thờ ở Ngả Tư Bảy Hiền. Việc chưa đi vào đâu thì ngoài Hà Nội gửi điện vô báo là cho phép tổ chức Đêm Nhạc Lê Thương với điều kiện chỉ được trình diễn nhạc của Lê Thương từ trước năm 1945. Ông báo tin cho tôi bằng giọng nói thật bình thường chẳng chút buồn bã. Ông nói thêm là anh biết đấy trước 45 tôi đâu có đủ nhạc để trình diễn một chương trình dài như vậy. Rồi ông cười khè khè. Thế là “Đêm Nhạc Lê Thương” im lìm hủy bỏ.

image014
Bà Lê Thương, với di ảnh và tượng Lê Thương do người bạn thân là nhạc sĩ Lê Cao Phan điêu khắc.(Ảnh 2016)

Năm 91 tôi đi Mỹ, khoảng ba bốn năm sau, hay tin ông bị mất trí nhớ nặng. Ông mất vào năm 1996 trong sự bàng hoàng thương tiếc của anh chị em trong giới văn nghệ và cả dân chúng nữa.

Lê Thương, một nhạc sĩ tài ba, một vị thầy giáo tài giỏi, đức độ, một người nặng lòng với nước non, một nghệ sĩ lãng mạn với tâm hồn bay bổng thanh cao. Tình yêu trong âm nhạc của ông là một loại tình yêu không đắm chìm trong thân phận, dang dở yêu thương của đời thường, mà ông hướng về sự thanh cao, trong sáng như trăng rằm, keo sơn son sắt như “Bà” Tô Thị. Ông phả vào tâm hồn thanh niên học sinh những câu ca “vì dân, vì nước”. Nói về tính hài hước của Lê Thương, người quen biết với ông đều nhận thấy. Trong đời sống thường hằng, cũng như qua những bài nhạc như: Hòa Bình 48, Đốt Hay Không Đốt… Lê Thương đã cho chúng ta những nụ cười mỉm nhẹ nhàng nhưng nhiều khi nôn cả ruột. Nhưng nếu tôi được chọn trong 2 từ ngữ hài hước và dí dỏm để chỉ về ông, tôi sẽ chọn dí dỏm. Vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc. Vừa thâm trầm vừa trí tuệ. Vừa hóm hỉnh vừa chừng mực. Không có sự nhố nhăng, hời hợt hay quá khích trong tinh thần hài hước của Lê Thương.

Hiện nay, căn nhà số 55 đường Bùi Viện Q. 1 Sài gòn của nhạc sĩ Lê Thương may mắn chưa đổi chủ. Bà Lê Thương năm nay 86 tuổi, vẫn còn sống nhờ sự chăm sóc của người con gái tên Thủy trong căn nhà giữ y như ngày xưa. Chị Thủy cho biết là khoảng 10 năm qua, chị đại diện cho gia đình hằng quý nhận được tiền tác quyền nhạc của ông khoảng vài triệu đồng (gần 100 Đô Mỹ) từ Hội Bảo Vệ Tác Quyền Âm Nhạc Việt Nam tại Sài Gòn.

Thật là tình cờ, tôi viết những dòng chữ cuối cùng này vào ngày 17-9-2016, đúng hai mươi năm ngày qua đời của nhạc sĩ Lê Thương và cũng là đêm hội tết Trung Thu của miền Nam California. Trên TV đang trình chiếu cảnh tết Trung Thu cho các em nhi đồng tại khu một khu thương mại. Các thiếu nhi ăn mặc quốc phục, có em còn đội khăn đóng nữa, tay cầm lồng đèn đi tung tăng, hát ngọng ngịu: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ…” Lòng tôi không khỏi cảm hoài nhớ người nhạc sĩ tiên phong của nền âm nhạc Viêt Nam, giờ đây đã “mờ mịt thức mây”. (Chinh Phụ Ngâm).

Đặng Phú Phong

Tài liệu tham khảo: Nhaccodien.info, Zin.vn.co, amnhac.fm, cafevannghe.wordpress.com, motgoctroi.com, langmai.org, Wikipedia.org, lyric.tkaraoke.com, Khanhly.net, Hồi Ký Phạm Duy (NXB Trẻ-2008).

Source:
https://vietbao.com/p263835a265319/nhac-si-le-thuong-70-nam-hon-vong-phu

Thursday, March 23, 2017

Giai Thoại Về Nhạc Phẩm "Làng Tôi"

Phan Văn Thanh

Cựu Học Sinh Văn-Đức Lớp 12C Niên Khóa 1972 – 1975

"Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!.."





Làng Tôi
Sáng tác: Chung Quân
Hát: Thiên Kim

Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ ê kíp điều hành, bầu sô, đạo diễn… đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy (1952).

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.

Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.


Nhạc sĩ Chung Quân

Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.

Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc "Làng Tôi" xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

"Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn... người bốn phương..."


Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.

Hành trình về phương Nam


Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc... Cũng khoảng thời gian 1955 - 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.

Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân:
- Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?

- Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.

Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.

Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.

Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.

Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông


Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.

Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ…


Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.

Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.

Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư: "Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ?" Thầy trả lời: "Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời!"

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.

Phan Văn Thanh





Tuesday, March 21, 2017

Hệ Thống Hướng Dẫn B.O.B.S.

KB Đào Đức Vinh

Đôi lời giới thiệu người viết của Cựu Trung Tá Nguyễn Cầu nguyên CHT Trung Tâm 2 Kiểm Báo ở Đà Nẵng:

Anh Đào Đức Vinh tác-gỉa bài viết dưới đây là người CHT Đài Hướng-Dẫn BOBS Pleiku cho tới gìơ phút chót của cuộc chiến. Anh Vinh là một Sĩ-Quan Kiểm-Báo thuộc thành phần ưu tú. Anh đã tốt nghiệp Khóa Sĩ-Quan Hướng-Dẫn Nghênh Cản (Weapons Controller) tại Hoa-Kỳ với lời-phê-chuẩn "Xuất-Sắc" và Anh cũng tốt nghiệp Khóa Sĩ-Quan Hướng-Dẫn Oanh Kích với lời phê-chuẩn tương-tự. Hai Sĩ-Quan CHT đồng nghiệp với anh là anh Trần-Văn-Hàn, CHT Đài Hướng-Dẫn BOBS Sơn-Chà (Đà-Nẵng) đã chết khi ra khỏi tù VC và Võ-Văn-Thông, CHT Đài Hướng-Dẫn BOBS Biên-Hòa đã chết trên đường vượt biển. Với sự hiểu-biết đầy-đủ và cặn-kẽ về Hệ-Thống B.O.B.S. trên thực tế, anh Đào Đức Vinh là nhân chứng đáng tin-cậy nhất về sự xuất-hiện và hoạt-động của hệ-thống này trong Không-Lực VNCH cho tới khi cuộc-chiến chấm dứt.


Tư trái sang phải:
Cựu Đại Úy Đào-đức-Vinh,Trưởng Đài BOBS Pleiku
Cựu Trung-Tá Nguyễn-Cầu, CHT Trung Tâm 2 Kiểm Báo (Sơn Trà/ Đà Nãng-Panama Control)
Cựu Đai-Tá Nguyễn-Hồng-Tuyền,CHT Căn Cứ Phù Cát
Cựu Đại-Tá Lê-Văn-Thảo, Không Đoàn Trưởng KĐ 92CT. Leader Phi Tuần nang A-37,
dùng BOBS giải-tỏa vòng vây VC âm mưu tràn ngập CC Phù Cát 

1- Sự thành hình hệ-thống BOBS:

Vì nhu-cầu chiến-sự ở miền Nam V.N., vào năm 1971, Không-Lực V.N.C.H. tiếp-nhận một số máy-móc và thiết-bị điện-tử để thiết-lập một hệ-thống thả bom chính-xác gọi là hệ-thống B.O.B.S. (Beacon Only Bombing System). Hệ-thống này vận-hành theo nguyên-tắc định-hướng bằng vô-tuyến-đăng (radio beacon) để hướng-dẫn phi-cơ đến mục-tiêu. Ba Đài Hướng-Dẫn được thành-lập và phối trí tại: Đà-Nẵng (Đỉnh Núi Sơn-Chà), Pleiku và Biên-Hòa. 

Về mặt thống-thuộc, tổ-chức và điều-hành, hệ-thống Hướng-Dẫn này được sát-nhập vào tổ-chức của Liên-Đoàn-Kiểm-Báo, thuộc Không-Lực VNCH, một tổ-chức mà trước đó chỉ bao gồm các Trung-Tâm và Đài Kiểm-Báo. Để dáp-ứng kịp thời nhu-cầu chuyên-viên điều-hành Hệ-Thống Hướng-Dẫn, một số Sĩ-Quan và Hạ-Sĩ-Quan chuyên-viên đương-nhiệm của hệ-thống Kiểm-Báo được chỉ-định thụ-huấn đặc-biệt về hệ-thống B.O.B.S. trong đó chủ-yếu có chương-trình thực-tập thật sự với phi-cơ trong các phi-vụ huấn-luyện, để đảm-bảo hiệu năng tối đa cho công-tác hướng-dẫn. Sau một thời-gian huấn-luyện ngắn, khi các trách-vụ Hành-Quân và Kỹ-thuật đã được đảm-bảo, các Đài Hướng-Dẫn B.O.B.S. được lần-lượt xác-định sẵn-sàng Hành-Quân ( Operational ready ), và chính-thức hoạt-động thật sự ngay sau đó, với thành-phần điều-hành thuần túy là các Sĩ-Quan, Hạ Sĩ-Quan chuyên-viên của Không-Lực VNCH.

2-Tổ chức:

Một Đài BOBS gồm có 3 Ban: Ban Hành-Quân, Ban Bảo-Trì và Ban Hành-Chánh và Văn-Thư.

3-Máy móc trang bị:

Máy móc trang bị cho một Đài thường rất gọn nhẹ đáp ứng cho nhu-cầu di-động mau lẹ và đáp ứng cho các chiến-trường khác nhau. Một chiếc trực-thăng CH-47 có thể đủ để di chuyển cho một Đài (Điều này đã được chứng minh khi KQVN di-chuyển Đài BOBS từ Phi-Trường Phú-Bài về đỉnh đồi 625 trên Bán Đảo Sơn-Chà).

Đài BOBS được trang bị:

- Một Antenna đĩa để theo dõi và Lock-In phi-cơ di-động.
- Một máy phát điện nhỏ dùng riêng cho hệ thống Computer.
- Một hệ thống Computer gồm:

* Unit 1- Nhận các yếu-tố về tốc-độ, độ-cao của phi-cơ xử dụng cho phi-vụ thả bom và sẽ Lock-In tín hiệu dội về của phi-cơ này.

* Unit 2- Nhận các yếu-tố nhưloại bom xử-dụng, tốc-độ và hướng gío trên mục-tiêu cũng như Nhiệt-độ, hướng bay (Heading to Target) của phi-cơ để tới mục tiêu.

* Unit 3- Giữ vai-trò quan-trọng nhất Unit 3 sẽ xác-định khi nào bắt đầu 10 giây " Đếm ngược" (10 seconds of Countdown Tone). Hoa-tiêu nếu vào đúng đường bay, sẽ nghe tiếng máy đếm ngược từ 10 lui lại tới 0 (Zero). Tới 0 Hoa-Tiêu sẽ bấm nút thả bom.

* Unit 4- Chuyển các tín hiệu dội về của phi-cơ đang thi hành phi-vụ và trình bày trên Plotter để theo dõi đường bay vào mục tiêu.

4-Mô tả một phi-vụ thả BOM bằng BOBS:

Đài BOBS nhận hướng dẫn các phi-vụ oanh-tạc qua Đoản Lệnh Hành-Quân (Frag order) xuất phát từ Bộ-Chỉ-Huy Hành-Quân Không-Quân hay Trung-Tâm Hành-Quân Không-Trợ.

Để sửa soạn cho một phi-vụ thả bom, tại Đài BOBS :

A- Toán Bảo-Trì phải mở toàn bộ các máy ít nhất 1 tiếng đồng hồ trước phi-vụ

B- Sĩ-Quan điều-hành Hành-Quân sẽ xử-dụng bản đồ tỷ lệ 500.000, chấm tọa-độ thật chính-xác các mục tiêu (nếu bản-đồ bị nghi-ngờ là quá cũ, không-ảnh sẽ được xử-dụng để điều-chỉnh), vẽ trước đường bay (Attack Heading) chính và đường bay phụ. Đưa các yếu tố ở phần 1 vào hệ-thống Computer. Kiểm-chứng theo hàng ngang và hàng dọc đối với mục-tiêu để xác định tọa-độ mục tiêu là "Địch", cũng như xác định vị-trí "Bạn" ở gần mục-tiêu (nếu có). Thử các tần số chính và phụ.

C- Đến giờ H+1. Thường Đài Kiểm-Báo bàn giao các phi-cơ thi-hành phi-vụ thả bom cho Đài BOBS. Đài BOBS sẽ nhận lãnh và bắt đầu hướng dẫn. Sĩ-Quan Hướng Dẫn sẽ hướng Antenna đĩa về phía phi-cơ cho đến khi "Lock-on" được trên màn ảnh (Scope) có nghĩa Computer đã ghi nhận vị-trí của phi-cơ và sẵn-sàng phát tín-hiệu hướng dẫn dưới dạng Code Morse để cho hoa tiêu điều-chỉnh đường bay đúng trong hành lang để tiến tới mục-tiêu (beacon homing). Hành lang là một Hành Lang Không Gian có bề ngang từ 10 mét tới 20 mét, được chỉnh trước trong Computer. Trục giữa của hành-lang sẽ là trục thả bom. Qua hai yếu-tố trên chúng ta sẽ hiểu ngay rằng sai biệt "Chính-xác" cho phép có thể là 10 mét hay là 20 mét đối với mục-tiêu.

- Nếu hoa-tiêu bay đúng trục hành lang sẽ không nghe thấy tín hiệu Morse.

- Nếu hoa-tiêu bay lệch sang phải, hoa-tiêu sẽ nghe thấy tín-hiệu morse của chữ A (. -) hoa-tiêu phải chỉnh phi-cơ sang trái.

- Nếu hoa-tiêu bay lệch sang trái, hoa-tiêu sẽ nghe thấy tín-hiệu morse của chữ N (- .) hoa-tiêu phải chỉnh phi-cơ sang phải.

Ngoài ra, nếu hoa-tiêu điều chỉnh sai như bay ngược hướng vào Hành Lang, tín-hiệu Morse đánh càng nhanh, và càng lại gần hành lang thì nhịp âm-thanh morse càng chậm lại cho đến khi lọt vào trong hành lang. Sau khi đã nằm trong hành lang, hoa-tiêu sẽ giữ đúng hướng cho tới 10 giây sau cùng trước mục-tiêu, máy sẽ đếm ngược (Countdown) từ 10, 9, 8, 7... đến 0 và hoa-tiêu bấm nút thả bom. Nếu hoa-tiêu bay lệch đường ở 30 giây sau cùng thì máy sẽ không phát ra lệnh Đếm Ngược, hoa tiêu sẽ vào mục-tiêu lần thứ 2. 

Thường thì các phi-vụ thả bom hay hỏa-công đều thi hành từ cao-độ 30,000 feet-35,000 feet nên súng phòng không của địch không bắn tới, ngoại trừ hỏa-tiễn phòng-không (SAM 2-3).

5-Các thành tích:

Trong cuộc chiến, BOBS đã cùng các Phi-Đoàn Khu-Trục và Vận-Tải đã đạt được những thành-tích vang dội khiến cho Việt-Cộng la hoảng trên Đài Phát Thanh Hà-Nội rằng B-52 của Hoa-Kỳ đã trở lại Chiến Trường Việt-Nam. Những phi-vụ đã được BOBS hướng dẫn:

- Thả Bom thanh toán mục-tiêu.
- Đánh Hỏa-Công.
- Thả-dù tiếp tế. 

Những thành-tích điển-hình nhất sau đây đã được ghi nhận:

* BOBS Sơn-Chà: Đánh Hỏa-Công giải tỏa Thường Đức. Đánh bom đường mòn Hồ-Chí-Minh.

* BOBS Pleiku: Đánh cầu Diên Bình trên Quốc-Lộ 14. Cầu Diên Bình nằm ở Địa-thế hiểm-trở, phòng-không dầy đặc, con đường đưa xe tăng T-54 từ ngã Kampuchia vào Vùng II Chiến-Thuật. CHT Đài BOBS Pleiku đã hướng dẫn phi-vụ này gồm 2 đợt: 

- Đợt 1 gồm 16 chiếc phi-cơ A-37 cất cánh từ Phi trường Phan-Rang thả bom diệt các chốt phòng không. 

-Đợt 2 gồm 16 chiếc A-37 thả ngay trên cầu và đã phá xập cầu. 

Sau cuộc oanh-tạc, không-ảnh đã xác nhận. BOBS và các Hoa-tiêu A-37 được tưởng thưởng huy-chương và 200,000 đồng VN từ Trung-Tướng Tư Lệnh Vùng II CT Nguyễn-Văn-Toàn.

* BOBS Biên-Hòa: Hướng dẫn thả-dù tiếp-tế chính xác cho Tống-Lê-Chân, An Lộc, hướng dẫn nhiều phi-vụ đánh Hỏa-công giải tỏa áp lực của VC.

Nếu trong cuộc chiến chống cộng, vào những năm tháng 1973-1975, chúng ta không bị cắt giảm số bom, đạn dược tiếp-viện qua chương trình viện-trợ Quân-Sự với khả-năng thanh-toán mục-tiêu trong moị thời tiết, BOBS và các Phi-Đòan của KQVN chắc-chắn còn có thể tạo nên nhiều thành-tích đóng góp hữu-hiệu cho cuộc bảo-vệ tự-do cho Miền Nam Việt-Nam.

KB Đào Đức Vinh

Monday, March 20, 2017

Du Học Hoa Kỳ

Huy Sơn

Chiếc Boeing 747, chở khoá sinh phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, rú lên rời phi đạo Tân Sơn Nhất, lấy hướng tới một đất nước xa xôi, cách Việt Nam nửa địa cầu là Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất thế giới về mọi mặt từ quân sự, khoa học, kinh tế đến đời sống văn minh. Chúng tôi ai nấy đều háo hức cho tương lai và tự nhủ sẽ quyết tâm học hỏi những điều hay của xứ người, để rồi khi hồi hương sẽ sẵn sàng phục vụ cho đất nước, trả lại phần nào công lao của chính phủ đã tin tưởng đặt trọng trách vào những người trai thời chiến.

Chúng tôi tuổi trên dưới 20, sinh quán tại ba miền: Trung, Nam, Bắc. Học vấn ngang nhau, trong đó có một thiếu uý xuất thân từ trường võ bị Đà Lạt, một chuẩn uý Bộ Binh và một chuẩn uý Nhảy Dù, còn lại là những sinh viên sĩ quan hiện dịch Không Quân đã đam mê mây trời, xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi Núi Sông.

Máy bay bay suốt 18 giờ đồng hồ, băng qua đại duơng và đáp xuống phi trường quốc tế San Francisco. Quang cảnh về đêm tại đây thật là rực rỡ, nổi bật nhất với chiếc cầu Golden Gate được treo bởi những sợi giây cáp lớn bắc ngang qua hai chân cầu khổng lồ, trông xứng đáng là một trong những kỳ công nhân tạo nổi tiếng trên thế giới.

Xe bus chở chúng tôi vào Travis AFB để ngủ qua đêm rồi ngày sau lên phi cơ quân sự, bay đến Lackland AFB thuộc tiểu bang Texas. Nơi đây có trường sinh ngữ Quân Đội dành cho các học sinh đến từ nhiều nước trên thế giới như Việt Nam, Do Thái, Iran ... Chúng tôi ở đây khoảng vài ba tuần, học qua ít lớp chuyên môn và thi khảo sát trình độ Anh Văn. Nếu ai không đủ điểm, sẽ phải hồi hương. Tuy thời gian ở đây rất ngắn, bận rộn học hành và thi cử, nhưng nó đã để lại trong chúng tôi kỷ niệm đặc biệt, lần đầu tiên được sống và hít thở khí trời trên một đất nước thanh bình, không có bóng giáng chiến tranh.

Căn cứ kế tiếp là Randolph AFB, cách Lackland AFB không xa. Chúng tôi lưu trú tại đây khoảng hai tháng, học lái máy bay T-41, chiếc máy bay cánh quạt, nhỏ bé chỉ có một động cơ do hãng Cessna chế tạo. Các thầy là những hoa tiêu dân sự, mhiề kinh nghiệm với hàng ngàn giờ bay. Cái cảm giác của lần đầu tiên được thầy cho cầm cần lái điều khiển con tầu nó ngỡ ngàng làm sao ấy! Lúc đó tôi phải đối phó với sự di động của chiếc máy bay ở trong không gian 4 chiều, khi nó thụp xuống, khi nó ngẩng lên, lúc nó quẹo trái, lúc nó quẹo phải. Tôi cố gắng kìm nó lại nhưng không được. Thấy vậy thầy tôi lấy lại cần lái, con tàu ngoan ngoãn không còn trở chứng. Tôi phục thầy sát đất.

Sau khi mãn khoá học bay T-41, chúng tôi đến Keesler AFB học lái máy bay T-28. Căn cứ này nằm cạnh sông Mississippi, chỗ đổ ra biển. Chương trình học kéo dài khoảng 8 tháng. Mỗi tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, xe bus đón chúng tôi lúc sáu giờ sáng và trả về Barrack lúc sáu giờ chiều. Dưới đất thì học lý thuyết, trên trời thì học bay. Trước đây cứ tưởng rằng khi nhập ngũ sẽ bớt việc sách đèn, giờ này mới vỡ lẽ, phải đành cam chịu. Lại nữa sống xa quê hương, bạn bè chẳng có, ai nấy đều dành hết thì giờ của mình vào việc học, nhờ vậy ngày mãn khoá, tỷ số đậu lên tới 99/100. Các thầy khen ngợi đủ điều, giấy tờ từ trên gởi về cho phép các phi công mới ra lò đi học đủ loại máy bay, nào là A-37, C-123, C-119, C-47 và C-7.


Keesler ABF

Thời gian chúng tôi lưu trú tại Keesler AFB tương đối khá lâu, nhờ vậy thỉnh thoảng chúng tôi có dịp tiếp xúc với các giới trẻ thuộc thành phần học sinh và hướng đạo ở ngoài căn cứ, qua những trận đá banh và đánh bóng chuyền giao hữu. Có lần chúng tôi cũng tổ chức đêm biểu diễn võ thuật, giới thiệu các môn võ gia truyền của Việt Nam và được họ hoan nghênh nồng nhiệt.

Tôi thuộc trong toán 14 khoá sinh dời đến England AFB học lái máy bay A-37. Thời gian của khoá học kéo dài khoảng 9 tuần. Lúc này chúng tôi tương đối được thoải mái, các thầy đối xử với học trò như là người bạn đồng nghiệp, không còn khó khăn như trước, chúng tôi được chỉ dạy các phương thức tác xạ và thả bom trong mọi tình huống nơi chiến trường.

Đặc biệt những phi vụ đánh đêm, khi máy bay nhào lộn lên xuống dễ làm đầu óc của người phi công rơi vào tình trạng vertigo (nhận định sai về vị trí trời đất), nhìn đèn thì tưởng là sao, nhìn sao thì tưởng là đèn, tai nạn có thể xẩy ta trong tích tắc. Ngoài sự nguy hiểm đó, cái không gian yên tĩnh về đêm được gắn bó cùng tâm trạng của người phi công và nỗi niềm này đã được diễn tả qua bài hát "Một Chuyến Bay Đêm", sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh-Song Ngọc qua giọng ca truyền cảm của nữ danh ca Thanh Thuý, đã được nhiều người ưa thích.

Bao lâu trông đợi ngày hồi hương, kết cuộc rồi nó cũng đến. Mọi người nao nức muốn thấy lại Quê Hương sau những năm tháng cặm cụi học hành nơi xứ người. Khi người phi công trưởng loan báo máy bay đang vào không phận của nước Việt Nam thì tất cả chúng tôi đều vui mừng, vỗ tay hoan hô. Bờ biển Việt Nam, hình chữ S dần dần hiện rõ dưới thân máy bay. Giây phút ấy chúng tôi mới cảm nhận rõ ý nghĩa xâu xa của câu nói "No place is more beautiful than our home land".

Huy Sơn



Friday, March 17, 2017

Thông Báo

Thông Báo 01

  1. Hạn Chót Đóng Tiền
    Từ nay cho đến hết ngày 31 tháng 5/2017 là hạn chót, nếu quý vị đã ghi danh nhưng chưa đóng tiền, BTC mạn phép KHÔNG XẾP BÀN cho quý vị. Tên của quý vị sẽ chuyển sang "bàn dự phòng", nếu xét thấy còn.

    BTC rất cần số người tham dự chính xác và số tiền tương ứng để đặt bàn cũng như để chi trả các chi phí về tổ chức.

  2. Y phục Hội Ngộ
    Quân phục được khuyến khích trong Hội Ngộ. Nếu không có quân phục, xin thay bằng y phục dạ hội.

  3. Mugs Kỷ Niệm
    BTC sẽ đặt từ 2 đến 4 mugs Kỷ Niệm Hội Ngộ SĐ6KQ tại mỗi bàn và một phong thư. Giá $5 một mug. Tự giác.

  4. Vé Tham Dự
    Quý vị nào đã đóng tiền mà chưa nhận Vé Tham Dự, xin vui lòng liên lạc BTC (KQ Huệ Trương, VoY & Sáu Lê) để nhận vé.

Xin kính Thông Báo,
Rất mong được quý vị quan tâm.

Thay mặt BTC

Bắc Đẩu Võ Ý



Saturday, March 4, 2017

Tập Hát Bài Ca Hội Ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân

Sinh Hoạt Chuẩn Bị Cho Ngày Hội Ngộ

Hôm nay, Thứ Bảy, ngày 04 tháng 3 năm 2017, lúc 1:00PM tại tư gia KQ Võ Ý,

Số tham dự gồm A/C Nguyễn Trọng Lễ 229, A/C Huỳnh Văn Đáng 229, A/C Trần Vê 243, chị Giang Thanh 229, chị Mỹ Tiên 241, Gấu Đen Nguyễn Công Vượng, KQ Đỗ Văn Khanh, KQ Tiêu Hồng Phước, KQ Phạm Văn Phú, KQBS Ngô Thế Khanh (YC & Khối QYHK Pleiku).

Tất cả các anh chị đã thích thú tập ca theo CD “Bài Ca Hội Ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân” (tác giả KQ Trần Duy Đức), do chị Giang Thanh đã thu âm từ trước.

Dù tác giả Trần Duy Đức vắng mặt, nhưng nhờ nhạc điệu và lời ca vừa hào hùng vừa tha thiết đã giúp các anh chị cảm hứng nên chỉ cần nửa giờ tự tập dợt là nhịp nhàng đâu vào đó. Bài ca nầy sẽ là một trong những tiết mục chính của Chương Trình Hội Ngộ.

Nhân dịp nầy, Ban Tổ Chức nhờ một số AC gởi Thiệp Mời (đã in xong) cho các bà quả phụ. BTC cũng gởi Vé Tham Dự (đã in xong) cho các AC đã đóng tiền phù hợp với số người ghi danh tham dự.

Con số ghi danh hiện nay là 425 người (chưa tính số quả phụ và số niên trưởng sẽ gởi Thiệp Mời).

BTC tạm thời ngưng ghi danh để kiểm điểm lại con số thực tế so với con số ghi danh (ví dụ ghi danh 01 bàn, nhưng thực tế chỉ tham dự 04 và đóng tiền 4 người!). Chúng tôi sẽ công bố con số sai biệt nếu thấy cần thiết.

BTC tri ân sự hưởng ứng ghi danh tham dự một cách nhiệt tình của quý chiến hữu, và cũng mong quý vị thông cảm cho giải pháp tạm ngưng ghi danh nêu trên.

BTC kêu gọi các KQ thuộc SĐ6KQ nhanh chóng đóng tiền để nhận Vé Tham Dự. Nhờ các AC trong BTC bỏ chút thì giờ kêu gọi đồng đội và thân hữu của mình tiếp tay với BTC giải quyết vấn đề “đầu tiên” nầy.

Thân kính,
Thay mặt Ban Tổ Chức
KQ Võ Ý