Tuesday, December 27, 2016

Chương Trình Nhạc Thính Phòng Chọn Lọc

Hoàng Khai Nhan

Thực Hiện & Dàn Dựng

Click on the video above to play all
Hope You Enjoy the Music Videos!
If you like what you hear/see, please forward to your friends
Thank you!



Giờ Ti-Ô-Ti

Võ Ý

Ông Sáu Cà-nông gốc quân nhân Cộng hòa nên ông rất réc-lô vấn đề giờ giấc. Ngay sau khi nhận được thiệp cưới cháu Trung Quân, con của ông bà Trung Liên, là ông ghi ngay các chi tiết ngày giờ và địa điểm lên tờ lịch. Sự cẩn thận nầy rất bổ ích cho tuổi già.

Đúng ngày hẹn, mới bốn giờ chiều mà ông đã chuẩn bị các cái đâu đó sẵn sàng. Ông không mất thì giờ chọn bộ đồ vét thích hợp cho mùa Thu. Tứ thời bát tiết ông chỉ có trần mỗi một bộ vía mang từ quê nhà qua. Chả bù với bà Sáu xum xuê xí xọn, lựa tới lựa lui, thử ra thử vào cả chục bộ mà vẫn chưa vừa ý bộ nào. Ông Sáu sốt ruột:

- Lè lẹ lên bà, người ta mời 6 giờ, bây giờ đã hơn 5 giờ rồi!

Bà Sáu nguýt dài một cái, rất chơn chất và hồn nhiên:

- Gì mà hối dzữ dzậy ông? Đi ăn cưới chứ có phải chạy giặc đâu mà lẹ với không lẹ?

Hình như cảm thấy chưa diễn đạt hết ý, bà Sáu bồi thêm:

- Xưa nay đám cưới đám tiệc nào cũng dzậy, thiệp mời ghi 6 giờ thì sớm nhất 8 giờ người ta mới khai mạc. Bộ ông không hiểu điều sơ đẳng nầy sao mà thúc với hốỉ?

Chiến sĩ Sáu Cà-nông rất bất bình với luận điệu hồn nhiên nầy, nhưng đành nín thở để được qua con sông dài... ấm ức:

- Thì tôi sợ đường xa, kẹt xe nữa đó bà!

Cuối cùng, ông bà Sáu rời nhà vào lúc 6:30 chiều. Hơn ba mươi phút bon bon trên xa lộ, ông bà đến nhà hàng lúc 7 giờ 5 phút. Khách khứa cũng chưa đông lắm. Ông bà dễ dàng tìm được chỗ ngồi cùng bàn với vợ chồng ông Hai Cà-cuống, bạn mới quen vài năm nay:

- Ông bà đến lâu chưa? Bà Sáu hỏi.

- Cũng vừa mới đến trước anh chị chừng mười phút. Và để tỏ mình là người thạo đời, bà Hai luận tiếp:

- Người mình thiệt là kỳ, không bao giờ đi dự tiệc đúng giờ. Tôi phải bỏ dở bộ phim chưởng đang hồi gay cấn, cái ông Hai nầy cứ hối thúc hoài, biết thế giờ nầy đi cũng còn kịp!

- Cái ông nhà tôi cũng dzậy - bà Sáu tiếp lời - chứ có khác gì, cứ dục hoài làm tôi xỏ đại đôi giày không vừa ý. Nói đến đây bà Sáu quay sang ông chồng:

- Hay là ông đưa tôi về thay đôi giày khác, trể chút xíu chả sao!

Ông Sáu Cà-nông dù nể vợ cách mấy ông cũng không thể chiều bà trong trường hợp nầy, vì ngay sau đó, lúc 8 giờ 10 phút, xướng ngôn viên đã trịnh trọng tuyên bố khai mạc tiệc cưới với các tiết mục hết sức rình rang.

Sau thủ tục khai mạc là nhập tiệc. Trên mỗi bàn có bản thực đơn gồm 12 món, toàn sơn hào hải vị. Suốt buổi tiệc, các ông các bà trao đổi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Ông Hai Cà-cuống gốc Bắc 54, di cư vào Nam làm công chức. Ông có vẻ tâm đắc với Ông Sáu trong mọi chuyện lưu lạc xứ người, từ công ăn việc làm, sinh hoạt cộng đồng, đến cả vấn đề giờ giấc.

Ông xướng ngôn buổi lễ, là họ hàng Nhà Gái đến từ Cali. Ông mở đầu buổi tiệc bằng đôi vần ví von ngộ nghĩnh:

Không mập không lùn không phải Mễ
Không đi trễ không phải Việt Nam!

Ông giải thích ở Cali có khu vực toàn người Mễ ở, chuyên trồng đậu phụng (đậu lạc), chắc là do ăn nhiều đậu, nên người nào người nấy mập béo thù lù. Ông ví von như vậy, không hẳn đúng một trăm phần trăm, vì cũng có nhiều người Mễ gầy cao và thanh tú lắm chứ. Còn câu thứ hai thiệt hết chỗ chê, và cũng rất dễ ăn... đòn! Ông vơ đũa cả nắm như vậy, dù có cà rỡn một chút làm đụng chạm đến tự ái dân tộc, cũng coi như đúng phóc lề thói không mấy rạng rỡ của một thiểu số người mình.

Ông Sáu tỏ ra khoái tỉ khi nghe câu ví von. Ông cương quyết không chấp nhận việc không tôn trọng giờ giấc. Ông nghĩ rằng, nếu mọi sinh hoạt trong đời thường đều giống như sinh hoạt trong quân ngủ thì mọi việc sẽ trôi chảy, ăn khớp với nhau. Ông phán một câu xanh rờn:

- Tôn trọng giờ giấc cũng là... tự trọng!

Ông đưa ra nhiều chứng minh ví dụ toàn là những điều bó buộc trong cuộc sống nhà... binh. Nếu không tôn trọng điều lệnh hành quân thì các đơn vị quân binh chủng nhiều khi bắn bừa vào nhau. Lệnh ghi giờ G ngày N tại tọa độ XYZ có oanh kích tự do, nếu không tôn trọng giờ quy định, loạng quạng xông vào đó thì chỉ có nước... thác!

Ông Hai Cà-cuống rất tán dương lý luận của bạn, nhưng ông dè dặt hơn, chứ không cứng ngắc như ông Sáu:

- Người ta đi trễ chắc là có lý do sao đó...

- Lý do cái con khỉ, người ta gởi Thiệp Mời trước cả tháng để sắp xếp chuẩn bị, chỉ có hai việc là đi hay không đi, thế thôi. Nếu đồng ý đi thì còn lý do lôi thôi gì nữa chứ?

Thấy ông Hai chăm chú nghe, ông Sáu tưởng đề tài mình đưa ra hấp dẫn, ông khai hỏa tiếp:

- Ở trong nhà binh có cụm từ giờ ti-ô-ti (TOT), tiếng Mỹ viết là Time On Target, mình dịch ra là giờ trên mục tiêu. Ông Hai biết không, pháo binh và không quân hay dùng từ nầy. Khi nói giờ TOT là các khẩu pháo ở các vị trí khác nhau, kể cả hải pháo ngoài khơi, đều đồng loạt nả vào mục tiêu. Như vậy, vào giờ TOT đó, đạn bốn phương tứ phía bay vào mục tiêu, nếu không biết giờ giấc và tọa độ để tránh, mà thản nhiên lao vào thì tiêu...tùng ngay! Còn bên không quân, có nhiều loại phi cơ, mỗi loại có tốc độ khác nhau, căn cứ đồn trú khác nhau, cùng tham dự hành quân phối hợp, đến giờ TOT, tất cả đều phải có mặt trên vùng thì mọi điều động mới ăn khớp. Chẳng hạn, phi cơ quan sát hướng dẫn khu trục oanh kích mục tiêu, oanh kích xong thì trực thăng đổ quân vào, tiếp theo là phi cơ vận tải thả dù quân lương quân dụng xuống, vân vân... Nếu không tôn trọng giờ TOT thì... hỏng việc là cái chắc, vì xăng nhớt có hạn, chứ có phải tiệc cưới đâu mà chờ mút mùa lệ thủy những vị đến trễ ?!!

Ông Hai thầm nghĩ, ông Sáu méo mó nghề nghiệp. Theo ông, giửa cuộc sống quân sự và dân sự vẫn có cái cách biệt trong sinh hoạt. Ông bảo vệ lý lẻ của mình một cách ôn tồn. Ông đưa ra những lý do đi trể có tính cá nhân như bận chầu nhậu, bận chơi bài, bận đám khác, bận sửa nhà sửa xe hoặc xe hư, có khi loay hoay không biết đường đi, hoặc bị bịnh bất ngờ, hoặc giả ngại...tốn kém! Ông Hai xuống giọng não nuột:

- Ông thử nghĩ một tháng 4 đám thì còn gì là đời nhau! Hơn nữa, làm quần quật cả tuần, được ngày weekend còn lo giặt giũ chợ búa, viết thư thăm nhà và đủ các cái linh tinh lang tang nữa chứ?

- Bởi thế, biết sống là cả một nghệ thuật, ông Sáu Cà-nông triết lý.

Cả hai ông đều lão, nên ăn uống chừng mực, mới đến món thứ năm là đã... ứ rồi, bảy món kế tiếp đành thông qua thật phí phạm. Cảm thấy điểm ý nhị nầy, ông Hai gợi ý:

- Nữa có làm đám cưới cho tụi nhỏ, ta thử làm nhà hàng Mỹ, vừa lịch sự, vừa gọn nhẹ, chứ không phải ăn uống lu bù như ở nhà hàng ta hay nhà hàng Tàu. Ông bổ túc thêm:

- Vả lại tổ chức ở nhà hàng Mỹ, chắc người mình sẽ không đi quá trễ như ở nhà hàng ta. Người mình coi vậy mà sĩ diện lắm đó, nhất là sĩ diện với người ngoại quốc!

Về điểm nầy, ông Sáu không mấy tâm đắc. Ông nhớ có lần dự đám cưới ở nhà hàng Tây, bà con ta vẫn lai rai đến trễ như thường, chứ có sĩ diện gì đâu. Có điều, đồ ăn tây không khoái khẩu mấy, nhưng đỡ cái là ít dầu mỡ bột ngọt, điểm nầy có thể hợp với bộ tiêu hóa của tuổi già.

Trở về thực tai, ông Sáu buồn lòng một chuyện, ông tỉ tê với ông Hai:

- Tôi thấy có mấy cặp người Mỹ trong tiệc cưới nầy, chắc hẳn họ đến đúng giờ như thiệp mời, không hiểu họ nghĩ sao về tập quán của người mình khi họ phải đợi cả tiếng đồng hồ mới được nhập tiệc?

- Theo tôi - ông Hai Cà cuống góp ý - nếu hai họ muốn mời khách Mỹ dự tiệc cưới của ta thì trên thiệp mời nên ghi giờ khai tiệc lùi lại hai tiếng cho ăn chắc!

Góp ý của ông Hai bị phản đối tức khắc. Bà Hai đang tâm sự với bà Sáu về tiệc cưới của trưởng nữ ông bà trong mùa xuân tới, bà dự trù mời mấy người bạn Mỹ cùng làm ở sở, nghe góp ý của ông chồng bà ngỡ là ổng nói kháy mình, nên xỉa xói:

- Ai làm kỳ vậy? Bộ ông tính in hai loại thiệp mời hả? Bà Sáu thấy tình thế hơi căng nên đánh trống lãng:

- Hãng chị có vẻ dễ thở phải hôn?

- Dễ hay khó là tùy... mình, mới đuổi hai mạng đó!

- Bộ đánh nhau hả?

- Không phải, đi trễ! Ông Sáu nghe vậy, bồi ngay:

- Sở nào chả dzậy? Đi làm công chứ có phải đi dự tiệc đâu mà tùy với tiện?

Gần đến giời cắt bánh, bà Sáu buồn ngủ nên đòi về. Lâu ngày được gặp đồng hương, ông Sáu nạp 3 lon bia liền tù tì, nên thấy phấn chấn yêu đời. Ông còn ham vui, chưa muốn về. Bà Sáu xuống nước:

- Mai còn đi làm sớm ông à!

- Mình còn cày cả đời, lo gì bà! Lâu lâu mới có một ngày vui, ráng ở lại chơi với ông bà Trung Liên chút nữa, mai đi trễ một bữa chả sao!

- Đâu được! Đi trễ là... lôi thôi với supervisor lắm!

Bà xuống nước và nhìn ông tình tứ:

- Thôi được, cắt bánh xong là mình về nghe ông...

Bị tửu nhập tâm nên ông Sáu Cà-nông ngôn xuất đến 35 phút trên đường về. Bà Sáu dành tay lái. Bà chăm chú lái nên không nghe rõ ông Sáu càm ràm cái gì. Bà rất đỗi ngạc nhiên, gần 10 năm qua, đây là lần thứ hai ông Sáu đã đời lệ thủy, nên ông nói lung tung, nói thả cửa những điều ấm ức trong bụng bao lâu nay. Ông nói như trong mơ. Ông nói cho chính ông nghe...

- Nghĩ cho cùng, ai cũng vì mình nhiều hơn vì người, đó là lẽ thường tình. Trong vấn đề giờ giấc, nếu việc gì liên quan đến mình thì mình quan tâm và tôn trọng, mà tôn trọng tuyệt đối. Nếu không tôn trọng tuyệt đối thì lôi thôi ngay, có thể dẫn tới mất niềm tin, mất thiện cảm, mất job, đôi khi mất cả người yêu mới chết người trai khói lửa. Những sự việc liên quan đến mình như:

- Làm sở Mỹ

- Hẹn interview job mới ngon lành hơn

- Giờ lên phi cơ, tàu lửa

- Hẹn với người yêu...

Khi mình tổ chức tiệc cho gia đình mình, thì mình mong khách đến đông đủ và đến đúng giờ. Thế mới kỳ! Người sống chỉ biết có mình mà không quan tâm đến người khác, Tàu nó gọi là người ích kỷ!

Người ích kỷ thường ít... bạn! Mà sống không có bạn thà chết sướng hơn. Người xưa dạy rằng, sống là sống với. Sống với cha mẹ mình, với bà con quyến thuộc mình. Sống với bạn bè, sống với nhân quần xã hội. Cuộc sống có tương quan, có qua có lại mới toại lòng nhau chứ!

Người có chuyện, ta đến. Khi ta có chuyện, người đến. Điều nầy không ghi thành luật, không bắt buộc, nhưng cái lệ như vậy, cái lịch sự như vậy, cái biết điều đòi hỏi mình phải như vậy! Sơ đẳng quá mà không biết sao?

Ông Sáu Cà-nông nổ tập trung một hơi, xong là thôi, im bặt. Chỉ còn nghe tiếng máy nổ rè rè. Cũng có thể là hơi thở của ông.

Bà Sáu cho rằng ông xỉn, nên không để ý điều ông nói (ai thèm chấp nhứt lời kẻ say?), nhưng khi nghe câu cuối sơ đẳng quá mà không biết sao thì bà giật mình, thầm nghĩ:

- Ủa, hay là ông nầy nói móc mình đây? Dám lắm đó! Dám giả vờ say. Dám giả dạng học sinh. Dám vờ vịt lắm đó!...

Xe vào garage.

Ông Sáu đáp chuyến tàu lửa xuyên suốt từ Saint Louis về tận Sàigòn. Tàu đêm năm cũ nên ống khói bị rè. Bà Sáu gọi ông day ông mấy lần, ông giật mình ú ớ:

- Bộ tới giờ khai mạc rồi hả bà?

- Khai mạc cái con khỉ! Sắp tới giờ T.O.T. mà cà-nông của ông thì hết đạn, pháo thủ thì ngủ ngoài quan ải, hỏng hết cả kế hoạch hành quân đêm của người ta! Chỉ được cái nói dóc!!!

Võ Ý

St Louis, Thanksgiving 97



Sunday, December 25, 2016

Phi Đoàn 532 Gấu Đen

Huy Sơn

Song song với nhu cầu chiến trường và sự hiện đại hoá của quân đội VNCH, phi đoàn 532 (A-37), danh hiệu Gấu-Đen, được thành lập vào đầu năm 1972. Phi đoàn trực thuộc vào không đoàn 82 chiến thuật, thuộc sư đoàn VI Không Quân đồn trú tại căn cứ Không Quân Phù Cát.

Từ trái qua phải là trung uý Nguyễn Đình Thụ, trung uý Phan Quang Chính, trung uý Nguyễn Văn Vân và trung uý Huỳnh Văn Ẩn.



Chim đầu đàn của phi đoàn là trung tá Lê Trai, anh được bộ tư lệnh thuyên chuyển từ phi đoàn 528 ở Đà Nẵng, phi đoàn phó là trung tá Lê Tuấn Đạt sau này là phi đoàn trưởng, anh là cựu phi công phi đoàn 524 tại Nha Trang vừa hồi hương ở chức vụ Sĩ Quan Liên Lạc tại trường bay A-37, England AFB., sĩ quân hành quân là thiếu tá Nguyễn Thiện Ân sau này là phi đoàn phó, anh là cựu phi công phi đoàn 520 (Cần Thơ) vừa hồi hương ở chức vụ Sĩ Quan Liên Lạc tại trường bay T-37, Sheppard AFB., và thiếu tá phi đoàn Phó Nguyễn Kim Năm, anh được bổ nhiệm từ phi đoàn 516 (Đà Nẵng). Còn lại các anh em khác đã được bộ tư lệnh thuyên chuyển về từ các phi đoàn 520 & 526 (Cần Thơ), 524 (Nha Trang) và phi đoàn 516 & 528 (Đà Nẵng).

Hầu hết anh em chúng tôi khi mới đặt chân đến căn cứ Phù Cát đều được đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, căn cứ trưởng thân chinh ra đón, anh tiếp đãi và giúp đỡ chúng tôi rất chân tình của một người đàn anh khu trục.

Mặc dầu là một phi đoàn tân lập, sinh sau đẻ muộn nhưng nhờ vào các bậc đàn anh đầy kinh nghiệm bay bổng đã lèo lái và hướng dẫn đàn em mau chóng trở thành những phi công tác chiến, yểm trợ hữu hiệu cho quân bạn trên một vùng rộng lớn phía Nam ra tới Đức Lập, phia Tây ra tới vùng Tam Biên (Lào-Việt-Cam) và phía Bắc ra tới Thượng Đức. Ngoài những phi vụ yểm trợ hàng ngày cho quân đoàn, phi đoàn còn có bổn phận bảo vệ và phá tan những đợt Việt Cộng tấn công để chiếm căn cứ.

Có lần sư đoàn Ba Sao Vàng xua quân chiếm được ngọn đồi cách phi trường chỉ có 3 cây số về hướng Tây, Đại Tá căn cứ Trưởng đã thân chinh chỉ huy và ra lệnh cho anh em Gấu Đen dội bom trên đầu địch, kết quả cả một đại đội Việt Cộng bị tan xác và bên ta đã thâu lượm đựơc rất nhiều vũ khí.

Là người phi công khu trục ai cũng có ba nỗi niềm, nỗi vui mừng, nỗi lo âu và nỗi buồn. Nỗi mừng được bay bổng, nhào lộn trong bầu trời xanh và được quân bạn khen cho những lần yểm trợ hữu hiệu. Nỗi lo âu mỗi khi có người bạn phải nhẩy dù. Nỗi buồn khi hay tin có một cánh chim bay đi rồi chẳng hề trở lại.

Vào một buổi sáng phi tuần chúng tôi được điều động đánh ở quận Đập Đá cách chỗ chúng tôi đồn trú khoảng vài dặm chim bay. Máy bay của tôi được trang bị bốn bó rocket (18 trái mỗi bó), trung uý Huệ bay chiếc số hai trang bị bốn trái bom nổ 500 cân Anh. Đập Đá là địa điểm rất quen thuộc với chúng tôi vì mỗi lần có dịp đi Qui Nhơn bẳng đường bộ là đều phải đi ngang qua đây. Sau khi nhận diện mục tiêu tôi chỉ thị chiếc số hai thả bom vào ngôi biệt thự lớn nằm lẻ loi một mình ở giữ cánh đồng về phía Đông của Quốc Lộ 1 chạy từ Bắc xuống Nam.

Chúng tôi được phi công Quan Sát cho biết đây là bộ chi huy của địch, chúng đang tụ tập đông đảo ở trong đó. Còn tôi thì bắn rocket ngay vào trung tâm quận lỵ, vì nơi đây đã tràn ngập quân Cộng Sản. Từng trái bom một đã rơi đúng ngay trên nóc cao ốc nơi mục tiêu và mỗi bó rocket đã nổ, giúp quân ta chiến thắng, xua đuổi được quân địch ra khỏi quận Đập Đá ngay buổi chiều hôm đó. Khi trở về lại căn cứ chúng tôi được chứng kiến trận đánh được chiếu lại trên màn ảnh truyền hình cuả thị xã Qui Nhơn.

Một phi vụ khác được H.Q.C.Q. điều động đánh xe tăng ở tọa độ về hứơng Tây cách phi trừơng Phù Cát khoảng 20 dặm, máy bay của tôi và trung uý Sanh (Gấu Đen) được trang bị mỗi chiếc bốn bó rocket chống xe tăng. Khi bay đến địa điểm và nhận diện được những con cua sắt đang bò lổm ngổm tìm đường chạy trốn, tôi chỉ thị cho trung uý Sanh là sẽ đánh low angle, từng pass một cho chính xác. Đang hào hứng khi thấy những chiếc xe tăng bị trúng rocket cháy bừng bừng ở dưới đất thì bất chợt tôi không còn nghe động tĩnh cuả chiếc số hai.

Tôi liền hỏi bên phi công Quan Sát có thấy gì không và anh trả lời là chỉ thấy một đám cháy khoảng hai dặm về phía Nam của target, tôi hỏi tiếp anh có thấy dù mở không, anh trả lời không. Liền sau đó tôi thấy sáu điểm sáng của súng Flair bắn lên. Tôi bật ngay qua tần số khẩn cấp, báo cáo tọa độ chiếc số hai bị bắn rơi và xin cấp cứu. Tôi được H.Q.C.Q. cho biết là sẵn có hai chiếc trực thăng đang có mặt trên không cách đó khoảng 30 dặm và sẽ đến cứu liền. Tôi kéo ga cho máy bay bay chậm lại để tiết kiệm săng hầu có thể chờ trực thăng tới để chỉ chỗ, kết quả là trung uý Sanh đã được phi hành đoàn trực thăng cứu và chở về phi trường trong một thời gian ngắn kỷ lục.

Vào một buổi trưa tôi đang ngủ trong phòng trực bay, bỗng anh sĩ quân trực lay tôi dậy, nói rằng thiếu uý Yến, bạn cùng phòng với tôi, đã bị bắn rơi tại ngọn đồi Chu Pao, anh đã không kịp nhảy dù, thân xác đã tan ra muôn mảnh, anh đã hy sinh cho Tổ Quốc khi tuổi mới khoảng hai mươi ba, cái tuổi có tràn đầy sự sống và nhiều ước mơ.

Tôi nhớ lại câu chuyện buồn về thiếu uý Phạm Vàng của phi đoàn chúng tôi. Anh là con một và vì cha mẹ anh hiếm muộn nên đã đặt tên cho anh là "Vàng". Vào một buổi sáng, trời ở phi trường Phù Cát hơi ẩm ướt, chỉ có ít đám mây lác đác phủ quanh những ngọn đồi xa xa trông rất nên thơ. Tôi đang đứng trước phi đoàn hít thở cái không khí trong lành để sửa soạn cho một ngày trực bay hành quân, tôi thấy thiếu uý Vàng vội vã đẩy và dựng chiếc xe Honda 90 cũ (chiếc xe Honda của một hoa tiêu Hoa Kỳ để lại khi anh hồi hương) đã bị tắt máy ở dọc đường. Anh vội vã vào phòng dù để bay phi vụ đầu tiên trong ngày. Vào khoảng 45 phút trôi qua, bỗng tôi nghe một tiếng nổ vọng lại từ xa. Linh tính báo cho tôi có một điều gì chẳng lành, tôi liền gọi điện thoại đến H.Q.C.Q. và được biết chiếc số hai của phi tuần Gấu Đen đẵ bị nạn, đâm xuống ruộng trong lúc đang bay trong mây khi trở về đáp. Chắc anh bị vào tình trạng không nhận được phương hướng (vertigo) khi trên phi trường đày kín bởi những đám mây đen kịt bỗng chốc từ ngoài biển kéo về.

Suốt thời gian 3 năm, phi đoàn 532 chung sức cùng các phi đoàn bạn bảo vệ vùng trời của Sư Đoàn VI Không Quân, anh em chúng tôi chỉ mất hai phi công kể trên và một phi công phải nhảy dù. Đây cũng là một sự an ủi lớn, nhờ phi đoàn có những vị chỉ huy mát tay.

Thấm thoát đã hơn bốn mươi mốt năm trôi qua ngày mà chúng tôi phải bắt buộc cởi bỏ chiếc áo nhà binh giã từ quân đội nhưng lòng chúng tôi vẫn luôn nhớ đến cái thủa trai tráng, sống và cùng chiến đấu bên nhau với một ước mơ đất nước sớm thanh bình để chúng tôi những người phi công yêu mây trời được tung tăng nhào lộn trên vùng trời xanh thẳm.

Huy Sơn





Sunday, December 18, 2016

MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR!

MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR!




Thân kính chúc quý Niên trưởng, quý Chiến hữu Đệ Huynh & Gia đình trong toàn Quân chủng và Sư Đoàn 6 Không Quân:

MỘT GIÁNG SINH NHIỀU ƠN PHƯỚC
MỘT NĂM MỚI VẠN SỰ NHƯ ƯỚC NGUYỆN.

Đặc biệt, chúng tôi cầu chúc quý vị sức khỏe thật sung mãn, tinh thần thật phấn chấn để chuẩn bị bay về Nam Cali tham dự

HỘI NGỘ SĐ6KQ - 07/07/2017 - Sau 42 năm lìa đàn
Gặp nhau đế nhớ lại Khung Trời Cũ, thấy lại Núi Sông Xưa...

Chân Thành Kính Chúc

BTC HỘI NGỘ SĐ6KQ

Friday, December 2, 2016

Mùa Thu Đoàn Chuẩn

Phạm Anh Dũng, MD

Music videos: Hoàng Khai Nhan & YouTube

Viết cuối mùa Thu 2001, khi được tin Đoàn Chuẩn qua đời


NS Đoàn Chuẩn cùng vợ và con gái

Em yêu dấu!
Chưa gặp em, từ lâu anh vẫn nghĩ nhiều về một mùa Thu chưa đến bao giờ. Anh vẫn mơ về một mùa Thu thật quyến rũ, mùa Thu có bầu trời ngả màu sắc xanh lơ với những đóa hoa hồng xinh xinh. Anh tưởng tượng được hình ảnh của một chốn Thiên Thai huyền ảo, đã mong ngày nào đó mùa Thu anh chờ đợi sẽ đến với một tà áo xanh tha thướt. Mùa Thu sẽ tìm đến như trong mơ hồ. Và, anh đã chợt thấy em về trong giấc mơ mùa Thu với sương mù, với gió heo may lành lạnh làm rụng lá vàng xao xác. Anh nhìn lên cao và thấy hình ảnh choáng váng của những hàng mây trắng chập chùng: "Anh mong chờ mùa Thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh..." (Thu Quyến Rũ)


Thu Quyến Rũ
Tiếng hát: Thu Hà
Dàn dựng: Hoàng Khai Nhan

Em yêu dấu! Ngay khi chưa gặp gỡ, anh đã biết anh gặp và yêu em đã từ lâu. Tại sao chưa thấy nhau bao giờ mà có cảm giác đã gặp và yêu từ trước? Làm sao có thể giải thích được em nhỉ! Đôi khi, chỉ đôi khi thôi, anh muốn hỏi Chúa, hỏi Phật lý do nhưng không biết làm cách nào để hỏi. Và dù cho nếu mà hỏi được, chắc câu trả lời cũng sẽ gần như chỉ là một câu hỏi ngược lại: Làm gì có sự giải thích trong tình yêu? Thật ra cũng chẳng cần giải thích. Với lý luận giản dị của anh, em là cánh hoa duyên kiếp đã đến với anh từ một tiền kiếp xa xưa: "...Đêm hôm nay chợt nhớ tới nơi xa... Lúc anh về nhặt mấy cánh hoa, kèm vào thư, lá thư xanh mầu Yêu cánh hoa duyên kiếp này, tìm em trong ý Thu..." (Cánh Hoa Duyên Kiếp)


Cánh Hoa Duyên Kiếp
(Nhạc Hay Việt Nam)

Em yêu dấu! Rồi chúng ta cuối cùng cũng gặp nhau. Anh cứ nghĩ mãi về lần đầu tiên chúng mình gặp gỡ buổi chiều Thu hôm ấy. Không hiểu sao, ngay từ lúc gặp em lần đầu, anh đã yêu hình dáng ngập ngừng của người em gái với đôi quầng mắt đậm màu. Em từ đâu đến? Tại sao gặp nhau lần đầu mà chúng ta đã có những duyên tình cũ? Tình yêu nồng nàn nghệ sĩ đẹp như giấc mộng chiều Thu chan hòa nắng ấm chắc đã được xếp đặt từ kiếp trước. Nhưng, hình như ngay từ những ngày đầu gặp gỡ, anh đã cảm được phút cuối khi chúng ta phải xa nhau: "Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng. Mơ tới bên em, em tô quầng mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung... Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ. Chóng tàn vì vướng muôn ý thơ..." (Tình Nghệ Sĩ)


Tình Nghệ Sĩ
Tiếng hát: Hồng Nhung

Em yêu dấu! Anh chỉ biết là định mệnh đã xếp đặt cho chúng mình gặp nhau, và cũng định mệnh đã ngang trái xếp đặt phút chia ly cho cuộc tình ngắn ngủi của đôi mình. Chúng ta đã gặp nhau vào lúc mùa Thu, một mùa Thu bàng bạc gió cuốn lá rơi ngập hồn người. Ta đã thương nhau thật sự, sưởi ấm cho nhau khi mùa Đông đến. Mùa Xuân, chúng ta nồng nàn yêu nhau với đúng ngôn ngữ yêu của tình yêu. Thế rồi, cuộc tình chợt xa vắng, lặng lẽ khi mùa Xuân qua đi: "... Mộng nữa cũng là không. Ta quen nhau mùa Thu. Ta thương nhau mùa Đông. Ta yêu nhau mùa Xuân. Để rồi tàn theo mùa Xuân. Người về lặng lẽ sao đành..." (Tà Áo Xanh/Dang Dở)


Tà Áo Xanh (Dang Dở)
Tiếng hát: Quang Tuấn
Dàn dựng: Hoàng Khai Nhan

Em yêu dấu! Rồi em đã ra đi! Rồi em đã ra đi trong một chiều Thu gió lộng làm cây đổ lá, khi con chim nhỏ bé buồn rầu không còn cất tiếng hót nữa. Rồi em đã ra đi khi những giọt mưa Thu rơi như giọt nước mắt khóc cho cuộc tình muộn màng. Những giọt lệ sầu thu héo hắt nhỏ xuống một dòng sông lạnh vắng, lặng lẽ cuốn trôi theo những chiếc lá vàng tàn tạ. Anh biết em đi sẽ không bao giờ trở lại. Mùa Thu của chúng ta sẽ mãi mãi là mùa của Mưa Ngâu: "...Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người, cầm bằng như không biết mà thôi. Lá thư còn lại đôi ba cánh, đành lòng cho nước cuốn hoa trôi..." (Lá Đổ Muôn Chiều)


Lá Đổ Muôn Chiều
Tiếng hát: Tuấn Ngọc

Em yêu dấu! Lá thư đầy hương vị tình yêu anh vẫn còn giữ mãi đến gần đây. Dù với dòng thời gian, màu thư có héo úa như màu chiếc lá vàng mùa Thu rơi trước ngõ. Lá thư phai mực đó vẫn là chứng tích của cuộc tình chúng ta. Cho đến một ngày nào đó, rồi một chiều Thu nào đó, anh trở về chốn cũ và nhớ lại hình dáng năm xưa. Nơi hò hẹn cũ vẫn không có gì thay đổi. Nước vẫn chảy qua cầu, nhưng không còn bóng người xõa tóc. Mối tình nghệ sĩ có phai, lá thư anh đã đốt nhưng anh biết linh hồn của lá thư sẽ còn sống mãi, suốt đời, trong đáy quả tim hiu hắt của anh: "...Anh quay về đây đốt tờ thư, quên đi niềm ân ái ngàn xưa. Ái ân theo tháng năm tàn. Ái ân theo tháng năm vàng. Tình người nghệ sĩ phai rồi..." (Lá Thư)


Lá Thư
Tiếng hát: Lê Dung
Dàn dựng: Hoàng Khai Nhan

Em yêu dấu! Chúng ta đã biết nhau, gặp nhau, yêu nhau, và rồi xa nhau. Tất cả đều là số mệnh cả! Ngậm ngùi, nhưng anh không trách em và anh biết em cũng không trách gì anh. Những người thật sự yêu nhau không bao giờ trách nhau. Anh biết em đi sẽ không bao giờ trở lại: "...Ai xui ta gặp nhau để tình gây oan trái, để tình anh bẽ bàng và tình em lỡ làng. Để mùa Thu lá vàng khóc tình ta..." (Vàng Phai Mấy Lá/Vĩnh Biệt)


Vàng Phai Mấy Lá (Vĩnh Biệt)
Tiếng hát: Lê Dung

Phạm Anh Dũng

Tháng 10, năm 2001
Santa Maria, California, USA

CHÚ THÍCH: Thu Quyến Rũ, Cánh Hoa Duyên Kiếp, Tình Nghệ Sĩ, Tà Áo Xanh tức Dang Dở, Lá Đổ Muôn Chiều, Lá Thư, và Vàng Phai Mấy Lá tức Vĩnh Biệt là bẩy trong những nhạc phẩm bất diệt về mùa thu của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001). Đa số những tuyệt tác này có Từ Linh (1928-1987) phụ việc đặt lời.



Sunday, November 27, 2016

Tin Vui Về HOTEL Cho Hội Ngộ SĐ6KQ

Hotel Discount 20%

Một khách sạn tại trung tâm Little Saigon, California, USA, thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản, rất thuận tiện cho các KQ từ xa về tham dự Hội Ngộ SĐ6KQ. Hotel đó là:

LITTLE SAIGON INN
14052 Brookhurst St.
Garden Grove, CA 92843
714-636-4890
Littlesaigoninn.com

Chủ nhân của Little Saigon Inn, KQ Nguyễn Đức Lê là phi công trực thăng trước kia, vừa tin cho một thành viên trong BTC, KQ Trần Duy Đức, một tin vui là, Little Saigon Inn sẽ discount 20% cho tất cả KQ từ xa về tham dự Hội Ngộ SĐ6KQ vào ngày 7 tháng 7 năm 2017 tới đây.

Vì là dịp lễ Độc Lập, nên các khách sạn tại Little Saigon sẽ rất bận rộn. Để dễ dàng cho đôi bên, Ban Giám đốc yêu cầu các KQ nếu muốn nghỉ ngơi tại khách sạn nầy với giá discount thì nên book phòng trước một tháng, (khoảng đầu tháng 6, 2017).

Xin chân thành cám ơn Ban Giám đốc Little Saigon Inn đã thể hiện tình Quân chủng qua ưu đãi trên và xin thông báo Tin Vui nầy đến các KQ khắp nơi đang chuẩn bị về miền trung Cali tham dự Hội Ngộ SĐ6KQ!

Thay mặt BTC
KQ Võ Ý



Wednesday, November 23, 2016

Bob Dylan Giải Nobel Văn Chương 2016

Tản Mạn Văn Học

Nói chuyện với nhà báo và nhạc sĩ Đinh Sinh Long về
Bob Dylan với ca khúc “Blowin’ in The Wind”
và Giải Nobel văn chương 2016

NguyễnMạnhTrinh: Mỗi năm cứ vào dịp đầu tháng 10 là dư luận trong giới văn học thế giới lại xôn xao bàn tán với câu hỏi là: Ai sẽ đoạt giải văn chương Nobel năm nay? Hội Đồng Tuyển Chọn của Hàn Lâm Viện Thụy Điển với thành phần gồm 18 giám khảo sẽ quyết định về giải thưởng cao quý này. Năm nay, trước ngày tuyên bố kết quả của giải văn chương, đã có những dự đoán và những người đánh cá cược, dưa vào những thăm dò riêng của họ. Như Ladbrokes’, đã tiên đoán người đoạt giải sẽ là Haruki Murakami, tiểu thuyết gia Nhật Bản, với tỉ lệ 1 ăn 4, thứ nhì là thi sĩ Syrian Adonis với tỉ lệ 1 ăn 6, thứ ba là tiểu thuyết gia Hoa Kỳ Philip Roth 1 ăn 7, thứ tư là Ngugi Wa Thong, tác giả người Kenyan 1 ăn 10, thứ năm là Joyce Carol Oates, tác giả người Hoa Kỳ với tỉ lệ 1 ăn 16. Đó là top-five trong danh sách dự đoán. Bob Dylan, nhạc sĩ Pop của Hoa Kỳ, chỉ có thứ hạng khá khiêm nhường với tỉ lệ 1 ăn 50.

Và kết quả khá ngạc nhiên cho tất cả mọi người: Một nhạc sĩ đoạt giải Nobel văn chương. Ngày 13 tháng 10, Thư ký Thường Trực của Hội Đồng Tuyển Chọn - Sara Danius – tuyên bố Bob Dylan chính thức đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2016. Trong bản văn tuyên bố giải thưởng, Bob Dylan được xưng tụng là một nhạc sĩ “đã sáng tạo được cách diễn đạt thi ca tân kỳ trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Hoa Kỳ,” và “ông là một nhà thơ vĩ đại trong truyền thống văn chương Anh ngữ.”

NhãLan: Bob Dylan là nghệ danh của Robert Allen Zimmerman, người Hoa Kỳ gốc Do Thái. Ông là một nghệ sĩ đa tài, vừa là nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, và còn là họa sĩ, nhà văn, nhà biên soạn kịch nữa. Trong hơn 5 thập niên, ông là một chân dung nghệ sĩ có ảnh hưởng tới nền âm nhạc và văn học thế giới. Ảnh hưởng lớn nhất của ông là những ca khúc ông viết trong thập niên 60 với chủ đích khởi xướng và dẫn đường cho những phong trào tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội và chống đối chiến tranh. Nổi bật là hai ca khúc “Blowin’ in the Wind” - Cuốn Đi Theo Gió - và “The Times They Are A-Changin’” - Thời Đạí Đang Đổi Thay – là hai bài thánh ca của các phong trào đòi hỏi nhân quyền và chống chiến tranh trong thập niên 60 và 70 ở Hoa Kỳ.

Những ca khúc của Bob Dylan luôn luôn được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng các bài ca được nhiều người ưa chuông. Đặc biệt là ca khúc “Like a Rolling Stone” - Như Một Hòn Đá Lăn - đã từng được Tạp Chí Rolling Stone xếp vào hạng Nhất, trong danh sách “500 ca khúc hay nhất của mọi thời.” Bob Dylan, với 55 năm sinh hoạt nghệ thuật không ngưng nghỉ, với hàng trăm ca khúc ông sáng tác, với hàng trăm đĩa nhạc phát hành và lưu diễn trên khắp thế giới, danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Bob Dylan thật là rộng lớn. Ông đã từng đoạt được giải Pulitzer Hoa Kỳ năm 2008. Ông đã được Tổng Thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương Tự do năm 2012. Và bây giờ, được trao tặng Giải Nobel Văn Chương 2016.

NhãLan: Thưa quý vị, Chương trình Tản Mạn Văn Học hôm nay, chúng tôi có mời một vị khách quý là nhà báo Đinh Sinh Long, mà trước đây, chúng tôi đã có dịp nói chuyện, trong chương trình này, về đề tài báo chí của Không Quân. Thưa quý vị, nhà báo Đinh Sinh Long cũng còn là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ tài tử, ông là “fan” của Bob Dylan, và ông đã từng viết lời Việt cho bài ca rất nổi tiếng “Blowin’ in The Wind” -Gió Cuốn Đi Rồi- của Bob Dylan. Hôm nay, chúng tôi mời ông tham dự buổi tản mạn này, để cùng với chúng tôi, Nhã Lan và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, nói về Bob Dylan, người nhạc sĩ vừa được trao tặng giải thưởng Nobel Văn Chương năm 2016.

1 - NguyễnMạnhTrinh: Thưa anh, khi anh hay tin nhạc sĩ Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương năm nay, anh có thấy bất ngờ không?

ĐinhSinhLong: Vâng, đương nhiên là bất ngờ rồi. Giải thưỏng về văn chương mà lại trao cho một ông nhạc sĩ thì đúng là điều gây ngạc nhiên. Và vì ngạc nhiên, nên tôi mới tìm đọc một số bài viết về Bob Dylan. Tôi mới biết là có nhiều phê phán và tranh luận trong giới văn học về giải Nobel văn chương năm nay. Tôi cũng có đọc cả những bài tiếng Việt như bài viết về Bob Dylan của anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, rồi cũng đọc bài của Hoài Nam trên trang mạng Tư Vấn & Bạn Hữu, và đọc cả bài của Trần Doãn Nho trên NgườiVietonline, đặc biệt là bài thơ rất hay, do Trần Ngọc Cư dịch từ lời ca “Blowing in the Wind” thành bài thơ “Thoảng Bay Theo Gió,” đăng trên trang mạng Khoahocnet. Thât ra, trước đây tôi chỉ biết Bob Dylan là tác giả của "Blowing In The Wind", là bài ca mà tôi rất thích, thích từ thời còn trẻ, và rồi sau này, tôi đã có dịp dịch bài này sang lời Việt để hát. Lời bài ca tiếng Anh của Bob Dylan rất hay, rất cảm động. Đó là một bài thơ, khi hát lên, như ta đang hát những lời của một bài thơ vậy.

2 - NhãLan: Nói đến Bob Dylan là chúng ta nghĩ ngay đến “Blowin’ in The Wind” rồi. Đây là một ca khúc rất nổi tiếng và từng được coi là thánh ca của phong trào đấu tranh cho nhân quyền và chống chiến tranh của thanh niên Hoa Kỳ trong thập niên 60, 70. Sau đây, Nhã Lan xin giới thiệu bài ca này cùng quý vị. Bài này do chính tác giả Bob Dylan trình diễn lần đầu, vào năm 1963. Xin mời quý vị cùng nghe:


Video clip 1: Blowing In The Wind (Live On TV, March 1963)

3 - NguyễnMạnhTrinh: Đây là một ca khúc rất hay và rất nổi tiếng của Bob Dylan. Theo anh, yếu tố nào làm cho ca khúc này hay và nổi tiếng?

ĐinhSinhLong: - Theo tôi nghĩ, một cách đơn giản, một ca khúc được coi là “hay”, nếu nó rung động được lòng người. Theo Bob Dylan, có lần ông phát biểu là, đối với một ca khúc phổ thông, có lời và nhạc, thì lời ca là yếu tố quan trọng nhất. Áp dụng vào ca khúc “Blowing In the Wind” này, như chúng ta vừa mới nghe, ta thấy rằng: Lời ca có vần điệu như một bài thơ, gồm ba đoạn là những câu hỏi về thân phận con người, về ý nghĩa cuộc đờì, về nhân quyền và về chiến tranh. Điệp khúc là: The answer, my friend, is blowing in the wind – Câu trả lời, bạn ơi, đã bay theo gió rồi”. Bài ca này gửi cho ta một thông điệp, thôi thúc ta phải suy nghĩ, phải có thái độ, cho những vấn nạn đã nêu lên trong các câu hỏi. Còn về giai điệu, đây là một điểm đăc biệt của Bop Dylan, ông dùng một giai điệu giản dị, pha trộn âm giai trưởng và thứ theo một vòng luân lưu rất dễ nghe. Bởi vậy, "Blowin’ in the Wind" là một ca khúc hay, dễ phổ biến và rất nổi tiếng. Nổi tiếng vì nó gắn liền với phong trào đấu tranh cho nhân quyền và phản chiến ở Hoa Kỳ thời đó.

4 - NhãLan: Như chúng ta đã biết, bài ca này từng được coi là thánh ca của phong trào tranh đấu cho nhân quyền và chống chiến tranh ở Hoa Kỳ. Chính Bob Dylan và danh ca Joan Baez, người tình của ông, cặp nghệ sĩ tài danh này đã song ca bài Blowin’ in the Wind trong cuộc diễn hành lịch sử “March on Washington” năm 1963, mà Mục sư Martin Luther King Jr. từng đọc bài diễn văn “I have a Dream” nổi tiếng khắp thế giới. Và sau này, nó còn là bài ca chính thức của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Vậy Nhã Lan xin hỏi, tại sao bài này lại được phổ biến trong giới quân nhân Mỹ tham chiến ở VN dạo đó?

ĐSLong: Vâng, thì có thể hiểu, có thể cắt nghĩa, đó là một đặc điểm của chế độ tự do. Hoa Kỳ, và tôi nghĩ, một phần nào đó, của chế độ “tương đối tự do” ở Miền Nam VN trước đây nữa. Có tự do trong nghệ thuật, có tự do sáng tác. Do đó, bài ca này vẫn được phổ biến rộng rãi. Thực ra đây không phải là bài ca “phản chiến”, nội dung của nó là nói về nhân quyền và khơi dậy lòng yêu thương hòa bình. Phong trào phản chiến thời đó chọn nó làm bài ca chính của phong trào nên nó mới bị gán cho cái ý phản chiến mà thôi. Tôi xin nói thêm một ý này: Dưới chế dộ CS Miền Bắc, các ca khúc thời chiến tranh thì phải hô hào chiến tranh, xông lên, bắn giết. Còn ca khúc ở Miền nam thì nói đến tình yêu và tâm tư con người trong cuộc chiến. Nếu có những lời ca than vãn về nỗi đau thương hay suy tư về cuộc chiến, thì không hẳn bị coi là phản chiến. Vì vậy Miền Nam mới có Trịnh Công Sơn, được tự do sáng tác, được tự do phổ biến. Trường hợp bài ca này của Bob Dylan cũng vậy. Các đài phát thanh của quân đội Hoa Kỳ và các club nhac trong căn cứ, vẫn cho hát “Blowin’ in the Wind”, và nhiều bài như "Five hundred miles," "Country Road," làm lòng người lính trĩu nặng nỗi buồn nhớ nhà. Dù vậy, vẫn không sao. Đó là đặc điểm của nền văn nghệ tư do. Trường hợp cá nhân tôi, là một quân nhân tình nguyện vào quân ngũ, từng phục vụ nhiều năm ở đơn vị tác chiến, khi nghe được bài này, tôi nhớ là từ một đĩa hát do bộ ba Peter, Paul và Mary trình bày, tôi rất xúc động, nhưng nó chẳng hề làm sờn lòng chiến đấu của mình.

Một điều nghe có vẻ nghịch lý là: lòng mình, trái tim mình, thì xúc động với lý tưởng hòa bình, chán ghét chiến tranh, trong khi đầu mình, trí mình, thì bảo phải chiến đấu, phải cầm súng, phải tự vệ. Chúng ta chiến đấu là để bảo vệ một xã hội có tự do, có nhân quyền cho Miền Nam. Bài hát này nói về nhân quyền, nó thức tỉnh con người về giá trị của nhân quyền, của hòa bình. Cho nên nó làm mình xúc động, nó lôi cuốn được thế hệ trẻ có lý tưởng

5 - NhãLan: Anh vừa nói đến đĩa hát của bộ ba Peter, Paul và Mary. Đúng vậy, họ đàn hát bài này rất truyền cảm, hòa âm rất hay, nghe rất xúc động. Nhã Lan đề nghị chúng mình nên tạm ngưng nói chuyện một lát, để mời quý vị thưởng thức, một lần nữa, bài ca “Blowin’ in the Wind” của Bob Dylan, do bộ ba Peter, Paul và Mary trình diễn sau đây:


Video clip 2: Peter, Paul and Mary - Blowing in the Wind

6 - NMTrinh: Bob Dylan còn là thi sĩ, là họa sĩ, là nhà văn. Những lời ca của ông cũng là những bài thơ, nó chuyên trở những ý tưởng, nó là những thông điệp nói lên tâm tư của con người cùng thế hệ ông, cho nên ông từng được tuyên dương là “Tiếng nói của thế hệ mình,” “The voice of his generation.” Anh nghĩ thế nào? Anh thích nhất ca khúc nào của Bob Dylan?

ĐSLong: Vâng, thực ra thì Bob Dylan không nhận cái danh hiệu là “tiếng nói của thế hệ”. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói ông chỉ đơn giản là một “nhạc sĩ” mà thôi. Ông cũng không bao giờ giải thích ý nghĩa của những bài ca ông viết. Ông để mỗi người tự cảm nhận lấy theo ý riêng của họ. Còn bài ca nào của Bob Dylan mà tôi thích nhất? thì thực ra, tôi chỉ thích hát một bài của ông ấy, là bài “Blowin’ in the wind.“ Một bài đó thôi. Những bài khác thì hoặc tôi không được biết đến, hoặc biết mà không thích hát. Đơn giản là vì những bài đó phần lớn thuộc loại nhạc Rock, ồn ào, không hợp với tai của người Việt ở thế hệ tôi. Tuy nhiên, chỉ nói về lời ca, thì phải công nhận rằng những lời ca Bob Dylan viết, đều là những bài thơ hay, hay cả ý lẫn chữ. Chẳng hạn, như bài “Like a Rolling Stone” - “Như một hòn đá lăn”, là bài được xếp hạng Nhất trong “500 bài ca hay của mọi thời”. Tuy rằng nó nổi tiếng với người Mỹ, nhưng không hợp với người Việt, nói chung.

7 - NMTrinh: Có người nói Trịnh Công Sơn chịu phần nào ảnh hưởng lời ca của Bob Dylan, chằng hạn Bob Dylan có “Blowing in the wind” thì Trịnh Công Sơn có “Để gió cuốn đi”, Bob Dylan có “Like a rolling stone” thì Trịnh Công Sơn có “Như một hòn bi xanh.” Anh nghĩ thế nào về sự so sánh này?

ĐSLong: Tôi nghĩ so sánh như vậy là không đúng. Trịnh Công Sơn viết “Để Gió Cuốn Đi” với câu hỏi mở đầu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Và ông trả lời: “Để gió cuốn đi” với ngụ ý là: để gió mang đi gieo rắc tấm lòng đó, tình thương đó vào đời, cho mọi người. Còn Bob Dylan thì chuyên viết những ca khúc được gọi là “phản kháng”, ông nêu lên những câu hỏi, những điều phi lý của cuộc đời, bất công của xã hội, như trong bài “Blowing in the wind”, tôi tạm dịch để dễ hát theo nốt nhạc, là “Gió Cuốn Đi Rồi”, với ngụ ý là: những câu trả lời cho các vấn nạn đó đã không tìm ra được, vì nó đã bị gió cuốn đi vào chốn mù khơi rồi. Vậy thì “Gió cuốn đi rồi” khác hẳn với “Để gió cuốn đi” của TCS. Cũng vậy, với bài “Như một hòn bi xanh” TCS so sánh “Như một hòn bi xanh, trái đất này quay tròn. Căn nhà ta nằm nhỏ, trong một lòng quê hương” để rồi kêu gọi: “Này em trong mỗi con tim, nhớ mang quê hương của mình.” Tôi chợt nghĩ , không biết có phải TCS viết bài này trong một “Trại sáng tác do nhà nước tổ chức” để kêu gọi những người Việt Hải Ngoại không? Ý “yêu quê hương” này nghe rất kêu, kiểu thơ phú cường điệu nặng mùi tuyên truyền: “Quê hương là trùm khế ngọt… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người!” của một ông thi sĩ nào đó. Còn Bob Dylan viết “Like a Rolling Stone - Như một hòn đá lăn,” là ví von số phận đổi thay của một phụ nữ, từ chỗ đỉnh cao, có tất cả, tiền tài, danh vọng, rồi một ngày cô bị rơi xuống đáy tận cùng, mất tất cả. Đoạn điệp khúc như thế này: How does it feel? - Cảm giác thế nào nhỉ. To be on your own- Khi phải sống một mình. With no direction home- Khi không biết đâu là nhà. Like a complete unknown- Như một kẻ hoàn toàn vô danh. Like a rolling stone- Như một hòn đá lăn. Tôi dẫn chứng dài dòng như vậy để thấy rằng “như một hòn bi xanh” vui tươi của Trịnh Công Sơn hoàn toàn khác ý nghĩa với “Như một hòn đá lăn” bi thảm của Bob Dylan. Tuy nhiên, nếu có điều so sánh nào đó giưã hai nhạc sĩ này, thì có thể nêu lên ở điểm này, chỉ ở điểm này thôi: Đó là lời ca của họ đều là những bài thơ, mang ngôn ngữ và âm điệu của thơ. Vậy thôi.

8 – NMTrinh: Anh nói đến chất thơ trong ca khúc. Ngoài Trịnh Công Sơn như anh kể, còn có nhạc sĩ nào khác không?

ĐSLong: Nhạc sĩ có lời ca thơ, tự mình viết cả nhạc lẫn lời, mà lời là thơ, theo tôi, thì có Nguyễn Đình Toàn. Nguyễn Đình Toàn ở Miền Nam, không phải là Nguyễn Đình Toàn ca sĩ ở ngoài Bắc, thường hát nhạc TCS thấy trên Youtube, mà nhiều người lẫn lộn vì trùng tên. Nguyễn Đình Toàn của Miền Nam là văn sĩ, tác giả của “Áo Mơ Phai” đã được trao tặng giải thưởng Văn Chương toàn quốc của VNCH trước 75. Ông cũng là thi sĩ và nhạc sĩ, đa tài giống như Bob Dylan. Toàn bộ những ca khúc ông viết, trên 100 bài, đều là thơ. Ông viết lời thơ về tình yêu, về thân phận, về đất nước. Nhiều bài nổi tiếng đã được phổ biến rộng rãi trên Youtube với tiếng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Tuấn Ngọc và nhiều giọng ca khác nữa. Bob Dylan quan niệm lời ca quan trọng hơn giai điệu. Điều này tôi thấy là đúng. Rất đúng trong trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Chính phần lời ca, lời thơ của ông đã chinh phục người nghe hơn là phần giai điệu của ca khúc. Như “Nước Mắt Cho Sài Gòn,” “Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn,” “Căn Nhà Xưa,” “Một Cánh Hoa Rơi,” “Đường Đưa Bước Em Đi,” “Mưa Khuya,” “Tình Khúc Thứ Nhất,” “Còn Tiếng Hát Gửi Người” v.v.. Hát những bài của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là ta “hát thơ”, “ca thơ”, nói theo chữ của Hoàng Ngọc Tuấn, cũng là một nhạc sĩ kiêm thi sĩ, hiện là chủ biên của trang Tiền Vệ, bên Úc Châu. Cũng vậy, giải Nobel văn chương năm nay trao cho Bob Dylan chính là vì cái giá trị văn chương của những lời ca thơ trong các ca khúc của ông, đúng như những lời tuyên dương trong bản tuyên bố giải thường: Bob Dylan là một nhạc sĩ “có những sáng tác diễn tả tân kỳ trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Hoa Kỳ,” và “ông là một nhà thơ vĩ đại của nền văn học Anh ngữ.”

9 - NhãLan: Nhã Lan được biết là anh có viết lời ca tiếng Việt cho bài “Blowin’ in the Wind”. Trước khi mời quý vị thưởng thức bài ca này với lời tiếng Việt của anh, xin anh nói đôi điều về việc anh viết lời Việt cho bài ca này như thế nào?

ĐSLong: Vâng, việc này cũng có một vài sự tích. Tôi xin phép sẽ dài dòng một chút để gợi lại một vài kỷ niệm riêng. Bài Blowin’ in the Wind này tôi nghe lần đầu, từ hồi còn chiến tranh, khoảng đầu năm 1968, khi đó tôi đang theo học lớp Báo Chí ở Hoa Kỳ. Phong trào phản chiến ở HK lúc đó đang bùng lên rất mạnh. Bài Blowin’ in The Wind rất phổ biến. Tại sao tôi thích bài này, thì tôi đã trình bày lúc trước rồi. Rồi sau 75, sau khi tôi bị tù Cộng sản ở ngoài Bắc được thả về Sài Gòn, tôi gặp lại một nhạc sĩ trẻ, Nguyễn Tiến Chỉnh, cũng là một phi công đi tù CS về, anh bạn này chơi guitar bass trong ban nhạc ở Tour d’ Argent cùng nhạc sĩ Phạm Trong Cầu và nhạc sĩ Nhật Bằng. Nguyễn Tiến Chỉnh cho tôi bản in của ca khúc này, và chúng tôi tập guitar với nhau. Lúc đó, trong chỗ riêng tư, chúng tôi rất thích hát lại những ca khúc của Mỹ như Imagine, Greenfields, Five Hundred Miles, House of the Rising Sun, The End of the World, If You Go Away v.v. và nhất là bài Blowin’ in the Wind. Không ngờ, và cũng là điều oái oăm: Bài hát một thời là “thánh ca” của phong trào phản chiến, thì nay, đối với chúng tôi, là những “nạn nhân cộng sản”, bây giờ sống trong một xã hội đang băng hoại, sống dưới một chế độ độc tài và trà đạp nhân quyền, thì bài ca này lại càng thấm thía và đánh động tâm can chúng tôi vô cùng. Và lúc đó, tôi rất muốn dịch nó sang lời Việt. Nhưng dịch bài này không dễ. Phải tìm đúng chữ, vừa đúng ý lời ca gốc, lại vừa dễ hát cho hợp với nốt nhạc, và còn phải hợp với lối nói tự nhiên của người Việt mình nữa. Vì khó, nên tôi bỏ dở. Mãi đến khi sang đến đất Mỹ này, tình cờ một hôm cao hứng, tôi đã dịch xong lời Việt cho bài này, đó là vào năm 1994. Tuy chưa được hoàn hảo, nhưng tôi cũng hài lòng. Và hôm nay, vì nhận lời mời của cô Nhã Lan và anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, nên chúng tôi cố gắng thực hiện video clip cho bài ca tiếng Việt này. Dù là với tiếng hát mộc mạc và già nua cùa đôi vợ chồng đã ở tuổi ngoài 70, nhưng đây là “tấm lòng văn nghệ” của chúng tôi đóng góp cùng các bằng hữu.

10 – NhãLan: Và bây giờ, xin mời quý vị, chúng ta cùng nghe “Gió Cuốn Đi Rồi” do Ngọc Diệp và Đinh Sinh Long viết lời Việt và đàn hát sau đây


Video clip 3: Gió Cuốn Đi Rồi (Blowing In The Wind- Bob Dylan)
Đinh Sinh Long & Ngọc Diệp

11 – NhãLan: Cám ơn anh chị Đinh Sinh Long và Ngọc Diệp đã đóng góp cho chương trình một video ca nhạc nghệ thuật rất có ý nghĩa. Lời Việt anh đăt rất khéo, rất sát với ý của lời ca gốc, mà vần điệu cũng giống như một thơ vậy. Thưa anh, anh dịch Blowin’ in the Wind là “Gió Cuốn Đi Rồi”. Nhã Lan thấy trên Facebook có người dịch là “Để Gió Cuốn Đi,” anh nghĩ thế nào?

ĐSLong: Cô Nhã Lan nêu lên câu hỏi này rất hay. Vì câu “The answer, my friend, is blowing in the wind” của Bob Dylan lâu nay vẫn còn gây tranh luận đối với chính người Mỹ. Như ta đã biết, Bob Dylan không bao giờ chịu cắt nghĩa những lời ca ông viết. Ông để mọi người tự do hiểu lời ca đó theo quan điểm riêng của họ. Cho nên mới mạnh ai nấy hiểu, và tha hồ giải thích, tranh cãi. Có người giải thích rằng: Câu trả lời không hề TAN BIẾN MẤT trong gió đâu. Nó ở trong gió, nó ở quanh ta, nếu ta biết lắng nghe ta sẽ nghe thấy đươc. Trần Ngọc Cư đã dịch sang thơ thế này: “Lời đáp bạn ơi thoảng bay theo gió” nghe cũng hay lắm. Tôi dịch là “Ai ơi, câu trả lời, theo gió gió cuốn đi rồi. Ai ơi, gió cuốn trôi trong mù khơi” là cũng dịch thoat ý của lời gốc: “The answer, my friend, is blowin’ in the wind. The answer is blowin’ in the wind”. Còn ai đó dịch là “ĐỂ gió cuốn đi”, như tên của một ca khúc quen thuộc của Trịnh Công Sơn, thì tôi nghĩ, chữ ĐỂ đã làm sai lạc hoàn toàn ý của câu này và của cả bài ca này rồi. Mà thưc ra, theo tôi, cái ý chính, thông điệp chính, của bài này, là nằm ở những câu hỏi. Những câu hỏi đó mới là quan trọng: “Và còn bao đêm tăm tối, tiếng súng vang, vang khung trời, để một mai thôi chinh chiến, thôi đạn rơi? Và cần bao đôi tai nữa, hỡi những ai đang cần, để nghe tiếng khóc than trong nhân gian? v.v.. .. Các câu hỏi đó thúc giục người ta phải suy tư, phải thức tỉnh, phải có thái độ về các vấn đề nhân quyền và chiến tranh, chứ không nhất thiết là phải có được câu trả lời chỉ đơn giản bằng ngôn từ. Vâng, tôi nghĩ như vậy.

12 – NMTrinh: Bây giờ, xin trở lại với Giải Nobel. Xin hỏi anh câu chót, có liên quan đến cuộc tranh cãi về giải thưởng Nobel văn chương năm nay. Như chúng ta đã biết, giải Nobel văn chương năm nay đã chọn Bob Dylan, là một nhạc sĩ, chứ không chọn các nhà văn. Điều này dẫn đến nhiều phê bình và tranh cãi trong giới văn học, bên chỉ trích, bên bênh vực. Theo anh, anh nghĩ thế nào về chuyện này?

ĐSLong: Vâng, chuyện tranh cãi đó thì rất dài, bên bênh, bên chống, hai bên đều có những lý lẽ “có lý” theo lập trường của họ. Lên internet tìm đọc, hoặc qua bài viết trên tạp chí văn học của chính anh Nguyễn Mạnh Trinh đây, thì sẽ có đầy đủ chi tiết về vấn đề này. Nhiều lắm, nên tôi xin miễn nhắc lại. Còn anh hỏi tôi nghĩ thế nào, thì tôi xin bày tỏ ý riêng của tôi như thế này: Với một sự nghiệp văn hóa suốt một đời và rất to lớn của Bob Dylan, thì ông là một tài năng lớn, không thua kém bất cứ nhà thơ nhà văn nổi tiếng nào khác, cho nên, nếu ông được trao tặng giải Nobel thì cũng là điều rất xứng đáng. Có lẽ điều rắc rối làm người ta tranh cãi, là do cái tên giải “Nobel Văn Chương”. Nếu tên đó mà đổi thành “Nobel Văn Học Nghệ Thuật” như có người đã đề nghị, thì nó sẽ bao gồm mọi hình thức nghệ thuật của Văn học, chứ không phải chỉ có văn chương mà thôi. Và một điều nữa có thấy được qua sự kiện này là: Giải Nobel được chấm là căn cứ trên toàn bộ sự nghiệp của cả một đời người, chứ không phài chỉ căn cứ vào một vài tác phẩm đặc biệt. Và, việc Bop Dyland đựơc trao tặng giải Nobel văn chương năm nay, đã cho chúng ta thấy rằng: thi ca và âm nhạc cũng quan trọng không kém gì văn chương.

NhãLan: Xin cám ơn anh Đinh Sinh Long. Thưa quý vị, câu trả lời của nhà báo và nhạc sĩ Đinh Sinh Long vừa rồi, chính là lời kết cho chương trình Tản Mạn Văn Học về đề tài “Bob Dylan với ca khúc “Blowing in the Wind” và giải Nobel văn chương 2016.” Nhã Lan và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh xin thân ái kính chào tạm biệt, và xin hẹn gặp lại vào kỳ tới.



Monday, November 21, 2016

Tiếng Hát Nhiều Gắn Bó Với Tâm Hồn Việt Nam

Lily Doiron

(Đào Thị Huệ)

Tên cô là Lily Doiron, người con gái Canada, nhưng có một tâm hồn rất Việt Nam. Cô nhận là mình có hai quê hương, Canada và Việt Nam, nhưng cô gắn bó với Việt Nam nhiều hơn, như lời tâm sự của cô khi hát bài Rước Tình Về Với Quê Hương, "Hát bài đó em rơi nước mắt luôn! Bài đó nó rất là hợp với em. Em nhớ có một chỗ là... Anh hãy chờ em cởi giày đi chân đất, cho thân thể này gắn chặt với quê hương..."

Mời cả nhà click vào video dưới đây để thưởng thức:


Giới Thiệu: Trường Kỳ



Giai Điệu Quê Hương

Hát: Lily Doiron



Trăng Sông Thu

Thơ: Thân Văn Lào

Nhạc: Nguyễn Đức

Hát: Lily Doiron



Huế Buồn

Nhạc: Lê Dinh

Hát: Lily Doiron



Bảy Ngàn Đêm Góp Lại

Nhạc: Trầm Tử Thiêng

Hát: Lily Doiron



Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy

Nhạc: Trầm Tử Thiêng

Hát: Lily Doiron



Tình Hoài Hương

Nhạc: Phạm Duy

Hát: Lily Doiron




Xuân Này Con Không Về

Nhạc: Nhật Ngân

Hát: Lily Doiron




Ngậm Ngùi

Thơ: Huy Cận

Nhạc: Phạm Duy

Hát: Lily Doiron




Lòng Mẹ

Nhạc: Y Vân

Hát: Lily Doiron



Wednesday, November 16, 2016

Xin Đừng Gọi Chúng Tôi Là "Tù Cải Tạo"

Lời của Ban Ban Tập: 

Xin giới thiệu quan niệm của tác giả Người Rừng Nguyễn Thành Trung về "Tù Cải Tạo."


THƯ NGỎ

Kính gởi qúy chiến hữu Quân Lực Việt Nam Công Hoà, qúy ông bà trong giới truyền thông, nhà báo, văn nhân, văn sỹ và toàn thể công dân nước Việt,

Kính thưa qúy vị, xin đừng kể, đừng viết, đừng gọi chúng tôi là những "Tù Cải Tạo." 

Vâng, từ “Cải Tạo” là danh xưng cho những tù hình sự, những kẻ cướp của, giết người, những thành phần xấu trong xã hội. Chúng tôi là Quân, Cán, Chính VNCH, những thành phần cầm súng chiến đấu bảo vệ mảnh đất còn lại của Tổ Tiên ở Miền Nam. Chỉ vì chúng tôi không đứng chung hàng ngũ với Việt Cộng, nên khi bị bức tử phải buông súng đầu hàng, bọn gian manh, lừa đảo Việt Cộng nhốt tù chúng tôi để chúng được rảnh tay cướp bóc tài sản của dân chúng Miền Nam, để vinh thân phì gia trong hàng ngũ của chúng, và biến cả nước thành “vô sản”...

Hãy gọi chúng tôi là những “Tù Chính Trị" hay "Tù Cộng Sản.” Danh xưng “Cải Tạo” gán cho chúng tôi là một sự “vơ đũa cả nắm.”

Vài chục năm nữa khi thế hệ cháu chắt chít của chúng tôi tìm đọc các tài liệu mà qúy vị để lại sau này, khi thấy nói về chiến tranh Việt Nam trong những năm 54-75, chúng có thể sẽ hiểu rằng: nhân sự cùa VNCH bị giam cầm là những "Tù Cải Tạo”.... vô hình chung chúng tôi trở thành những tù hình sự hay sao?

Khi chúng tôi không còn trên qủa địa cầu này, không ai bênh vực, bào chữa cho thì các thế hệ cháu chắt chít ấy chúng sẽ chỉ hiểu rằng chúng tôi cũng như những tù hình sự, mà không hiểu rằng Quân, Cán, Chính VNCH đã bị Việt Cộng trả thù, giam cầm. Mục đích của chúng là để dễ dàng rảnh tay cướp bóc tài sản của người dân Miền Nam và đồng hóa sự nghèo khổ với người dân Miền Bắc.

Thành thật cám ơn qúy vị
 Xin đa tạ, đa tạ.

Người Rừng Nguyễn Thành Trung

Tuesday, November 15, 2016

Khai Mạc Đúng Giờ

Chúng tôi, một nhóm bạn, những ngày cuối tuần thường rủ nhau ra quán café ngồi uống café và tán ngẫu. Chúng tôi hẹn nhau 10 giờ, tất cả đều đến đúng giờ, chỉ riêng một anh đến trễ nửa tiếng. Trong nhóm có một anh cũng hơi bực không nhịn được nên nói: Giờ giấc gì mà kỳ cục vậy?  Hẹn 10 giờ mà giờ này mới tời, tụi này sắp tan hàng rồi đó có biết không? Anh bạn đến trễ thản nhiên trả lời không cần suy nghĩ:  "Ôi quan cần dân trễ hơi đâu mà lo, muốn ngồi thêm thì cho tôi ly café đen đậm đi."  Cả nhóm đều cười xòa mà quên đi sự bực bội. An Nam ta có cái lạ: cái gì cũng cười, khen cũng cười mà chê cũng cười, hì một tiếng thì mọi việc hết nghiêm trang.

Cũng một cái đám cưới nọ, ngồi chung bàn 10 người, có một cặp vợ chồng đến trễ hơn 2 tiếng đồng hồ, vừa ngồi xuống thì có một anh trong bàn hỏi:  "Làm gì mà đi trễ vậy bạn?"  Cặp vợ chồng đi trễ trả lời ngay: "Mình đi trễ để chứng tỏ mình là người Việt Nam."  À té ra anh này học thuộc lòng câu:  "Không ăn đậu không phải người Mễ, Không đi trễ không phải người Việt Nam."  Anh còn thên một câu:  "Quý vị thấy không?  Tiệc chưa khai mạc mà, tôi đi trễ như vày là vừa?"

Hai câu chuyện trên mà tôi được chứng kiến cũng như hằng ngàn câu chuyên tương tự về vấn đề đi trễ cho những buổi tiệc tùng do bà con người Việt mình tổ chức.  Cũng có những bài viết thật có giá trị đề nghị như thế này, thế nọ nhưng rồi cũng không đi đến đâu, thậm chí trong thiệp mời cũng có ghi hai chữ nhắc khéo, lưu ý:  "Chúng tôi khai mạc đúng giờ."

Hầu hết người Việt chúng ta sinh sống ở nước ngoài, đi làm hảng xưởng, ít khi đi trễ vì nếu đi làm trễ sẽ bị cảnh cáo hay đuổi việc, những thành phần này khi tham gia tiệc tùng do người Việt tổ chức thì lại đi trễ. Như vậy là sao?  Khó hiểu quá!.

Có lẽ đây là văn hóa của người Việt Nam.  "Văn hóa đi trễ,"  khó có thể thay đổi. Ngày Hội Ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân tới đây (7-7-2017) chúng tôi thử làm cuộc Cách mạng Khai mạc đúng giờ, mong bà con hưởng ứng.

KQ Lê Văn Sáu

Wednesday, November 9, 2016

Thông Báo Đóng Góp Văn Nghệ

Kính thưa quý Niên Trưởng và quý Chiến Hữu SĐ6KQ,

Để phần văn nghệ trong Hội Ngộ SĐ6KQ được phong phú và nói lên tính đơn vị, Ban Tổ Chức (BTC) đề nghị mỗi Không Đoàn (KĐ) đóng góp một tiết mục.

Đương nhiên, các KQ có năng khiếu văn nghệ của các phòng sở trực thuộc, sẽ ghi danh đóng góp phần văn nghệ đại diện cho KĐ của mình.

Nếu mỗi KĐ (trong 6 KĐ) đóng góp một tiết mục, thời gian sẽ chiếm khoảng trên 30 phút (5' x 6). Các tiết mục bao gồm đơn ca, hợp ca, thơ phú, nhạc cảnh, ca cổ, v.v..., miễn sao nội dung xoáy vào chủ đề của Hội Ngộ là Khung Trời Cũ, Núi Sông Xưa.

Để giúp BTC dễ dàng sắp xếp chương trình và để không bị trùng lặp, đề nghị mỗi KĐ gởi các tiết mục đóng góp về BTC trước ngày 30 tháng 5 năm 2017.

Ngoài ra, để phần văn nghệ giúp vui trong đêm Hội Ngộ được trật tự, êm thắm và vui tươi, BTC tha thiết mời gọi các ca sĩ cây nhà lá vườn thuộc SĐ6KQ ghi danh tham dự trước với tên bài ca để BTC tiện việc sắp xếp.

BTC sẽ chọn 10 Không Quân ghi danh đầu tiên với nội dung không bị trùng hợp.

Xin click vào link dưới đây để ghi danh đóng góp Văn Nghệ:

GHI DANH ĐÓNG GÓP VĂN NGHỆ

Không ghi tên trước mà muốn lên sân khấu trình diễn sẽ là một trở ngại cho BTC.

Rất mong được quý Niên trưởng trách nhiệm của 6 KĐ, (2 Chiến thuật, 2 Yểm cứ & 2 Kỷ thuật), cổ vũ các KQ có năng khiếu văn nghệ trong đơn vị của mình, tham gia đóng góp phần văn nghệ chủ đềvăn nghệ giúp vui nầy.

Trân trọng,

Thay mặt BTC
KQ Võ Ý

Monday, November 7, 2016

Người Con Gái Áo Trắng Điện Bàn

Thiên Phong Nguyễn Hồng Tuyền

- Tím Hai... Ðây Tím Một gọi...

- Tím Hai nghe Tím Một... 5/5.

- Tím Hai... Vòng bắn hỏa tiễn cuối cùng rồi vào hợp đoàn về cho sớm đi tắm biển... Chiều nay trời đẹp gió lặn mặt biển yên như tờ giấy... Chắc có nhiều người đẹp... Bikini... tắm lắm.

- Tím Hai... Roger.

- Tím Một... In... salvo (bắn hết) luôn hai bó hỏa tiễn 2,75 Tím Một... Out.

Tôi kéo cần lái vội qua tay phải để dể nhìn Tím Hai làm vòng bắn chót. Chiếc phi cơ T28 màu sơn trắng bạc có dấu hiệu đầu Cọp vàng đen của Phi Ðoàn 516 Khu Trục trên đuôi coi oai phong lẫm liệt vào thời năm 1962.

- Tím Hai... In...

Nhìn theo chiếc phi cơ Tím Hai vừa nhả hai ổ hỏa tiễn 14 trái 2.75 Inches phía trước đầy khói. Như rồng phun lửa từ miệng, cuộn khói sau đuôi con tàu làm một vòng hào quang do ánh nắng chiều rọi xuyên đám khói trắng vòng tròn phi cơ vừa bay lướt chui qua ... tuyệt đẹp. Những trái hỏa tiễn nổ trên đồi trong đám rừng cây xanh lá cách đồn quân bạn chừng 300 thước như những... cánh hoa đất... nở trắng đồi. Ánh nắng chiều vàng le lói xuyên qua giữa những... cánh hoa đất khói trắng vừa nở ... trong rừng xanh tạo nên một bức tranh đẹp mỹ miều khó tả được bằng bút mực cọ sơn của người trần thế.

- Tím Hai ... Out...

- Quá đẹp ... Tím Hai.

Người bạn đường không gian của tôi hôm nay là anh Thiếu úy Phạm quang Ðiềm có biệt hiệu là ông Hoàng Sihanook màu da hơi ngâm ngâm, tánh tình vui vẻ dễ mến, bay rất chì và chịu khó học hỏi. Anh là phi tuần viên số hai của Th/úy Ôn Văn Tài trưởng phòng hành quân phi đoàn Phi Hổ 516 khu trục. Trong lần biệt phái đi Ðà Nẵng 15 ngày kỳ nầy Phi đội Phi Hổ Tím thiếu Minh Chè Tím Hai đi phép, thành ra trưởng phòng hành quân Ôn Văn Tài đề cử Phạm Quang Ðiềm (Sihanouk) người phi tuần viên bay rất cừ và can đảm thay thế Minh Chè chỗ Tím Hai.

- Ðống Đa... Ðống Đa... Ðây Phi Hổ Tím...

- Phi Hổ Tím... Ðống Ða nghe bạn 5/5.

- Phi Hổ Tím... Phi vụ hoàn tất... Rời khỏi tần số, chúc bạn một đêm ngủ an lành.

- Ðống Ða ... Vạn lần cám ơn Phi Hổ. Kết quả oanh kích khi kiểm tra sẽ báo cáo sau.

- Tím Hai ... Ðổi qua tần số 118.5...

- Tím Hai... Roger.

- Ðây Một gọi...

- Hai ... nghe 5...

- Hai ơi!!... chắc kết quả ... chẳng có gì... chỉ được chừng ... hai tấn Tăm Xỉa Răng... Hi ... Hi... Hi... !!!! Tím Hai... Hợp đoàn giữ cao độ 1000 bộ hướng 90 ra bờ biển và lấy hướng bắc để về Ðà Nẵng...

- Tím Hai... Roger !!!

Trời chiều mùa hè, không mây gió, hợp đoàn xuống 300 bộ, bay theo dọc bờ biển êm ru, mở cocpick ra chừng một tấc, làm lòng người dễ chịu khoan khoái trong phòng lái như có máy lạnh làm mát những con tim đơn côi... của người phi công, trong không gian mênh mông.

- Hai ... Ðây Một gọi...

- Hai nghe... Một nói đi...

- Một sẽ xuống 100 bộ... Hai giữ cao độ 200 bộ... Trên ... Bay dọc theo bờ cát, ngang cửa biển Fai Fô và bờ biển Thanh Bình chắc có nhiều người đẹp phơi... rùa... bãi biển lắm nghen... trong mùa hè nầy.

- Hai... Roger... Hi... Hi...

Hợp đoàn qua khỏi Chu Lai, sắp đến cửa biển Fai Fô, vô tuyến đã rồ lên trong nón bay:

- Phi hổ Tím ... Ðây Panama ... Gọi... Phi Hổ Tím. ... Ðây Panama... Gọi...

- Phi Hổ Tím... Nghe Panama 5/5...

- Phi Hổ Tím ... Báo Cáo vị thế, xăng... và bom đạn...

- Vị thế... Trên Cửa biển Fai Fô... Cao độ 100 Bộ... Bơm Và Rockets đã thân tặng cho các Anh em Sanh Bắc Tử Nam hết rồi. Chỉ còn bốn Pot Ðại Liên 30... và 3 ngàn 200 viên đạn, xăng 1giờ 15... Over.

- Phi hổ Tím... Phi Vụ Khẩn cấp... Số Phi vụ #0041 ... Ðồn Ðịa Phương Quân... Ở Ðiện Bàn Bị VC

Tấn Công... Tần số FM 51,02... Danh hiệu... Bạch Ðằng...

- Phi Hổ Tím hiểu rỏ đang ở cách 5 phút cực Nam mục tiêu...

- Liên lạc thẳng với Bạch Ðằng... Sẽ có Phi Yến Quan sát và Khu Trục thay thế... Phi Hổ Tím trong vòng 30 phút.

- Xin Panama... lặp lại... Danh hiệu cho rõ ... Bạch Ðằng... Hay là... Bật Ðèn... đó Chú Tư Cầu ơi!!!

- Ông Quan Hai tàu bay Tím một ơi... Bạch Ðằng... Bạch Ðằng... chớ làm gì có ... Bật đèn... ban ngày đâu!!!

- Bạch Ðằng... Bạch Ðằng... Phi hổ Tím ... Roger... Out. Ha... Ha... Ha... Cám ơn Chú Tư Cầu.

Hợp đoàn chúng tôi cũng vừa bay đến trên không phận quận Ðiện Bàn nằm về phía đông nam độ ba mươi cây số đường chim bay cách Căn Cứ không quân Ðà Nẵng.

- Bạch Ðằng... Bạch Ðằng... Ðây Phi Hổ Tím ... Gọi..?

- Phi hổ Tím... Phi Hổ Tím... Bạch Ðằng... Nghe Bạn 5 trên 5.

- Bạn cho biết tình hình.

- Địch đang chận xe đò phía Ðông Bắc cách đồn chừng một ngàn thước, trên đường tỉnh lộ Bắc Nam.

Ðịch lùa hết hành khách xuống đám rừng chạy song song theo đường lộ làm bia đỡ đạn để tấn công đồn Ðiện Bàn. Chúng dùng đại liên 30, súng cối 60 ly pháo kích vào đồn... Xin Phi Hổ cho một bó Rockets vào đám rừng cây trước mặt đồn chạy dài theo hướng Nam lên Bắc bên kia con đường cho đến các xe đò đang bị chân lại...

- Phi Hổ... hiểu rõ... Thi hành ngay... Không thể dùng Rockets, hay bom nổ... Vì quá gần dân chúng..

-Tím Hai ... Ðây Một...

- Hai Nghe 5. Một sẽ... Working Gun (bóp cò vừa đạp cho mũi phi cơ qua lại)... theo bên kia đường ... trên đám rừng từ Nam lên Bắc... ngưng bắn cách 50 thước ... phía Nam của đòan xe đò...

- Hai ... Roger...

- Một ... In...

Chiếc T28 khu trục nhào từ 1000 bộ xuống... hai cây đại liên ... nổ dòn từ 600 bộ... cho đến 200 bộ theo nhịp điệu Working Gun, kéo trái.. nhìn rõ đoàn xe đò không người...

- Một ... Out...

- Hai... In...

Phi cơ của Tím Hai cũng theo vòng bắn... như Tím Một... kèm theo bên trái... kéo lên vào khỏang cao độ 200 bộ...

- Hai... out...

- Một ... In...

Vừa bóp cò hai đại liên vừa mới nổ... Tôi nhìn thấy một đoàn người từ trong đám rừng trước mặt... ùa lên đường lộ chạy về phiá đồn bạn... quần áo đủ thứ màu trắng xanh, xám.

- Tím Hai ngưng bắn ...

- Roger... Hai... Out...

Khi Tím Hai bay ngang trên đầu dân chúng tất cả nằm xuống, họ thấy máy bay không còn bắn nên yên tâm đứng dậy bồng bế nhau tiếp tục chạy về hướng đồn bạn.

- Bạch Ðằng ... Ðây Phi Hổ... Xin bạn đừng bắn... đoàn dân chúng đàn bà và trẻ em của đoàn xe đò đang hướng chạy về đồn bạn đó...

- Bạch Ðằng ... Hiểu rõ ... Phi Hổ Tím...

Tôi vội nhào phi cơ trở lại từ Bắc xuống Nam lắc cánh qua lại bay bên trái của đoàn người dân vô tội đáng thương hại đang bị kẹt giữa hai lằn đạn... Bạn và thù... Chiến tranh quá đau thương và tàn bạo. Tôi nhìn thấy trong đoàn người đang di chuyển sau cùng có hai người đang dìu một người mặc áo dài trắng, dáng đi khó khăn khấp khểnh, hai tay ôm vạt áo dài trước vào ngực đầy máu, vạt áo sau còn phất phơ theo gió. Hình như bị thương, lòng tôi se thắt lại. Tim tôi bóp nghẹn như đập thiếu nhịp, vì đâu dân Việt bị đau khổ triền miên. Nếu không có người Cộng Sản vô thần vô tổ quốc, đem chiến tranh từ phương Bắc vào Nam, gây cảnh tương tàn sầu thảm thì mảnh đất miền Nam chắc sống thanh bình trong muôn thuở. Chúng tôi bay vờn lên múc xuống như đang bảo vệ, trên đầu đoàn người vô tội đáng thương cố chạy hướng về đồn bạn để tìm sự sống trong cái chết. Khi dân chúng đã đến được vòng rào phòng thủ ngoài của đồn Ðịa Phương Quân an toàn, Phi Tuần trở lại mục tiêu bắn vài loạt đạn cầm chừng trên đám rừng bên phải đường tỉnh lộ chỗ các xe đò bị chận lại. Gần sáu giờ chiều, mặt trời mùa hè vẫn còn sáng ửng đỏ, có lẽ nhờ sự có mặt yểm trợ của Phi cơ khu trục trên vùng nên VC chưa dám tấn công đồn bạn.

- Ðây Phi Hổ Vàng Một ... Gọi Tím Một... Nghe không Trả lời... !!!!!

- Tím Một... Nghe... Vàng... 5/5... Bạn hãy liên lạc Bạch Ðằng ... Chắc không có gì... Chỉ vài chục... Delta Kilo (Du Kích) thôi.

- Bạch Ðằng... Ðây Phi Hổ Tím...

- Bạch Ðằng nghe ... Phi Hổ Tím... 5 trên 5.

- Ðã có Phi Hổ Vàng thay thế Phi Hổ Tím... Chúng tôi chúc bạn an lành và vững lòng tin để chiến đấu và bên bạn lúc nào cũng có chúng tôi. Xin bạn cho biết có ai bị thương nặng không trong số dân chúng đã về được tới đồn...

- Phi Hổ Tím ... Không có ai nặng lắm... có người con gái áo trắng bị thương đã được băng bó xong.

-Cám ơn bạn... Phi Hổ Tím rời khỏi tần số!!!!

- Panama... Panama... Ðây phi Hổ Tím...

- Panama... Nghe Phi Hổ Tím 5/5

- Phi hổ Tím ... Phi Vụ Xong rời tần số... Panama...

- Chấp thuận...

- Ðài Kiểm Soát Ðà Nẵng... Phi Hổ Tím... hai T28... Xin vào vòng phi đạo và hạ cánh...

- Chấp thuận... Ðường bay 27 phải ... Gió yên lặng..

- Phi Hổ Tím ... Hiểu ... cám ơn Ðà nẳng...

Trong lúc hợp đoàn đáp xong, di chuyển vào bến đậu tôi vẫn còn nghĩ miên man đến... Người Con Gái Áo Trắng… bị thương nặng hay nhẹ, có mệnh hệ gì không? Lòng tôi nặng trĩu lo âu vì trách nhiệm bảo vệ dân lành oằn oại trên đôi vai của người trai thời chiến, nhứt là đối với các anh em phi công khu trục. Chiến trường miền Trung sôi động, biết bao nhiêu... đạn thù bay ngang đầu cánh... một số bạn bè chết non ... gãy cánh vĩnh viễn ra đi, để lại gia đình và vợ con thương tiếc. Th/úy Võ Trường Chí mất tích ở vùng đồng bằng Cửu Long tỉnh Sóc Trăng. Th/úy Trần Như Hạnh gãy cánh khi thả bom Napalm ở ngoài khơi bờ biển Nha Trang trước sự chứng kiến của đồng bào và cả vợ con. Th/úy Nguyễn Văn Nông, phi vụ thả bom Napalm bị phòng không địch bắn rơi tả tơi trong mật khu phiá tây vùng núi Bạch Mã. Th/úy Thư, Nhàn bị mất tích tại bờ biển Ninh Hòa trong vụ hành quân truy kích địch. Nhưng ấn tượng Người Con Gái Áo Trắng khi tôi gặp lại bất cứ một cô gái nào mặc áo dài trắng... gợi lại hình bóng Người Con Gái Áo Trắng Ðiện Bàn được nâng dìu đi chân bước khấp khểnh vạt áo dài trước ôm vào ngực máu đào thắm đỏ của năm xưa... Hình ảnh áo dài trắng vẫn theo đuổi hồn tôi trọn cuộc đời Bảo Quốc Trấn Không và có lẽ theo tôi cho đến hơi thở cuối cùng trên bước đường lưu lạc nơi xứ người.

Chừng một năm sau vào khoảng tháng mười hai năm 1963 chúng tôi được đề cử làm Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Yểm Cứ ở Không đoàn 41 Chiến thuật KQ đầu tiên tại Ðà Nẵng do Th/tá Phạm Long Sửu người anh cả KQ đáng kính và nhiều nể, thành lập trong đà bành trướng của KQVNCH.

Buổi Liên Hoan của Phi Ðoàn 217 H34.

Buổi tiệc ăn mừng của phi đoàn 217 vào khỏang tháng sáu năm 1964 do Ðaị úy Ông Lợi Hồng Phi Ðoàn Trưởng thành lập ở Ðà Nẵng. Khi nhận H34 do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ giao lại, được tổ chức tại phòng họp khá rộng và khang trang của Hàng Không Việt Nam ở lầu một phòng khánh tiết dưới đài kiểm soát không lưu phi trường Ðà Nẵng. Nhiều quan, quân cán chính Việt Mỹ tham dự. Quân Ðoàn có Th/tướng Nguyễn Chánh Thi và đoàn tùy tùng. Bên Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ có Tr/Tướng Walte và đoàn tùy tùng. Không Ðoàn 41 có Th/tá Phạm Long Sửu và anh em Phi Ðoàn 516 Phi Hổ Khu Trục do Ðại/úy Ôn Văn Tài Phi Ðoàn Trưởng hướng dẫn. Bên dân sự có Ðại/tá Thiện, thị trưởng Ðà Nẵng, và rất nhiều người đẹp từ các trường Ðồng Khánh và trường Ðại Học Sư Phạm Huế vào rất đông. Ở địa phương, Trường Nữ Trung Học có một người đẹp như hoa hậu... Cô nữ học sinh lớp 11 tên Thái Thu làm chóa mắt nhiều chiến sĩ và các niên trưởng của vùng hỏa tuyến.

Sau các thủ tục chào cờ Mỹ Việt, Mặc Niệm xong, bài diễn văn đầu tiên do người anh cả của Không đoàn 41 Thiếu Tá Phạm Long Sửu chào mừng các quan khách Việt Mỹ và cầu chúc PÐ 217 gặt hái nhiều kết quả trên chiến trường QÐI.. Trong bài diễn văn Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi thân mến chào tất cả quan khách tham dự buổi lễ hôm nay và khen ngợi sự thành công vượt bực của PÐ 217.

Còn riêng với Tr/Tướng Walte và phái đoàn quân sự ghi ân đặc biệt của dân tộc VN nói chung và nói riêng về Quân Ðoàn I. Sự cảm tình sâu đậm dành riêng cho tất cả quân nhân các cấp của Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Dưới quyền chỉ huy của Tr/Tướng Walte đã cùng chung vai đấu cật chiến đấu anh dũng với quân đội VNCH trong mọi tình huống để chống trả lại quân thù Cộng Sản Bắc Việt xăm lăng. Tới đến bài diễn văn của Tr/Tướng Walte, trước hết ông kính chào toàn thể quan khách tham dự hôm nay, và ông rất hãnh diện với những lời khen, lời cám ơn, lời chúc tụng của Th/Tướng Nguyễn Chánh Thi và Th/tá KÐT41 Chiến Thuật Phạm Long Sửu đối với Sư Ðoàn dưới quyền chỉ huy của ông. Ông rất hứng thú vui vẻ được làm việc chung với Th/Tướng Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Quân Ðoàn I, sau cùng ông gởi lời khen ngợi đến Phi Ðoàn Trưởng 217 Trực Thăng Ðại/Úy Ông Lợi Hồng và các sĩ quan phi công với phi hành đoàn, cùng các quân nhân các cấp của Kỹ Thuật đã cố công học tập và huấn luyện trong thời gian kỷ lục ba tháng đã hoàn thành một phi đoàn tân lập và đầy đủ khả năng hành quân đổ bộ cho KQVNCH.

Sau cùng Phi Ðoàn Trưởng 217 Ðại/úy Ông Lợi Hồng cám ơn tất cả quan khách hiện diện đông đủ ngày hôm nay và hứa cùng Th/ Tướng Nguyễn Chánh Thi, Phi Ðoàn sẽ cố gắng hết lòng để hoàn thành các phi vụ đổ quân trong tương lai cho Quân Ðoàn I. Còn riêng về Tr/Tướng Walte TQLC Mỹ, và Trung tá Mỹ (Không nhớ tên) Phi Ðoàn Trường Phi Ðoàn Trực Thăng H34 Mỹ, Ðại/úy Ông Lợi Hồng nhân danh Phi Ðoàn Trưởng Trực Thăng 217 gởi đến toàn thể quân nhân và sĩ quan các cấp Hoa Kỳ đã ra công huấn luyện cho phi đoàn 217 VNCH, lòng tri ân và tình cảm sâu đậm ngàn đời không bao giờ quên ơn các người bạn Mỹ của các quân nhân PÐ217. Sau cùng Ðại/úy Hồng không quên cám ơn sự ưu ái của Th/tá KÐT 41 Chiến Thuật dành cho các nhân viên PÐ 217 trong khi tạm trú để huấn luyện tại Ðà Nẵng. Trước khi dứt lời Ðại/úy Ông Lợi Hồng mời toàn thể quan khách cùng dự buổi cơm thân mật ra ngoài sân trước cửa phòng họp. Các phu nhân của sĩ quan trong phi đoàn tiếp tân xếp hàng đón rước quan khách.

Tr/úy Châu Rết trưởng phòng hành quân đọc thực đơn:

  • Bê thui.
  • Bò Steak BBQ.
  • Tôm Rằng Nướng.( tại Chổ).
  • Bánh mì và Sà lách
  • Nước Uống; Johnny Walker, Beer, Coke, 7Up.

Quan khách và các quân nhân cơ hữu của phi đòan được một bữa cơm ngon no nê. Nhứt là các người bạn Mỹ rất thích món tôm rằng nướng và món bê thui. Họ ăn hết dĩa nầy tiếp tục thêm dĩa khác. Những tiếng Dô... Dô... Dô vang dậy cùng hòa hợp tiếng... Cheer... Cheer... Cheer... rền vang đang nói lên sự liên kết giữa hai dân tộc Việt Mỹ cùng nhau quyết chiến đấu chống quân thù cộng sản. Quyết bảo vệ miền đất tự do Việt Nam Cộng Hòa tiền đồn chống cộng ở Miền Ðông Á Châu. Phòng khánh tiết được trang hoàng chu đáo cho đêm dạ vũ hôm nay. Gồm có hai ban nhạc, một của Thủy Quân Chiến Mỹ và một của KQVN do Tr/úy Tuynh hướng dẫn từ Saìgòn ra. Cho nên đầy hứa hẹn một đêm nhạc dạ vũ vui tưng bừng.Trái đèn địa cầu xoay muôn màu, tiếng nhạc Pasodoble bắt đầu nổi lên, Ð/úy Phi đoàn trưởng khả ái, hào hoa Ông Lợi Hồng dìu người đẹp Ðà thành tên Thái Thu bước ra sàn nhảy để mở đầu buổi dạ vũ hôm nay. Theo đó các quan khách và nhân viên của Phi Ðoàn cũng ra khiêu vũ cùng các người đẹp điạ phương trong bản Paso đầu tiên.

Hầu như toàn thể các người dự tiệc hôm nay đều chung vui trong đêm dạ vũ nầy, sàn nhảy đã đầy chật các cập trai gái dìu nhau qua các điệu nhạc Rumba, Bolero, tiếp theo Slow Rock, Mambo, Twist... làm cho đêm liên hoan được vui tươi thành công trọn vẹn.

Tôi để ý trong một góc bàn ngồi ngoài sân có một tà áo trắng không bao giờ khiêu vũ. Mỗi lần ban nhạc trỗi lên tất cả người ngồi chung bàn đều ra sàn nhảy chỉ còn một mình nàng ngồi lại vẻ mặt tư lự nhìn ra khoảng trời đêm với nghìn ánh sao buồn mênh mông. Tôi bước tới cúi đầu chào làm quen:

- Xin chào người đẹp… cho phép tôi, ngồi lại cùng bàn để trò chuyện cho vui..

- Dạ, chả dám ạ, xin ông cứ tự tiên...

Tôi kéo ghế ngồi kế bên nàng... Sao người đẹp không ra khiêu vủ?

- Em cảm thấy không có thích thú đêm nay.

- Xin người đẹp cho biết quý danh... Tên em là Thùy Trang... Tôi là Tuyền... Hân hạnh gặp ông Tuyền... Hân hạnh được biết Thùy Trang...

- Tên Thùy Trang đẹp quá... Nhưng còn kém xa... người.

Thùy Trang cười mỉm...

- Ðúng là Phi Hổ Tím Một rồi phải không?

Tôi quá ngạc nhiên:

- Sao Thùy Trang lại biết Call Sign (Phi Hiệu) của tôi...

- Vì Em có người anh cô cậu mới về Phi Ðoàn 516 Phi Hổ Khu trục, anh tên là Nguyễn Du... Mỗi lần về thăm gia đình thường hay nhắc tới các ông thầy Papa Sửu, thầy Tuyền và Tài nhiều lắm...

Bản Tango vừa dứt để thay ban nhạc của TQLC Mỹ vào. Từ cặp vào bàn ngồi nào là Huề, Sỉ Cò, Cương Khào, Ninh Lumumba, Ðiềm Sihanouk, Lê Trai Ðại Ðức, Hưng Phệ, Hợi Voi, Phiên Rách, Vũ Nghê Ngô những cây bay của phi đoàn và Nguyễn Du người phi công đẹp trai, trẻ nhứt và gan lì của Phi Ðoàn 516 Khu Trục thấy tôi liền đứng nghiêm chào và nói:

- Kính chào thầy...

Tôi chào lại vừa nói:

- Hèn chi Thùy Trang biết từ đầu cánh chong chóng cho đến cuốí đuôi phi cơ của PÐ 516 hết rồi... không còn gì giấu được Thùy Trang nữa đâu, phải không Phi Hổ..Vàng3...

Nguyển Du cười...

- Dạ thưa vâng.

Ban nhạc Mỹ đã chuẩn bị xong, bản nhạc đầu tiên Let’s Twist Against được đánh lên nghe như máu trong người được vận chuyển mau hơn và sự vận động tay chân càng thêm hăng hái bội phần. Nhạc càng đánh những cặp trai gái càng nghiêng qua nghiêng lại, các động tác của toàn thân người khiêu vũ càng lắc... đít lắc, đầu lắc, chân tay lắc, mình lắc, vú ngực lắc,... theo tiếng hát của người ca sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ... đã đem hết nghệ thuật trình diễn hòa vào lòng nhạc và lòng người làm thêm sống động đêm khiêu vũ hôm nay. Tôi để ý thấy Thùy Trang có một nỗi buồn kín đáo trong tâm tư dù rằng ngoại cảnh đang vui tươi rộn rã. Tôi lên tiếng nhỏ nhẹ hỏi:

- Thùy Trang có tâm sự buồn phải không? Sao tôi thấy Thùy Trang hình như có một tâm sự buồn kín đáo nên không được vui trong đêm nay.

Lời nói của tôi vừa dứt, như một động lực mãnh liệt khơi dậy nỗi buồn đau đã chôn sâu từ lâu trong tìm thức: Thùy Trang nhìn tôi nhẹ nhàng trả lời:

- Em đâu có buồn đâu…

và cúi đầu xoay mặt nhìn qua hướng khác để che dấu hai giọt lệ đang từ từ ứa chảy trên gò má xinh xinh của người trinh nữ. Nàng vội lau đi những giọt lệ rồi nhìn qua tôi. Trên lông mi còn đọng lại những giọt nhỏ li ti lóng lánh như những giọt sương đêm còn tụ động trên đọt lá cỏ may, làm gương mặt Thùy Trang càng đẹp thùy mị và dễ thương hơn. Tôi vội có lời xin lỗi:

- Nếu tôi có nói lời gì khơi động nỗi buồn thầm kín của Thùy Trang, cho tôi muôn vàn xin lỗi!!!

- Không đâu, ông Tuyền không có làm gì Thùy Trang buồn và nếu Thùy Trang có làm ông Tuyền không được vui trong đêm nay, xin tạ tội vậy. Ðêm đã khuya, xin ông Tuyền cho Trang về được không? vì ngày mai Trang còn phải dậy sớm để về Huế thăm gia đình.

Tôi liền nói:

- Thùy Trang muốn tôi đưa về với một điều kiện!

- Ðiều kiện gì vậy?

- Xin đừng gọi tôi bằng Ông.

- Vậy Thùy Trang gọi anh Tuyền hay Tím một?

- Thùy Trang gọi sao cũng được.

- Gọi Ông Tuyền không ổn vì thiếu tế nhị và khách sáo, thôi xin gọi bằng Anh Tuyền hay Tím 1, để cho có vẻ thân tình trong cùng gia đình Phi Hổ và trọng nể để buổi ban đầu gặp gỡ thêm phần ấm êm vui vẻ mong ta còn nhớ mãi về sau.

Tôi đứng dậy kéo ghế để mời Thùy Trang cùng ra xe, tôi hỏi xem Thùy Trang về đâu? Nàng bảo, em về bên Sơn Trà mà Không Quân các anh thường gọi xóm Monkey Mountain. Xe chạy ra khỏi cổng phi trường tôi quẹo tay phải hướng về phía biển để đưa Thùy Trang về nhà. Xe chạy qua khỏi cầu... vừa vào con đường nhỏ của quận, có rất nhiều ổ gà làm xe Jeep chao đảo sụp xuống nhồi lên. Chắc có lẽ vì chiến tranh, quận năm Sơn Trà chưa có tiền để tu bổ nên tình trạng đường xá càng ngày càng tệ hơn. Nhưng bù lại, nhìn ra ngoài biển đèn ghe đánh cá về đêm sáng cả một vùng trời, như một thành phố nổi riêng biệt ngoài khơi đẹp đẽ muôn màu dễ làm ấm dịu lòng người đang có tâm sự đau buồn như Thùy Trang.

Xe rẽ qua con đường tráng nhựa cũ kỷ đầy hang lỗ chắc còn ghi lại vào thời kỳ Pháp thuộc năm xửa năm xưa. Ở chân núi Sơn Trà chạy thẳng ra biển xóm nhà vách tường và lợp ngói đỏ có vườn tược chung quanh, những hàng dừa xanh nên thơ cành lá xum xê đang reo đùa trước gió. Thỉnh thoảng Trang cho tôi biết có những vườn nhãn hột tiêu trái vừa chính mùi thơm như mời gọi đám dơi tứ phương tám hướng về hưởng thụ. Xe chạy tới bờ biển, Thùy Trang chỉ cho tôi đậu xe dưới hàng dương liễu thân cây nghiêng về phía đất liền chứng tỏ hướng gió biển luôn luôn thổi mạnh từ biển vào đất.

Thùy Trang nói:

- Chúng mình ngồi đây nhìn trời biển về đêm được không anh?

Tôi trả lời:

- Anh hoàn toàn đồng ý và chấp thuận lời đề nghị của Thùy Trang.

Tôi cho xe đậu lại chiều ngang theo bãi biển dưới hàng dương liễu, về đêm nhìn ra biển khơi những đóm đèn mờ tỏ của các thuyền đánh cá như cả một thành phố trên mặt nước chông chênh. Trên vòm trời có vạn tỷ vì sao như một bức tranh thiên nhiên êm đẹp diệu hiền khó tả và làm lòng người có tâm sự buồn đau như Thùy Trang cũng được trầm lắng xuống dễ chịu hơn trong cảnh nên thơ hiếm có như đêm nay. Tôi vào xe lấy áo ấm jacket phi hành để trải xuống bờ biển cho Thùy Trang ngồi dựa lưng vào thành xe jeep. Trời về đêm vào khoảng tháng sáu nóng bức vì ảnh hưởng gió lèo thổi qua khi ngồi xuống bãi cát vẩn còn thấy ấm bàn tọa. Trên bờ biển nhờ đêm nay trời yên lặng không gió không một đợt sóng, những con dã tràng hăng say tranh đua nhau xe cát làm từng viên nhỏ như đang vui chơi trong trời ấm áp.Thùy Trang và tôi ngồi kế bên nhau tâm sự giữa trời nước mênh mông, mặt biển yên như tờ.

Thùy Trang cất tiếng êm nhẹ :

- Anh có biết không, Thùy Trang chỉ tay về hướng Bắc, nơi bãi biển nhỏ bé xinh đẹp nên thơ và kín đáo nầy ngày xưa có những nàng tiên xuống trần gian để đi tắm biển đó! Nếu ban ngày mình sẽ nhìn thấy các cánh bông hoa rừng xinh tươi muôn màu mọc lên từ các kẻ hở đất cát và vách đá dựa lưng vào Núi Sơn Trà trông rất nên thơ và một vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt diệu. Bức tranh thiên tạo ít có trên trần gian. Không chừng vì lẽ đó nơi đây ngày xa xưa các nàng tiên xuống trần để vui đùa cùng sóng nước biển trong xanh trên nền cát trắng mịn, ngắm nhìn các vách đá với những hoa đẹp muôn màu. Các nàng tiên với thân hình đẹp hoàn hảo, dưỡng nghỉ dưới những tàn cây xanh tươi rợp bóng mát trong mùa nắng hạ, nên nhân gian mới cho tên rất mỹ miều thơ mộng bãi biển Tiên Sa.

- Anh cũng mới biết đây, nghe nói ngày xưa có các nàng tiên giáng xuống trần để vui đùa sóng nước với cảnh thiên nhiên. Anh không biết các nàng tiên ngày xưa đẹp như thế nào vì anh lúc đó còn là hạt bụi nhỏ đang bay lang thang ngoài không gian... nên chưa được gặp bao giờ. Nhưng có một điều anh chắc chắn rằng các nàng tiên xuống đây mặc quần áo tắm toàn kiểu rất mắc tiền hiệu... No... Kini…

Thùy Trang liền hỏi:

- Em thường nghe nói áo tắm cho phụ nữ là phải Bikini hay quá lắm... Monokini, chớ còn em chưa bao giờ nghe thứ áo tắm kiểu No... Kini. Vậy No… Kini là thứ hiệu nào, mặc ra sao vậy anh?

Tôi nhìn Thùy Trang nghiêm nghị giải nghĩa:

- Bi... là hai mảnh, Mono là một mảnh ... No .. Kini là... không có mảnh nào hết. Nghĩa là "cuồng trởi"...

Thùy Trang đôi mắt diụ vợi thơ ngây, không một lời, với một cử chỉ nhè nhẹ nàng hất cánh tay vào hông tôi, nhìn tôi mỉm cười đầy trìu mến và nói:

- Anh nầy...

Ngồi bên nhau nàng kể tôi nghe về gia đình nàng di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, cư ngụ tại Huế. Người cha ngày trước đi lính cho Pháp vào Nam được đi học ra trường sĩ quan Ðồng Ðế chừng độ năm mươi tuổi đang làm đại đội trưởng Ðịa Phương Quân đóng đồn ở quận Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Hai người anh một người hai mươi ba tuổi đang học trường kỹ sư Phú Thọ và một người anh hai mươi mốt tuổi kế Thùy Trang đang học ở trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, nàng mười chín tuổi hiện đang ở với cô chú để theo học trường nữ trung học... tại Ðà Nẵng và đã thi lớp 12 xong. Năm nay phải vào Qui Nhơn bốn năm nữa cho xong Ðại học Sư Phạm nên không ở theo gia đình được. Nàng còn hai đứa em một gái kế nàng 15 tuổi đang bắt đầu vào trung học Ðồng Khánh và em trai mới ba tuổi. Tôi nhìn nàng cười hóm hỉnh và nói:

- Ông già còn Gân quá há!!! nên em mới có đứa em mới ba tuổi đầu?

- Mẹ em đâu có muốn đâu nhưng anh phải hiểu cho đời lính chiến, lâu lâu ba em mới về thăm nhà mà lỵ... Thả giàn.

Tôi bảo cho nàng biết về địa thế ở quận năm, phiá Bắc có núi Sơn Trà, có bãi biển Tiên Sa, ở phía Ðông có biển Mỹ Khê, ở phía Tây thạch động Tiên Trú tại núi Ngũ Hành về phía nam. Cho nên các nàng tiên xuống Tiên Sa tắm biển, lên núi Sơn Trà thưởng thức trà và đàm đạo, rồi về thạch động Tiên Trú... để ngủ qua đêm.. Ngọc Hoàng đã dành một chổ... rất tiện lợi cho các nàng Tiên xuống trần...

Tôi ngừng ở đây... Thùy Trang nhìn tôi mơ màng trìu mến hỏi:

- Tiên xuống trần, rồi để làm gì... nữa hở anh?

- Thì các nàng Tiên đi... nghỉ mát. Vacation… và có một nàng tiên mới nhìn dễ mến, nhìn lâu thêm yêu... Nàng lỡ tay đập bể bình nước của Ngọc Hoàng cho đem theo uống chớ sợ nước trần gian ô nhiểm nên bị đày ở lại và hiện giờ hình như đang lang thang... ở bãi Tiên Sa trong đêm nay… Và… tôi ngưng ở đây… Trang nhìn tôi hỏi:

- Nàng tiên đang lang thang... làm gì ở đâu hở anh?

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ dịu hiền của Thùy Trang, rồi thả tầm mắt ra biển đông:

- Nàng Tiên đang... đang... ngồi kế bên anh đây chắc đúng rồi thì phải? Chớ còn gì nữa... phải không em.

Nàng mỉm cười e lệ nhìn tôi và bảo...

- Anh sao khéo nói...

Hai đứa chúng tôi cười bên nhau trong đêm thanh vắng giữa trời nước mênh mông. Nàng dựa đầu vào vai tôi hơi thở nhè nhẹ thơm và trìu mến ngước nhìn tôi... Tôi luôn thận trọng và thương nể những người con gái tôi gặp lần đầu tiên... đó là tánh của tôi không bợp chợp không lợi dụng. Chúng tôi đứng dậy thả dài theo bãi biển, tôi kể chuyện ra đây nhận nhiệm vụ mới ở căn cứ KQ Ðà Nẳng. Mấy người bạn dẫn đi chung quanh cho biết dân tình, anh thấy địa hình của khu nầy rất hữu tình thật đẹp. Phía bắc có núi Sơn Trà, có bãi biển xinh xinh đẹp nên thơ Tiên Sa, bên ngoài có biển Mỹ Khê, bên phía trong có núi Ngũ Hành toàn đá cẩm thạch... Có chùa Non Nuớc, có thạch động Tiên Trú, xa hơn nữa theo tỉnh lộ lần về phía nam có quận Ðiện Bàn.

Tiếng Ðiện Bàn vừa dứt, chúng tôi đang đi, Thùy Trang đứng lại xoay qua nhìn tôi với ánh mắt ngỡ ngàng thoáng buồn và thốt lên lời hơi rung động:

- Anh cũng biết Ðiện Bàn nữa sao?

Thùy Trang quay trở về lại hướng xe Jeep đang đậu, tà áo trắng bay phất phơ, bước đi khập khểnh, chiếc khăn tay che vào miệng để khỏi bật lên thành tiếng khóc. Tôi bàng hoàng bước theo Thùy Trang và cất tiếng xin lỗi:

- Thùy Trang em, nếu anh có nói gì không phải và chạm phải vào đời tư và tâm sự u buồn của em. Anh xin muôn vàn tạ lỗi vậy!!

Nàng vẫn khóc thút thít và nói thì thầm bên tai tôi:

- Trời ơi!! Em khổ lắm anh Tuyền ơi!!! Em khổ lắm!!!!

Khi đến xe Jeep chúng tôi ngồi xuống, nàng tựa lưng vào tôi dù rằng Thùy Trang đang cắn chặt chiếc khăn tay vẫn còn khóc, bờ vai run run và than thở trong tiếng nấc:

- Trời Phật ơi!!! Ðiện Bàn ơi!! Tại sao lại xảy ra cho đời con phải khổ thế nầy?

Tôi khuyên Thùy Trang:

- Trong đời ai cũng có lầm lỡ, đừng mang theo mãi trong lòng để càng ngày càng lớn nặng tâm tư làm em khổ thêm thôi. Em hãy nói ra đi để được vơi bớt sự đè nén lòng mình trong muôn một.

Thùy Trang càng nấc lên nhiều hơn, tôi tiếp tục khuyên nàng:

- Nói đi em, nói đi em, để anh chia xẻ cùng em cho vơi được nỗi tâm sự buồn đau trong tận cùng của con tim.

Sau một hồi, tiếng nấc lần bớt lại, Thùy Trang ngước nhìn tôi,với hai dòng lệ nóng tràn dâng chan hòa lên khóe mắt với khuôn mặt nặng trĩu buồn đau và nói:

- Em chưa lầm lỗi trong đời, em chỉ là người con gái trời bắt phải khổ đau thôi. Vết thương đó còn lưu mãi trọn đời, khi em tắm dòng nước mát chảy vào càng đau nhói vào tim, thay quần áo đụng vào còn ê ẩm xót xa và khi nhìn xuống càng buồn hận não lòng cho đời người con gái. Em sẽ mang nó mãi mãi trọn đời cho đến hơi thở cuối cùng khi em đi về miền Miên Viễn…

Thùy Trang bắt đầu kể:

- Mùa hè 1962, lúc bải trường, nếu em chịu nghe lời và cùng đi với mẹ về Huế thì việc chắc không xảy ra. Em được Dì mời cùng đi chung vì em nóng lòng muốn xuống Ðiện Bàn để gặp thăm...

- Chắc em nôn nóng đi gặp người tình muôn thuở hay người yêu suốt đời của em chớ gì?...

Thùy Trang nghe tôi hỏi bắt đầu khóc ra tiếng trở lại...

- Không đâu anh...

- Hoặc Thùy Trang lỡ gặp một chàng đẹp trai mộng tưởng sở khanh nào đó, phá đời trinh nữ, rồi gã quất ngựa truy phong để hận muôn đời trong lòng người trinh nữ phải không em?

- Không phải đâu anh!!! Em đi xuống thăm ba... bằng xe đò...

- Trời ơi!!! Người cha nào tàn nhẫn vô lương tâm vậy, con gái xuống thăm mà để hận lòng tủi nhục suốt đời cho con vậy?

- Không phải như anh tưởng đâu... nghĩ vậy làm thêm đau lòng Trang… Xe đò xuống gần đến quận Ðiện Bàn còn cách chừng hai cây số đến chỗ ba em đóng đồn Ðiạ Phương Quân. Thấy có lính ra chận xe, hành khách tưởng đâu Địa Phương Quân trạm xét hỏi như thường lệ, nào ngờ đâu chúng nó lùa tất cả mọi người xuống trong đám rừng...

- Chắc lính ÐPQ chúng nó làm hỗn hại đời trong trắng của em phải không? Cho anh biết đồn ở đâu, nếu có một cơ hội nào bay ngang qua anh gởi tặng cho chúng nó vài trái bom 500 cân nhắc nhở anh em đừng hãm hại dân lành, phải bảo vệ sinh mang tự do và đời sống của họ.

- Không đâu ... Tím 1 ơi!!! Đó là tụi lính việt cộng đang định tấn công đồn ba em đó... và phi cơ khu trục bay đến yểm trợ. Chiếc phi cơ đầu bắn một loạt súng, phi cơ thứ hai vừa nhào xuống... ngưng bắn lại kéo lên, may là không thả bom.

Tới đây Thùy Trang ôm ngực, càng sùi sụt khóc lớn trong tiếng thở than...

- Sao Trời Phật không cho lằn đạn hôm đó nhích thêm chừng một phân nữa đi thẳng vào xuyên tim em chết tức khắc trong giây phút... Như vậy sướng cho đời con gái của em hơn. Sao trời lại bắt đời người con gái phải mang vết đau và tật suốt đời... và phận sự làm mẹ trong tương lai không còn đủ khả năng nữa.

Vì khi Thùy Trang đang chơi vơi trong biển đau khổ tột cùng như muốn tìm ai chia sẻ và nâng đỡ tinh thần. Nàng không ngần ngại trịt áo dài và áo nịt xuống một phần để lộ rõ ra trên bộ ngực hai bầu sữa của Thùy Trang không còn nguyên vẹn vì viên đạn lạc vô tình. Chỉ còn để lại những vết thẹo sần sùi lồi hủn vì đường may không khéo tay của các y tá bịnh viện. Tôi siết chặt Thùy Trang trong vòng tay, tim như đứng lại, thiếu nhịp không đủ chuyển máu đi nên đóng băng toàn thân, toát mồ hôi lạnh. Ðời sao quá nghiệt ngã để tôi rơi vào một tình huống phũ phàng ngang trái thế nầy.

Nỗi đau buồn cùng cực của người nữ học sinh ngây thơ vô tội vì chữ hiếu đi thăm cha mà nên nổi nầy... đang dày xéo con tim tôi. Lời nguyền và tinh thần trách nhiệm của đời phi công Khu Trục là bảo vệ dân lành đang cắn xé và nghiến nát tâm cang tôi, sẽ pha hòa lẫn vào dòng máu tôi cho đến trọn đời. Tôi cắn môi đến rỉ máu để khỏi bật tiếng khóc. Nhưng hai giòng nước mắt âm ấm rơi từ từ xuống trên lòng ngực Thùy Trang, không chỉ mong để chia bớt và xoa dịu phần nào vết thương đau ngàn đời trên người trinh nữ, mà mong hòa lòng hối hận mông lung đang tràn ngập đời phi công khu trục của tôi... với tâm sự người con gái trời bắt khổ đau.

Sau những tiếng Thùy Trang thở than, nào là Tím 1 ơi!!! Phi cơ khu trục đến... bắn loạt súng đầu... phi cơ thứ hai nhào xuống... ngưng bắn ... kéo lên... đã kéo trả tôi trở về với dĩ vãng...

Ngày X tháng Y, năm 1962... vào một buổi chiều hè... Panama gọi phi vụ khẩn cấp... Tiếng Bạch Ðằng gọi ... Phi Hổ Tím... Hình ảnh... Người áo trắng... Ðiện Bàn... đi khấp khểnh tay ôm ngực đầy máu tà áo sau bay phất phới…đã theo đuổi tâm hồn tôi trong hai năm qua. Giờ đây tôi gặp được người bằng da bằng thịt, người nữ sinh nạn nhân của chính tay tôi và phận sự của đời trai tôi không làm tròn cho đất nước để bảo vệ dân lành. Chính tôi là thủ phạm và chịu trách nhiệm viên đạn vô tình đã để lại vết hằn trên thân thể của người trinh nữ vô tội giữa hai lằn đạn bạn và thù. Tại sao cao xanh quá trớ trêu và thần linh trên quả đất tròn rộng lớn nầy, đã xui khiến cho tôi gặp lại nạn nhân đau khổ mà chính tay tôi gây ra. Thùy Trang cài nút áo lại sau mấy giọt nước mắt ấm xót đau thương, ăn năn hận tủi rơi vào vùng đỉnh cao chiến thuật của Thùy Trang.

Nàng ngước mặt lên:

- Tím 1 cũng khóc để chia sẻ nỗi đau buồn vô tận của tâm tư cùng Trang phải không?

- Ðúng vậy, nhưng anh xem đó không chỉ là phần thân thể thầm kín của Thùy Trang, mà nơi tượng trưng lòng đất mẹ bị cày nát vì những vết bơm đạn đau thương hằng ngày chính các anh phải mang đi để ngăn giặc chặn thù trên mảnh quê hương đất Việt miền Nam.

Trời đã quá khuya hơn hai giờ sáng rồi, muôn vạn vì sao đang chớp trên nền trời, gió im lặng. Cảnh vật như chìm đắm vào tâm tư đau buồn của Thùy Trang hòa cùng nỗi lòng tan nát vì trách nhiệm của người phi công khu trục trong thời chiến tranh tương tàn của đất nước Việt. Thôi chúng mình về đi em, Thùy Trang lên xe, tôi rồ máy trực chỉ nhà nàng. Chừng năm phút sau tôi ngừng lại trước cửa một nhà khá khang trang, cổng vào có giàn hoa thiên lý và hoa lài tỏa một mùi hương thơm dìu dịu làm dễ chiụ lòng người trong đêm khuya thanh vắng. Trước khi bước xuống xe Thùy Trang bảo:

- Nếu vì chuyện của em làm buồn lòng Tím 1 đêm nay, Thùy Trang xin tạ lỗi cùng Tím 1. Bước xuống xe nàng đi vòng qua bên trái chỗ tôi lái xe đứng sát bên nhìn tôi và nói :

- Một lần nữa xin cám ơn Tím 1 đã cho Thùy Trang một đêm tâm sự đầy tình người.

Tôi chúc lại Thùy Trang mau thành cô giáo sư đẹp của miền Sông Hương Núi Ngự. Nàng mở cổng hàng rào đi vào gần đến cửa nhà, tôi biết thế nào Trang cũng trở ra. Cái ví của nàng còn nằm dưới ghế xe tôi, lẹ tay tôi móc túi sau quần lấy trọn bao thơ mà lương của tôi vừa lãnh hồi chiều nhét vào chiếc ví của Thùy Trang. Em trở ra đứng áp sát bên tôi, ngước mặt nhìn tôi với đôi mắt ngây thơ như đang chờ đợi. Tôi lắc đầu nhẹ, lòng tôi ngỗn ngang. Tôi đang cầm chiếc ví, tôi trao cho Trang, nàng nói cám ơn và hôn nhẹ vào bên má trái của tôi rồi thoăn thoắt đi vào nhà. Tôi nói vói theo khi Thùy Trang khi vào đến cổng:

- Anh có gởi cho em món quà trong ví.

Tôi rồ xe chạy đi, Thùy Trang chạy trở ra cổng và còn đứng trông theo cho đến khi xe quẹo vào tỉnh lộ. Tôi vẫn còn thấy màu áo trắng và sẽ theo đuổi hồn tôi trọn kiếp người. Ngày mai, sau khi đi bay về nhận được tờ thư của Thùy Trang do Phi Hổ Vàng 3 Nguyễn Du đem đến, nàng có đôi lời cám ơn Tím Một và sẽ dùng món quà trọn cho năm học tới ở trường Sư Phạm Qui Nhơn.

Tháng sáu 1964 tôi đổi về làm chỉ huy trưởng Căn Cứ Tân Sân Nhứt tôi không theo dõi Thùy Trang cho đến năm 1972, khi ra nhận lãnh Căn Cứ 60 Chiến Thuật KQ Phù Cát do Mỹ trao lại, trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh. Tôi có dịp ra thăm Căn Cứ KQ Ðà Nẵng gặp lại Thiếu tá Nguyễn Du, cho biết Thùy Trang đã ra Trường Sư Phạm và làm việc tại Qui Nhơn về thăm gia đình ngoài Huế miền An Cựu vào dip Tết Mậu Thân, cả gia đình đã bị thảm sát, chỉ trừ có người anh thứ ba còn sống mà không biết bây giờ đang phiêu bạt nơi đâu...

Lời Cuối Với Thùy Trang

Thùy Trang em, Tím 1 xin tạ tội cùng em vì anh đã không đủ can đảm thú thật với em, anh chính là người đã gây ra sự đau khổ trọn đời của vết thương trên thân thể người trinh nữ. Anh không muốn gây cho em một ấn tượng ác cảm với các anh em trong Phi Ðoàn 516 Khu Trục Phi Hổ. Trong lúc em có cảm tình sâu đậm và coi mình cũng là một phần trong gia đình Phi Hổ vì có người anh chú bác Phi Hổ Vàng Thiếu tá Nguyễn Du. Tím 1 giữ kín và mang nặng trong lòng nỗi buồn thầm kín tàn phá tâm tư, anh chưa bao giờ thổ lộ cho ai biết đúng nửa thế kỷ từ năm 1964 cho đến nay 2014. Tà Áo Trắng của Cô Gái Ðiện Bàn vẫn vờn bay trong tiềm thức anh, khi Tím 1 nhìn thấy tà áo trắng nào tung bay, anh liên tưởng ngay đến tà áo Thùy Trang... Cô Gái Áo Trắng Ðiện Bàn.

Thùy Trang mến, anh đã tám mươi hai tuổi rồi, anh không còn mang nổi mối ân hận về lòng trách nhiệm đó nữa. Vì sau khi anh mổ tim từ 9/9/10 cho đến hôm nay 1/18/14, hơn bốn năm bốn tháng rồi anh không viết thêm được dù chỉ đoạn chót, lúc từ biệt Thùy Trang bên hàng rào đầy hương thơm bông lài và hoa thiên lý trong đêm buồn không trăng nhưng nhiều sao tâm sự cùng nhau ở bãi biển thơ mộng gần Tiên Sa. Mỗi lần anh ngồi xuống là anh thấy màn ảnh trên máy vi tính mờ đi khi giọt nước mắt rơi trên máy. Gợi lại hình ảnh những giọt nước mắt của ngày xa xưa rơi trên vết thương muôn đời không bao giờ lành trên cơ thể em hiện ra làm anh lạnh run và toàn thân tê dại anh phải tắt máy đi. Nhưng hôm nay anh phải cố gắng lắm viết cho xong lời nguyện cầu để gửi đến chúc Thùy Trang và gia đình được hưởng trọn Nhan Thánh Chúa vĩnh cửu nơi Thiên đàng.

Tím 1

Ngày 1/18/14, lúc 3:45 sáng tại Pleasant Hill City, CA 94523.