Wednesday, September 21, 2016

Căn Cứ 60 Chiến Thuật KQ và PĐ 532

Gấu Đen 10

Song song với kế hoạch bành trướng và hiện đại hóa Không Quân, Căn cứ 60 Chiến Thuật KQ được thành lập và đồn trú Phi Trường Phù Cát từ 1972. CC60CTKQ tùng thuộc SĐ II KQ thời gian đầu, sau được chuyển sang SĐ VI KQ Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang SĐT.

Phi trường Phù Cát do Không Quân Hoa Kỳ xây cất với phi đạo 10 ngàn bộ (15/33) khả dụng cho hầu hết các phi cơ của Không Quân Hoa Kỳ như O2, F100, F105 và F104, Trực Thăng, Vận Tải v.v... Khi Căn Cứ được bàn giao lại cho KQVN, vị Căn Cứ Trưởng đầu tiên và duy nhất là NT Nguyễn Hồng Tuyền. Các Không Đoàn và Phòng sở chính của CC60CTKQ gồm có:

1- KĐ Yểm Cứ do Trung Tá Phương đảm trách (KĐT)

  • Liên Đoàn Bảo Trì Tiếp Liệu : Thiếu Tá Tường.
  • Liên Đoàn Phòng Thủ : Thiếu Tá Hà.
  • Phòng Nhân Viên : Thiếu Tá Hai.
  • Phòng Nhân Viên : Thiếu Tá Tôn, sau được thay thế bởi Đại Úy Giản.
  • An Ninh : Thiếu Tá Nguyễn Xuân Hy.
  • Quân Y : ( Không nhớ tên).
  • Tài Chánh : Trung Úy Trương tấn Thảo.
  • Chiến Tranh Chính Trị : Hoàng như An.

2- KĐ82CT do Trung Tá Nguyễn Văn Trương đảm trách (KĐT)

  • Không Đoàn Phó : Thiếu Tá Nguyễn Kim
  • Phòng Huấn Luyện : Thiếu Tá Lê ngọc Yên (sau khi rời PĐ532).
  • Phòng An Phi : Thiếu Tá Nguyễn văn Xuân (sau khi rời PĐ532).
  • Phòng Hành Quân Chiến Cuộc : Thiếu Tá Ngọc.
  • Các Phi Đoàn tác chiến : PĐ 243 UH (Th/T Thân), PĐ 241 Chinook (Th/T Hiếu) và PĐ 532 A-37 (Th/T Lê Trai).
  • Các Phi Đoàn C7 tại Phù Cát (PĐ 427, 429 và 431) sau này dời về Đà Nẵng và TSN.

Phi Trường Phù Cát nằm cách Thành phố Quy Nhơn khoảng 15 dặm về hướng Tây bắc; Cách Quốc Lộ 1 khoảng 1 dặm về hướng Tây; Quốc Lộ 19 và BTL Sư Đoàn 22 BB nằm về phía Nam của phi trường. Phi trường Phù Cát được dựng lên giữa một thung lũng ba mặt là núi. Ngoài thành Phố Quy Nhơn ra, các địa danh quen thuộc chung quanh CC60CTKQ còn có các Quận lỵ như : Phù Cát, Phù Mỹ về hướng Đông; đèo Phù Củ hướng Đông Bắc; Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn phía Bắc; mật khu An Lão phía Tây Bắc; An Khê hướng Tây. Các địa danh kể trên là những vùng tiếp cận với phi trường Phù Cát. Những danh từ nóng bỏng này chắc chắn đã trở nên rất quen thuộc với bất cứ người Việt Nam nào chịu khó theo dõi tin tức Chiến sự hàng ngày trên báo chí cũng như TV/Radio trong thời điểm đó. Mật khu An Lão từng là chiến khu của Việt Minh trong thời chiến tranh chống Pháp. Tin đồn rằng phần lớn đàn ông và thanh niên thuộc các vùng phía bắc Bình Định đã tập kết hoặc vào bưng ... Điều đó không biết có chính xác không Nhưng trên thực tế, mặc dù là một căn cứ KQ, sinh hoạt hàng ngày của anh em chúng tôi từ khi mới tới cho đến lúc ra đi khi nào cũng phải đề cao cảnh giác và luôn luôn có cảm tưởng như đang sống giữa lòng địch ...

Vì nằm giữa đống kiến lửa nên phi trường Phù Cát đã đóng một vị trí Chiến thuật rất quan trọng trong cố gắng ngăn chặn đường tiếp tế giao liên của VC từ vùng duyên hải Bình Định vào mật khu An Lão (Bộ chỉ huy Sư Đoàn 3 Sao Vàng VC) cũng như các cứ điểm của chúng chung quanh thị trấn cao nguyên Pleiku và Kontum. Phi Trường Phù Cát là cái gai hiểm hóc nằm chắn ngang cuống họng tiếp tế của VC nên chúng luôn luôn tìm cách cuối phá, pháo kích và tấn công phi trường ngay từ những ngày đầu; Kể cả một lần chúng đã liều lĩnh đánh đặc công và chiếm đồi 151 nằm sát vòng đai và trong hệ thống phòng thủ phi trường.

Anh em KQ đã từng đáp Phù Cát thì chắc còn nhớ đồi 151 nằm sát phi đạo về hướng Tây. Đồi 151 do một Đại Đội ĐPQ đồn trú. Đồi 151 cũng là cao điểm quan sát các vùng chung quanh phi trường để báo động mỗi khi có pháo kích và chấm tọa độ phản pháo cho quân ban. Nhờ vậy mặc dù Phù Cát bị pháo kích như cơm bữa nhưng thường thường anh em chúng tôi vẫn có đủ thời giờ để sửa soạn tâm linh trước khi nghe đạn nổ. Lý do vì sợ bị phản pháo rất nhanh của Pháo Binh nên VC thường chỉ phóng vài trái 122 rồi bỏ chạy... Vì thế cho nên mặc dù anh em KQ Phù Cát bị ăn pháo rất thường nhưng những trận pháo kích cũng qua đi rất nhanh. Lúc đầu mỗi khi nghe còi báo động thì anh em chúng tôi còn chạy ra hầm trú ẩn, sau quen đi chỉ giật mình rồi ngủ tiếp... chúng tôi bảo nhau đạn không có mắt, rớt trúng ai ráng chịu ...

Như đã trình bày ở phần trên, vì đồi 151 rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ phi trường và các vùng lân cận nên đã một lần VC cả gan đánh Đặc công ban đêm và chiếm được đồi 151. Nhưng chúng chỉ giữ được ngọn đồi trong một thời gian rất ngắn rồi bị chúng ta đẩy lui. Ngày đó có lẽ là ngày bận rộn nhất của các lực lượng phòng thủ và anh em KQ Phù Cát. Vì bằng mọi giá, đồi 151 phải được chiếm lại cùng ngày. Nếu không thì chắc chắn đêm đó căn cứ Phù Cát đã bị thiệt hại rất nặng sau khi VC đã có đủ thời giờ và tầm quan sát chính xác để điều chỉnh tác xạ vào bộ chỉ huy, kho xăng, các Phòng sở, cư xá và quan trọng hơn cả là các ụ phi cơ (A37 thuộc PĐ 532, UH thuộc PĐ 243 và Chinook thuộc PĐ 241) v.v... Đó cũng là ngày mà anh em KQ đồn trú CC Phù Cát được xem cuốn phim chiến tranh sống động nhất trong đời quân ngũ. Được xem bạn mình đánh VC ngay trước mắt... Các phi vụ trực thăng (PĐ 243) tác xạ chính xác và đẹp mắt... A-37 Gấu Đen cất cánh phi đạo 15 lấy đủ cao độ, vòng lại thả bom đồi 151... Đáp phi đạo 33, giúp anh em vũ khí tái trang bị tàu rồi cất cánh đánh tiếp... Đồi 151 đã được chiếm lại cùng ngày.

CC60CTKQ dưới sự lãnh đạo của NT Ng Hồng Tuyền và BCH căn cứ, anh em KQ và các lực lượng bạn đã chiến đấu anh dũng và căn cứ đã đứng vững cho tới tháng Ba 1975 khi bắt buộc phải bỏ căn cứ di tản chiến thuật về phương Nam, lúc đó Buôn Mê thuột đã mất, CCKQ Đà Nẵng và CCKQ Pleiku cũng đã di tản và trách nhiệm yểm trợ cuộc rút quân có một không hai theo Tỉnh Lộ 7 của bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cũng đã được coi như là chấm dứt...

Phần tiếp theo xin các NT và anh em cho phép tôi được chia sẻ những hoạt động và kỷ niệm trong lúc đồn trú CC60CTKQ có liên hệ trực tiếp tới KĐ 82 CT nói chung và PĐ 532 nói riêng. Cùng xin thưa trước rằng cấu trúc và chi tiết của bài này hòan toàn đóng khung trong phạm vi hiểu biết và trí nhớ của kẻ hậu bối mà thôi và cũng đã hơn 35 năm rồi ... Nếu có sơ sót hoặc thiếu chính xác thì cũng xin các NT và anh em bổ túc thêm rồi cười trừ bỏ qua cho.

PĐ 532 Gấu Đen

Phi Đoàn 532 A-37 thuộc Không Đoàn 82 Chiến Thuật, Căn Cứ 60 Chiến Thuật Không Quân Phù Cát được thành lập năm 1972. Nhân viên của Phi Đoàn đến từ các phi đoàn A-37 516, 520, 524, 526 và 528 cùng với hai vị SQLL từ các trường bay bên Hoa Kỳ mãn nhiệm kỳ hồi hương. Danh Sách đầu tiên của Phi Đoàn gồm có 14 người :

  • Th/T Lê Trai (PĐ528) - PĐT
  • Th/t Lê tuấn Đạt (SQLL) PDP
  • Đ/U Ng thiện Ân (SQLL) TPHQ
  • Đ/U Lê ngọc Yên (524) SQHL
  • Đ/U Ng văn Xuân (526) SQAP
  • Đ/U Ngô văn Trung (524)
  • Đ/U Ng đăng Huấn (516)
  • Tr/U Võ Tống Linh (520)
  • Tr/U Ng Nhật Minh (524)
  • Tr/U Đinh văn Trang (528)
  • Th/U Ng văn Trường (526)
  • Th/U Bùi Huy Sơn (520)
  • Th/U Châu văn Yến (526)
  • Th/U Phạm khắc Khuê (520)

Chỉ trong một thời gian ngắn, PĐ 532 được bổ sung thêm quân số rất hùng hậu, phần nhiều là các phi công vừa mãn khóa từ Hoa Kỳ và các anh em bên quan sát bay xuyên huấn A-37. Cho tới tháng 3/1975, PĐ 532 đã có tới gần 30 Pilot khả dụng hành quân.

Vùng Hoạt Động

Như các NT và anh em đã biết, Sư Đoàn VI KQ có hai phi đoàn khu trục, PĐ 530 A1 (Thái Dương) đồn trú Căn Cứ Pleiku và PĐ 532 A-37 (Gấu Đen) đồn trú Căn Cứ Phù Cát. Cùng với Thái Dương, địa bàn hoạt động chính của Gấu Đen về phía Đông là vùng duyên hải phía Bắc Vùng II CT từ Tuy Hoà, Sông Cầu trở ra tới ranh giới Vùng I CT; về phía Nam từ Phú Bổn trở ra; về phía Tây và Tây Bắc có An Khê, Pleiku, Komtum và các tiền đồn như Plei Me, Lệ Minh, Chu Pao, Đức Cơ, Tân Cảnh, Võ Định, Dakto, Diên Bình, Gia Vực, đường mòn HCM v.v... Về phía Bắc và Đông Bắc có các địa danh nóng bỏng như Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Ân, Hoài Nhơn, đèo Phù Củ v.v. Nhiều khi anh em chúng tôi cũng được chỉ định bay những phi vụ xa hơn về phía Nam để yểm trợ các chiến trường như Gia Nghĩa (Quảng Đức), ngã ba giên giới, Muôn Mê Thuột, Hà Lan v.v... Phi Công PĐ 532 đã từng tham chiến tất cả các mặt trận tại các vùng kể trên, ngay cả chiếc cầu Diên Bình trên Quốc Lộ 14 phía Bắc Kon tum, mặc dù không có những cuộc không tập lớn như cuộc không tập của KĐ92CT Phan Rang với 40 A-37 gồm 3 phi đoàn, anh em Thái Dương và Gấu Đen cũng đã đánh chiếc cầu này nhiều lần bằng cả 3 phương pháp : Normal bomb run, BOBS và truy kích. Tuy nhiên như các NT và anh em phục vụ tại Vùng II đều biết, chiếc cầu này rất quan trọng đối với VC lại không lớn lắm nên dù bị đánh sập hoặc hư hại nặng, Công Binh VC đã sửa chữa ngay và cây cầu lại trở nên khả dụng chỉ một vài ngày sau đó, và quân ta lại đánh nữa ... Cái vòng luẩn quẩn đó cứ lập đi lập lại hoài cho đến ngày SĐ VI KQ di tản chiến thuật ...

Trong khói lửa chiến tranh của Vùng II CT, PĐ 532 đã trưởng thành mau lẹ. Cho tới tháng Ba 1975, PĐ 532 đã có hơn 30 phi công khả dụng hành quân cộng thêm với số anh em A1 từ PĐ 530 bay xuyên huấn A-37. Cuối tháng Ba (1975) chúng tôi được lệnh di tản về Nha Trang. Vừa đáp xuống Nha Trang chỉ kịp đổ xăng thì được lệnh bay đi Phan Rang. Ngày hôm sau lại được lệnh về Tân Sơn Nhất... cuối cùng là Căn Cứ KQ Bình Thủy (Cần Thơ) rồi sát nhập KĐ74CT cho đến ngày thật sự tan hàng (30/04/1975).

Một điều không biết có nên gọi là may mắn ... Trong gần 3 năm hoạt động trên hầu hết các chiến trường Tây Nguyên và Duyên hải Vùng II CT, PĐ 532 chỉ mất đi có hai phi công : Th/U Châu văn Yến gẫy cánh tại Chu Pao và Th/U Phạm Vàng tại An Khê. Âu đó cũng là sự hy sinh quá nhiều của anh chị em KQ nói riêng và tất cả các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu cho lý tưởng tự do nói chung. Họ và gia đình đã hy sinh quá nhiều cho một cuộc chiến đầy Chính Nghĩa nhưng chúng ta đã thua chỉ vì giới lãnh đạo quá kém cỏi, tham ô và đã để chúng ta hoàn toàn bị lệ thuộc vào bàn tay nhem nhuốc của các đế quốc tư bản cũng như Cộng sản; làm lợi cho những ý đồ riêng tư của họ... Điều đau lòng đó chắc chắn sẽ còn vương vấn mãi trong lòng anh chị em cựu Quân nhân chúng ta nói riêng và tất cả con dân Việt Nam nói chung; những con người mãi mãi yêu chuộng lý tưởng Độc Lập, Tự Do, Hoà Bình và Nhân Đạo.

Gấu Đen 10



No comments:

Post a Comment