Tuesday, October 29, 2019

Người Rơm

Người Rơm

Chuyện Tản Mạn của

Diễm


Cuối tháng mười. Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến lễ hội Halloween. Một trong số những biểu tượng trang trí cho ngày lễ mùa thu và cũng là mùa gặt bên xứ Mỹ này là những hình nhân được kết bằng rơm: người rơm.

Người rơm trang trí trong mùa lễ thường được mặc những bộ trang phục đồng quê rất dễ thương, báo hiệu mùa gặt về.

Người rơm được dựng rải rác trên đồng như những bóng người để đánh lừa lũ chim đừng bay về rỉa hạt trên những nhánh lúa trĩu bông.

Tôi vốn yêu những hình nhân bằng rơm ngộ nghĩnh này vì cảm giác ấm cúng và no đủ của vụ mùa. Thế nhưng hôm nay, khi nghe nhắc đến hai chữ "người rơm," lòng tôi quặn đau và nước mắt chỉ chực trào, bởi vì có rất nhiều "người rơm Việt Nam" đang sống vất vưởng đó đây một cách bất hợp pháp tại Anh Quốc và những quốc gia nhỏ ở Châu Âu.

Người bản xứ gọi họ là "người rơm."

Tại sao lại gọi là “rơm?”

Bởi vì một khi bước vào con đường sống theo kiểu "nhập cư bất hợp pháp" như vậy, họ đã chấp nhận giá trị sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm - như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu (passport) của họ sẽ bị hủy ngay khi lên đường theo “đường dây buôn người” đến một nước châu Âu nào đó nhằm chối bỏ quốc tịch, phòng trường hợp nếu bị bắt, họ sẽ bị trả về quốc gia họ vừa rời bến, thay vì bị trả lại về nguyên quán Việt Nam. Đó là khi họ chính thức bước vào giai đoạn “sống không ai biết - chết không ai hay.” Thật là xót xa!

Mới đây đã có 39 "người rơm" bị chết cóng trong nhiệt độ âm 25 độ trong một toa xe đông lạnh bị phát hiện tại Anh. Hầu hết họ là những thanh niên trẻ trong lứa tuổi 20-30 rời bỏ làng quê khó nghèo tại Việt Nam, nhắm mắt đưa chân để trở thành một cứu cánh đổi mới cuộc sống cơm áo cho gia đình và cho chính mình.

Ngày xưa, sau khi được "giải phóng," làn sóng thuyền nhân từ miền nam đã ồ ạt ra khơi rời bỏ Việt Nam đánh đổi tính mạng giữa biển cả mênh mông để “đi tìm tự do.” Vì đâu nên nỗi?

Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ "vinh quang," vì sao vẫn còn những mầm sống trẻ sẵn sàng rời bỏ Việt Nam để “đi huỷ hoại giá trị tự do” của chính mình để trở thành "rơm - rạ" như vậy? Vì đâu nên nỗi?

Tôi cảm thấy cay đắng khi nhớ lại khi còn ở trong nước mỗi khi cầm bút viết bất cứ tờ đơn nào cũng phải bắt đầu bằng những dòng chữ:

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Những dòng chữ mai mỉa này khiến cho nước mắt tôi nhạt nhoà khi liên tưởng đến những dòng thư tuyệt mệnh xin lỗi người thân của một cô em gái "đồng bào" trước khi đi vào thế giới băng giá tê tái cho tới chết của thân phận... người rơm.

Diễm - 10/29/2019



Wednesday, October 23, 2019

Phân Ưu


Được Tin trễ
Phi Công Thiếu tá Nguyễn Hoàng Mai
Pháp Danh Ngọc Hương
đã theo Hợp Đoàn Không Lực về miền Miên Viễn
Ngày 12 tháng 10 năm 2019
tại Kentuckey, USA
Hưởng thọ 78 tuổi

Toàn thể các Phi Công Phi Đoàn 530 Thái Dương,
SƯ ĐOÀN 6 KHÔNG QUÂN, QLVNCH
Thành thật chia buồn cùng Gia Quyến,
và Nguyện cầu hương Linh Thái Dương Nguyễn Hoàng Mai
sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc

Thay mặt Gia Đình Thái Dương 530
Thiếu tá Bạch Diễn Sơn



Sunday, October 20, 2019

MỘT THOÁNG BRUXELLS

Tạp ghi của

Diễm


Nếu có bị mắng "Đứng núi này, trông núi nọ" chắc cũng không oan uổng tí nào!... hi hi... bởi vì đúng là có kẻ ở đứng ở Paris nhưng lại manh lòng trông sang Bruxells (hay còn có khi viết là Brussels), thủ đô của nước Bỉ (Belgium) nằm chênh chếch về phía bắc cách Paris 315 km.

Có nhiều "lý gio, lý trấu" để biện hộ cho sự tham lam này của tôi như sau:

  • Cũng muốn được tiếng là biết thêm một quốc gia nữa trên thế giới.
  • Lắng nghe tiếng gọi của trái tim bởi vì Bruxells nổi tiếng với kẹo chocolate, bánh waffle và khoai tây chiên chấm một loại sauce đặc biệt rất ngon.
  • Ở đó có một người chị hàng xóm Saigon mến thương năm xưa mà tôi rất muốn gặp lại.

Thế là tôi trích ra một ngày trong một tuần ngắn ngủi với Paris để đi thăm Bruxells. Dễ ợt mà! Vé xe lửa của hãng Thalys hết khoảng 80 euro cho một vé khứ hồi đi về trong ngày có bán online. So sánh với giá Uber nếu đi ăn phở Bida tại Quận 13/Paris 40 euro thì cũng không đến nỗi tệ. Giá FlixBus rẻ hơn nhiều, chỉ chừng 29-30 euro, nhưng mất 5 tiếng mới tới nơi so với 1 tiếng rưỡi ngồi trên xe lửa, vì vậy, trong trường hợp này thì thời gian quý hơn tiền bạc.

Nghe người ta nói nhiều về những chuyến xe lửa đi xuyên qua nhiều quốc gia ở Châu Âu nhưng hôm nay chúng tôi mới thực hiện nên trong lòng vừa vui vừa hồi hộp. Chợt nhớ tới một chi tiết trong bộ phim hoạt hoạ "DUMBO" của Walt Disney về chú voi con có chiếc tai to dị thường, chiếc xe lửa trong phim bò ngoằn ngoèo vừa leo lên dốc vừa kêu "I think I can - I thought I could", tôi mỉm cười một mình...I could!

Sau một trạm metro ngắn từ khách sạn, chúng tôi tới Gare Du Nord, một bến xe rộng lớn và đông đúc giữa Paris. Thế thái nhân tình tại đây cũng giống như bao nhiêu bến ga khác. Vì còn sớm nên chúng tôi dạo một vòng quanh nhà ga, càng đi càng thấy Paris sao giống quá Saigon. Những dãy phố buôn bán tấp nập, hễ có mặt tiền là trở thành nơi buôn bán, phía trên lầu là nhà ở. Đường phố xe hơi và xe gắn máy, xe đạp nhường nhịn nhau mà đi qua. Ô kìa! "người em mắt nâu - tóc vàng sợi nhỏ" của nhà thơ đang mặc cảnh phục đứng giữa ngã tư, thổi tu huýt để điều khiển dòng xe cộ lưu thông hỗn độn trong giờ cao điểm cũng là một nét lạ của Paris.

Bên trong nhà ga, những chuyến xe được xếp đặt được trật tự trên bến bãi và có hệ thống computer cập nhật liên tục rõ ràng ngày, giờ, nơi đến, bến số mấy để hành khách lục tục lên tàu.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly...

Nếu như nhà thơ Cung Trầm Tưởng biết rằng chúng tôi đã nhắc đến ông nhiều như vậy trong suốt chuyến đi liệu ông sẽ nghĩ gì? Hi hi... Ồ không! Tâm trạng của chúng tôi là "Chưa bao giờ vui thế!" bởi vì được đi xe lửa hiện đại có WiFi cho tha hồ mà lướt FaceBook và chit chat trên Viber và tha hồ mà ngắm cảnh đồng quê thanh bình giữa miền biên giới Pháp-Bỉ hai bên đường. (Đối với những ai vốn lo xa thì tôi xin mở ngoặc - có chỗ cho "niềm vui thăng hoa và nỗi buồn hoá giải" trên xe. Xin yên tâm! - Đóng ngoặc).

Bruxells mang một vẻ đẹp hiền hoà và đài các hơn so với Paris, tôi cho là vậy khi so sánh giá vé metro giữa hai thành phố.

Khu Quảng Trường Lớn (Grand Place) ngay trung tâm thành phố đã khiến mọi người phải "Wow" lên một tiếng lớn khi đứng giữa một khoảng không vuông vức bao la được bao bọc bốn phía bởi những toà nhà cổ như toà đô chính, cung vua (La Maison Du Roi), với kiến trúc Gothic tuyệt đẹp sơn son thếp vàng. Nghe nói nơi đây cũng từng là nơi đặt giàn lửa thiêu cháy những người dị giáo, và cũng là nơi hành hình xử trảm những bị bá tước phạm tội.

Sau khi ngắm cho mãn nhãn quang cảnh kiến trúc tuyệt vời này, chúng tôi đi vào những con đường nhỏ của Bruxells để tìm cho ra "cậu bé đứng tè" nổi tiếng.

Đó là môt bức tượng nhỏ bằng đồng cao khoảng 6 tấc mang tên gọi "Manneken Pis" và được biết đến như biểu tượng của Bruxells. Có khá nhiều giai thoại xoay quanh bức tượng đồng này, nhưng đây là câu chuyện mà tôi thích nhất.

Vào thế kỷ 14, trong sự hiềm khích với Bỉ, Tây Ban Nha đã phái một đội quân bí mật mang mấy vạn tấn thuốc nổ chôn giấu chung quanh Bruxells và chuẩn bị một âm mưu để huỷ diệt thành phố. Bỗng dưng ở đâu có một cậu bé chạy đến "tè" ngay vào ngòi nổ đã được chuẩn bị để kích hoạt khiến cho nó bị ướt và âm mưu huỷ diệt bị vở lở. Cậu bé, vô hình trung, đã trở thành một anh hùng của Bruxells và được người dân đúc thành tượng biểu hiện sự thương mến.

Chúng tôi hoà vào dòng du khách đến từ nhiều nơi thưởng thức ba món đặc sản của Bruxells: bánh waffle (bánh tàng ong) phủ đầy kem và trái cây tươi, kẹo chocolate ngon ngọt đậm đà, và khoai tây chiên vàng rụm chấm với một loại sauce màu vàng có chút vị mù-tạt ngon đặc biệt.

Khoảng 3 giờ rưỡi chiều thì cú phone mà tôi hằng mong đợi bỗng reo vang. Chúng tôi gặp lại chị Bích Phương tại một tiệm bia ngay trong khu Quảng Trường Lớn. Sau 35 năm, chị vẫn như y như ngày còn là một hoa khôi của đường Đặng Dung, mỗi khi ra đường là thu hút tất cả những ánh mắt "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư".

Chị hơn tôi vài tuổi, một khoảng cách đủ để cho một con bé con ngưỡng mộ người đàn chị xinh đẹp khả ái. Chúng tôi khắng khít bên nhau những Chủ Nhật đi lễ nhà thờ Tân Định. Ngày ấy, tuy không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu những mong ước và khấn nguyện của nhau và lặng lẽ chúc phúc cho nhau.

Hôm nay, chúng tôi ngồi bên nhau trong quang cảnh của một ngày đầu thu tuyệt đẹp, nhâm nhi từng ngụm bia tươi Belgium nổi tiếng và nhắc chuyện xưa...

Chao ôi! Một thoáng Bruxells bỗng như một giấc Nam Kha.

Diễm @ Bruxells - Sept 17, 2019



Friday, October 18, 2019

Biết Nói Gì Đây

Tản mạn của

Diễm


Mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ vì một cái "Hoạ.” Hoạ... Thơ bắt nguồn từ bài "Thơ Hoạ.”

Bài thơ gốc chính là bài "Râu Xanh" gồm 17 câu thơ lục bát của thi sĩ Cung Trầm Tưởng được viết vào năm 1965. Khi ấy tôi chưa chào đời, còn thi nhân Cung Trầm Tưởng thì có lẽ đang vào độ tuổi "chín đỏ trái sầu" đến nỗi ông đã mượn hình ảnh "Râu Xanh" như một ẩn dụ để bày tỏ sự mãnh liệt của mình trong tình yêu.

Râu Xanh, trong tiếng Pháp là Barbe-bleue, tiếng Anh là Bluebeard, là một nhân vật rất đỗi “yêu mến những người đẹp” trong cuốn 'Những câu chuyện của Mẹ Ngỗng' của tác giả người Pháp Charles Perrault, xuất bản năm 1697.

Hãy nghe nỗi lòng của “Râu Xanh Cung Trầm Tưởng”:

Đến anh thì đến hôm nay
Lỡ mai gió lật chở đầy mưa qua
Đến anh thân thể lụa là
Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu
Đến anh lưng thắt chiết yêu
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hóa mười lần đến anh
Chờ em anh để râu xanh
Lòng xây bốn bức tường thành giam em
Hồn anh em thắp lên xem
Ác như một chiếc lồng đèn kéo quân
Tình anh sương giá đầy sân
Cần em mái phủ cho thân ấm nhờ
Chuyện mình mói nửa trang thơ
Phải hai cùng viết trang thơ vẹn tình
Chờ em anh để râu xanh.

Tôi đọc từng câu và cảm thấy vô cùng thú vị với ý tưởng ví von vừa táo bạo, vừa dí dỏm của thi sĩ và thế là trong một phút "rảnh rỗi sinh nông nổi" tôi đã viết 17 câu thơ vừa hoạ, vừa trêu... hi hi... ai lỡ để râu thì ráng chịu!

Chờ em anh để râu xanh
Giam em bốn bức tường thành đắm say
Râu xanh nay nhuốm màu mây
Phôi pha lãng đãng cuối ngày lãng du
Yêu tinh ngày cũ bây chừ
Dễ thương như một ông từ trong lăng
Hồn anh em hãy ghé thăm
Như đèn cù sáng dưới trăng hiền lành
Mong em nếu có đến anh
Ngắn đuôi mắt liếc, dài manh áo chùng
Cũng đừng thắt chiếc lưng ong
Khổ thân anh lại bềnh bồng phiêu diêu
Lòng anh xây một chữ “Yêu”
Oan khiên kể cũng ít nhiều vì... râu
Chuyện mình trước vẫn như sau
Trang thơ viết tiếp dạt dào cùng nhau
Yêu em râu cũng ngả màu...

(Diễm - 9/8/2018)

Viết xong tôi mới chợt giật mình. Ôi ôi! dường như mình vừa lỡ vuốt "Râu Hùm."

Thế mà chỉ đúng một tháng nữa thôi là "Hùm Thiêng" từ Xứ Vạn Hồ Minesota sẽ về thăm Miền Cali Nắng Ấm để ra mắt “CUNG TRẦM TƯỞNG - MỘT HÀNH TRÌNH THƠ". Kẻ dám “vuốt râu hùm" chợt thấy vô cùng hối lỗi và muốn có đôi lời tạ tội cùng Cung Tiên Sinh.

Chợt, cậu Võ Ý gọi phone phán một câu gọn bâng: "Cháu lên nói 8 phút đó nha!"

Ôi Trời! Thật sự đây là “Phước” chứ không phải “Họa,” chỉ có điều một đứa “trẻ người non dạ” như tôi thì biết gì mà thưa thốt? Biết nói gì đây?

Lần giở từng bài trong tập thơ gần 700 trang đóng bìa cứng dày, đẹp và quý của Tiên Sinh, tôi thấy mình như một con dế mèn vừa vào cuộc phiêu lưu liều lĩnh trong cõi thơ Cung Trầm Tưởng.

Bảy mươi năm hành trình làm thơ của ông được đúc kết bằng bảy tập thơ. Trong khoảng chiều dài thời gian và chiều sâu tư tưởng ấy, có rất nhiều vị tiền bối, những ngòi bút đáng kính trọng đã viết biết bao điều cảm nhận tinh tế và sâu sắc như sau:

  • Nhà phê bình văn Thuỵ Khuê viết về đề tài "Cổ Dao Trong Thơ Cung Trầm Tưởng".
  • Nhà thơ Viên Linh viết về "Lục Kinh Bát Quái" trong thơ Cung Trầm Tưởng biến dịch như sáu mươi tư quẻ càn khôn, dùng khoá tám để giữ.
  • Nhà văn Bắc Đẩu Võ Ý mà tôi vẫn gọi “Cậu Ý" vốn là bạn tù của thi sĩ Cung Trầm Tưởng trong những trại tù Cộng Sản thì viết "Đôi Dòng Cảm Nghĩ về Lời Viết Hai Tay" - những câu thơ viết khi hai tay của thi sĩ bị khoá trong chiếc còng số 8.
  • Giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm nhận xét về mạch "Nộ Thi" trong thơ Cung Trầm Tưởng.
  • Nhà văn Lê Hữu Cương viết về "Tự Do Tư Tưởng, Nơi Trú Đậu của Ngôn Ngữ Văn Chương"
  • Nguyễn Thanh Nhã viết về "Ngữ Giới Trong Thơ Cung Trầm Tưởng"
  • Trần Văn Nam viết về "Thơ Lục Bát Mới của Cung Trầm Tưởng"
  • Giang Hữu Tuyên viết "Giữa Trước Và Sau" để so sánh giữa một Cung Trầm Tưởng thanh xuân và tuổi tác.
  • Hoàng Yên Lưu ôn lại "Một Hành Trình Thơ" của Cung Trầm Tưởng

Sở dĩ tôi kể ra như vậy là để bạn đọc thấy được tầm cỡ của tác phẩm và vì sao tôi lại băn khoăn “biết nói gì đây?”

Cậu Võ Ý thương tình bèn… gợi ý:

- Hay cháu nói về tín ngưỡng trong thơ Cung Trầm Tưởng đi.
- Cậu ơi, cháu không dám đâu! Phải chăng Cung Thi Sĩ là một tín đồ thuần thành của giáo phái "Thần Vệ Nữ?"

Từ ấy tôn vinh thần Vệ nữ
Tóc vàng màu rạ, dáng mình dây.
Xin quỳ bốn vái và ba lạy
Trả trọn mây mưa xuống vẹn đầy.

Mai sau ngủ gốc cây sồi
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.

Cậu cười vang rồi bèn quay ngoắt 180 độ:

- Cháu có biết thi sĩ Cung Trầm Tưởng giỏi Toán lắm không? Hay cháu phân tích Toán Học trong thơ Cung Trầm Tưởng?

Hi hi...đúng là Cung Tiên Sinh giỏi Toán thật, vì có một số bài thơ của ông đọc cái tựa thôi là đủ thấy "nhức đầu": nào là "Cấp Số Nhân", một bài thơ khác lại mang tên "Đáp Số", rồi còn có cả “lũy thừa” nữa chứ.

Mai sau thịt thắm da liền
Cái yêu khác trước, cái nhìn khác xưa,
Cái tin vô cớ xin chừa
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau.

Còn nhớ có một lần khi tôi đọc bài thơ "Trên Một Triền Tĩnh Động" có hai câu sau:

Ngủ chim sâu, ngủ n chiều,
Hình con én bốc mỹ miều mộng du.

Tôi cứ tưởng "ngủ n chiều" là lỗi typo, hỏi cậu Ý, cậu cũng không sao đoán ra. Đến khi cậu hỏi thi sĩ Cung Trầm Tưởng thì Nhà Thơ Toán Học cười tủm tỉm trả lời "n" có nghĩa là "n lần" trong Toán Học. Trời! Ha ha… Một người dốt Toán như tôi thì làm sao dám rớ đến cái phạm trù này.

Vì vậy, đến bây giờ tôi vẫn loanh quanh "biết nói gì đây?" Đành phải hẹn lại bạn bằng một câu rất đỗi "cải lương": Xin đợi hồi sau sẽ rõ!

Diễm - 10/17/2019



Tuesday, October 15, 2019

Môi Còn Muối Mặn

Tạp Ghi Của

Diễm



Cố thi sĩ Du Tử Lê
(Trần Thế Vinh vẽ)

Tôi không nhớ mình đã bắt đầu đọc thơ Du Tử Lê từ khi nào? Từ khi nghe những bài thơ của ông được phổ nhạc thành những bài tình ca tuyệt vời được yêu mến trong tim mọi người?

Tuy nhiên, mỗi khi thấy trăng rằm trên quê hương thứ hai vàng tròn vằng vặc là tôi tự nhiên nhớ đến bài thơ "Đêm Nhớ Trăng Saigon":

Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

hoặc như khi đọc hay nghe thấy "chim bói cá" là tự nhiên tôi liên tưởng tới hình ảnh "như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm" trong 'Khúc Thuỵ Du":

hay khi nghe tiếng dế kêu nỉ non sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh "con dế mèn tự tử giữa đêm sương" của một "Du Tử" họ Lê (*).

Rồi mỗi khi bị đuối lý khi không thể diễn giải một vấn đề cho người đối diện hiểu ý mình, tôi lại bắt gặp mình đưa hai tay lên trời than thở mượn câu: "Ở chỗ nhân gian không thể hiểu!"

Nhân gian không thể nào hiểu nổi vì sao "bài thơ tình ngắn nhất nhân loại, gửi yêu dấu" của Du Tử Lê chỉ có mỗi một chữ "ôi...(!??!)" cùng với một lô một lốc những dấu hỏi, dấu chấm than, mở ngoặc và khép ngoặc.... phức tạp và da diết như nỗi lòng của tác giả.

Nhân gian cũng không thể nào hiểu nổi thế nào là "ngực ngải, môi trầm".

ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.

Hmm... hình như có ai đó nói với tôi rằng thơ là để "cảm" chứ không cần "hiểu", bởi vì thơ là ẩn dụ. Mà ẩn dụ trong thơ Du Tử Lê thì vô cùng! Tôi xin kể hầu một câu chuyện mà tôi nhớ mãi!

Trong một show "Văn Hoá Và Con Người" do chị Phiến Đan phỏng vấn nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhạc sĩ đã kể lại về một ẩn dụ vô cùng sâu sắc trong thơ Du Tử Lê mà nhạc sĩ đã vô cùng yêu thích và phổ thành nhạc:

hỏi môi đi! môi còn muối mặn
xát ướp lòng tôi thì đã sao?
chỉ e chẳng kịp cho đời khác
cửa mở nhưng tôi chẳng thể về

(Trích "Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Ta" - thơ Du Tử Lê)

Hình ảnh "hỏi môi đi! môi còn muối mặn" - theo cách giải nghĩa của Du Tử Lê chính là một ẩn dụ được ông viết theo mode 'cách không đả ngưu". Thứ "thi chưởng" này - giống như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung - được tung ra từ nội công thì dù cách xa một khoảng không (có khi là cách một quả núi) cũng có thể làm cho con trâu ở tuốt phía bên kia phải... xiểng niểng! Đó là hình ảnh tuyệt đẹp của một giọt lệ đi từ khóe mắt ngang qua gò má cao của một người con gái rồi rơi xuống đôi môi, để bờ môi có thể nếm vị mặn của nước mắt.


Văn Hóa Và Con Người
(Phiến Đan phỏng vấn Trần Duy Đức)

Chưa bao giờ tôi được nghe lời giải thích về một ẩn dụ với ý nghĩa ngộ nghĩnh, độc đáo và sâu sắc đến như vậy! Đẹp đến như vậy! Nên thơ và đượm tình đến như vậy! Cho nên, tôi ghi sâu trong lòng. Có lẽ tôi cũng giống như con trâu kia, ẩn mình tại vùng thung lũng miền Trung này cách xa một quả núi, thế mà vẫn bị "thi chưởng" của Du Tử Lê tung ra làm cho choáng váng.

Câu chuyện này trước đây tôi và nhạc sĩ Trần Duy Đức vẫn từng nhắc lại cùng với nụ cười trên môi, hôm nay... dường như có vị mặn.

Xin gửi lời cảm ơn muộn màng đến linh thi Du Tử về bài học ẩn dụ trong thơ để "môi còn muối mặn"... đến ngàn sau!

Diễm - 10/15/2019

(*) Theo cách giải thích của chính thi sĩ Du Tử Lê trong "The Jimmy Show" (2018) thì chữ "Du Tử" ở đây trích từ bài thơ "Du Tử Ngâm" của Mạnh Giao đời Đường có nghĩa là "một đứa con xa mẹ" chứ không phải là một "gã du tử" như thường bị hiểu sai.



Saturday, October 12, 2019

Chân Dài Thanh-Thoát

Tạp ghi của

Diễm


Khi chuẩn bị lộ trình cho chuyến đi vừa rồi, tôi cũng có phần lo lắng cho đôi chân của mẹ tôi. Tôi sắm cho bà một đôi giày thật vừa, thật nhẹ và thật đẹp cho đúng mốt "váy đầm - sneacker siêu xinh" đang hiện hành khắp nơi.

Xin được nhắc lại là trong chuyến về Việt Nam năm 2017, mẹ tôi đã lập được "kỷ lục" khi đi bộ “round-trip” từ khách sạn tại Cửa Bắc Chợ Bến Thành (trên đường Thủ Khoa Huân) về thăm căn nhà cũ số 17 đường Đặng Dung, Quận 1. Thật ra, quãng đường đó chưa đến một dặm/mile mỗi chiều, đâu có thấm thía gì!

Chuyến "Tây Du Ký" vừa rồi mới là kinh hoàng!

Cuối ngày, mở iPhone xem thành tích mới thấy hoảng hồn: 10 dặm, 11 dặm, 12 dặm... nếu như không có cặp "chân dài Thanh-Thoát (*)" thì làm sao mà mẹ tôi thực hiện được điều này... ha ha... xin thứ lỗi cho lối nói cường điệu cho vui vui của tôi.

Có hai quan niệm khác nhau về một kỳ nghỉ vacation:

1. Vacation là dưỡng sức chỉ nghỉ ngơi và ăn uống cho thoả thích tại một nơi nào đó.

2. Vacation kiểu đi đến những nơi chưa từng đến để tìm hiểu và thêm kinh nghiệm sống.

Tôi thích loại thứ hai có lẽ vì tôi cầm tinh "con dế mèn,” vì vậy khi đến Paris, tôi muốn được "sống như người Paris," đi bộ và dùng xe điện ngầm metro, xe buýt, xe lửa để đi lại giữa các nơi.

Đây là hành trình của chúng tôi trong những ngày vừa qua:

  • Sept-15: Từ sân bay LAX/Los Angeles, Cali đến sân bay Charles De Gaulle/Paris
  • Sept-16: Lang thang nội thành Paris
  • Sept-17: Đi xe lửa đến Brussels/Thủ đô nước Bỉ cách Paris 315 ki-lô-mét về phía Đông Bắc.
  • Sept-18: Lang thang nội thành Paris
  • Sept-19: Đi xe lửa đến Bayeux, một thành phố thôn quê của Pháp và từ đó mướn xe hơi lái ra thăm vùng biển Normandy cách Paris 265 ki-lô-mét về phía Tây Bắc.
  • Sept-20: Lang thang nội thành Paris
  • Sept-21: Ra phi trường về lại Mỹ. Ngày này lại là ngày các chuyến xe lửa đình công, vì vậy, chúng tôi chuyển qua đi bus ra phi trường.

Tôi thích và vui mừng vì đã thực hiện được một chuyến đi suôn sẻ và thú vị. Chúng tôi được đặt chân trên những con đường của Paris, ì ạch leo lên từng bậc thang dẫn lên đỉnh đồi Montmartre để thăm nhà thờ Thánh Tâm (Sacre Coeur) và ngắm toàn thành phố Paris lúc bình minh, được ngửi thấy mùi đồ ăn Tây thơm ngào ngạt tỏa ra từ những bếp nhà hàng, được nghe tiếng Pháp véo von ngữ điệu của Tình Yêu, và được nghe cả những tiếng lầm bầm chửi thề ”mẹc-xà-lù” (merde salaud) của những ông "Tây Đui" bên vỉa hè.

Tất cả các giác quan của chúng tôi đều hoạt động hết hiệu suất trong suốt chuyến đi, kể cả "giác quan thứ sáu" để phòng ngừa kẻ xấu nữa.

Hệ thống metro ở Pháp thử thách sự bén nhạy về địa lý của khách du lịch để định hướng đi cho đúng. Mỗi trạm metro như là một thành phố ngầm dưới đất với nhiều bậc thang, nhiều lối rẽ. Tôi chợt nhớ tới câu hát "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt" và tủm tỉm cười: Ôi sao mà đúng quá!


Phở Bida Việt Nam

Có lần khi đi thăm Quận 13 của người Việt tại Paris để thưởng thức tô phở Bida, tôi muốn thử Uber, nhưng khi thấy giá lộ phí 40 euro hiện lên thì tôi... chùn tay! He he... dùng metro tốn có 1.49 euro cho một người, giá mỗi tô phở có 9.80 euro một tô, đi Uber ăn phở kiểu này thì thú thật là… đau bụng quá!


Paris Metro
Phương tiện dễ dàng và nhanh chóng nhất để di chuyển ở Paris

Vì vậy, cho đến ngày cuối của cuộc hành trình thì chúng tôi đã rành rẽ cách đi metro y như người Paris. Mỗi khi xe metro dừng tại "Ga Lyon" chúng tôi không hẹn mà cùng nhau ngâm nga những câu thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng:

Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng

Có đi metro mới cảm kích tâm hồn mộng mơ và lãng mạn của người Paris. Tôi ghi lại được một đoạn video có một anh Tây Đui vừa đàn vừa hát trên metro đông đúc. Khi bước ra khỏi metro thì lại nghe được một giọng hát "Histoire d'un Amour" văng vẳng ngọt ngào trong đường hầm dẫn đến lối ra.

Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng được thoả giấc mộng đi xe lửa giữa các nước Âu Châu. Công nghệ ngày nay đã giúp cho du khách có thể mua vé trước dễ dàng và tiện dụng biết bao. Những chiếc vé in gọn trên mặt chiếc cell phone. "Bip!"... "A-lê-hấp! Lên tàu" vừa ngắm cảnh hai bên đường vừa dấy lên trong đầu vài câu thơ con cóc.

Nếu có thể gửi lời cảm ơn của mình, tôi xin chân thành cảm ơn "Google Maps." Ứng dụng này đã chỉ dẫn chúng tôi tận tình "từng bước từng bước thầm" để đến những nơi muốn đến.

Không có Google Maps thì chắc chắn sẽ không có "chân dài Thanh-Thoát" đâu nha quý vị!

Diễm @ Paris - Sept/14-21, 2019

(*) "Thanh-Thoát" vừa là một tính từ bay bổng và cũng là chính tên thân mẫu của Diễm



Friday, October 4, 2019

Paris Có Gì Lạ Không Em

Tạp ghi của

Diễm


Du khách đi thăm Paris về vẫn thường được hỏi như vậy.

Những câu thơ Nguyên Sa đã theo những nốt nhạc tài hoa của Ngô Thuỵ Miên đi sâu vào lòng người yêu Paris:

Paris có gì lạ không em
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?


Paris Có Gì Lạ Không Em - Ngọc Hạ
PBN Divas Live Concert

Lần đầu đến Paris cách đây 4 năm trước cùng với hai cô bạn thân, tôi thấy cái gì cũng lạ. Lần này thì trong cái lạ có cái quen, và giữa những cái quen dường như tôi lại cố tìm ra cái lạ để mà về còn ghi ghi chép chép.

Thanh hay tục là tùy theo cảm nhận của mỗi người. Tuy nhiên, điều mà tôi sắp kể cam đoan là "lạ!"

"Lạ" là bởi vì khi tôi kể lại cho tonton/tata Louis của tôi và một vài người bạn Parisiennes nghe, họ đều cười ngặt nghẽo... ha ha... bởi vì họ cũng không biết. Dường như ở Paris quá lâu rồi, họ có cách giải quyết của họ. Thế nhưng, đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch đến từ Mỹ thì điều này lại là "mối ưu tư" hàng đầu!

Đó chính là nơi mà "niềm vui thăng hoa và nỗi buồn hoá giải:” Cái toilet công cộng!

Hôm đó chúng tôi đi đến Quận 13 để thưởng thức Phở Bida đã được nhiều người khen rất ngon. Ngặt nỗi nhà hàng còn tới 30 phút nữa mới mở cửa mà tiếng nói của cỗ máy sinh học trong phủ tạng thì đang réo gọi ầm ầm. Thế là chúng tôi đành nhờ cậy bác Google Maps dẫn đi tìm "public restroom near me." Kể cũng vui khi có dịp đi thực tế, khám điền thổ Paris hoa lệ về cái khoản này, phải không quý vị?

Du khách đi theo đoàn cũng không thể biết đến kinh nghiệm này, chỉ có chúng tôi, những người đi theo kiểu “du mục” thế này mới có thể khám phá và đắc ý.

Không giống như những cái bồn tiểu ngoài trời lộ liễu dưới dạng những bồn hoa màu đỏ gọi là "uritrottoir" đã được gắn ở những điểm đông khách du lịch và chỉ dành riêng cho "quý ông" nên bị phản đối ầm ĩ trước đây, hệ thống public toilettes mới của Paris rất trang nhã, kín đáo và hiện đại phục vụ cho tất cả mọi người.

Nơi "giải sầu" là những căn phòng nhỏ hình bầu dục có diện tích chừng hơn hai mét vuông. Cánh cửa tự động được điều khiển bằng những nút bấm bên ngoài với tín hiệu đèn màu giống như tín hiệu đèn giao thông.

Khi "đèn xanh" lấp lánh là khi người sử dụng được quyền bước vào, và chỉ một người thôi nhé vì có hệ thống sensor kiểm soát. Trong phòng có hai cái bồn xinh xinh. Bồn rửa tay nho nhỏ với hệ thống tự động có xà-bông, nước ấm, và cả máy sấy khô tay cho sạch sẽ. Sau khi người sử dụng hân hoan bước ra, cửa sẽ đóng lại. Căn phòng sẽ được một hệ thống tự động làm sạch bằng tia nước mạnh hoạt động vài phút. Sau đó, đèn xanh sẽ lại lấp lánh đón chào người kế tiếp.

"Lạ" còn ở chỗ "free," không tốn tiền! Không giống như những lời từng đồn thổi về Paris.

Và có lẽ "lạ" là để cho du khách đến thăm Paris khi về còn ngỏn ngoẻn nụ cười khi được hỏi:

Paris có gì lạ không em?

Diễm @ Paris, Sept/14-21, 2019



Thursday, October 3, 2019

La Vie En Rose

Tạp ghi của

Diễm


Trong những chiếc áo dài mà tôi được tặng, có một chiếc áo rất đẹp với những nụ hoa hồng xinh xinh đỏ, hồng nổi thắm trên nền đen. Nghe nói các cô gái Paris thích mặc màu đen và thoa môi son đỏ. Vậy là màu này đúng tính cách Paris rồi. Tôi chợt nhớ đến bản nhạc Pháp "La Vie En Rose" qua giọng hát bất hủ của Edith Piaf:


Edith Piaf - La Vie En Rose

C'est lui pour moi, moi pour lui dans la vie
Il me l'a dit, l'a juré pour la vie...

Thế là tôi quyết định mang theo chiếc áo này cùng tôi đi Paris để tiếp tục hành trình "khoe khoang" của mình.

La vie en rose. Life in pink.

Edit Piaf đã viết bài hát này sau khi Đệ Nhị Thế Chiến vừa chấm dứt, khi Paris vẫn còn phảng phất tro tàn của chiến tranh sau những năm tháng bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Thế nhưng, người Paris với tâm hồn mơ mộng và đầy lạc quan vẫn nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng, vì vậy bài hát lập tức trở nên nổi tiếng và được yêu mến qua giọng hát như tiếng chim hót của cô.


Andrea Bocelli - La Vie En Rose ft. Edith Piaf

Tôi đến với Paris cũng với đôi mắt say mê qua “lăng kính màu hồng.” Mặc cho ai đó cho rằng Paris hôm nay không còn đẹp như Paris ngày xưa một thời trong sách vở và văn chương Pháp. Họ cho rằng thời hoàng kim của Paris đã qua, Paris hôm nay đầy rẫy di dân da màu từ tứ xứ.

Ở một góc nhỏ của Điện Louvre, chính mắt tôi thấy có ba người vô gia cư nằm lây lất trong những chiếc túi ngủ khi trời hửng sáng. Thế nhưng, có hề gì! Tôi yêu mến Paris bởi chiều dài và chiều sâu trong lịch sử. Ví như yêu mến cái cốt cách của một người quý tộc vẫn nguyên ngôi dẫu cho hoàn cảnh kinh tế và địa vị xã hội của người ấy không còn như xưa.

"Đâp cổ-kính ra tìm lấy bóng"

Tinh thần từ câu thơ cổ nói trên cũng chính là "lăng kính" mà tôi đã dùng để "soi" Paris mến yêu. Tôi săm soi từng nét kiến trúc, từng viền cong hoa văn của những chiếc balcony, từng nét mặt của những pho tượng cổ. Tôi bước trên những con đường, những góc phố. Góc phố này là góc nhọn, góc phố kia là góc tù, khác với lối kiến trúc "vuông thành sắc cạnh" tại thành Viên, nước Áo.

Tại những góc phố nhọn, chỉ vài bước chân đã đưa bạn qua một con đường mới, dễ đi lạc lắm nhé! Đường phố có nhiều "bùng binh" ở giữa giống như nhuỵ của một bông hoa làm tôi nhớ đến những bùng binh ngã năm, ngã sáu tại Saigon bởi vì chính người Pháp đã góp một bàn tay thiết kế.

Chúng tôi ngồi ăn sáng uống cà-phê trên một con phố dẫn đến vườn Lục-Xâm mà ngỡ như đang ngồi trước quán nhỏ trên một con đường của Saigon trong ký ức. Sự quen thuộc này đã khiến cho tôi mạnh dạn bước trên những con phố của Paris trong tà áo dài có in những nụ hồng nho nhỏ mà ngỡ như đang bước trên những con đường Saigon xưa... văng vẳng đó đây câu hát mà cô bạn thân Kim Hương vừa nhắc lại:

Dans le soleil et dans le vent
Tournant les ailes du vieux moulin

Tôi đã bước đi "trong nắng, trong gió" và bằng "lăng kính màu hồng" yêu mến Paris.

Diễm @ Paris - Sept/14-21, 2019



Wednesday, October 2, 2019

Thơ Viết Cho Paris

Paris Lạ Mà Quen

Thơ của Diễm

September 14-21, 2019


Viết tặng Paris
trong lần thứ hai đến thăm vào đầu mùa thu.
Nơi đây, lối kiến trúc, nhịp sống gợi nhớ Saigon xưa...

Paris,
tưởng lạ mà quen
chớm thu chiếc lá rơi êm khẽ chào
nhặt tìm
kỷ niệm xôn xao
dấu chân lối cũ hôm nào còn in

Paris,
man mác ân tình
bồi hồi gặp lại ngỡ quen lâu rồi
tóc vàng lá nhỏ buông lơi
vần thơ Cung Tưởng trầm vơi nỗi niềm (*)

Paris,
lấp lánh niềm tin
tháp cao hứa hẹn đẹp xinh mãi hoài
nồng nàn, lãng mạn, gọi mời
(lửa đâu thiêu rụi tương lai phục hồi!)

Paris,
chân bước chơi vơi
ngỡ ngàng thoáng nhớ xa xôi Saigon
nơi đây sao giống quá chừng

bỗng dưng quen-lạ bâng khuâng ngập lòng!


(*) Ý nói về bài thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng:
“Mùa thu Paris - Người em mắt nâu - Tóc vàng sợi nhỏ...”



Hãy Ngồi Xuống Đây

Thơ của Diễm

September 14-21, 2019


Photo: The Louvre Pyramid (Pyramide du Louvre) is a large glass and metal pyramid designed by Chinese-American architect I. M. Pei, surrounded by three smaller pyramids, in the main courtyard (Cour Napoléon) of the Louvre Palace (Palais du Louvre) in Paris. The large pyramid serves as the main entrance to the Louvre Museum.


Hãy ngồi xuống đây!
Giữa phố lạ này
Bước quanh mỏi gối
Hãy ngồi xuống đây!

Paris nhộn nhịp
Du khách muôn nơi
Ngắm nhìn chứng tích
Phồn hoa một thời

Nụ cười bí ẩn (*)
Chìm sâu nơi này
Bóng Kim Tự Tháp
Nổi lên giữa trời

Bao điều cũ mới
Giao hoà lả lơi
Phong cầm réo rắt
Khúc tình ca vui

Gót vang góc phố
Metro đường ngầm
Cafe đậm đắng
Bánh mì, croissant

Cho ta ngồi xuống
Đầu ngày tinh khôi
Lắng nghe âm hưởng

Ngày mai xa rồi!


Diễm @ Paris, Sept 14-21/2019

(*) Hoạ phẩm gốc "Mona Lisa" nổi tiếng thế giới được lưu giữ tại đây.