Wednesday, February 26, 2020

Thoát Ngục

Thoát Ngục

Huy Sơn

"Gấu Đen 532" (Phù Cát)


Mỗi sáng, Trung Úy Khải lái xe Honda vào căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất để trình diện phi đoàn trực bay hành quân.

Lần này anh bị Quân Cảnh Không Quân ở cổng Phi Long chận lại không cho vào, lý do căn cứ đã có lệnh "nội bất xuất và ngoại bất nhập." Khải thẫn thờ như người mất hồn, không biết nên xử trí ra sao, đành phải trở về nhà.

Anh dùng điện thoại liên lạc với anh em trong phi đoàn hỏi thăm tin tức, mới biết chiều ngày hôm trước có một phi tuần gồm 4 chiếc A-37 ném bom xuống khuôn viên của căn cứ, do đó lệnh cắm trại đã được ban hành. Sau này Khải còn biết thêm người Phi Công hướng dẫn phi tuần đó là Trung Úy Nguyễn Thành Trung, viên Phi Công F-5 đã dội bom xuống dinh Độc Lập khoảng nửa tháng trước, với mục đích gây xáo trộn chính trị cho chính quyền miền Nam Việt Nam. Anh là con của một cán bộ Việt Cộng đã chết từ khi anh còn bé, được Việt Cộng đổi tên và nuôi ăn học cho đến tuổi động viên để gia nhập Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, sau đó anh đã trở thành một Phi Công Tác Chiến.

Khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Khải bị kẹt lại Việt Nam và phải đi trình diện "học tập cải tạo."

Một hôm trong giờ làm lao động, Khải lợi dụng lúc sơ xuất của người cán bộ quản giáo để lẻn trốn. Anh băng rừng, lội suối, cố gắng đi xa trại tù. Sáng hôm sau anh bị kiệt sức nên đành liều đập cửa một nhà người Thượng để cầu cứu. Cô gái Thượng tuổi chừng 20 ra mở cửa, dìu anh vào nhà, cho anh uống nước và ăn vài củ khoai mì. Ăn xong Khải lấy lại sức rồi hướng mắt về cô gái Thượng nói:

- Tôi xin cám ơn cô.

Cô gái Thượng nhìn Khải tỏ vẻ thương hại, nói:

- Tại sao anh như vậy?

Khải ngạc nhiên khi nghe cô Thượng phát âm tiếng Việt khá rõ ràng. Trước khi trả lời câu hỏi của cô, anh khen:

- Cô nói tiếng Việt giỏi lắm.

Cô gái Thượng nói:

- Trước đây tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Kinh và đã học được từ họ.

Khải tiếp:

- Tôi vừa trốn khỏi trại cải tạo Hàm Tân.

Cô gái Thượng nói:

- May cho anh, ba tôi mới cùng mẹ tôi ra rẫy. Ông là Tổ Trưởng nơi đây. Nếu gặp anh, nhất định ông sẽ báo cáo lên cấp trên.

Sau vài giây đắn đo, cô tiếp:

- Thôi được, anh nên theo tôi đến nơi này, đó là một chỗ kín đáo mà hồi nhỏ tôi hay chơi ẩn núp. Anh ở đó một thời gian, ít lắm là cả tuần trước khi rời nơi đây.

Khải lí nhí nói lời cám ơn rồi đi theo cô gái Thượng.

Chỗ ẩn là một cái hang nhỏ bên cạnh dòng suối, có nước chảy róc rách. Nếu bên trong phát tiếng động nhỏ, người ở bên ngoài cũng không nghe được. Hàng ngày cô Thượng lén lút tiếp tế cơm nước cho Khải, nhờ vậy anh mau chóng lấy lại sức và thân hình của anh cũng bớt tiều tụy. Tại đây Khải đã có những giờ phút nhàn hạ bên cạnh cảnh thiên nhiên hữu tình, đôi lúc anh tưởng mình đang lạc vào động Thiên Thai...

Gần hai tuần sau ngày trốn trại tù, Khải bịn rịn nói lời chia tay với cô gái Thượng để tiếp tục dự tính của mình. May mắn, anh đã về đến nhà của cha mẹ anh ở Sài gòn mà không gặp một trở ngại nào. Cha mẹ anh giấu mọi người về sự hiện diện của anh. Ông bà gấp rút móc nối với một nơi quen biết cho anh vượt biên.

Chuyến đi khởi hành lúc 2 giờ sáng tại bờ sông Sài gòn bằng thuyền nhỏ và được lên tàu đánh cá đậu sẵn ngoài cửa sông. Trên tàu có 11 đàn ông, 19 đàn bà và 4 em nhỏ. Tàu nhổ neo lúc 5 giờ sáng, chạy được nửa ngày thì bị một tàu Tuần Duyên của Việt Cộng rượt theo, họ ra lệnh tàu của Khải phải ngừng và tắt máy. Trên tàu Việt Cộng có tất cả 6 người, 4 người nhảy sang tàu Vượt Biên còn hai người ở lại, một người chạy máy và một một người cầm súng A.K. canh chừng cho đồng bọn. Những người lính V.C. sang tàu vượt biên hô lớn:

- Mọi người đứng dạy và dơ hai tay lên.

Tất cả đàn ông ở trên tàu Vượt Biên đưa mắt nhìn nhau, ngầm ra dấu đồng loạt xúm vào 4 người lính V.C. tước vũ khí của họ. Người đầu tiên giựt được một khẩu súng A.K., anh liền nẩy cò bắn chết hai người lính bên tàu kia. Sau một hồi xô sát giữa hai bên để tranh dành sự sống, kết qủa những người vượt biên đã thắng. Họ đẩy xác lính V.C. xuống biển, chuyển xăng dầu và lương thực từ tàu Việt Cộng sang tàu của họ. Nhờ vậy con tàu vượt biên có đủ lương thực và xăng dầu chạy đến được bờ biển của trại tỵ nạn Phi Luật Tân.

Khải sống trong trại tỵ nạn một thời gian ngắn khoảng vài tháng rồi được ban phỏng vấn Hoa Kỳ cho phép anh đến định cư ở trên đất nước của họ.

Sau hơn 10 năm làm việc chuyên cần, Khải đem về Việt Nam số tiền anh đã đành dụm. Anh biếu cha mẹ của anh một phần số tiền ấy, mong đền đáp phần nào công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà. Anh lên lại buôn Thượng gần trại tù Cải Tạo Hàm Tân để tìm cô gái Thượng năm xưa. Lúc gặp nhau, cô Thượng liền chạy đến ôm chặt lấy Khải, ngả đầu vào vai anh, thổn thức:

- Sau khi anh rời đây, em liền lấy chồng và sau đó em sinh được một người con trai, nó giống anh như đúc.

Ngừng vài phút, cô tiếp:

- Em giấu nhẹm với chồng của em về chuyện riêng tư của chúng mình. Giờ này hai cha con đang ở ngoài rẫy.

Nghe xong Khải không biết phải xử trí ra sao, anh liền lấy số tiền còn lại đưa hết cho cô gái Thượng, đền đáp công lao của cô đã giúp anh thoát ngục và nuôi nấng người con, kết qủa của một mối tình ngắn ngủi, một cục máu rơi của anh mà anh chưa và sẽ mãi mãi không bao giờ gặp được.

Huy Sơn

"Gấu Đen 532" (Phù Cát)



Monday, February 17, 2020

Chiều Nhạc Thính Phòng Tứ Quí

Viện Việt Hoc

Chiều Nhạc Thính Phòng Tứ Quí

Bài viết của

Không Quân Võ Ý


Nhân rằm tháng giêng Canh Tý (02/08/2020), Viện Việt Học tổ chức chiều nhạc thính phòng với chủ đề Tứ Quí.

Cô Kim Ngân, Giám Đốc của Viện giới thiệu Tứ Quí của Viện gồm Keyboard: Phạm Ngọc Tú & Nguyễn Đài, Âm thanh kiêm guitar Nguyễn Thái, và một giọng nữ dẫn chương trình, 'một làn gió mới đưa người vào giấc ngủ dài bình yên': An Miên. Còn Tứ Quí khách mời gồm 4 ca sĩ thân hữu từng được khán giả của Viện và nhiều nơi yêu mến như Đồng Thảo, Mê Linh, Mạnh Quân và Thái Hoàng.


Từ trái sang phải: Keyboardist Nguyễn Đài, Guitarist Nguyễn Thái, Keyboardist Phạm Tú
Ảnh: NAG Lê Bửu Hùng


Dẫn chương-trình: An Miên
Ảnh: NAG Lê Bửu Hùng

Hai lần Tứ Quí được xem như Bát Tiên tham gia trong buổi nhạc thính phòng chiều nay.

Trên một trăm khách tham dự, hầu hết là những thân hữu lâu năm của Viện, trong đó có thể có một vài người như tôi – được xem như thân hữu “tân tòng”.

Chương trình gồm 22 tiết mục mà mỗi tiết mục là một bài ca thời xa xưa trước 1975 với biết bao gợi nhớ một Miền Nam rộn ràng nhưng hiền hòa, sâu lắng lãng mạn nhưng đầy tính nhân bản.

Tôi tham dự hơn nửa chương trình, thưởng thức trọn vẹn 4 giọng ca tràn trề nội lực và trong vút (hay trầm bổng) qua các nhạc khúc để đời như Về Đây Nghe Em, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Anh Còn Nợ Em, Làng Tôi, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà…


Từ trái sang phải: Mạnh Quân, Đồng Thảo, Mê Linh, Thái Hoàng
Ảnh: NAG Lê Bửu Hùng

Vì việc riêng, tôi đành rời Viện trong tiếc nuối. Tiết xuân về đêm của Little Saigon mát lạnh dịu dàng. Trên đường về, một số hình ảnh đặc thù và giọng ca tiềm năng cao vút còn tồn đọng trong hồn…

Khi Tứ Quí Đồng Thảo Mê Linh Mạnh Quân và Thái Hoàng trình diễn đồng ca khai mạc bài “Về Đây Nghe Em”, là một quá khứ hãi hùng hiện lên trong trí tưởng của tôi.

Vào một tối chủ nhật khoảng năm 1982, tại một phòng trong trại giam Hà Tây, một chiến hữu BĐQ say sưa trình diễn cho các bạn tù nghe những “nhạc vàng”, trong đó có ca khúc của nhạc sĩ Trần Quang Lộc nêu trên. Sáng ra, vị ca sĩ tù đó thay vì theo đội đi lao động bên ngoài trại, lại bị cai tù gọi lên “ban” để làm việc. Ở tù cộng sản mà viết “kiểm điểm” là một hình thức trả thù tinh vi, mang tính đe dọa và khủng bố tinh thần.

Cùng một dạng kỷ niệm xưa hiện về, nhưng lần nầy ân tình hơn, khi ca sĩ Đồng Thảo xuất hiện. Thế mà đã 17 năm rồi đó kể từ khi tác phẩm đầu tay của tôi “Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo” được Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn và đồng đội tại San Jose, giúp tổ chức ra mắt sách vào năm 2003 tại đây. Điều thú vị là ca sĩ Đồng Thảo đã đến hỗ trợ buổi RMS thêm sống động bằng những bài ca ngọt ngào từ dạo đó. Tối nay, khi cô xuất hiện, tôi theo dõi diễn xuất của cô qua các ca khúc Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau… Giọng cô sung mãn và điêu luyện. Thấy cô vẫn còn “nguyên vẹn hình hài” của 17 năm trước. Tôi chợt nhớ mài mại hai câu thơ của người xưa (quên tên):

Bèo nối hoa trôi em vẫn trẻ,
Cái già như sợ cái hồng nhan.


Ca sĩ Đồng Thảo
Ảnh: NAG Lê Bửu Hùng

Ân tình 17 năm trước, tôi không quên. Nay được duyên lành, tôi xin viết vài dòng để tỏ lòng trân trọng một tấm lòng “lân trợ” của tình nghĩa đồng hương trong những sinh hoạt mang tính văn hóa trên quê hương mới nghe ca sĩ Đồng Thảo!

Điều thú vị mà mọi khán thính giả đều cảm nhận và trân trọng là sự xuất hiện của một tài năng mới, cháu Mê Linh, đang là sinh viên năm thứ hai của bộ môn âm nhạc tại một Đại Học ở California. Nội cái tên Mê Linh đã nói lên lòng thiết tha với cội nguồn hào hùng của dân tộc. Khi cháu trình diễn bài Làng Tôi, cháu xin được kính tặng Bà Ngoại. Cháu cho biết, Bà Ngoại đã dạy Mẹ cháu bài hát này và Mẹ dạy lại cho cháu. Đây quả là một "truyền thống" tốt đẹp của người Việt xa quê.


Cháu Mê Linh
Ảnh: NAG Lê Bửu Hùng

Phát âm của cháu sành sõi và dễ thương, thể hiện quyết tâm học và nói tiếng Việt của một cháu sinh ra tại Mỹ. Giọng ca của cháu rõ ràng, trong ngần và cao vút như thể cháu đang mời gọi các cô chú bác cùng vấn vương về quê cũ: “Quê tôi là bao nguồn yêu thương/ Là bao nhớ nhung se buồn/ Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương”.

Cháu Mê Linh thân yêu, cháu không những là niềm hãnh diện của gia đình mà còn là niềm hãnh diện của cộng đồng nữa đó.

Cám ơn các bậc phụ mẫu, các tổ chức cộng đồng. Cám ơn Viện Việt Học, trong đó có cô dẫn chương trình An Miên tài hoa duyên dáng, cô Giám Đốc tận tình Kim Ngân và quý anh chị liên hệ, đã chủ trương “nâng niu tuổi trẻ”.


Hàng sau, từ trái sang phải: Các Ns Nguyễn Đài, Nguyễn Thái, Phạm Tú, các ca sĩ Thái Hoàng, Mạnh Quân, NAG Huỳnh Long. Hàng trước, từ trái sang phải: Ca sĩ Đồng Thảo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ca sĩ Kim Tước, Hồng Tước, Kim Ngân, Thiên Hương (mẹ cháu Mê Linh), Mê Linh, Nguyễn Đình Hiếu, An Miên
Ảnh: NAG Lê Bửu Hùng

Thiết nghĩ, đầu tư cho tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại là một chủ trương đáng được cổ võ.

Xin cám ơn những tấm lòng Việt Nam!

Westminster, 02/08/2020 KQ Võ Ý



Thursday, February 6, 2020

TIẾNG HÁT HẬU PHƯƠNG, Kỳ 293

Với Nguyễn Diễm Nga và Tammy Thủy Huỳnh

(Gia đình cựu quân nhân)

Hồn Việt TV


Thật ngẫu nhiên cả hai đứa chúng con đều có hai ông bố Không Quân “Đi không lo gì xác rơi!

Đã vậy, cả hai ông bố đều giữ nhiệm vụ “huấn luyện,” và cấp bậc cuối cùng của cả hai đều là “Thiếu Tá.” Bố Nguyễn Tiến Đức của con thì có hàm râu kẽm và bị các chú lính mới đặt cho biệt hiệu “Đức manh-xà-lam” là đủ biết các chú đã bị bố “cạo” cho thê thảm đến cỡ nào.

Chú Huỳnh Ngọc Ẩn, ba của em Thuỷ chắc hiền hơn, vì con thấy chú hay cười và chụp thật nhiều hình cho cô con gái út cưng post trên FaceBook.

Cả hai gia đình chúng con đều có bốn anh chị em và đều trải qua những tháng ngày cơ cực sau khi bố đi tù.

Điểm chung của hai đứa chúng con là được thừa hưởng từ hai ông bố Võ Bị - Không Quân sự liều mạng dấn thân:

Chúng tôi không tìm an lạc dễ dàng
Mà chỉ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm

Vì vậy biết là để thực hiện tốt talkshow này khó lắm, nhưng chúng con vẫn cố gắng hết sức dù rằng chúng con nói cũng không giỏi mà hát cũng không hay. Hai đứa vẫn lặn lội vượt đường xa để... “Đi không lo gì xác rơi!

Kính mời quý chú bác Không Quân lắng nghe chút tâm tình của chị em hậu duệ chúng con và chúc phúc cho chúng con trên con đường “Theo Bước Chân Cha.”

Trân trọng,

Diễm