Saturday, December 21, 2019

Quyền Lực Của Nhan Sắc (Cung Trầm Tưởng)

Bài phát biểu của Cung Trầm Tưởng ngày ra mắt tập thơ "Một Hành Trình Thơ 1948-2018"

Trước khi nhập đề, tôi xin kể cho quý vị nghe một mẩu chuyện mà bản thân cảm thấy vui vui và khá thấm thía.

Ấy là, sau buổi chia tay cách đây đã trên nửa thế kỷ, tôi và anh bạn đồng môn thân thiết năm xưa Gilbert gặp lại nhau ở Paris. Anh có nhã ý mời tôi về ở nhà anh trong suốt thời gian hai tuần viếng thăm thủ đô ánh sáng để "thưởng thức tài nấu nướng không chê vào đâu được của bà vợ Francoise của tao", anh nói với tôi như vậy.

Tranh sơn mài của Bùi Trọng Dư

Trong không biết bao cuộc bù khú và cụng với nhau những ly sâm-banh, vang đỏ, vang hồng tuyệt diệu của Pháp, có một lần tôi chuyển sang hỏi Gilbert về tình hình mối quan hệ nam nữ ở nước mày như thế nào, còn như ở bên Mỹ chúng tao, nó không được êm thắm cho lắm, đôi khi bùng nổ thành một cuộc chiến giới tính ác liệt, với một số không ít những tai to mặt lớn gồm cả hàng giáo phẩm phải khăn gói vào ngồi tù mọt gông.

Gilbert tỏ vẻ thích thú với những câu hỏi của tôi và hào hứng trả lời đại loại như sau: Người nước ngoài hay hiểu lầm nghĩa đích thực của cái họ gọi là galanterie gauloise - tôi, Cung Trầm Tưởng dịch thoát thành nghệ thuật nịnh đầm kiểu "con gà cồ gô-loa."

Thật ra, mục tiêu tối hậu của việc bọn đàn ông Pháp chúng tao tán tỉnh phụ nữ không nhằm chiếm hữu trái tim họ, mà là nhằm chuyển vai trò chúng tao từ vị thế một đấng mày râu hiển hách của cái chúng mình tự hào gọi là phái mạnh sang làm một tên đầy tớ hân hoan vì được lọt vào mắt xanh và cung cúc phục vụ hết mình các bà các cô đáng yêu ấy.

Theo tao, Gilbert nói tiếp với một giọng nửa bỡn cợt nửa nghiêm trang, đó mới là định nghĩa xác thực nhất của cái người Mỹ chúng mày gọi là macho, tức một thứ phô phang biểu bì cường điệu, lố bịch, hợm hĩnh, dởm đời, nguỵ nam tính.

Nói cho chính danh, tức phản ánh đúng chân tính của sự việc, các bà các cô mới thực sự là phái mạnh mà không phải đi chuyển hệ, chuyển giới gì hết. Bởi vì với nữ tính mềm mại, duyên dáng, dịu dàng, ngọt lịm của mình, các bà các cô trong thực tế đã khuất phục được bọn đàn ông chúng mình tuy to xác nhưng lại rất ư là nhẹ dạ cả tin.

Rồi Gilbert kết thúc bằng viện dẫn lịch sử: Đã có hơn một triều đại bị tiêu vong, hay một ngai vua đã bị lật đổ chỉ vì sức mạnh mềm của các nàng quốc sắc khuynh thành (Hết trích).

Phần mào đầu này chấm dứt với một điều có tính riêng tư kẻ này muốn tiết lộ cùng quý bạn. Đó là, cuối đời tính sổ hắn mới hay suốt đời chẳng làm nên tích sự gì ngoài làm thơ. Kết quả suốt đời túi rỗng, và sự nhẹ bỗng kim tiền này khiến hắn bước đi nhẹ hều như một tiên ông đi trên mây.

Quý bạn ạ, tôi bắt đầu đi trên mây đây.

Nhan đề bài phát biểu tôi sắp trình bày với quý vị là "Quyền Lực của Nhan Sắc".

1. NGƯỜI NỮ BAUDELAIRIEN

Nhà thơ Charles Baudelaire là tác giả của câu thơ sau được các nhà phê bình văn học đánh giá là bất hủ:

Je suis belle, ô mortels! comme un rêve de pierre

Hỡi con người hữu hạn, ta đẹp như một giấc mơ của đá.

Tôi xin diễn nghĩa câu thơ súc tích và trừu tượng này như sau:

Đá trong thơ của Baudelaire là thứ đá gì? Đó là một thứ đá siêu phàm, thứ đá có hồn, thứ đá thiêng, thứ đá biểu tượng của giấc mơ muôn đời của con người: giấc mơ bất tử.

Đá có một liên hệ gắn bó với sự chết của con người, nó chính là những phiến cẩm thạch nguy nga và trầm mặc của lăng tẩm một kiều nương có một vẻ đẹp kiêu sa, diễm lệ như của các thần nữ huyền sử Hi-La.

Qua sự hoá đá sau cái chết thể lý của mình, nàng kiều nương ở lại với đời với tư cách là sự hiển thị của lý tưởng trường tồn, một lý tưởng toàn bích như vẻ đẹp của thơ. Tôi nghĩ, qua câu thơ bất hủ của mình, Baudelaire muốn ám chỉ một chân lý siêu nhiên theo đó vẻ đẹp của thơ là một phép hoá giải nhiệm mầu cái mâu thuẫn cơ bản giữa thực tế hữu hạn của con người và giấc mơ bất tử của nó.

Chân lý siêu nhiên trên chứng tỏ con người với giấc mơ trường tồn của nó không là một đam mê vô ích như Jean Paul Sartre, người khởi sáng chủ nghĩa hiện sinh vô thần, đã nghĩ. Bởi vì ở nơi con người có sự cộng sinh của hai hữu thể tinh thần và vật chất. Với tư cách là hữu thể tinh thần, nó có một khả năng siêu việt, tức một khả năng tồn tại liên tục bên ngoài thực tế hữu hạn của nó.

Nói rõ hơn, giấc mơ muôn đời của con người là được tồn tại trong cõi vĩnh hằng với tư cách là sự thăng hoa của con người thế tục nó đã từng là lên thành một hữu thể tuyệt hảo tràn đầy hạnh phúc. Giấc mơ tuyệt đối này không là một hư cấu viển vông mà là một bộ phận cấu thành của bản chất con người. Thiếu nó, con người mất khả năng tồn tại với tính cách là một giá trị nhân bản hoàn bị.

Sự hao hụt bản thể trên, tức sự hao hụt nhân tính, là một khuyết tật những người duy vật cực đoan và những người thực tiễn quá khích thường mắc phải. Tối đa, nó có thể hoá con người từ là một động vật muốn làm một thần linh rớt xuống thành một con quỷ. Và, thực tiễn lịch sử chỉ cho thấy quỷ chính là tác nhân của tội ác tầy trời, như tội ác chống loài người, tội ác diệt chủng, tội ác thanh trừng giai cấp, những tội ác kỳ thị tôn giáo và tội ác chiến tranh chẳng hạn.

Về quyền lực siêu phàm của người nữ Baudelairien, tôi có cảm tác mấy vần tụng ca sau:

Em ướp trầm hương ngan ngát thánh
Ngồi trong đời cũng ngự ngôi trên
Em gần gũi cũng thiêng khôn kể
Dạy dỗ thi ca ý niệm đền

Bát quái thu trong lồng ngực nõn
Ngũ hành tụ lại bàn tay thon
Rốn em trái đất bày phương trận
Vũ trụ trồng ươm mô thức tròn

Là khởi sự cùng là kết thúc,
Đầu nguồn mạch nước, cuối dòng sông,
Em sinh sôi những áng cầu vồng
Trước Sách Ước đến sau cùng Lịch Sử.

2. NGƯỜI NỮ HẰNG CỬU

Nhà thơ Gerald De Nerval có đề ra khái niệm một mẫu nữ lý tưởng ông gọi là người nữ hằng cửu - éternel féminin.

Tôi xin triển khai khái niệm trên với một số đóng góp khiêm tốn của mình.

Tranh sơn mài của Bùi Trọng Dư

Như tính danh của nàng chỉ cho thấy, người nữ hằng cửu là một hữu thể siêu phàm thủ đắc một sức mạnh mềm vô hiệu hoá được sự huỷ diệt lạnh lùng của thời gian để ở lại thế gian với tính cách một trường tồn bền vững với nguyên vẹn những tố chất làm nên tính nữ và nhan sắc bất hủ của mình. Ở lại với tư cách là một cội nguồn phong nhiêu của sự tồn sinh và phồn sinh loài người và là một cần thiết cho sự đồng điệu âm dương, hạnh phúc đôi lứa, ấm cúng gia đình và hoà khí nhân gian. Ở lại với danh nghĩa một người tình lý tưởng, giấc mơ muôn đời và là nguồn hứng bất tận của các thi nhân trữ tình mọi nơi và mọi thuở. Ở lại với tư thế hiện thân của một vẻ đẹp nghệ thuật tuyệt đẳng: vẻ đẹp của thơ. Với vẻ đẹp này, nàng mang lại cho các tâm hồn điệu nghệ một niềm vui muôn năm.

Riêng bản thân tôi đã hình dung ra nhan sắc người nữ hằng cửu của Nerval qua sự hồi tưởng lại nhan sắc của các nàng kiều nữ Việt Nam năm xưa đi trẩy hội hoa Tết trên những đại lộ phồn hoa của thủ đô Sài Gòn.

Sáu mươi năm đã qua đi kể từ ngày đó, nhưng hồn tôi vẫn còn tương tư và bị lôi cuốn bởi nhan sắc rực rỡ, phong cách thanh tân và dáng điệu mềm mại của các kiều nữ đó trong chiếc áo dài tha thướt - một kỳ công của nghệ thuật tạo mốt - bó sát lấy tấm thân thon thả của các nàng và làm hằn lên những đường cong kỷ hà học tuyệt mỹ. Tất cả quyện đan vào nhau thành một giao hưởng đường nét đẹp như thơ, khiến tôi có cảm giác các nàng chính là những hậu thân chính thống của người nữ hằng cửu.

Tôi có cảm tác những vần phồn thực ca sau nhuốm đầy sắc hương nơi quê hương các nàng sinh trưởng để tôn vinh nhan sắc nồng nàn rực rỡ của họ:

Nhiệt đới đầu thai em tố nữ
Mít kề vú sữa, mãng cầu gai;
Quít căng đẫy nắng, cam dung dị;
Chất ngất sầu riêng, sực nức xoài.

Rồi rì rào mận, du dương nhãn;
Gió múc trăng lên tưới hải đường.
Em rạng rỡ xuân vàng trái tắc,
Em đầy đặn lúa chín nàng hương.

Em cầm mưa xối xuống cằn khô,
Nắng lúc đang mưa vỡ bất ngờ.
Em ở trong cùng ngoài giới hạn,
Nứt mầm kiều mạch, bật tần ô.

Lửa vần nuôi giấu dưới rêu nhung,
Suối ấm ngầm hâm đất lạnh lùng,
Vân của đá, vòng năm của mộc,
Em thâm sâu, tốt đẹp vô cùng.

Rúc tiếng còi sương đêm khuya rách
Một hồn con gái rớm tình yêu
Gối chăn nồng bén hương thân thể
Biển dưới Trường Sơn khóc mỹ miều

Anh hứng trân cam đời mến tặng
Sim mua rừng tắm suối đầu nguồn
Em là tuyệt ý dòng nguyên thuỷ
Thắp ánh sao lồng lửa lệ tuôn

Rồi nới nguôi ngơi, buông thư thái
Nhân đôi ân ái tới siêu hình
Sau cơn lốc lắng dâng hoan hỉ
Trong vắt, xanh ngần nhạc thánh kinh.

3. NGƯỜI ĐÀN BÀ CƠ BẢN

Ngoài người nữ hằng cửu, các thi nhân còn đề ra khái niệm một mẫu nữ khác mà họ gọi là người đàn bà cơ bản.

Tôi xin triển khai khái niệm trên với một số suy diễn chủ quan của mình.

Theo tôi, người đàn bà cơ bản là hiện thân của một sự nảy nở đầy đặn, rực lửa đam mê của nhan sắc và ngọt lịm như một trái mọng chín muồi. Đồng thời nàng cũng là một hữu thể hai tính: tính thần thoại của người nữ hằng cửu và tính thế tục của con người bị vướng mắc trong mạng lưới của một thực tế vô thường. Vì vậy, đời nàng trắc trở hơn, phận nàng éo le hơn so với người nữ hằng cửu.

Nhưng ở nàng xảy ra một phép lạ hoá nỗi khổ đau trần tục nàng phải kinh qua thành một thứ nước quán tẩy khiến cho hồn nàng tinh khiết ra và nhan sắc nàng mang một sắc màu thánh thiện như vẻ đẹp biện chứng của một bông sen trắng thơm ngát nở lên từ một vũng nước bùn tanh nhơ.

Do mang hai tính thăng hoa và ẩn dụ của vẻ đẹp một bông sen, nhan sắc của nàng là một phiên bản của vẻ đẹp của thơ. Do đó tôi nghĩ, nàng có thể là hậu thân của thần nữ thi ca trữ tình Erato của thần thoại Hy Lạp.

Trước khi chấm dứt bài phát biểu của mình, tôi xin đọc tặng quý bà quý cô có mặt ở đây những vần thơ tôi làm để tôn vinh quyền lực siêu phàm của nhan sắc người đàn bà cơ bản và người nữ hằng cửu:

Bút pháp anh tôn em quốc sắc,
Tóc lồng huyền tích hồng nhung đen
Em fatale sóng tình trong mắt,
Đổ những ngai vua, đắm chiến thuyền

Anh chiếu em lên lộng lẫy bóng
Ngôi sao kiệt xuất cuốn phim màu
Em là dòng Grace, nòi Bao Tự,
Khiến kẻ chai lòng cũng ước ao.

Anh dựng lầu son, đan lá thuý;
Thiết tha chăm bón đẹp khu vườn,
Em vào diễm lệ bằng bươm bướm,
Triển lãm cho đời ý nhị hơn.

Cho gió vay hương, hoa mượn sắc;
Sắc hương nhuẫn nhuyễn nét tương đồng,
Em thành tình lữ đi muôn thuở,
Dát ánh trăng vàng cát Biển Đông.

Gieo dấu hài xanh lên Đất Hứa,
Hoá thành cổ thụ toả tàn che,
Thiên thu bóng cúi nghe tình tự
Những trái tim son đến hẹn thề.

Đến nắm tay nhau truyền ấm áp,
Tôi làm chiếc ghế lót trăng đêm,
Mời cô ngồi xuống nồng hơi lụa,
Để đá như da cũng biết mềm.

Đá vấn vương hơi, gìn kỷ niệm;
Cưu mang tâm sự đến nương nhờ.
Tôi nhào luyện chữ như cao thạch,
Đắp bức tượng tình, tạc tứ thơ.

Tượng đứng phơi vân, bày cốt cách;
Buông lan nhân ái đến môi trường.
Thiên nga chuồi nhẹ cơn mơ trắng
Trên nước hồ thầm gợn ánh dương.

Tất cả không gian thành ấn tượng
Bức tranh hoà thắm sắc cho đời.
Người xem cũng muốn nao nao với,
Lửa sắp nguội tàn cũng dấy khơi.

Tay muốn tìm tay, lời muốn ứng.
Cho người hào hiệp đến quên thân.
Tình yêu đôi cánh nâng nhân phẩm,
Bến ấm hồn vào thả neo tâm.

Bởi những người yêu hằng muốn thế,
Họ cần tiếng hát như bàn tay
Xoa bôi hung dữ trên nhân diện,
Âu yếm nhìn nhau dịu nét mày.

Yêu có trong yêu dường phép lạ,
Sắt đanh đến mấy cũng buông mềm.
Qua môi tìm đến môi vinh hiển
Tiếng hát thiên thần hiển hiện lên.

CUNG TRẦM TƯỞNG

11/17/2019



Tuesday, November 26, 2019

Giấc Mơ Của Nàng Tô

Tạp ghi của

Diễm


Bỗng dưng nàng trở thành một trong vô số những Nàng Tô của Miền Nam tiễn chồng lên đường vào những trại tù Cộng Sản, nơi rừng thiêng nước độc mà phe chiến thắng đầy dã tâm Miền Bắc luôn lu loa cùng thế giới bên ngoài rằng họ sẽ "khoan hồng cải tạo" những người anh em Quân Dân Cán Chính Miền Nam.

Từ đó, nỗi chờ đợi ám ảnh nàng từng ngày, từng đêm... nàng như hóa thân vào những câu hát Hòn Vọng Phu:

“Người vọng phu trong lúc gió mưa
Bế con đã hoài công để đứng chờ
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn, nhưng hồn chưa mòn giấc mơ...”


Hòn Vọng Phu II (Lê Thương) Thái Thanh hát

Giấc mơ của nàng “chưa mòn”, và nhất định sẽ không hề mòn mỏi, vì người ta cần bám víu vào tình yêu và mơ ước để mà sống sót, để mà tồn tại trong những hoàn cảnh cùng cực đen tối, nghiệt ngã nhất trong cuộc đời.

Nàng cũng vậy. Ba mươi tuổi đời với hai bàn tay trắng, một nách bốn con thơ. Nàng sẽ phải làm gì đây để chống chọi qua ngày?

Bất giác nàng nhìn xuống đôi tay của mình như thể đang tự soi bóng bên mặt hồ ký ức phảng phất dòng thơ tình tự của Thi Sĩ Nguyên Sa, người thầy từng dạy Việt Văn cho nàng thời trung học.

Sài Gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

Đó chính là hình ảnh của nàng trước khi “theo chồng bỏ cuộc chơi.” Nàng cũng từng là một trong những cô gái thích “Tám phố Saigon” như vậy.

Rồi tình yêu đến, nàng lên xe hoa và theo người chồng quân nhân thuyên chuyển qua những vùng chiến thuật: Saigon, Đà Nẵng, Nha Trang, Pleiku, nơi những đứa con lần lượt ra đời. Bổn phận làm vợ và làm mẹ không còn cho phép nàng mơ mộng. Tổ ấm cuối cùng của gia đình nàng là một gian nhà nhỏ trong dãy nhà dành cho sĩ quan tại phi trường Tân Sơn Nhất. Những ngày cuối tháng tư, giữa tiếng bom rơi và đạn nổ, nàng chỉ kịp xách vội cái ấm nước vì nỗi ám ảnh các con bị chết khát trong hầm tránh bom, không kịp mang theo thứ gì khác. Khi trở lại, ôi thôi có còn gì!

Giờ đây, nhìn bốn đứa con ngủ bên nhau như một bầy cún con trong căn gác nhỏ từ khi mấy mẹ con nàng “về ngoại” nương nhờ, lòng nàng chợt quặn lên một nỗi lo sợ: Làm sao để nuôi chúng lớn lên? Làm sao để dạy dỗ chúng nên người khi thiếu vắng bóng hình cha?

Nàng cảm thấy mình yếu đuối hơn bao giờ hết!

Những điều mà nàng tự trang bị vào đời chỉ toàn là những gì trong sách vở, báo chí, trong những cuốn magazine mà từ khi còn là một cô gái nhỏ, cứ có đồng nào là nàng lại ra tiệm sách mua về và đọc ngấu nghiến.

Những điều đó giờ này giúp ích gì cho nàng cơ chứ?

Nàng vốn sống nội tâm và chỉ có vài người bạn thân giờ đây tản mác khắp nơi. Nàng không giao du nhiều và việc buôn bán dường như là "sở đoản" của nàng. Tuy nhiên, nàng hiểu rõ là giờ đây mình cần phải đối mặt với thực tế để sống còn cùng với bầy con để chờ đợi chồng về.

Nàng lục lọi trong trí óc của mình một cách tuyệt vọng và bỗng dưng nhớ đến một bài thơ vui vui của vị đại thi hào người Pháp Jean De La Fontaine. Đó là bài thơ “La Laitière et le Pot au Lait” kể về giấc mơ của cô nàng bán sữa mang tên Perrette.

Perrette sur sa tête ayant un Pot au lait
Bien posé sur un coussinet,
Prétendait arriver sans encombre à la ville.
...

Bài thơ đã được nhạc sĩ Y Vân chuyển thể thành nhạc Việt với giai điệu “tung tăng” như sau:

Cô Pê-Rết sữa mang trên đầu
Gọn gàng xiêm áo lên đường
Lòng hân hoan sướng vui
Chân đi nhịp nhàng
Miệng luôn suy tính

Tiền liễm sữa bán đi
Không gì cho bằng nên tính xa gần
Tìm mua trăm trứng ngay
Sau đây sẽ nở bầy gà mắc trăm

Gà đem bán sẽ mua heo
Rồi đem heo bán mua bò
Bò ngày mai sẽ sinh bê
Một bầy đông như ý

Nàng tung chân múa may trên đường
Nhẹ nhàng liễm rớt tan tành
Lời hay lỗ cũng đi theo heo
Theo bò trăm gà mất luôn
Ngồi đây khóc kêu trời
Về nhà còn ăn roi.

Nàng chợt mỉm cười và cảm thấy phấn chấn hẳn lên khi ôn lại một loạt những câu chuyện ngụ ngôn của vị đại thi hào nổi danh này, ví dụ như câu chuyện "Thỏ Và Rùa" chẳng hạn. Không ai nghĩ chú Rùa chậm chạp mang cái mai nặng nề lại có thể về đích trước Thỏ. Bởi vậy, giấc mơ của Nàng Perrette đâu thể sánh với giấc mơ của Nàng Tô!

Nàng chợt nhớ đến những công thức làm bánh flan và yaourt. Ngày xưa ở Nha Trang và Pleiku, nàng đã từng làm những món này bỏ mối cho Câu Lạc Bộ Sĩ Quan để kiếm thêm chút tiền phụ vào ngân quỹ "tiền lính - tính liền" của chồng.

Đúng rồi! Nàng có thể làm một món gì tương tự như vậy, nhưng với nguyên liệu rẻ và dễ kiếm hơn. Đôi mắt nàng chợt chạm phải nải chuối sứ đặt trên chiếc bàn ngay gần đó.

Chuối!

Một món gì làm bằng chuối, vừa ngon vừa lành như trong ca dao

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau

A! Nàng sẽ làm món "chuối rim đường".Đáng lẽ phải gọi là "chuối ngào đường" mới thật đúng nghĩa, nhưng nàng thích chữ "rim" hơn vì sự tượng hình của một ngọn lửa hồng nho nhỏ lung linh. Nàng vui hẳn lên và thiêm thiếp chìm dần vào giấc mộng.

Sáng hôm sau nàng thức dậy thật sớm và đi chợ. Nàng chọn được hai nải chuối sứ thật ngon với giá hời. Những quả chuối béo múp míp dễ thương trong lớp vỏ vàng điểm một vài đốm đen nhàn nhạt như những "nốt ruồi duyên" đặc trưng của chuối. Nàng mua thêm một ký đường thẻ bằng nửa số tiền vốn ít ỏi còn lại, rồi vội vã về nhà... "tay ngọc bên bếp hồng."

Mùi đường ngào thơm ngọt đánh thức khứu giác của lũ trẻ, bốn đứa con và sáu đứa cháu con ông anh nàng. Chúng chạy ùa vào bếp ríu rít hỏi han và chầu chực. Nhưng rồi khi biết đây là "business" của nàng thì cả bọn chúng đều tiu nghỉu như mèo cụp đuôi, thật tội nghiệp!

Mới có mấy tháng kể từ ngày được Cộng Sản Miền Bắc "giải phóng," những đứa trẻ Miền Nam bỗng trở nên "bơ vơ" mới đáng thương làm sao. Chúng gầy ốm xanh xao, khẳng khiu và đen đúa như những que củi.

Sau khi chồng vào tù, nàng phải dọn về cầu cứu với gia đình người anh trai. Anh trai nàng và chị dâu nhân dịp đó cũng tìm cách "đi tiền trạm" chuyển về Lái Thiêu làm ruộng sinh sống, gửi lại cho nàng sáu đứa con ở lại thành phố học hành tạm thời trong thời gian "chưa biết tính sao".

Bốn đứa con, cộng với sáu đứa cháu, vị chi cả thảy là mười đứa. Nàng chật vật chạy cơm từng ngày. Nàng phải mua một chục chiếc bát bằng nhôm để không bị lũ trẻ lỡ tay làm vỡ. Những bữa ăn toàn là cơm nấu độn với đậu đen hoặc với bắp, rắc thêm vài sợi dừa bào là thực đơn thường xuyên của nàng và lũ trẻ. Hoạ hoằn lắm mới có một bữa thịt kho do ông anh từ Lái Thiêu tiếp tế lên thành phố. Những hôm như vậy, lũ trẻ vui lắm. Nhưng chúng ngầm hiểu là mỗi đứa chỉ được phép gắp đúng một miếng. Đứa nào "phạm luật giang hồ" sẽ bị "Đại Ca” Quân, đứa cháu trai lớn nhất trong bọn "xử" liền.

Tội nghiệp thằng bé út Dũng của nàng. Nó mới lên ba, mới có tí tuổi đầu mà sao đã hiểu rõ cách thưởng thức "save the best for last" ngay từ ngày ấy thế không biết? Miếng thịt của nó luôn được giấu dưới đáy chiếc bát nhôm, phủ cơm nóng bên trên. Nó cứ ăn cơm không, rồi mãi đến miếng cuối cùng mới nhai miếng thịt một cách từ tốn đầy khoan khoái. Dường như đó là cách mà nó lưu giữ hương vị của miếng thịt mỏng và nhỏ "không đủ nhét kẽ răng" nấn ná với nó lâu hơn... cho đến lần sau!

Nàng và lũ trẻ bên ngoài sống khó khăn và thiếu thốn như vậy, nhưng qua những người đồng cảnh ngộ nàng biết rất rõ rằng những người chồng đang sống dở chết dở bên trong các trại tù Cộng Sản. Nàng ứa nước mắt nhớ câu chuyện kể lại về một vị quân nhân đã chết sau một cơn kiết lỵ trong tù, trong tay vẫn nắm chặt một chiếc kẹo đường.

Mùi đường nấu chảy tan ra và xông lên mũi nàng thơm ngào ngạt. Nàng đưa tay áo lên lau khô nước mắt và đảo đều tay đũa để số đường ít ỏi có thể thấm quanh những trái chuối.

Không bao lâu sau thì nàng đã rim xong. Thành phẩm là một mẻ chuối nằm ngoan trong chiếc chảo gang rộng với những quả chuối trần tròn lẳn, khoác một lớp áo đường màu nâu đỏ như màu mật ong thật quyến rũ. Nàng dùng những chiếc que tre cắm vào mỗi trái chuối và điểm nhẹ vài hạt mè rang vàng làm tăng sức hấp dẫn của thị giác và vị giác. Nàng cũng thèm ăn một miếng vô cùng, nhưng phải khó khăn dằn lại sự cám dỗ.

Nàng lót một lớp lá chuối xanh vào bên trong cái nồi chõ nấu xôi rộng vành. Sau đó, nàng khéo léo xếp đều những "cây chuối rim" tròn đều vào lòng chõ trông rất đẹp mắt. Nàng cẩn thận đậy nắp bên trên, rồi dùng vài sợi dây thun ràng nắp nồi lại cho thật chặt.

Nàng dặn dò lũ trẻ ở nhà rồi cắp cái nỗi chõ đựng chuối rim một cách chắc chắn bên hông và bước về hướng ngôi trường tiểu học Trương Minh Giảng ngay đầu đường.

Nàng ngượng nghịu cười khi chợt nhận ra nét tương đồng giữa mình và Perrette trong thơ:

Nàng Tô cắp chuối mang bên mình
Gọn gàng xiêm áo lên đường
Lòng hân hoan sướng vui
Chân đi nhịp nhàng
Miệng luôn suy tính …

Nhưng nàng biết mình tính toán chắc chắn, khiêm nhường và thực tế hơn Perrette rất nhiều. Nàng chỉ mơ ước được "một vốn, bốn lời". Một phần để dành xoay vòng vốn, một phần để dành mua quà thăm nuôi chồng, một phần để dành đi chợ qua ngày, và phần cuối cùng dành dụm lại phòng khi cơ nhỡ.

Đến nơi, nàng tìm cho mình một chỗ thích hợp giữa những người buôn bán quà vặt nơi lề đường trước cửa trường học. Những người bạn hàng chung quanh thoạt nhìn nàng bằng ánh mắt soi mói, nhưng sau đó là niềm cảm thông có lẽ là vì bề ngoài hiền lành của nàng. Cảm tạ Ơn Trên, nồi chuối rim của nàng vẫn nguyên vẹn, không bị rơi vỡ như liễm sữa của Perrette. Nàng vui lắm! Hân hoan chờ đợi người khách "mở hàng" đầu tiên.

… Bỗng dưng, mười gương mặt thân yêu của lũ trẻ hiện ra trước mắt nàng.

Nàng dụi mắt! Nàng có đang nằm mơ không nhỉ? Ồ, không! Sự thật giữa ban trưa đây mà!

Lũ trẻ mười đứa đang vây quanh chỗ nàng ngồi thành một vòng tròn. Chúng háo hức phân trần muốn xem mẹ/xem cô buôn bán như thế nào? Đôi mắt chúng sáng rực dán chặt vào những trái chuối, cổ họng và tuyến nước bọt của đứa nào đứa nấy đều hoạt động hết công suất.

Tội nghiệp quá! Chúng thèm! Nàng tự hỏi bao nhiêu lâu rồi chúng đã không được nếm vị ngọt của đường?

Thế là tuy liễm sữa không vỡ, nhưng trái tim của nàng đã oà vỡ tuôn theo những giọt nước mắt. Giấc mơ của nàng cũng tan tành cùng với lòng yêu thương ngọt ngào và vô bờ bến dành cho lũ trẻ.

Thương thay, giấc mơ của Nàng Tô!

Diễm - 11/2019


Viết theo hồi ức kể lại của thân mẫu.



Saturday, November 23, 2019

Thư Cảm Tạ

Thân kính gởi:

  • Quý bậc Trưởng Thượng
  • Quý Cơ quan truyền thông, báo chí
  • Quý chiến, và thân hữu và bạn đọc yêu mến Thơ Cung Trầm Tưởng

Sau đây là Thư Cảm Tạ của Ban Tổ Chức RMT CTT - Một Hành Trình Thơ

Kính nhờ quý cơ quan và quý vị giúp phổ biến đến quý cơ quan và quý độc giả mà tôi thiếu sót trong điện thư này.

Trân trọng,

KQ Võ Ý



BUỔI RA MẮT THƠ CUNG TRẦM TƯỞNG

CHÚA NHẬT, November 17, 2019

THƯ CẢM TẠ

Buổi Ra Mắt Thơ Cung Trầm Tưởng trưa Chủ Nhật ngày 17 tháng 11 năm 2019 đã được tổ chức tại Nhà hàng Golden Sea tại Anaheim, California với khoảng 200 quan khách hiện diện.

Tác giả và Ban Tổ Chức chân thành cảm tạ quý bằng hữu, thân hữu, quý độc giả yêu thơ Cung Trầm Tưởng đã đến tham dự buổi Ra Mắt Thơ và ngồi lại cho đến tiết mục sau cùng.

Trong buổi sinh hoạt văn hóa này tác giả đã trao tặng từng quan khách Thi Phẩm Một Hành Trình Thơ 1948 – 2018. Tập Thơ quý giá dầy 700 trang chất chứa chặng đường thơ suốt dọc dài 70 năm của thi sĩ tặng hiến cho đời. .

Ban Tổ Chức chân thành cảm tạ Ban Tù Ca Xuân Điềm, Hội Phố Núi, quý văn nghệ sĩ, cùng với MC duyên dáng Bích Trâm, đã giúp cho buổi Ra Mắt Thơ được trang trọng và sống động.

Chúng tôi hết lòng cảm tạ quý vị diễn giả; nhà văn Trần Phong Vũ, giáo sư Trần Huy Bích và cô Diễm Nga của thế hệ thứ hai, đã bỏ nhiều thì giờ soạn và trình bày với cử tọa về con người thi nhân và thơ Cung Trầm Tưởng thật súc tích sâu sắc.

Sau cùng xin cảm tạ quý cơ quan truyền thông đã giúp phổ biến trước và sau buổi Ra Mắt Thơ Cung Trầm Tưởng, để nhiều người biết đến công trình trí tuệ giá trị này.

Trân trọng,

Thay mặt BTC
Nguyễn Văn Liêm
Nguyệt San Diễn Đàn Giáo Dân


Vạn Vạn Lý
Nhạc phổ từ thơ Cung Trầm Tưởng
(Tù Ca Xuân Điềm trình bày)



Monday, November 18, 2019

Bóng Hình "Con Tắc Kè" Trong Thơ Cung Trầm Tưởng

Bài viết của

Diễm


Kính thưa quý vị quan khách hiện diện nơi đây để chúc mừng và chào đón "Cung Trầm Tưởng - Một Hành Trình Thơ".

Quả là một điều hết sức mạo muội và là một vinh dự lớn lao cho kẻ hậu bối "trẻ người non dạ" như cháu được góp mặt nơi đây, cất tiếng nói của thế hệ thứ hai cảm nhận về dòng thơ của Thi Nhân Cung Trầm Tưởng.

Cảm nhận đầu tiên của cháu là sự tri ân.

Nếu như bố cháu còn sống thì bố cháu kém bác Cung Trầm Tưởng 4 tuổi.

Bố cháu là một Không Quân, cũng từng đi du học giống như bác Cung Trầm Tưởng, và ngày nay, trong album gia đình vẫn còn lưu lại tấm ảnh bố cháu chụp chung với một bóng hồng ngoại quốc.

Cháu đoán bố cháu rất mê thơ Cung Trầm Tưởng, nhất là hai câu:

Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau

Bởi vì bố cháu cũng "xin hầu kiếp sau", và nhờ vậy mới có cháu đứng trước mặt quý vị ngày hôm nay. Xin đa tạ bác Cung Trầm Tưởng.

Kính thưa quý vị,

Trước hành trình bảy mươi năm "Thơ tỉ lệ xuôi với vóc đời" của thi nhân và đúc kết trong bảy tập thơ tầm cỡ, cháu cảm thấy mình thật nhỏ nhoi.

Mỗi một tập thơ của Cung Trầm Tưởng đều chứa đựng những tư tưởng lớn, thâm thuý và trầm mặc như thi danh của ông. Một nhà thơ người Mỹ, ông Carl Sandburg ví von: “Poetry is like an echo asking a shadow to dance” và Cung Trầm Tưởng đã diễn dịch rằng “Thơ như một hồi vang mời một bóng hình nhảy múa với”. Vì vậy, mỗi tập thơ của ông đều có những "bóng hình" ẩn hiện lung linh. Cháu trộm nghĩ, chắc chắn không thể thiếu những "bóng hồng", phải không quý vị?

Tuy nhiên, để “bắt” được những cái “bóng”, những "shadow" tư tưởng trong thơ Cung Trầm Tưởng không phải là điều dễ dàng. Cháu rất ngưỡng mộ những ngòi bút tiền bối tên tuổi đã có những cảm nhận và phân tích rất độc đáo góp trong mỗi chương của quyển thơ này mà cháu tin khi đọc quý vị sẽ rất thích thú.

Phần cháu “sinh sau đẻ muộn” nên mãi mới tìm được một hình bóng khá ngộ nghĩnh, thú vị và dường như có khả năng lẩn trốn rất kỹ nên hình như chưa ai nhắc đến. Đó chính là "con tắc kè" trong tập thơ thứ năm mang tên "Thi Bá - Con Tắc Kè - Và Bà Góa Phụ"

Thưa quý vị, dường như hình bóng "con tắc kè” đã thấp thoáng trong Cung Trầm Tưởng từ những năm 1965. Nhà thơ từng tự sự trong bài thơ mang tên “Lẩn Thẩn” như sau:

Tặng em một gã lo xa
Vành trăng tươm tất, bình hoa bày bàn…

Chi li tính toán đủ điều
Còn trời, còn đất, còn kêu tắc kè.

Thế nhưng phải đến cả chục năm sau cái tiếng kêu tắc kè ấy mới hiển hiện rõ nét.

Có lúc ngôn từ ta bất cập
Trước điều mắt thấy và tai nghe
Nỗi niềm nghẹn nghịu đầu ùn tắc
Ta gửi lời trong tiếng tắc kè

Tiếng kêu khắc khoải ấy trong đêm thâu thoạt nghe như không tròn vành, rõ chữ: "Ấp úng goài rồi lại í a" - như ngôn ngữ của người câm.

Vâng,

Chứng câm này mắc do nhân định:

Người chẳng buồn nghe chuyện của người.

Đó là nỗi đau đớn thảng thốt không thoát thành lời khi chứng kiến “người với người” đối đãi với nhau hơn mười năm trong lao tù Cộng Sản. Những năm tháng ấy thi nhân bất đắc dĩ hành nghề mộc.

Tiếng Việt gì kêu như tiếng Tàu:

Hận thù tháo chốt thành tru ngao,
Liếc răng cỗ máy cưa phầm phập
Kẻ rống người gào chẳng hiểu nhau.

Trong cái môi trường tù đày và bị đối xử thiếu nhân tính "mười mấy năm hoen gỉ tiếng người", tắc kè phải "Mắt lia thay mép lạnh như tiền" và chọn sự im lặng ban ngày để khẳng định lập trường của mình "Miễn trả lời người ối á đêm".

Tắc kè ẩn mình dưới một lớp áo mà thi nhân cho rằng "Da sần sùi cẩn trần ai". Cấu trúc sinh học đặc biệt của tắc kè lại nằm ở đôi bàn chân xòe rộng với những ngón có khả năng bám chặt vào vào cành lá, thân cây trơn ướt để sống còn trong môi trường khắc nghiệt - phải chăng đó chính là "Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định" - Đây cũng là tên gọi thi tập thứ tư của Cung Trầm Tưởng.

Nhà văn Bắc Đẩu Võ Ý, một người bạn tù của thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã giải thích như sau: Khi người tù vác một vật nặng trên vai (như bó nứa, khúc gỗ...) đi xuống những "dốc mỡ" trơn trượt. Muốn được an toàn, bàn chân anh ta phải bám ngang dốc để lần từng bước đi xuống. Nếu đi thẳng thì rất dễ chúi mũi trượt té. Một cách nghĩ khác, đi ngang vừa thấy phía trước là tương lai, vừa nhìn được phía sau là quá khứ. Tương lai thì đen tối và đầy mai phục và quá khứ như là điểm tựa cho sự sống. Còn Phiếm Định là bất trắc, là bất ổn. Có thể tác giả muốn biểu hiện một sự ham muốn sống, cố giữ một thế đứng thẳng và vững cho dù có bị lâm vào những hoàn cảnh đầy thử thách, bấp bênh, hiểm nghèo, bi đát.

Trong bối cảnh này, Thi Bá đến với con tắc kè như một cứu cánh.

Cháu đã thức đến ba giờ sáng để nghiền ngẫm phần Lời Tựa: “ Một Bản Thể Luận Bồng Bềnh Về Thơ" mà Cung Trầm Tưởng đã viết “tặng các thi nhân và những người đọc yêu thơ”. Ở đây, người thi sĩ cầm bút viết như một nhà văn - hơn thế nữa - như một nhà triết học sâu sắc, ông phân tích THƠ "về mặt vĩ mô, qua lăng kính chiếu diệu của quang học hiện đại".

Là một người đọc yêu thơ thuộc thế hệ thứ 2 xin đón nhận món quà quý báu, cháu vô cùng tâm đắc với những điều mà thi nhân viết tặng như sau:

- Bài thơ từ lúc đến tay người đọc bắt đầu một định mệnh mới: nó sống đời sống một tặng phẩm. Từ là vật sở hữu của người thơ gửi tặng ta là người đọc, bài thơ dần dà chiếm ngự hồn ta, ở lại với ta, rồi thuộc về ta và hoá thành một châu báu trang điểm hồn ta.

- Khi ta “Gọi yêu” bài thơ là ôm nó vào và giữ nó ở lại với lòng ta để nó thuộc vào lòng ta, tức ta thuộc lòng nó...tức là nó ở lại với ta suốt đời.

- Chiều sâu của thơ tỷ lệ thuận với khả năng biểu đạt - chủ yếu bằng ẩn dụ.

Kính thưa quý vị, "Con Tắc Kè" và "Thi Bá" chính là những ẩn dụ tuyệt vời giữa "Thi Nhân" và "Thơ".

Cháu xin trích đoạn lời của nhà văn Hoàng Yên Lưu: "Nhà thơ nếm trải cơn gió bụi và tình cảm phóng ngoại bằng cơn phẫn nộ và thơ ca là phương tiện để thể hiện cơn bất bình này như thi nhân đã viết: Làm thơ là để giải phóng ấm ức, tìm một quân bình phiếm định trong một bất trắc triền miên. Ức chế càng tích lũy, càng o ép, ach ách như chửa trâu, sự lâm bồn càng khó khăn, đau đớn toạc sẻ, và thơ ra đời như một chiến thắng hân hoan."

Ngài "Thi Bá" đã xuất hiện đúng lúc hoá kiếp cho những tiếng kêu "í a" trong đêm thâu của con tắc kè trở thành một thứ "uyên ngữ vô thanh” được chào đời.

Tắc kè! Đừng giả vờ ngơ điếc
Xác nhập thơ tôi cũng biết gào

Nhưng... ai sẽ nghe và hiểu được thứ "uyên ngữ vô thanh" đó?

Ấp úng goài rồi lại í a,
Đêm ra thủ thỉ cùng hoa nhà
Tắc kè tặc lưỡi hiên hàng xóm:
Một tấc tường, nghìn dặm cách xa!

Trước, con tắc kè chỉ biết ra thủ thỉ cùng hoa dâm bụt - một tĩnh vật - nhưng "một tấc tường, nghìn dặm cách xa" - tuy gần mà xa vì hoa dâm bụt không thể hiểu được hết nỗi lòng của tắc kè.

Sau, nhân vật Bà Góa Phụ xuất hiện cùng với tiếng thở dài xen lẫn tiếng chõng tre kẽo cà kẽo kẹt từ ngôi nhà kế bên.

Thưa bà, tôi mới qua hầu chuyện
Trưởng lão đông lân, Thánh hạnh đàn,
Thi bá khuya sang làm lãng tử
Tàng hình đi cứu khổ nhân gian

Ngài dặn tôi rang ngô túc tắc
Làm quà biếu tặng bà cô đơn
Chỉ thâm giao với ai không ngủ
Biết lắng nghe trăng chuyện với vườn

Kính thưa quý vị, "bóng hồng" đã xuất hiện!

“Bà Goá Phụ” chính là người đọc tri âm tri kỷ mà thi nhân "Tắc Kè" hằng mong đợi. Bởi vì họ cùng là nạn nhân của những hệ lụy chiến tranh và chế độ Cộng Sản, họ có cùng một nỗi lòng.

Chắc quý vị không xa lạ với điển tích "Đàn Bá Nha - Tiếng ca Tử Kỳ". Cũng giống như vậy, thi nhân và Thơ “ước muốn được gặp một người đọc ân cần, am tất và điệu nghệ để phát tiết tối đa cái tinh hoa tiềm ẩn của nó, để hạnh phúc của nó được vẹn toàn."

Điều đáng nói ở đây chính là nét đẹp nhân bản từ trái tim thi nhân biểu hiện nơi lựa chọn "bóng hình người goá phụ” để làm ẩn dụ “hồng nhan tri kỷ”. Những bóng hình “giai nhân phô lõa thể" trong "Tương Phản" khi xưa giờ đây đã phôi phai. Ở giai đoạn này của cuộc đời, cái đẹp mà ông cảm nhận được chính là nét đẹp thuỷ chung vằng vặc của những người chinh phụ:

Mai rơi khúc sáo não nề,
Hành hành khứ khứ ngựa về yên không.
Cờ xa khuất cõi bụi hồng,
Khuê phòng góa phụ khóc chồng tử ly.

Ánh mắt của nàng đẹp lắm!

Mắt nàng nắng quái từ bi
Bình vong ưu thảo lưu ly ánh chiều

Cái ánh nhìn "lưu ly" trong đôi mắt của người chinh phụ đã ngời lên nhiều lần trong những bài thơ của Cung Trầm Tưởng, như trong bài “Và Em”:

Tóc vấn phong ba em đứng mũi
Một thuyền lèo lái cõi càn khôn
Đau thương nhuốm mắt em kỳ diệu
Ngời tỏ lưu ly tuyệt bích hồn

Phải chăng đó chính là thứ "uyên ngữ vô thanh" mà Thi Bá đã "khai tâm" và "hóa kiếp" từ tiếng kêu đêm của Con Tắc Kè?

Kính thưa quý vị, đó là những cảm nhận trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của một con ếch thuộc thế hệ thứ hai nơi đáy giếng thi ca.

Và nếu quý vị có thắc mắc “Tắc Kè” và “Bà Goá Phụ” tâm sự những gì, xin mời quý vị tìm đọc.

Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe!

Diễm



Nhận Xét Về Thơ Cung Trầm Tưởng

Bài viết của
GS Trần Huy Bích

Kính thưa các bậc trưởng thượng,
Kính thưa nhà thơ Cung Trầm Tưởng (CTT), cùng các thân hữu, chiến hữu của nhà thơ,
Kính thưa toàn thể cử tọa,

Nhà văn Trần Phong Vũ và nhà văn Võ Ý trao cho tôi nhiệm vụ đóng góp vài nhận xét nhân buổi sinh hoạt văn học chào mừng cuốn tổng tập ghi lại hành trình 70 năm làm thơ, từ 1948 đến 2018 của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Đây là một vinh dự, nhưng cũng là một việc khó. Nói về một hành trình thơ dài 70 năm, xuyên qua 2 thế kỷ, của một nhà thơ quan trọng, gồm nhiều thi phẩm giá trị, chứa trong trong 7 thi tập với nội dung rất đặc sắc và phong phú, được in ra trong một tập sách gần 700 trang, và chỉ “trong vòng 15 phút,” thì đúng là một hành động “trói voi bỏ rọ”: có hàng trăm điều để nói, biết lựa để nói những điều gì? Thứ nữa, cho tới nay, bao nhiêu người đã nói, đã viết về nhà thơ CTT. Trong tình thân, có nhà văn Võ Ý. Trong giới phê bình, nhận định văn học, có nhà văn Thụy Khuê, nhà văn Mặc Lâm, nhà thơ Viên Linh, nhà thơ Phan Ni Tấn, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh... Trong tập sách do Tiếng Quê Hương xuất bản, được trao tới chúng ta hôm nay, còn thêm bài viết của một số nhà phê bình cùng thân hữu của tác giả như Lê Mạnh Cương, Hoàng Yên Lưu, Trần Văn Nam, Nguyễn Thanh Nhã, Giang Hữu Tuyên… Một số câu tôi rất muốn nói lên hôm nay, chẳng hạn như, “CTT là một trong những tên tuổi lớn trên đàn thi ca VN,” hay “Thơ CTT mới về ý, lạ về từ, khác về hình tượng, về nhịp điệu lẫn thanh âm…” thì nhiều người đã nói lên, đã viết ra rồi. Nếu chỉ “nhai lại” những ý ấy thì thật có lỗi trước sự mong đợi của các anh Trần Phong Vũ, Võ Ý, và làm phí thời giờ của toàn thể quý vị. Tôi đành xin đóng góp một vài nhận xét thô thiển, mong nhận được niềm thông cảm đại lượng của anh CTT cũng như của cử tọa.

Kính thưa Quý vị,

Trước hết, tôi xin được khai triển một nhận xét của nhà thơ Phan Ni Tấn. Trong bài “Hành trình vào thế giới thơ CTT,” anh Phan Ni Tấn đã viết, “CTT là nhà thơ của trí tuệ.” Tôi đồng ý với nhận xét ấy, và xin giải thích rõ thêm:

Khi làm thơ, vị kỹ sư không quân mang danh Cung Thúc Cần của chúng ta lấy bút hiệu là “Cung Trầm Tưởng.” Ở thế hệ trước, các nho gia, hoặc các nhà trí thức chịu ảnh hưởng của cựu học, coi trọng việc đặt tên tự, tên hiệu. Tên tự phải có ý nghĩa liên quan với tên chính, và phải “nói lên một điều gì” về tâm tư, hoài bão của người chọn tên ấy.

Chẳng hạn với danh nhân Nguyễn Công Trứ. Chữ “Trứ” (do cha mẹ đặt) có nghĩa là “sáng sủa, rực rỡ” (như trong “trứ danh”). Ông lấy tên tự “Tồn Chất,” có nghĩa: bảo tồn, giữ lấy phần thật, phần mộc mạc, sự chất phác ..., để cho biết ông coi trọng phần đích thực hơn vẻ rực rỡ bên ngoài.

Gs. Dương Quảng Hàm lấy tên tự “Hải Lượng.” Chữ “hàm” có nghĩa “chứa đựng.” Tên tự do ông chọn có nghĩa “lượng của biển” hay “như biển.” Với tên tự, ông ngụ ý mong sẽ “chứa được một số lượng lớn” (có một kiến thức rộng, hay có tâm thật rộng).

Từ ngày xã hội VN đổi mới theo văn hóa Tây phương, nhiều bút hiệu (pen name/nom de plume) chỉ cần “đặt cho có,” không cần mang ý nghĩa quan trọng nữa. Nhiều nhà thơ, nhà văn chỉ dùng tên thật làm bút hiệu: Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Doãn Quốc Sỹ…

Một số nhà thơ, nhà văn dùng địa danh ở quê, hay gần quê, làm bút hiệu: Tản Đà, Đông Hồ, Hà Thượng Nhân (người làng Hà Thượng, tỉnh Thanh Hóa). Một số người đảo một vài chữ cái trong cách viết tên thật để có bút hiệu: Nguyễn Thứ Lễ - Thế Lữ, Trần Khánh Giư - Khái Hưng. Có nhà văn nhân bút hiệu của vợ mà chọn bút hiệu cho mình. Nhà văn Đoàn Thế Nhơn, đã nhân bút hiệu của vợ là “Viễn Phố” mà lấy bút hiệu “Võ Phiến.” Nhưng CTT thì khác:

“Trầm” có nghĩa: 1) chìm xuống; 2) sâu kín (mạch trầm//mạch phù); 3) lặng lẽ, kín đáo. Chúng ta có những từ “trầm tĩnh, trầm lặng, trầm ngâm, trầm tư, trầm tư mặc tưởng.” “Mặc” là lặng lẽ. Mặc tưởng = suy tưởng một cách lặng lẽ.

Cung--Trầm--Tưởng = cung đàn, nhịp thơ của sự suy tưởng trong trầm tịch, lặng lẽ. Nhà thơ đã cho biết tác phẩm của ông được hoàn thành trong sự suy tưởng một cách trầm tĩnh (ngụ ý thận trọng, chín chắn, chứ không viết một cách cẩu thả, tắc trách).

Một nhà thơ tiền chiến đã viết:

Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hót chơi (Xuân Diệu)

Bạ kẻ nào đâu anh cũng mê
Chân theo xa với, trí theo kề (Xuân Diệu)

CTT không phải loại người sáng tác hoặc yêu ghét một cách dễ dãi, tùy tiện như thế.

Tôi đồng ý với nhận xét của phóng viên Mặc Lâm (đài RFA): Ngay cái tên của ông (Mặc Lâm muốn nói bút hiệu) cũng đã gây ấn tượng với nhiều người vì chất văn học rất đậm trong mỗi chữ: Cung—Trầm—Tưởng.

Sau giai đoạn làm thơ trữ tình ở tuổi 20-22, sang phần “Quá độ” (giai đoạn 1958-1975) ông gợi lên những tình cảm xót xa, khơi dậy ở người đọc một nỗi buồn thấm thía trước những đau thương của đất nước giữa một cuộc chiến thảm khốc:

Năm 1962 ông viết:
Đêm về thành phố tha ma
Giới nghiêm tiếng súng từ xa vọng về  

Năm 1968:
Mới đêm nao con vòi khóc với mẹ cha
Sớm hôm sau pháo rót chết cả nhà
Núi đứng câm, sông cũng không ngùi nước mắt.

Cũng năm 1968:
Khi thấy mỗi chúng ta đang đánh mướn
Trận chiến phá quê hương, giết tình người.

Ngày sinh nhật năm 29 tuổi của ông (năm 1961), ông buồn:

Mưa rơi. Đêm lạnh. Sài Gòn.
Mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi? 
(Bài “Đêm sinh nhật,” làm năm 1961).

Ít ai viết như thế trong ngày sinh của mình. Nhưng CTT viết. Ông là nhà thơ của “trầm tư mặc tưởng.”

Sau biến cố 1975, đất nước bị thống trị bởi một tập đoàn tham lam, độc đoán, và tàn ác, nhiều giá trị tốt lành của dân tộc bị chà đạp, đày ải, giam hãm, CTT khảng khái chỉ trích chế độ bạo ngược ấy. Những vần thơ bất bình, phẫn nộ của ông, mà ông gọi chung là “Tiếng khóc VN,” là kết quả của tình cảm tự nhiên, nhưng cũng của lý trí, suy tư, rất đáng được chúng ta đọc với lòng trân trọng.

Nhận xét thứ hai của tôi: CTT giàu tình cảm, nặng tình nghĩa, và có một tâm hồn đôn hậu.
Chúng ta đều biết ở tuổi 22-24 trên đất Pháp (những năm 1954-56), CTT có một người yêu “tóc vàng sợi nhỏ,” một “người em gác trọ” đã nhiều lần “sang anh gót nhỏ thầm thì.”  Chúng ta cùng biết rằng những khi đợi ở công viên, khi nàng không đến (hay chưa kịp đến), ông rất buồn:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm.

Nhưng năm 1957, khi về VN để nhận nhiệm vụ một sĩ quan kỹ sư của Không quân VN (ông học ở Pháp trong chương trình đào tạo kỹ sư của trường Võ Bị Không Quân Pháp),  ông đã không đem người yêu ấy theo. Khi trở lại Paris sau gần nửa thế kỷ, ông nói với nhà biên khảo Thụy Khuê, “Càng sang Paris, tôi thấy rằng tôi không thể là người Pháp nổi. Tôi là người VN. Tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn.” Ông cũng đã viết những câu như:

Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái đầu.

Không thể đem người yêu trời Âu về VN, hai người bắt buộc phải chia tay, ông bù đắp bằng cách để ra một tháng sống với nàng trên một căn gác sát nóc một cao ốc (sinh viên không có nhiều tiền), hết sức chiều ý nàng (“Bù em một tháng thiên đường”) trong khung cảnh gần sát với trời, “sao châm nghìn nến.” Ông viết hai bài thơ với những tình cảm chan chứa: “Kiếp sau,” và “Kiếp sau nữa.” Tôi xin đọc bài “Kiếp sau,” làm năm 1956:

Bù em một tháng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em góp núi chung đồi
Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em phơi phới buồm thơ
Vẫn e trở gió ngược bờ sông thương
Bù em một tháng thiên đường

Sống với em thật hạnh phúc, nhưng:

Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái đầu.

Cho nên phải về với đất nước, về với mẹ, và:

Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.

(Sau này khi phổ nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy đã đổi hai tiếng “bù em” sang “đền em”).

Bài “Kiếp sau nữa” làm năm 1957, cũng có ý tương tự. Tôi xin đọc ít câu:

Bù em một tháng tình gần
Trăng thêu gối mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em gác vắt lưng trời  (gác sát nóc một cao ốc)
Sao châm nghìn nến sáng rồi bơ vơ ...
..........
Mẫu hình yểu điệu xin hầu kiếp sau.

Trong hoàn cảnh như thế mà nói lên những lời từ biệt như thế, là cốt cách của những người không coi chữ tình là nhẹ.

Nhà văn Võ Ý cho biết trong một ngày lao động khổ sai, mọi tù nhân phải vượt qua một con suối nước chảy xiết với gánh nặng trên vai. Thấy nhà thơ CTT đang lóng ngóng bên bờ suối, một người bạn tù, Trung Tá Nguyễn Minh Công, bèn cõng bạn qua con suối ấy. Đó là đề tài để CTT làm bài thơ với những câu:

Cám ơn chim công/Cõng ta qua sông/Mấy mùa nước lũ/Lận đận mưa ròng/ …
Mấy năm ở rừng/Gặp toàn thú ác/Lòng ta tan tác/Những dòng lệ rưng/ …

Sau khi ra tù năm 1988, TrT NM Công mất năm 1989 ở Tân Định. Nhà thơ CTT có mặt trong tang lễ bạn. Bà quả phụ NM Công đã xin bài thơ (chép tay) của CTT để đặt trên bàn thờ chồng.

Trong cảnh bị đầy đọa, những vần thơ thương bạn đồng cảnh ngộ, nhắc tới tình nghĩa bạn bè rất đáng được trân quý. Cũng đặc biệt là những vần thơ ca ngợi cảnh “hồng nhan đa truân” trong cuộc sống phong trần của những nàng Tô thị “có chồng mà tưởng như chồng mất” sau cuộc đổi đời ngày 30-4-1975:

Phố ấy Đồng Đăng trùng điệp núi  (Ca dao: Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô thị ...)
Đá mòn thành tượng của tình chung
Em đứng ôm con, bồng mưa nắng
Sắt son, dũng cảm đến Kỳ Cùng.

Trong bài “Đường vào thiên thu” để tặng người bạn đầu gối tay ấp, CTT có những câu:

Chín mùa thua thiệt đời em
Gian truân chuyện kể nghìn đêm chưa vừa
Đội nghìn nắng, gội nghìn mưa
Gương em tiết phụ thời xưa chờ chồng.

CTT tôn vinh các “tù phụ” VNCH như những vị nữ thần trong huyền sử:

Em về giữa lúc khuya  sang
Mênh mông đức hạnh, dịu dàng ưu tư
Em đoan trang dáng hiền từ
Tóc rừng thu liễu rũ bờ vai thương
Em gồm chín cõi xanh dương
Lồng đôi mắt thẫm khôn lường vị tha
Em vào lấp lánh sương sa
Và mang ơn phước nguy nga từ trời
Mai sau ngủ gốc cây sồi
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.

Chỉ có những người coi trọng tình nghĩa, tâm hồn thật đôn hậu, mới có thể viết về người bạn đời của mình, bạn đời của những người bạn cùng cảnh ngộ với mình, bằng những lời trân trọng như thế. Ông cho chúng ta đọc thêm những câu chan chứa tình cảm:

Nhớ em trông ngóng hằng đêm
Màn lay tưởng tóc, gối mềm tưởng da.

Khi một người hiền hòa, nhân hậu, và suy tư cẩn trọng như thế phải phẫn nộ, thì sự phẫn nộ ấy hẳn có lý do chính đáng.

CTT có 4 thi tập về những thảm họa xảy đến cho dân tộc VN sau ngày 30-4-1975: “Lời viết hai tay, Bài ca níu quan tài, Những dấu chân ngang trên một triền phiếm định, Thi bá, con tắc kè và bà góa phụ.” Trong lời của ông, “Cả một miền Nam đã bị triền miên, chìm ngập trong một biển nước mắt.” Tôi xin đọc ít câu đặc sắc, tiêu biểu cho loạt thơ này:

--Trong bài “Bóng mẹ chiều thu” ông làm để “Kính dâng Mẹ” khi cụ bà lặn lội tới thăm ông trong trại giam của CS:

Mẹ gầy guộc đến thăm con hấp tấp
Quảy gánh về chiều sập ở non Tây
Mưa gió quất lưng  tre cong phần phật
Bóng mẹ mờ lẩn quất giữa mù mây…

… Mưa gió quất lưng tre còng vất vả

Ông xúc động khi được tin thêm một người bạn tù ngã xuống:

Tội chúng kéo dài hận cách ly
Chia sông rẽ núi với phân kỳ
Chồng xa cách vợ, con lìa mẹ
Chẳng một người về trăm chuyến đi

CTT phẫn nộ:

Hãy mài cho sắc lưỡi dao tông (dao to, lưỡi dài, mũi cong)
Hãy nung cho tới quắm tôi hồng (dao to, sống dày, chuôi bằng sắt rỗng liền với lưỡi, dùng để chặt, chẻ)
Thù nay góp gió, mai làm bão
Về xáp tăng thù hất chổng mông     (hất đổ xe tăng).  

Hãy chặt, chặt sâu, tông phắt phắt
Hãy phang, phang gắt, quắm ào ào
Mai về đạn nhảy ngay nòng súng
Trực chỉ đầu thù nổ thật mau.

Đúng là những dòng phẫn nộ. Như đã trình bày trên, khi một người ở trình độ trí tuệ như thế, có những tình cảm như thế mà phải lên tiếng phẫn nộ, thì sự phẫn nộ ấy hẳn có lý do.

Trong bài “Biểu tượng,” ông nói lên tư cách của ông: “đứng thẳng và vững như cây vầu” (một loại tre cao lớn):

Lòng ta đứng vững như vầu
Thân ta lóng thẳng giữa bầu trời xanh
… Mỗi ngày vầu mỗi cứng ra
Đổi thay lá mới, đậm đà lóng tươi
Vầu đanh như thép sáng ngời
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay
(Trại tù Cẩm Nhân, 1978)

Nhưng, nhà thơ CTT không dừng lại ở việc phẫn nộ và lên án. Sang tới Tập 6, “Mỗi dặm đường một nghìn vần cho thơ” và Tập 7, “Sáng ký về người tình đầu,” giọng thơ có lúc như reo vui: vạn vật được hồi sinh một cách mạnh mẽ sau trận đại hồng thủy:

Cỏ sống sót sau khốc tàn trận lụt
Đá trơn tru tí tách giọt sương ngời
Nắng hào cuồng thẳng góc ném ban mai
Đâm ngập lút đáy hồ chàm thẳm hút  (= nắng ném mạnh ban mai xuống tận đáy hồ sâu thẳm)

… Thế giới mới dựng lên từ róng thẳng
Lục thiết sồi, lim, sến, táu, đinh, sao.
Nhà hát thiên không gió trỗi khai mào
Giao hưởng lá nguy nga chào thế kỷ (= chào kỷ nguyên mới).

Sau đó cảnh vật lại vui tươi, đẹp đẽ, đầy sinh khí trở lại:

Vượn ríu rít gọi nhau chờ nắng tới 
Trời ngoài từng bước ló dạng hừng đông
Khí ngào ngạt hương thơm, đời xởi lởi
Nức nô theo phơi phới ánh trời hồng.

Theo CTT, trong thế giới được tạo dựng lại ấy, các thi sĩ có vai trò quan trọng: đó là những người con của Trời, được Trời cho xuống thế, với nhiệm vụ. Thi sĩ CTT viết ở trang 605, và nhắc lại ở trang 644:

Sau trỗi trở thành thầm thì kinh kệ
Của con Trời giáng thế làm thi nhân.

(CTT có niềm tin vào một Đấng Tối Cao).

Theo CTT, các thi nhân “nghe” được tiếng của Trời:

Sự giáng thế một diệu kỳ sinh học
Một gien loài mẫn cảm nhất trần gian
Giống thi nhân nghe được tiếng nồng nàn
Trời nói với qua vi ba thủ thỉ.

Theo CTT, chúng ta nên nghe lời của các thi nhân, vì đó là những âm thanh các vị nghe được từ Trời.

Trong những điều thi nhân “nghe” được và truyền lại cho loài người, có ý niệm về độ lượng vô biên của Trời Đất:

Trời Đất chỉ biết cho
Nên Đất Trời bất tử (trang 582)

Trái Đất chỉ cho không nên bất tử (trang 603)

Trong thế giới được tạo dựng lại như thế, một văn hóa được hình thành: văn hóa biết ơn:

Hình thành một văn hóa 
Của nghĩa đền ân trả.

(ông ngụ ý: đã có những giai đoạn trong đời sống con người, không có văn hóa ấy).

Kính thưa Quý vị,

Có một hiện tượng đáng chú ý trong văn học thế giới: những tác phẩm có giá trị lớn thường xuất hiện sau một cuộc chiến tranh bi thảm, đem lại rất nhiều tàn phá vào xã hội và đời sống con người:

--Sau cuộc chiến tranh chống sự xâm lăng của Napoléon, nước Nga có truyện Chiến tranh và Hòa bình (War and Peace) của Leo Tolstoy. 

--Sau cuộc nội chiến bi thảm giữa hai miền Nam & Bắc giữa thế kỷ 19, nước Mỹ có truyện Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió) của Margaret Mitchell.

--Sau những xáo trộn, nhiễu nhương cuối thế kỷ 18 ở VN (với Lê Trịnh/Trịnh Nguyễn—Tây Sơn—Nguyễn), chúng ta có Nguyễn Du với Truyện Kiều và bài “Văn tế thập loại chúng sinh.” Trong Truyện Kiều, ND đã viết:

Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy …

và tới cuối truyện, khuyên mọi người giữ lấy chữ “tâm”:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ “tâm” kia mới bằng ba chữ “tài”

--Khi Pháp xâm lăng cuối thế kỷ 19, miền Nam VN bị cắt nhường cho Pháp, dân miền Nam có Nguyễn Đình Chiểu (với Lục Vân Tiên, Ngư Tiều Vấn Đáp):

Thiên hạ xôn xao cuộc đảo huyền (= bị treo ngược)
Đau lòng ngồi viết Lục Vân Tiên
Hiếu trung xin giữ cho bền chặt
Tiết hạnh trau sao được vẹn tuyền...

NĐC đã viết:

Trai thời TRUNG HIẾU làm đầu
Gái thời TIẾT HẠNH...

Với cơn đại hồng thủy đang dìm ngập dân tộc VN, chúng ta có Cung Trầm Tưởng. Theo nhà văn Võ Ý, người tù nào cũng nhận thấy thơ tù CTT mang hơi thở và ước vọng của chính họ, nên họ đã yêu mến, bảo vệ nhà thơ. Ở trong tù, giấy bút bị cấm. Nhiều khi thơ được làm trong cảnh hai tay bị còng, hai chân bị cùm, người tù lấy đầu viết hộ đôi tay trong còng. Những người bạn tù đã cố gắng nhớ thơ của ông, rồi giúp đem ra ngoài, nên thơ của ông mới có thể được phổ biến, rồi in ra cho chúng ta đọc. Ước mong của CTT cũng là ước mong của tất cả chúng ta: trận đại hồng thủy ở quê hương sẽ sớm chấm dứt để mọi vật mạnh mẽ hồi sinh. Về thơ CTT, 15 phút quả không nói được nhiều. Vì thời giờ giới hạn, tôi xin được kết thúc bằng câu: “Ở tuổi thanh niên, CTT làm thơ cho mình. Sau khi đã từng trải, chịu chung những bất hạnh, ông làm thơ cho cuộc sống chung quanh. Vì những lẽ ấy, ông được coi là thi sĩ của tất cả chúng ta, được rất nhiều người trong chúng ta cảm kích và quý mến.”

GS Trần Huy Bích


Saturday, November 9, 2019

Tản Mạn Normandy

Chuyện Tản Mạn của

Diễm


Thường thì trước mỗi chuyến đi xa, tôi rất thích làm "homework" để tìm hiểu về nơi sắp đến. Vì vậy, dù đã đến Paris một lần rồi, tôi vẫn lò dò lên YouTube để xem thêm "Paris có gì lạ?"

Thưa có!

Có một cơn gió đã thổi xoay hướng bước chân lãng du của tôi về vùng biển phía Tây của Paris. Là vì tôi tình cờ xem được một số video clip do một YouTuber tên Anhtuan Dinh vừa thực hiện sau chuyến du lịch trở về, đặc biệt là những chi tiết lịch sử về vùng biển Normandy.


Du lịch Pháp Paris P5-N1


Du lịch Pháp Paris P5-N2

Xin thú thật hồi còn đi học, cứ đến giờ Sử là tôi thường thả hồn mình "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", nhất là Sử Thế Giới. Hai chữ "Thế Giới" sao mà bao la và xa lạ quá khi cánh cửa của Việt Nam đang khép chặt sau chiến tranh.

Cách dẫn chuyện của anh ấy, cách anh ấy cất công đối chiếu hình ảnh bờ biển thanh bình hôm nay với một bãi biển loang máu và ngập ngụa xác người giữa bom rơi đạn nổ trong ngày D-Day Thế Chiến thứ Hai qua phim "Saving Private Ryan" đã làm cho tôi vô cùng xúc động cảm nhận giá trị của tự do và hoà bình quý giá hơn bao giờ. Thế là chúng tôi quyết định dành một ngày để đến thăm vùng biển Normandy.

Đầu tiên, chúng tôi mua vé xe lửa từ Paris đi đến làng Bayeux ven biển nơi nổi tiếng với tấm thảm thêu kỳ công dài 70 mét kể chuyện lịch sử cho đời sau. Giá vé xe lửa khứ hồi từ Ga St. Lazare/Paris đến Bayeux (khoảng 2 tiếng rưỡi lộ trình) là 40 euro/người mua trước online. Sau đó, từ Bayeux mới đi ra biển.

Trước khi đi 3 tuần, tôi kiếm đặt tour online từ Bayeux để đi thăm những địa điểm lịch sử tại vùng biển Normandy, nhưng mọi chuyến tour buổi chiều đã được book kín. Thế mới biết "lịch sử" nằm trong tim của muôn người. Tour sáng thì còn nhưng bắt đầu lúc 8 giờ rưỡi mà chúng tôi khởi hành từ Paris không thể nào đến kịp.

Thế là chúng tôi đành tính đến một bước liều lĩnh kế tiếp, đó là mướn xe hơi rồi tự lái từ Bayeux đi ra biển. Sự liều lĩnh nào cũng đem lại phấn khích. C'est la vie! Chúng tôi chọn thuê một chiếc Peugeot 2008 với giá thuê tổng cộng chừng 100 đô-la bao gồm phần bảo hiểm 100% cho yên lòng người anh hùng xa lộ.

Hi hi...không biết có nên gọi đây là "Sự lựa chọn đúng nhất" hay không, bởi vì ngôi làng vùng ven Bayeux này quá nhỏ bé, nên nó chỉ có mỗi một trạm xăng vừa là chỗ cho thuê xe nằm cách nhà ga có khoảng 3km (2 miles). Thế là đoàn lữ hành "Tây Du Ký" sau hơn 2 tiếng rưỡi ngồi trên xe lửa lại tiếp tục lô-ca-chân đi bộ thêm 2 dặm nữa băng qua ngôi làng để đến địa điểm lấy xe. Dù sao thì cũng là một dịp để thăm thú vùng ngoại ô xinh đẹp của nước Pháp.

Phong cảnh Bayeux đẹp y như trong phim “Paris Can Wait“, một bộ phim khá mới mời gọi khách du lịch hãy đến với nhiều nơi khác xinh đẹp nằm ngoài thủ đô hoa lệ Paris.

Nơi đây có rất nhiều những ngôi giáo đường nho nhỏ với cái tháp chuông nhọn mà trên đỉnh có biểu tượng "con gà" giống như "Nhà Thờ Con Gà" tại Đà Lạt. Khắp làng có rất nhiều những cái chateaux với kiến trúc xinh xắn vô cùng và không hề giống nhau. Nơi đây cũng có Nhà Thờ Đức Bà Bayeux với kiến trúc Gothic cổ xưa cầu kỳ và đồ sộ không kém Nhà Thờ Đức Bà Paris. Nơi đây cũng có những công viên tuyệt đẹp với những pho tượng cổ, những fountain róc rách nên thơ vào một buổi chớm thu lá nhuốm vàng giữa một không gian bao la và khoảng khoát còn hơn cả vườn Lục-Xâm ngay giữa Paris.

Xin cho tôi cắt ngang để kể một mẩu chuyện vui bên lề. Trong một dịp hội thảo với thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại Canada năm 2013, nhà văn Trà Lũ kể lại vì mê thơ Cung Trầm Tưởng nên vào năm 1964, khi có cơ hội đến London ông đã nhất quyết lặn lội đến Paris chỉ để thăm Vườn Lục-Xâm. Đến nơi, ông chả thấy Vườn Lục-Xâm đẹp gì hơn những khu vườn khác nên hôm nay ông "bắt đền" Cung Trầm Tưởng 200 đô-la lộ phí từ London đi Paris thăm Vườn Lục-Xâm. Cả hội trường cười vang!

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng tủm tỉm biện bạch:

Ô hay! trong thơ tôi có nói Vườn Lục-Xâm đẹp bao giờ đâu! Tôi chỉ viết rằng:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm

Đúng vậy! Quả thật là trong thơ đâu có chữ nào bảo Vườn Lục-Xâm "đẹp", nhưng nó đẹp là vì thơ và in sâu trong lòng những người yêu thơ đến vậy!

Trở lại với Bayeux. Chúng tôi làm thủ tục lấy xe và định hướng đi ra biển. Có lẽ suốt chuyến đi, đây là điều mà phu quân tôi yêu thích nhất! Có mấy ai được dịp lái xe trên những con đường làng tuyệt đẹp của vùng thôn quê thanh bình của nước Pháp như vầy. Có lẽ chúng tôi đang đi "thỉnh...kinh nghiệm sống". Bờ biển màu xanh ngọc thạch hiện dần ra trước mắt...

Normandy là tên gọi của vùng duyên hải phía Tây Bắc nước Pháp bao gồm nhiều bờ biển và trước đây từng là một phần đất tự trị của Công Tước Normandy người Anh. Sau khi Pháp thắng Anh trong trận chiến trăm năm 1337-1453, Normandie mới thống nhất dưới quyền Pháp.

Ngày lịch sử nhất của Normandie là D-Day - ngày 6 Tháng 6 1944 - khi 156,000 quân Đồng Minh thực hiện một cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử mang mật danh "Overlord", nhằm đánh chiếm bãi biển Normandy của Pháp từ tay phát xít Đức.

Mặc dù nhiều tháng trước D-Day, dùng gián điệp, thông tin mật, và ngay cả bố trí di chuyển súng ống, Mỹ và Anh đã thành công trong việc lừa Hitler tin rằng cuộc tấn công sẽ xảy ra ở nơi khác, Pas de Calais và Na-Uy.

Chiến dịch Overlord bắt đầu vào rạng sáng 6/6 với cuộc đổ bộ của ba đơn vị lính dù gồm Sư đoàn số 82 và 101 lục quân Mỹ, cùng Sư đoàn dù số 6 của Anh. Lực lượng đổ bộ đường biển được chia thành 5 hướng tới các bãi biển mang mật danh Sword, Juno, Gold, Omaha và Utah.

Quân đội Mỹ phụ trách bãi biển Utah và Omaha, trong khi các sư đoàn Anh tập trung vào Gold và Sword. Sư đoàn bộ binh số 3 của Canada nhận nhiệm vụ đánh chiếm bãi biển Juno.

Trong đợt đổ bộ đầu tiên lên bãi biển Utah, quân Đức kháng cự khá yếu ớt, cho phép binh sĩ Mỹ đánh chiếm và rời bãi biển trước buổi trưa. Tuy nhiên, việc thiếu hụt lực lượng thiết giáp khiến quân Mỹ bị Đức ghìm chân ở bãi biển Omaha và chịu thiệt hại rất nặng. cơn tắm máu tại Bãi Omaha đánh dấu sự hy sinh anh dũng của quân đội Mỹ đã phải hứng chịu thương vong lớn nhất trong cuộc đổ bộ này với số lượng thiệt mạng lên tới 2000 lính chỉ trong ít giờ đồng hồ.

Bờ biển này thích hợp để phòng thủ, với vách đá cao, ít đường vào đất liền. Vì vây, khi những sư đoàn bộ binh của Mỹ tiến vào, súng máy của Đức đã bắn hạ họ. Một chi tiết nữa là bởi vì kế hoạch của quân Đồng Minh là đánh sâu vào đất liền, nên Lục Quân Mỹ được điều động thay vì Thuỷ Quân Lục Chiến. Vì vậy, khi di chuyển trên các tàu há mồm vào bờ thường lính Lục Quân Mỹ phải chiến đấu trong tình trạng bị say sóng nặng khiến họ không thể đứng vững chứ không nói tới việc chiến đấu. Tình hình càng xấu đi khi xe tăng lội nước của Mỹ bị lún, không một xe tăng nào vào được bờ do sóng lớn, đội quân mắc kẹt ở bờ biển, thảm kịch dần hiện ra, số lượng thiệt mạng lên tới 2000 lính chỉ trong ít giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, quân Mỹ vẫn cố thủ ở vị trí đổ bộ bất chấp mọi nguy hiểm cho đến khi một vài tốp lính Mỹ may mắn đã vượt qua được bãi biển, tiến vào gần phòng tuyến của quân Đức, trèo được lên vách đá và tràn được vào chiến hào và mở đường tiến công dẫn đến chiến thắng góp phần vào sự kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến.

Là một công dân Mỹ gốc Việt, tôi đã lặng người khi đứng trong nghĩa trang Omaha trùng trùng điệp điệp những cây thánh giá màu trắng để nghiêng mình trước linh vị của những anh hùng.

Vừa mới đây, Không Quân Hoa Kỳ đã đưa hài cốt của 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh lạc lõng tại những chiến trường ở Việt Nam từ Hawaii về California. Họ là những anh hùng vô danh mà chính phủ Mỹ đã tìm thấy khi được phép truy tìm hài cốt lính Mỹ trong vùng chiến trận tại Việt Nam sau những giảo nghiệm về nhân chủng học.

Được biết chính quyền Hà Nội đã hai lần từ chối nhận cho họ một cuộc chôn cất tử tế. Họ cũng không phải là quân nhân Mỹ, hay công dân Mỹ để chính phủ Hoa Kỳ có thể tổ chức theo lễ nghi quân cách. Sau ba năm tìm kiếm những giải pháp, cuối cùng thì từ phòng lab POW/MIA của quân đội Mỹ tại Hawaii họ sẽ được đưa về an táng tại Freedom Park, Westminster/California vào ngày 26 tháng 10 sắp tới.

Trên trang USA TODAY-online Thứ Sáu, 13 Tháng Chín có đăng lời của cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb trong bài viết “Soldiers without a country: We’re finally honoring South Vietnamese who fought with us” (Các chiến binh không có tổ quốc: Cuối cùng, chúng ta vinh danh những người lính VNCH từng chiến đấu với chúng ta). Trong đó ông nhắc lại rằng Thủ Tướng Anh thế kỷ thứ 19, William Gladstone, đã cống hiến "một công thức vượt thời gian" như sau:

"Hãy cho tôi thấy cái cách một quốc gia hay một cộng đồng lo cho những người chết của họ, và tôi sẽ đo được một cách chính xác theo toán học lòng nhân ái của dân tộc đó, sự tôn trọng về luật pháp của nước đó và sự trung thành của họ đối với những lý tưởng cao đẹp."

Bỗng dưng tôi liên tưởng đến "Những Hồn Hoang Trên Pháp Trường Cát", tên bài ký của chú Tô Văn Cấp viết về những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh trong một ngày D-Day u buồn trên bãi cát tại cửa biển Thuận An, Huế cuối tháng 3, 1975. Hình ảnh nấm mộ chung của họ với dòng chữ khắc trên bia đá "Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ" khiến cho lòng tôi đau nhói.

Ôi! Dường như đâu đây văng vẳng những lời thiết tha mà nhạc sĩ Trần Duy Đức đã mủi lòng viết xuống trong một chiều mưa nơi nghĩa trang quân đội năm nào.


Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương
Nhạc và lời Trần Duy Đức

"Ngoài trời vẫn còn mưa
Người nằm dưới mộ sâu
Ôi thiên thu phôi phai hình hài
Hỡi người ơi tủi lòng
Hỡi người ơi tủi lòng
Bao năm tháng cô đơn nằm đây
Bên bia xanh ai qua từng ngày
Cơn mưa xuống nuôi xanh cỏ hoang
Trên quê hương xương khô mộ gầy
Đã ngủ yên một ngày
Anh đã ngủ yên một đời..."

Diễm @ Normandy - Sept 19, 2019



Tuesday, October 29, 2019

Người Rơm

Người Rơm

Chuyện Tản Mạn của

Diễm


Cuối tháng mười. Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến lễ hội Halloween. Một trong số những biểu tượng trang trí cho ngày lễ mùa thu và cũng là mùa gặt bên xứ Mỹ này là những hình nhân được kết bằng rơm: người rơm.

Người rơm trang trí trong mùa lễ thường được mặc những bộ trang phục đồng quê rất dễ thương, báo hiệu mùa gặt về.

Người rơm được dựng rải rác trên đồng như những bóng người để đánh lừa lũ chim đừng bay về rỉa hạt trên những nhánh lúa trĩu bông.

Tôi vốn yêu những hình nhân bằng rơm ngộ nghĩnh này vì cảm giác ấm cúng và no đủ của vụ mùa. Thế nhưng hôm nay, khi nghe nhắc đến hai chữ "người rơm," lòng tôi quặn đau và nước mắt chỉ chực trào, bởi vì có rất nhiều "người rơm Việt Nam" đang sống vất vưởng đó đây một cách bất hợp pháp tại Anh Quốc và những quốc gia nhỏ ở Châu Âu.

Người bản xứ gọi họ là "người rơm."

Tại sao lại gọi là “rơm?”

Bởi vì một khi bước vào con đường sống theo kiểu "nhập cư bất hợp pháp" như vậy, họ đã chấp nhận giá trị sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm - như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu (passport) của họ sẽ bị hủy ngay khi lên đường theo “đường dây buôn người” đến một nước châu Âu nào đó nhằm chối bỏ quốc tịch, phòng trường hợp nếu bị bắt, họ sẽ bị trả về quốc gia họ vừa rời bến, thay vì bị trả lại về nguyên quán Việt Nam. Đó là khi họ chính thức bước vào giai đoạn “sống không ai biết - chết không ai hay.” Thật là xót xa!

Mới đây đã có 39 "người rơm" bị chết cóng trong nhiệt độ âm 25 độ trong một toa xe đông lạnh bị phát hiện tại Anh. Hầu hết họ là những thanh niên trẻ trong lứa tuổi 20-30 rời bỏ làng quê khó nghèo tại Việt Nam, nhắm mắt đưa chân để trở thành một cứu cánh đổi mới cuộc sống cơm áo cho gia đình và cho chính mình.

Ngày xưa, sau khi được "giải phóng," làn sóng thuyền nhân từ miền nam đã ồ ạt ra khơi rời bỏ Việt Nam đánh đổi tính mạng giữa biển cả mênh mông để “đi tìm tự do.” Vì đâu nên nỗi?

Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ "vinh quang," vì sao vẫn còn những mầm sống trẻ sẵn sàng rời bỏ Việt Nam để “đi huỷ hoại giá trị tự do” của chính mình để trở thành "rơm - rạ" như vậy? Vì đâu nên nỗi?

Tôi cảm thấy cay đắng khi nhớ lại khi còn ở trong nước mỗi khi cầm bút viết bất cứ tờ đơn nào cũng phải bắt đầu bằng những dòng chữ:

Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Những dòng chữ mai mỉa này khiến cho nước mắt tôi nhạt nhoà khi liên tưởng đến những dòng thư tuyệt mệnh xin lỗi người thân của một cô em gái "đồng bào" trước khi đi vào thế giới băng giá tê tái cho tới chết của thân phận... người rơm.

Diễm - 10/29/2019



Wednesday, October 23, 2019

Phân Ưu


Được Tin trễ
Phi Công Thiếu tá Nguyễn Hoàng Mai
Pháp Danh Ngọc Hương
đã theo Hợp Đoàn Không Lực về miền Miên Viễn
Ngày 12 tháng 10 năm 2019
tại Kentuckey, USA
Hưởng thọ 78 tuổi

Toàn thể các Phi Công Phi Đoàn 530 Thái Dương,
SƯ ĐOÀN 6 KHÔNG QUÂN, QLVNCH
Thành thật chia buồn cùng Gia Quyến,
và Nguyện cầu hương Linh Thái Dương Nguyễn Hoàng Mai
sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc

Thay mặt Gia Đình Thái Dương 530
Thiếu tá Bạch Diễn Sơn



Sunday, October 20, 2019

MỘT THOÁNG BRUXELLS

Tạp ghi của

Diễm


Nếu có bị mắng "Đứng núi này, trông núi nọ" chắc cũng không oan uổng tí nào!... hi hi... bởi vì đúng là có kẻ ở đứng ở Paris nhưng lại manh lòng trông sang Bruxells (hay còn có khi viết là Brussels), thủ đô của nước Bỉ (Belgium) nằm chênh chếch về phía bắc cách Paris 315 km.

Có nhiều "lý gio, lý trấu" để biện hộ cho sự tham lam này của tôi như sau:

  • Cũng muốn được tiếng là biết thêm một quốc gia nữa trên thế giới.
  • Lắng nghe tiếng gọi của trái tim bởi vì Bruxells nổi tiếng với kẹo chocolate, bánh waffle và khoai tây chiên chấm một loại sauce đặc biệt rất ngon.
  • Ở đó có một người chị hàng xóm Saigon mến thương năm xưa mà tôi rất muốn gặp lại.

Thế là tôi trích ra một ngày trong một tuần ngắn ngủi với Paris để đi thăm Bruxells. Dễ ợt mà! Vé xe lửa của hãng Thalys hết khoảng 80 euro cho một vé khứ hồi đi về trong ngày có bán online. So sánh với giá Uber nếu đi ăn phở Bida tại Quận 13/Paris 40 euro thì cũng không đến nỗi tệ. Giá FlixBus rẻ hơn nhiều, chỉ chừng 29-30 euro, nhưng mất 5 tiếng mới tới nơi so với 1 tiếng rưỡi ngồi trên xe lửa, vì vậy, trong trường hợp này thì thời gian quý hơn tiền bạc.

Nghe người ta nói nhiều về những chuyến xe lửa đi xuyên qua nhiều quốc gia ở Châu Âu nhưng hôm nay chúng tôi mới thực hiện nên trong lòng vừa vui vừa hồi hộp. Chợt nhớ tới một chi tiết trong bộ phim hoạt hoạ "DUMBO" của Walt Disney về chú voi con có chiếc tai to dị thường, chiếc xe lửa trong phim bò ngoằn ngoèo vừa leo lên dốc vừa kêu "I think I can - I thought I could", tôi mỉm cười một mình...I could!

Sau một trạm metro ngắn từ khách sạn, chúng tôi tới Gare Du Nord, một bến xe rộng lớn và đông đúc giữa Paris. Thế thái nhân tình tại đây cũng giống như bao nhiêu bến ga khác. Vì còn sớm nên chúng tôi dạo một vòng quanh nhà ga, càng đi càng thấy Paris sao giống quá Saigon. Những dãy phố buôn bán tấp nập, hễ có mặt tiền là trở thành nơi buôn bán, phía trên lầu là nhà ở. Đường phố xe hơi và xe gắn máy, xe đạp nhường nhịn nhau mà đi qua. Ô kìa! "người em mắt nâu - tóc vàng sợi nhỏ" của nhà thơ đang mặc cảnh phục đứng giữa ngã tư, thổi tu huýt để điều khiển dòng xe cộ lưu thông hỗn độn trong giờ cao điểm cũng là một nét lạ của Paris.

Bên trong nhà ga, những chuyến xe được xếp đặt được trật tự trên bến bãi và có hệ thống computer cập nhật liên tục rõ ràng ngày, giờ, nơi đến, bến số mấy để hành khách lục tục lên tàu.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly...

Nếu như nhà thơ Cung Trầm Tưởng biết rằng chúng tôi đã nhắc đến ông nhiều như vậy trong suốt chuyến đi liệu ông sẽ nghĩ gì? Hi hi... Ồ không! Tâm trạng của chúng tôi là "Chưa bao giờ vui thế!" bởi vì được đi xe lửa hiện đại có WiFi cho tha hồ mà lướt FaceBook và chit chat trên Viber và tha hồ mà ngắm cảnh đồng quê thanh bình giữa miền biên giới Pháp-Bỉ hai bên đường. (Đối với những ai vốn lo xa thì tôi xin mở ngoặc - có chỗ cho "niềm vui thăng hoa và nỗi buồn hoá giải" trên xe. Xin yên tâm! - Đóng ngoặc).

Bruxells mang một vẻ đẹp hiền hoà và đài các hơn so với Paris, tôi cho là vậy khi so sánh giá vé metro giữa hai thành phố.

Khu Quảng Trường Lớn (Grand Place) ngay trung tâm thành phố đã khiến mọi người phải "Wow" lên một tiếng lớn khi đứng giữa một khoảng không vuông vức bao la được bao bọc bốn phía bởi những toà nhà cổ như toà đô chính, cung vua (La Maison Du Roi), với kiến trúc Gothic tuyệt đẹp sơn son thếp vàng. Nghe nói nơi đây cũng từng là nơi đặt giàn lửa thiêu cháy những người dị giáo, và cũng là nơi hành hình xử trảm những bị bá tước phạm tội.

Sau khi ngắm cho mãn nhãn quang cảnh kiến trúc tuyệt vời này, chúng tôi đi vào những con đường nhỏ của Bruxells để tìm cho ra "cậu bé đứng tè" nổi tiếng.

Đó là môt bức tượng nhỏ bằng đồng cao khoảng 6 tấc mang tên gọi "Manneken Pis" và được biết đến như biểu tượng của Bruxells. Có khá nhiều giai thoại xoay quanh bức tượng đồng này, nhưng đây là câu chuyện mà tôi thích nhất.

Vào thế kỷ 14, trong sự hiềm khích với Bỉ, Tây Ban Nha đã phái một đội quân bí mật mang mấy vạn tấn thuốc nổ chôn giấu chung quanh Bruxells và chuẩn bị một âm mưu để huỷ diệt thành phố. Bỗng dưng ở đâu có một cậu bé chạy đến "tè" ngay vào ngòi nổ đã được chuẩn bị để kích hoạt khiến cho nó bị ướt và âm mưu huỷ diệt bị vở lở. Cậu bé, vô hình trung, đã trở thành một anh hùng của Bruxells và được người dân đúc thành tượng biểu hiện sự thương mến.

Chúng tôi hoà vào dòng du khách đến từ nhiều nơi thưởng thức ba món đặc sản của Bruxells: bánh waffle (bánh tàng ong) phủ đầy kem và trái cây tươi, kẹo chocolate ngon ngọt đậm đà, và khoai tây chiên vàng rụm chấm với một loại sauce màu vàng có chút vị mù-tạt ngon đặc biệt.

Khoảng 3 giờ rưỡi chiều thì cú phone mà tôi hằng mong đợi bỗng reo vang. Chúng tôi gặp lại chị Bích Phương tại một tiệm bia ngay trong khu Quảng Trường Lớn. Sau 35 năm, chị vẫn như y như ngày còn là một hoa khôi của đường Đặng Dung, mỗi khi ra đường là thu hút tất cả những ánh mắt "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư".

Chị hơn tôi vài tuổi, một khoảng cách đủ để cho một con bé con ngưỡng mộ người đàn chị xinh đẹp khả ái. Chúng tôi khắng khít bên nhau những Chủ Nhật đi lễ nhà thờ Tân Định. Ngày ấy, tuy không nói ra, nhưng chúng tôi hiểu những mong ước và khấn nguyện của nhau và lặng lẽ chúc phúc cho nhau.

Hôm nay, chúng tôi ngồi bên nhau trong quang cảnh của một ngày đầu thu tuyệt đẹp, nhâm nhi từng ngụm bia tươi Belgium nổi tiếng và nhắc chuyện xưa...

Chao ôi! Một thoáng Bruxells bỗng như một giấc Nam Kha.

Diễm @ Bruxells - Sept 17, 2019



Friday, October 18, 2019

Biết Nói Gì Đây

Tản mạn của

Diễm


Mấy hôm nay tôi mất ăn mất ngủ vì một cái "Hoạ.” Hoạ... Thơ bắt nguồn từ bài "Thơ Hoạ.”

Bài thơ gốc chính là bài "Râu Xanh" gồm 17 câu thơ lục bát của thi sĩ Cung Trầm Tưởng được viết vào năm 1965. Khi ấy tôi chưa chào đời, còn thi nhân Cung Trầm Tưởng thì có lẽ đang vào độ tuổi "chín đỏ trái sầu" đến nỗi ông đã mượn hình ảnh "Râu Xanh" như một ẩn dụ để bày tỏ sự mãnh liệt của mình trong tình yêu.

Râu Xanh, trong tiếng Pháp là Barbe-bleue, tiếng Anh là Bluebeard, là một nhân vật rất đỗi “yêu mến những người đẹp” trong cuốn 'Những câu chuyện của Mẹ Ngỗng' của tác giả người Pháp Charles Perrault, xuất bản năm 1697.

Hãy nghe nỗi lòng của “Râu Xanh Cung Trầm Tưởng”:

Đến anh thì đến hôm nay
Lỡ mai gió lật chở đầy mưa qua
Đến anh thân thể lụa là
Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu
Đến anh lưng thắt chiết yêu
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hóa mười lần đến anh
Chờ em anh để râu xanh
Lòng xây bốn bức tường thành giam em
Hồn anh em thắp lên xem
Ác như một chiếc lồng đèn kéo quân
Tình anh sương giá đầy sân
Cần em mái phủ cho thân ấm nhờ
Chuyện mình mói nửa trang thơ
Phải hai cùng viết trang thơ vẹn tình
Chờ em anh để râu xanh.

Tôi đọc từng câu và cảm thấy vô cùng thú vị với ý tưởng ví von vừa táo bạo, vừa dí dỏm của thi sĩ và thế là trong một phút "rảnh rỗi sinh nông nổi" tôi đã viết 17 câu thơ vừa hoạ, vừa trêu... hi hi... ai lỡ để râu thì ráng chịu!

Chờ em anh để râu xanh
Giam em bốn bức tường thành đắm say
Râu xanh nay nhuốm màu mây
Phôi pha lãng đãng cuối ngày lãng du
Yêu tinh ngày cũ bây chừ
Dễ thương như một ông từ trong lăng
Hồn anh em hãy ghé thăm
Như đèn cù sáng dưới trăng hiền lành
Mong em nếu có đến anh
Ngắn đuôi mắt liếc, dài manh áo chùng
Cũng đừng thắt chiếc lưng ong
Khổ thân anh lại bềnh bồng phiêu diêu
Lòng anh xây một chữ “Yêu”
Oan khiên kể cũng ít nhiều vì... râu
Chuyện mình trước vẫn như sau
Trang thơ viết tiếp dạt dào cùng nhau
Yêu em râu cũng ngả màu...

(Diễm - 9/8/2018)

Viết xong tôi mới chợt giật mình. Ôi ôi! dường như mình vừa lỡ vuốt "Râu Hùm."

Thế mà chỉ đúng một tháng nữa thôi là "Hùm Thiêng" từ Xứ Vạn Hồ Minesota sẽ về thăm Miền Cali Nắng Ấm để ra mắt “CUNG TRẦM TƯỞNG - MỘT HÀNH TRÌNH THƠ". Kẻ dám “vuốt râu hùm" chợt thấy vô cùng hối lỗi và muốn có đôi lời tạ tội cùng Cung Tiên Sinh.

Chợt, cậu Võ Ý gọi phone phán một câu gọn bâng: "Cháu lên nói 8 phút đó nha!"

Ôi Trời! Thật sự đây là “Phước” chứ không phải “Họa,” chỉ có điều một đứa “trẻ người non dạ” như tôi thì biết gì mà thưa thốt? Biết nói gì đây?

Lần giở từng bài trong tập thơ gần 700 trang đóng bìa cứng dày, đẹp và quý của Tiên Sinh, tôi thấy mình như một con dế mèn vừa vào cuộc phiêu lưu liều lĩnh trong cõi thơ Cung Trầm Tưởng.

Bảy mươi năm hành trình làm thơ của ông được đúc kết bằng bảy tập thơ. Trong khoảng chiều dài thời gian và chiều sâu tư tưởng ấy, có rất nhiều vị tiền bối, những ngòi bút đáng kính trọng đã viết biết bao điều cảm nhận tinh tế và sâu sắc như sau:

  • Nhà phê bình văn Thuỵ Khuê viết về đề tài "Cổ Dao Trong Thơ Cung Trầm Tưởng".
  • Nhà thơ Viên Linh viết về "Lục Kinh Bát Quái" trong thơ Cung Trầm Tưởng biến dịch như sáu mươi tư quẻ càn khôn, dùng khoá tám để giữ.
  • Nhà văn Bắc Đẩu Võ Ý mà tôi vẫn gọi “Cậu Ý" vốn là bạn tù của thi sĩ Cung Trầm Tưởng trong những trại tù Cộng Sản thì viết "Đôi Dòng Cảm Nghĩ về Lời Viết Hai Tay" - những câu thơ viết khi hai tay của thi sĩ bị khoá trong chiếc còng số 8.
  • Giáo sư Nguyễn Ngọc Diễm nhận xét về mạch "Nộ Thi" trong thơ Cung Trầm Tưởng.
  • Nhà văn Lê Hữu Cương viết về "Tự Do Tư Tưởng, Nơi Trú Đậu của Ngôn Ngữ Văn Chương"
  • Nguyễn Thanh Nhã viết về "Ngữ Giới Trong Thơ Cung Trầm Tưởng"
  • Trần Văn Nam viết về "Thơ Lục Bát Mới của Cung Trầm Tưởng"
  • Giang Hữu Tuyên viết "Giữa Trước Và Sau" để so sánh giữa một Cung Trầm Tưởng thanh xuân và tuổi tác.
  • Hoàng Yên Lưu ôn lại "Một Hành Trình Thơ" của Cung Trầm Tưởng

Sở dĩ tôi kể ra như vậy là để bạn đọc thấy được tầm cỡ của tác phẩm và vì sao tôi lại băn khoăn “biết nói gì đây?”

Cậu Võ Ý thương tình bèn… gợi ý:

- Hay cháu nói về tín ngưỡng trong thơ Cung Trầm Tưởng đi.
- Cậu ơi, cháu không dám đâu! Phải chăng Cung Thi Sĩ là một tín đồ thuần thành của giáo phái "Thần Vệ Nữ?"

Từ ấy tôn vinh thần Vệ nữ
Tóc vàng màu rạ, dáng mình dây.
Xin quỳ bốn vái và ba lạy
Trả trọn mây mưa xuống vẹn đầy.

Mai sau ngủ gốc cây sồi
Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.

Cậu cười vang rồi bèn quay ngoắt 180 độ:

- Cháu có biết thi sĩ Cung Trầm Tưởng giỏi Toán lắm không? Hay cháu phân tích Toán Học trong thơ Cung Trầm Tưởng?

Hi hi...đúng là Cung Tiên Sinh giỏi Toán thật, vì có một số bài thơ của ông đọc cái tựa thôi là đủ thấy "nhức đầu": nào là "Cấp Số Nhân", một bài thơ khác lại mang tên "Đáp Số", rồi còn có cả “lũy thừa” nữa chứ.

Mai sau thịt thắm da liền
Cái yêu khác trước, cái nhìn khác xưa,
Cái tin vô cớ xin chừa
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau.

Còn nhớ có một lần khi tôi đọc bài thơ "Trên Một Triền Tĩnh Động" có hai câu sau:

Ngủ chim sâu, ngủ n chiều,
Hình con én bốc mỹ miều mộng du.

Tôi cứ tưởng "ngủ n chiều" là lỗi typo, hỏi cậu Ý, cậu cũng không sao đoán ra. Đến khi cậu hỏi thi sĩ Cung Trầm Tưởng thì Nhà Thơ Toán Học cười tủm tỉm trả lời "n" có nghĩa là "n lần" trong Toán Học. Trời! Ha ha… Một người dốt Toán như tôi thì làm sao dám rớ đến cái phạm trù này.

Vì vậy, đến bây giờ tôi vẫn loanh quanh "biết nói gì đây?" Đành phải hẹn lại bạn bằng một câu rất đỗi "cải lương": Xin đợi hồi sau sẽ rõ!

Diễm - 10/17/2019



Tuesday, October 15, 2019

Môi Còn Muối Mặn

Tạp Ghi Của

Diễm



Cố thi sĩ Du Tử Lê
(Trần Thế Vinh vẽ)

Tôi không nhớ mình đã bắt đầu đọc thơ Du Tử Lê từ khi nào? Từ khi nghe những bài thơ của ông được phổ nhạc thành những bài tình ca tuyệt vời được yêu mến trong tim mọi người?

Tuy nhiên, mỗi khi thấy trăng rằm trên quê hương thứ hai vàng tròn vằng vặc là tôi tự nhiên nhớ đến bài thơ "Đêm Nhớ Trăng Saigon":

Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

hoặc như khi đọc hay nghe thấy "chim bói cá" là tự nhiên tôi liên tưởng tới hình ảnh "như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm" trong 'Khúc Thuỵ Du":

hay khi nghe tiếng dế kêu nỉ non sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh "con dế mèn tự tử giữa đêm sương" của một "Du Tử" họ Lê (*).

Rồi mỗi khi bị đuối lý khi không thể diễn giải một vấn đề cho người đối diện hiểu ý mình, tôi lại bắt gặp mình đưa hai tay lên trời than thở mượn câu: "Ở chỗ nhân gian không thể hiểu!"

Nhân gian không thể nào hiểu nổi vì sao "bài thơ tình ngắn nhất nhân loại, gửi yêu dấu" của Du Tử Lê chỉ có mỗi một chữ "ôi...(!??!)" cùng với một lô một lốc những dấu hỏi, dấu chấm than, mở ngoặc và khép ngoặc.... phức tạp và da diết như nỗi lòng của tác giả.

Nhân gian cũng không thể nào hiểu nổi thế nào là "ngực ngải, môi trầm".

ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.

Hmm... hình như có ai đó nói với tôi rằng thơ là để "cảm" chứ không cần "hiểu", bởi vì thơ là ẩn dụ. Mà ẩn dụ trong thơ Du Tử Lê thì vô cùng! Tôi xin kể hầu một câu chuyện mà tôi nhớ mãi!

Trong một show "Văn Hoá Và Con Người" do chị Phiến Đan phỏng vấn nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhạc sĩ đã kể lại về một ẩn dụ vô cùng sâu sắc trong thơ Du Tử Lê mà nhạc sĩ đã vô cùng yêu thích và phổ thành nhạc:

hỏi môi đi! môi còn muối mặn
xát ướp lòng tôi thì đã sao?
chỉ e chẳng kịp cho đời khác
cửa mở nhưng tôi chẳng thể về

(Trích "Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Ta" - thơ Du Tử Lê)

Hình ảnh "hỏi môi đi! môi còn muối mặn" - theo cách giải nghĩa của Du Tử Lê chính là một ẩn dụ được ông viết theo mode 'cách không đả ngưu". Thứ "thi chưởng" này - giống như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung - được tung ra từ nội công thì dù cách xa một khoảng không (có khi là cách một quả núi) cũng có thể làm cho con trâu ở tuốt phía bên kia phải... xiểng niểng! Đó là hình ảnh tuyệt đẹp của một giọt lệ đi từ khóe mắt ngang qua gò má cao của một người con gái rồi rơi xuống đôi môi, để bờ môi có thể nếm vị mặn của nước mắt.


Văn Hóa Và Con Người
(Phiến Đan phỏng vấn Trần Duy Đức)

Chưa bao giờ tôi được nghe lời giải thích về một ẩn dụ với ý nghĩa ngộ nghĩnh, độc đáo và sâu sắc đến như vậy! Đẹp đến như vậy! Nên thơ và đượm tình đến như vậy! Cho nên, tôi ghi sâu trong lòng. Có lẽ tôi cũng giống như con trâu kia, ẩn mình tại vùng thung lũng miền Trung này cách xa một quả núi, thế mà vẫn bị "thi chưởng" của Du Tử Lê tung ra làm cho choáng váng.

Câu chuyện này trước đây tôi và nhạc sĩ Trần Duy Đức vẫn từng nhắc lại cùng với nụ cười trên môi, hôm nay... dường như có vị mặn.

Xin gửi lời cảm ơn muộn màng đến linh thi Du Tử về bài học ẩn dụ trong thơ để "môi còn muối mặn"... đến ngàn sau!

Diễm - 10/15/2019

(*) Theo cách giải thích của chính thi sĩ Du Tử Lê trong "The Jimmy Show" (2018) thì chữ "Du Tử" ở đây trích từ bài thơ "Du Tử Ngâm" của Mạnh Giao đời Đường có nghĩa là "một đứa con xa mẹ" chứ không phải là một "gã du tử" như thường bị hiểu sai.