Monday, May 8, 2017

Chuyện Tình Thời Chiến

Huy Sơn

Bên cạnh những hy sinh mà người Lính phải gánh chịu trong thời chiến, luôn có sự hiện diện của tình yêu, nó thơ mộng như một con suối nhỏ, róc rách gõ nhịp trong không gian yên tĩnh của rừng già, nó tươi mát như những giọt sương đọng lại trên lá cây khi ánh dương vừa hé. 

Jeanne vừa đặt chân đến phi trường Tân Sơn Nhất sau nhiều giờ ngồi trên Airbus 350, cất cánh từ phi trường quốc tế Charles De Gaule tại thủ đô Paris. Tuy hơi mệt vì phải ngồi trên chuyến bay xa hàng ngàn dặm và nhất là chưa quen với khí hậu nóng và ẩm của miền nhiệt đới, cô vẫn nổi bật giữa đám hành khách với mái tóc vàng óng ả, với đôi môi hồng chín mọng của tuổi xuân vừa bước vào đời.

Cô đảo mắt nhìn khắp nơi, cố tìm vị trí của máy điện thoại công cộng để liên lạc với người quen, nhưng chẳng thấy. May thay có một phi công tác chiến sắp đi ngang trước mặt, cô liền chận lại, nhỏ nhę hỏi:
  • Xin lỗi, anh làm ơn chỉ cho em chỗ đặt điện thoại công cộng.
Người phi công đưa mắt nhìn người đối diện, thích thú được nghe giọng thỏ thẻ của một cô gái Âu Châu, phát âm tiếng Anh rất rõ và dễ thương, rồi tự giới thiệu:
  • Rất hân hạnh được biết cô, tên tôi là Phương. Nơi đây chỉ có một hộp điện thoại công cộng  ở đằng kia, nhưng đã có nhiều người xếp hàng chờ.
Anh nói tiếp:
  • Cô theo tôi, nhân lúc tôi ghé thăm một người quen có văn phòng gần đây, cô có thể dùng điện thoại nơi đó tiện hơn.
Jeanne vui vẻ nhận lời:
  • Dạ.
Anh vừa nói vừa đưa tay, một cử chỉ muốn giúp Jeanne:
  • Cô để tôi kéo cái Vali này, cô lo cái Backpack trên lưng cũng mệt lắm rồi.
Jeanne chẳng biết nói sao, chỉ lập lại chữ:
  • Dạ.
Hai người đi bên nhau trông rất thân mật và xứng đôi, đâu ai ngờ là họ mới biết nhau vài phút trước đây mà thôi.

Jeanne dùng điện thoại trong văn phòng người bạn của Phương gọi cho người quen nhưng không nghe tiếng trả lời, cô đang phân vân chưa biết phải làm sao thì Phương lên tiếng:
  • Hôm nay tôi cũng rảnh, vả lại cô cũng không đem theo nhiều hành lý, tôi nghĩ chiếc xe hơi hai chỗ ngồi của tôi có đủ chỗ để thêm cái Vali này. Nếu cô không chê, tôi sẵn sàng làm tài xế taxi cho cô.
Jeanne nhìn Phương với ánh mắt biết ơn và nói:
  • Dạ.
Ngồi trên chiếc xe hơi mui trần kiểu thể thao, Jeanne có dịp ngắm cảnh dọc hai bên đường, cô ngạc nhiên khi thấy nhà Bưu Điện và nhà thờ Đức Bà có lối kiến trúc giống kiểu Tây Phương, điều này làm cô thích thú và có cảm tình ngay với thành phố mới đến này.

Địa chỉ nhà người quen mà Jeanne lưu lại đây thời gian khoảng sáu tháng để nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, chính là một căn biệt thự xinh đẹp nằm trên đường Bạch Đằng thuộc quận Một. Chủ nhà dành riêng cho cô một phòng bên hông, có chìa khoá riêng rất thuận tiện cho sự ra vào mà không làm phiền người khác. Nhiệt độ trong phòng tương đối dễ chịu vì nhờ bóng mát của những tàng cây hoa Đại lớn, nở rộ những bông hoa mầu trắng dưới anh nắng chưa đến nỗi gay gắt của đầu mùa Xuân.

Phương chia tay người bạn gái mới quen và hứa sẽ trở lại thường xuyên để giúp cô làm quen với thành phố Sài Gòn, một thời đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Jeanne cảm thấy mình may mắn gặp Phương, người phi công trẻ, đẹp trai, tánh tình vui vẻ và dễ thương. Anh dành nhiều giờ lui tới giúp cô, vì đơn vị của anh ở căn cứ Không Quân Biên Hoà cách Sài Gòn không xa. Cô thấy vui khi có anh tài xế Taxi, sẵn càng phục vụ không công, chỉ cần cô trao lại bằng ánh mắt và nụ cười mà thôi.

Chẳng bao lâu, cô được biết khá nhiều nơi như thức ăn với hương vị Việt Nam là nhà hàng Quán Ăn Ngon, Pháp là nhà hàng Caravelle, Tàu là nhà hàng Đồng Khánh trên Chợ Lớn. Chỗ nghe nhạc sống và có khiêu vũ ở phòng trà Đêm Màu Hồng hay Queen Bee, chỗ giải trí ở rạp chiếu bóng Eden hay Rex, chỗ thể thao có hồ tắm Chi Lăng hay hồ tắm Ngọc Thuỷ ở Thủ Đức. Phong cảnh hữu tình ngay tại Sài gòn có vườn Tao Đàn hay Sở Thú, xa hơn có bãi biển Vũng Tàu.

Sự quấn quýt bên nhau mau chóng biến họ trở thành đôi tình nhân, yêu nhau tưởng như đã từ lâu. Chàng và nàng tận hưởng tối đa hương vị tình yêu, không màng những chuyện đang xảy ra chung quanh. Jeanne đã lờ đi nhiều cú điện thoại của gia đình, thúc dục nàng phải rời Việt Nam trở về Pháp ngay, vì theo họ biết tình hình miền Nam đang đi vào tình trạng bất ổn.

Đâu ai ngờ sự việc đã xẩy ra quá nhanh, chính quyền V.N.C.H. bị xụp đổ và rơi vào tay Việt Cộng. Ngày 30 tháng Tư được coi là một thời điểm, đánh dấu một thay đổi đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay.

Phương bị kẹt lại Việt Nam trong khi đa số các bạn cùng đơn vị đã bay sang U-Tapao lánh nạn. Chàng cảm thấy tương lai sẽ có nhiều bất trắc xẩy đến cho tình yêu của mình, chàng liền đề  nghị với Jeanne cùng nhau làm đám cưới ngay tại nhà hàng nhỏ với số quan khách giới hạn, chỉ có vài người thân.

Cập vợ chồng mới cưới chưa hưởng hết tuần trăng mật thì Phương đã phải khăn gói đi trình diện theo chỉ thị của Nhà Nước Việt Cộng. Sau bẩy ngày trông đợi, Jeanne cảm thấy thất vọng khi nhận ra sự lừa dối trắng trợn của Việt Cộng. Cô rất lo lắng cho tình trạng tù đầy của chồng mình. Mặt khác cô bị nhân viên Nhà  Nước bắt buộc hồi hương nhưng cô nhất quyết từ chối và đưa ra điều kiện, chồng của cô phải được thả và cùng cô rời Việt Nam sang Pháp một lượt.

Cũng như mọi người ở lại, sống dưới sự cai trị của Cộng Sản, đời sống của Jeanne càng lúc càng trở nên khó khăn. Cô đã tiêu hết số tiền mang theo và gần hết số tiền bán nữ trang trên người. Trong lúc chưa biết phải xoay trở ra sao thì Jeanne bị lọt vào cập mắt xanh của một anh cán bộ cao cấp, anh này tên Lĩnh, đã có qúa khứ sinh sống tại Pháp một thời gian vài năm. Anh nói tiếng Pháp rất thạo. Anh đề nghị sẽ giúp cô mọi điều nếu cô bằng lòng lấy anh. Jeanne từ chối ngay, lý do là cô phải chờ chồng. Lĩnh không vì thế mà thối chí, anh khẩn khoản xin là một người bạn. Jeanne thấy không có lý do nào khác để từ chối, đành phải nhận lời. Lĩnh tương đối là một người biết điều và rộng lượng, chắc anh đã ảnh hưởng phần nào lối sống của người Tây Phương. 

Bỗng Jeanne nhận được một điện tín nhắn cô phải về Pháp ngay vì thân phụ của cô đã qua đời. Jeanne rất đau khổ, cô đành chịu tội bất hiếu, trả lời lại là không thể về được, vì theo cô nghĩ, nếu cô có về thì thân phụ của cô cũng chẳng sống lại được nhưng chồng của cô ở lại Việt Nam, sớm muộn cũng sẽ bị chết ở trong trại tù mà thôi...

Jeanne mừng rỡ khi Nhà Nước cho phép thân nhân người Tù được thăm nuôi. Đoạn đường từ Sài Gòn đến trại tù Hàm Tân tuy không xa lắm nhưng vì thiếu phương tiện di chuyển nên cô phải tốn mất hơn ba ngày đường, có đoạn cô đi bằng xe Lam, có đoạn cô phải đi bộ. Cô ngủ bờ, ngủ bụi giống như những người vợ lính Việt Nam Cộng Hoà đi thăm nuôi chồng. Thân hình cô trông xác xơ, mặt mày và quần áo dính đầy bã trầu vì đã không may bị một bà cụ ngồi chung xe Lam vô ý nhổ ra cửa xe, rồi gió tạt ngược lại. 

Mười lăm phút ngắn ngủi ngồi đối diện nhau nơi chỗ thăm nuôi, Phương và Jeanne không ai thốt ra được một lời. Họ chỉ biết nhìn nhau, xiết chặt hai bàn tay mà rơm rớm nước mắt... Ôi cái hình ảnh "trai tài gái sắc" ngày xưa nay đâu còn nữa, nhường vào đó là hai thân xác đang bị đọa đầy trong cái điạ ngục trần gian...

Sau cùng nhân viên Nhà Nước C.S.V.N. phải nhượng bộ cho Phương xuất trại theo vợ sang Pháp. Ai cũng biết, người Cộng Sản hành động bất cứ việc gì, họ luôn tuân theo đường lối chỉ đạo từ trên đưa xuống và hoàn toàn không hề có chút động lòng đến chuyện tình chung thủy của Jeanne, nàng dâu đáng thương của đại gia đình K.Q.V.N.C.H.

Huy Sơn

No comments:

Post a Comment