Monday, October 31, 2016

Biên Bản Buổi Họp Ban Tổ Chức Lần 2

Hội Ngộ SĐ6KQ

Ngày 30 tháng 10 năm 2016, tại tư gia KQ Võ Ý

I/ Thành phần tham dự:

Gồm các KQ sau: Võ Ý, Lê Tuấn Đạt, Nguyễn Trọng Lễ, Lê Văn Sáu, Nguyễn Thành Trung (Mọi), Trần Duy Đức, Trương Văn Huệ, Trần Vê, Tiêu Hồng Phước, BS Ngô Thế Khanh, KQ Đinh Đức Bản, chị Thu Nguyệt (hiền nội Bắc Đẩu ĐĐ Bản) và chị Giang Thanh (Hiền nội Lạc Long Ngọc Đỉnh)

II/ Nghị trình:

  1. Ban nhạc full band: KQ Trần Duy Đức sẽ liên lạc các ban và cho biết giá cả thích hợp với BTC.
  2. Ca sĩ: Dự trù mướn 2 ca sĩ. Chị Giang Thanh sẽ liên lạc và cho biết giá cả thích hợp.
  3. Sắp xếp chỗ ngồi: KQ Trương Văn Huệ, KQ Sáu Lê với sự hợp tác của KQ Võ Ý. Để việc tiếp đón được thuận tiện nhanh chóng và dễ dàng, BTC sẽ dành 2 bàn tiếp tân, 1 cho Căn cứ Pleiku và 1 cho Căn cứ Phù Cát. Việc xếp chỗ ngồi sẽ dựa vào 4 nguyên tắc theo ưu tiên như sau:
    • a. Quả phụ KQ
    • b. Niên Trưởng KQ, Lãnh đạo Tôn giáo, Dân cử địa phương,
    • c. Đại diện Hội đoàn & Cộng đồng,
    • d. Bảo trợ (ví dụ, mỗi bàn $400, bảo trợ trên $400 hoặc gấp đôi…)
  4. Quay phim và chụp hình: BTC sẽ mướn một quay phim và thực hiện DVD về Hội Ngộ.
  5. Thuê 1 Security: KQ Trương Văn Huệ
  6. MC: Lạc Long Nguyễn Đình Minh và Thu Nguyệt (Hiền nội Bắc Đẩu Đinh Đức Bản ) với sự góp ý của KQ Võ Ý để viết kịch bản cho Chương trình Hội Ngộ. Vai trò MC’s vô cùng quan trọng nên mong các vị cần phải nắm vững chương trình và quyền biến mỗi khi có thay đổi bất ngờ.
  7. Stage Managers: KQ Nguyễn Trọng Lễ và KQ Ngô Thế Khanh. Giữ gìn sân khấu trật tự nhịp nhàng và kịp thông báo các tiết mục kế tiếp (hoặc thay đổi) cho MC’s và đơn vị (cá nhân) trình diễn.
  8. Thủ quỹ của Hội Ngộ sẵn sàng nhận chi phiếu của quý KQ và thân hữu đã ghi danh. Xin gởi về:
    Peter Khanh Do
    14192 Shirley St
    Westminster, CA 92683

III/ Linh tinh:

Trước khi kết thúc buổi họp, KQ Nguyễn Thành Trung (Mọi) chiếu thử slice show những sinh hoạt cùng hình ảnh SĐ6KQ trong quá khứ. Yêu cầu quý KQ SĐ6KQ gởi hình ảnh sinh hoạt của đơn vị mình về KQ Trung (Mọi) để chuẩn bị cho ngày họp mặt SĐ6KQ được kết quả tốt đẹp. Địa chỉ email và số điện thoại của Trung (mọi) là: moimoitn@gmail.com, 714-343-3449.

Buổi họp kết thúc lúc 3:00PM trong tình đơn vị SĐ6KQ!

Thư ký ghi chép: KQ Lê văn Sáu



Một Góc Trời Pleiku Trong Thơ Võ Ý

KQ Nguyễn Hữu Thiện


Biển Hồ Pleiku

Trên Lý Tưởng Úc Châu số ra mắt (Xuân Canh Ngọ 1990), tôi được hân hạnh góp mặt với bài "Phi Vân - mây xám lưng trời", viết để hoài niệm hơn một ngàn ngày sống ở căn cứ Không Quân Pleiku.

Ba năm sau cùng của cuộc đời quân ngũ, tôi sống an nhàn - sáng đi chiều về, cơm nhà quà vợ - ở Bộ Chỉ Huy & Tiếp Vận Không Quân (Biên Hoà), được Ông Chỉ huy Trưởng Từ Văn Bê "cưng chiều", dù bộ râu mép chỉ vài sợi lơ thơ tơ liễu buông mành, cũng đuợc ông ưu ái cấp cho cái giấy phép để râu đầu tiên trong đơn vị. Nhưng tôi không bao giờ quên được Pleiku, nơi mà tôi đã tình nguyện tới và bị bắt buộc rời xa, nơi tôi đã sống những tháng ngày đẹp nhất ttrong đời quân ngũ, đã được hưởng chung niềm vui, chia sẻ nỗi buồn với những người Không Quân Biên Trấn - những người đã sống xứng đáng, đã chết anh hùng, để góp phần đem lại niềm tự hào chung cho quân chủng.

Trong số những người đã hy sinh, tôi viết nhiều về Cố Trung Tá Phạm Văn Thặng; trong những người còn sống, tôi có nhắc đến các niên trưởng Phùng Ngọc Ẩn, Ðỗ Trang Phúc, Nguyễn Văn Bá, các đàn anh Lê Bá Ðịnh, Lưu Ðức Thanh, Võ Ý...

Hôm nay, tôi cầm bút viết về Pleiku một lần nữa là vì anh Võ Ý (tôi gọi bằng "anh" với lòng trân quý), hay nói cho chính xác hơn là vì những bài thơ của anh Võ Ý làm ở Pleiku.

Ông cựu Phi đoàn Trưởng 118 Bắc Ðẩu hào hoa phong nhã này ngoài tài chỉ huy, bay bổng còn là một nhà thơ tài tử, điều đó không quân ai cũng biết (tôi nhấn mạnh hai chữ "tài tử" vì trong quân chủng ta không thiếu những nhà thơ chuyên nghiệp và có thể nổi tiếng hơn Võ Ý). Nói về thơ Võ Ý, theo tôi, những bài hay nhất của anh có lẽ là những bài làm trong thời gian sống ở Pleiku. Có thể vì Pleiku vừa là chốn "lưu đày quan bất mãn - lính ba gai" (lời Ông CHT Ðỗ Trang Phúc) - thê lương như cái tên Cù Hanh của Phi trường, vừa là nơi tung hoành của các chàng không quân có máu giang hồ phiêu bạt - thơ mộng như hai chữ Phi Vân trên cổng ra vào căn cứ, nên đã gợi hứng cho người đem hồn vào thơ.

Gần đây, đước tin anh Võ Ý tới Ca-li, tôi viết một lá thơ sang "trình diện", nôi dung thăm hỏi thì ít mà nhắc đến chuyện Pleiku thì nhiều - một cái tật của tôi khi "vớ" được dân Pleiku!... Trong thư hồi âm, anh Võ Ý cho biết anh rất xúc động khi tôi nhắc tới Pleiku. Tôi tin rằng khi viết như thế, anh cũng đoán biết tôi sẽ xúc động như thế nào khi được đọc những dòng chữ của một người anh cũ, cùng sống với nhau ở Pleiku hơn 26 năm về trước.

Xin mạn phép trích đăng một đoạn trong lá thư "cá nhân" ấy:

Anh Thiện thân mến,

...Tôi vô cùng xúc động, bất ngờ khi nhận được thư anh. Tôi đã đọc thư nhiều lần và một trời Pleiku sống rộn ràng trong trí nhớ của tôi.

Mỗi người ở Pleiku và yêu Pleiku theo cảm nhận riêng. Tôi cũng yêu Pleiku theo cách cảm nhận riêng của tôi. Pleiku là chốn tôi đã tình nguyện đến. Pleiku là nơi thách đố bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân. Pleiku đối với tôi còn là một địa danh để tôi có thể thể hiện cung cách phục vụ quân chủng thân yêu của mình.

Ở đâu đó bàng bạc trong bức thư của anh, tôi thấy tấm lòng của anh hòa chung một nhịp với tôi: "tôi nhớ tới một ngàn ngày đói rách ở Pleiku hơn là ba năm phây phả ở Biên Hòa".

Trước năm 1975, trên tập san Lý Tưởng của Bộ Tư Lệnh, một cây viết kỳ cựu trong quân chủng - niên trưởng Nhân Hậu, nếu tôi nhớ không lầm - đã viết bài "Ðà Lạt - góc tường ký ức". Những ai đã từng ở Ðà Lạt một thời gian đủ dài cho một khóa học, đọc bài này đều thấm thía. Bởi vì mỗi lần trở lại Ðà Lạt, dù tình cờ hay có chủ đích, dù còn trai trẻ hay tóc đã điểm sương, người ta chỉ cần nghe tiếng thông reo, nhìn con dốc đá là bỗng nhớ dấu chân xưa, thương hình bóng cũ.

Với Không Quân, "góc tường ký ức" ấy là Pleiku. Muốn cho chính xác phải gọi là "góc trời". Ngược dòng lịch sử, góc trời ấy được đặt tên Căn Cứ 62 vào tháng 12 năm 1962. Những chàng không quân VNCH đầu tiên đặt chân đến phi trường Cù Hanh đèo heo hút gió này là các chàng phi công của phi đoàn quan sát 114 từ Ðà Nẵng vào (đầu năm 1963), kế tiếp là biệt đội khu trục A-1 từ Biên Hoà ra. Mùa Xuân 1964, căn cứ trở thành Không Ðoàn 62 Tác Chiến - biệt danh Không Ðoàn Biên Trấn - mà vị tư lệnh đầu tiên là Ông Minh Cồ.

Ðầu năm 1965, Không Ðoàn 62 dời về Nha Trang, Pleiku thu mình thành Căn Cứ Không Quân 92 bé nhỏ, có nhiệm vụ đón tiếp các biệt đội từ Sàigòn, Biên Hòa ra, Nha Trang lên, Ðà Nẵng vào... Ngoài ra, phi trường Cù Hanh - trên cao 2500 bộ - còn là mục tiêu của các phi vụ huấn luyện. Từ xa xa, thấy núi Hàm Rồng là biết sắp đáp Pleiku. Gọi là núi Hàm Rồng có lẽ vì đứng dưới đất mà nhìn thì trông giống như cái hàm của con Rồng (?). Nhưng ở trên trời nhìn xuống, nó giống hệt như cái "mu rùa" khổng lồ, lại còn thêm một đường trũng sâu nằm ngay chính giữa, trông giống như "thung lũng tình yêu" của ai đang tênh hênh mời gọi, nên đã được các chàng không quân đa tình và giàu óc tưởng tượng đặt cho một cái tên khác - rất đáng yêu, hơi khó nghe nhưng dễ nhớ.


Núi Hàm Rồng nhìn từ trên cao

Chắc hẳn ngày đó, Võ ý đã nhiều lần thấy núi Hàm Rồng, đáp xuống Cù Hanh, và để lại nửa hồn nơi phố Pleiku có người em "má đỏ môi hồng", nên anh đã viết:

Xưa trên đó

Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
Dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
Mê cho lắm cho tay dài với mộng
Mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền

Mưa thì sình bụi mù thay nắng gió
Gặp là vui cam khổ cũng cam đành
Vui cho quên đâu bằng xưa trên đó
Áo bay bay mờ ảo dấu phượng hoàng

Quên được thì quên nhớ thì ai nhớ
Quên cho rồi quyên gọi quốc từ đây
Nhớ đâu đâu lạ lùng trăng đêm đó
Tượng đá thần linh sao ta tỉnh say

Một dạo bay qua nhìn xưa trên đó
Ðồi như vương cây như vấn chân nàng
Phố cũng xưa và tim thì đau nhói
Quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn

Biển rộng có bờ, sông dài có ngọn
Ðã hẹn bên bờ đến ngọn hòa minh
Nhưng sông có khúc tình người vô hạn
Ðã hẹn thì chờ dâu biển chờ xem

Tôi vẫn đứng bên bờ giao ước đó
Ðợi chờ em từ cõi sắc không kia
Mây cứ bay bay hoài hương phấn cũ
Tôi còn đây em dễ có như xưa

Pleiku - 1967

Năm 1970, Căn Cứ Không Quân 92 trở thành Không Ðoàn Yểm Cứ Pleiku, kế tiếp Không Ðoàn 72 Chiến Thuật được thành lập, trực thuộc Sư Ðoàn 2 KQ cho tới khi trở thành SÐ6KQ vào năm 1972.

Trong số 4 phi đoàn của Liên Ðoàn 72 Tác Chiến - 530 khu trục, 118 quan sát, 229 và 235 trực thăng - tôi thân thiết với phi đoàn 530 của Ông Lê Bá Ðịnh hơn cả vì là ông xếp cũ của tôi (trưởng phòng CTCT - CC92KQ), nhưng thần tượng của tôi lại là vị phi đoàn trưởng (thứ hai?) của PÐ 118 Quan Sát, Thiếu Tá Võ Ý. Trời sinh ra anh với nhiều ưu đãi - đẹp trai, lắm tài, hào hoa phong nhã nên cũng bắt phải chịu một thiệt thòi: nghèo. Nghèo như cái tên "Võ Ý" của anh, cái tên chỉ có 3 mẫu tự, cái tên có lẽ ngắn nhất nhì trong lịch sử dân tộc từ thuở Vua Hùng Vương dựng nước. Không hiểu Võ Ý nghèo từ 3 đời hay mới nghèo gần đây thôi vì cái tật hào phóng kinh niên, mà chỉ biết anh là một trong những vị phi đoàn trưởng"đói" nhất mà tôi được biết. "Ðói" nhưng không "Rách". Vì thế lại càng "Ðói"!.

Nhưng một khi "người quân tử ăn chẳng cầu no", thì người nghệ sĩ lại càng nên... đói để cho văn chương thanh thoát, hồn thơ dào dạt. Ðó cũng chính là trường hợp của nhà thơ tài tử Võ Ý. Sau đây là một bài thơ của anh trong tập "Một Góc Pleiku".

Ở Pleiku

Bây giờ ta ở Pleiku
Thấy xanh núi đó thấy mù nầy sương
Núi xanh còn ngỡ phố phường
Mù sương ngán ngát dễ thường dễ khuây
Bây giờ ta nấu nung đây
Kêu thương con quốc đắng cay tấc lòng
Bụi hồng gió cuốn thinh không
Ta con chim nhỏ dám mong nỗi trời

Pleiku-1972

Trong việc phê bình sáng tác của người khác, đánh giá thơ có lẽ là việc khó khăn nhất. Bởi vì một bài thơ được xem là hay hoặc dở, được đón nhận hay hững hờ, ngoài trình độ thưởng thức tối thiểu, cũng còn tùy thuộc một phần vào việc đối tượng đó có cùng cảm quan, rung động với người làm thơ hay không. Vì thế, tôi không dám tự tiện ca tụng thơ Võ Ý. Nhưng ít nhất tôi phải thán phục tài "xuất khẩu thành thơ" của anh.

Người xưa "đi ba bước làm một bài thơ". Bài "Chào sáng" dưới đây, Võ Ý làm mà không bước. Ðó là một buổi sáng mùa Hè 72, Tây Nguyên tơi bời khói lửa. Hết mất Dark Seang tới Tân Cảnh, hết bỏ Chu Pao tới Charlie... Căn cứ Không Quân Pleiku nhỏ hẹp bỗng trở thành nơi dừng quân của những toán quân đi, và nơi nhận xác của những người về trong quan tài bọc kẽm.

Sáng sớm hôm ấy, các sĩ quan chỉ huy thuộc Liên Ðoàn 72 Tác Chiến trong đó có Ông Lê Bá Ðịnh, anh Võ Ý đích thân ra trạm hàng không quân sự để đôn đốc, lo liệu phi vụ đưa xác các tử sĩ về quê nhà an nghỉ. Cảnh tượng thê lương đập vào mắt đã khiến Võ Ý lặng người. Anh đưa tay lên chào, mắt nhạt nhòa, rồi xuất khẩu thành thơ - bài thơ mà với tôi tuy rất ngắn đã đủ nói lên tâm hồn anh, dù ý thơ đơn sơ, lời thơ mộc mạc, không màu mè, chải chuốt:

Chào Sáng

Chào anh buổi sáng Tây Nguyên
Tay ngang tầm mắt đầu nghiêng cúi chào
Quốc kỳ phủ xuống công lao
Có bi-đông nước dựa vào xác thân
Nghĩ anh đi cũng an phần
Xum xuê có trẻ bâng khuâng đứng ngồi
Chị thì rũ tóc mây môi
Chào anh buồi sáng mắt tôi nhạt nhòa.

Pleiku-1972

Ðó là Pleiku của Võ Ý, của tôi, và cũng là của cánh chim đầu đàn đã lìa tổ Trần Văn Minh, của các niên trưởng Phùng Ngọc Ẩn, Ðỗ Trang Phúc, Nguyễn Văn Bá, Lưu Ðức Thanh..., của những người hùng thiên cổ Thặng "Fulro", Hùng 530, Tuấn Râu 229...

Xin cảm ơn anh Võ Ý. Xin cảm ơn tất cả những người không quân còn yêu và còn nhớ Pleiku - góc trời kỷ niệm.

Nguyễn Hữu Thiện

Melbourne - 11/1998

Source: Hội Quán Phi Dũng



Saturday, October 29, 2016

Những Đóa Thơ Cho Phố Núi Pleiku

Nguyễn Mạnh Trinh

Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người hoài vương vấn với mưa sình nắng bụi cao nguyên.

Mấy ngày hôm nay, buổi sáng nào cũng mù mịt sương. Mùa Thu ở đây như gợi lại một nỗi niềm nào. Lái xe trên đường, trong cái mù mịt của đất trời thấy mình như sống lại một thuở nào, ở không gian thời gian nào tuy thật xa nhưng trong giây phút hiện tại lại thật gần gũi. Cái tâm trạng bềnh bồng, của tiềm thức chơi vơi trong buổi sáng hôm nay như dẫn từng bước chân trở về, thuở xa xưa, ngày vừa trên hai mươi tuổi.

Lớn lên ở Sài Gòn, cả một thơ ấu nghịch phá, cả một khung trời mơ mộng. Những ngã tư, những con hẻm, những cổng trường, những mầu hoa Mùa Hạ, những xao xác lạnh cuối năm, tất cả đã thành kỷ niệm. Của một thành phố mà tưởng như chứa cả một phần đời sống của mình. Rồi tuổi đôi mươi, rời khỏi ghế giảng đường vào lính. Thì một thành phố, tuy heo hút sơn cùng thủy tận, nhưng lại chan chứa những kỷ niệm của những chàng lính trẻ, ngông nghênh vào đời tưởng như nắm cả vũ trụ trong tay. Sống ở đó, để thấy nhớ sài Gòn. Nhưng khi đổi về Biên Hòa gần Sài Gòn thì lại nhớ lại thời gian đã qua. Không nuối tiếc nhưng đầy bâng khuâng, và cái không gian se lạnh, cái đêm khuya mưa dầm, cái buổi sáng mù mịt, tất cả trộn lẫn để thành một phong vị khó tả.

Năm tôi lên phố vừa qua cái tuổi đôi mươi. Hai mươi tuổi, tâm hồn lúc ấy trắng bong, tràn đầy mơ với mộng. Chưa có kinh nghiệm trường đời nên thường phản ứng trước những chướng tai gai mắt và theo suy nghĩ của nhiều vị chỉ huy, tôi là một đứa ba gai cần phải hành hạ để cho vào khuôn phép. Ở đâu cũng xa nhà nên tôi tình nguyện đi biệt đội Pleiku mút mùa lệ thủy và khi ở đây lập không đoàn thì cũng là một trong những người khai sơn phá thạch của đơn vị.

Pleiku là thành phố của lính, lại mang nhiều nét thơ mộng nhất trong đời những người lính xa nhà.

Thời gian ở thành phố biên trấn này chỉ hơn hai năm mà sao tràn đầy kỷ niệm. Có những lúc, cơm sấy đồ hộp ngày này qua tháng khác mà vẫn vui. Lãnh lương xong, chỉ một vài ngày là sạch nhẵn, thế mà tối nào cũng lang thang ở phố đến nửa đêm mới mò về phi trường. Ở đây, biết bao nhiêu đứa bạn, buổi sáng còn đùa giỡn chọc ghẹo nhau mà vài tiếng đống hồ sau thân xác đã thành sương khói cho những phi vụ không về. Ở đây, có sáng mù sương, thấy đời mệt mỏi như chiếc xe dodge già nua ì ạch leo đầu dốc. Dù rằng tôi lúc ấy chỉ vừa hơn hai mươi tuổi. Ngày lên Pleiku, có một bài thơ tôi đã làm như tiên đoán được cái không gian của biên tái, của những câu thơ như Lương Châu Từ của Vương Han thời Thịnh Ðường xa xưa. Pleiku có khác nào Lương Châu, cũng là quan ải để trấn giữ biên cương. Ngày xưa thì ngăn giặc Hồ, giặc Mông. Ngày nay, thì canh chừng ba biên giới, với những trận đánh ác liệt mùa khô hàng năm tiếp diễn… Bài thơ ấy, làm vào một đêm trước khi sáng mai lên trực thăng vào phố núi.

Ừ mai tao lên Pleiku
Ðêm căm hơi đá ngày mù núi xanh
Uống say quên mộng quẩn quanh
Về nơi gió cát cũng đành cuộc chơi
Ừ mai cánh vỗ ngang trời
Ngóng thiên thu một cõi đời tịnh yên
Máu xương mãi chuyện ưu phiền
Còn đâu tiếng gọi cho em miệt mài
Ừ mai súng khoác lên vai
Ngẩn ngơ phố núi những ngày đao binh
Chắc đâu rượu uống một mình
Trong thân phiêu bạc nhục vinh nửa vời
Ừ mai thương bóng trăng trôi
Chim quên vẫy mỏi cuối trời chiến tranh
Uống đi mai hát quân hành
Nghe trong hơi bốc long lanh mắt người…

Tuổi trẻ, ngây thơ và bốc đồng. Tưởng rằng, mình như một hiệp sĩ thời xưa đi vào nơi gió cát. Thơ cũng nghênh ngang kiểu “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Tuổi trẻ, ơi những giấc mơ của ngày chân không chấm đất cật chẳng đến giời. Có phải là giấc mơ chung của những người lính trẻ chúng tôi.

Pleiku, một thành phố nhỏ heo hút ở cao nguyên, nhờ thơ và nhạc, đã thành một nơi chốn đầy thơ mộng. Thành phố ấy, có những tương phản kỳ lạ. Chiến tranh đã làm phố núi ấy có một bộ mặt, khi thì lãng mạn thơ mộng với những tà áo dài nữ sinh đi học buổi sớm mai nhưng cũng có lúc đầy nhục dục xác thịt. Con đường từ phố đến camp Holloway đầy những quán rượu và những cô gái phấn son lòe loẹt. Và, thành phố cũng đầy những sắc lính. Những người từ mặt trận trở về, đốt tiền mua vội một đêm vui rồi sáng mai trở lại miền gió cát. Những người lính đồn trú ở đây, ráng làm quen với cuộc sống ở vùng nắng bụi mưa sình, trong một giây phút nào, cũng nao nao vì những tà áo trắng buổi sáng trong sương mù Pleiku, tìm thấy một chút thơ mộng trong đời để làm kỷ niệm Pleiku, những cuộc tình có thực đầy dông bão của những người lính và những cô gái giang hồ. Nhưng Pleiku cũng có những êm ái thánh thiện của tình học trò áo trắng và người lính dạn dầy trong khói lửa. Pleiku có con đường đầy quán rượu cho lính G.I. viễn chinh nhưng cũng có con đường có hai hàng cây cao vút rợp bóng lá và những tà áo học trò tung bay theo nắng.

Người làm thơ, có lúc cũng cảm khái vì cái không gian, thời gian của thành phố ấy. Mưa cũng là cái mưa đặc biệt, mỗi mỗi hạt mưa như chứa đựng cả những nỗi niềm của tất cả những địa phương xa lạ thu góp về. Nắng cũng là cái nắng không phải của một nơi chốn nào khác, nó mang đến cái hanh hao khó chịu nhưng cũng trong màu nắng ấy lấp lánh những tình cảm thầm thì khó tả. Lạnh cũng chẳng phải là cái lạnh lẽo bình thường mà hình như cỏ cây, đường phố, núi non, ở đây cũng se mình và chia sẻ chung vui buồn với con người. Trong giây phút hiếm có trong đời, cảm xúc đã làm ngôn ngữ tăng thêm lôi cuốn và tạo nhiều ấn tượng. Nguyễn Bắc Sơn, một chứng nhân của cuộc chiến, làm thơ như một cách thế sống, đã coi công việc viết như một phần của đời người. Sống ở Plei ku và viết những bài thơ để gửi Plei ku. Thơ ông, có chút cảm khái ngậm ngùi của thời tao loạn nhưng cũng có những xúc động bềnh bồng của tâm tư lãng mạn hay đùa cợt với cuộc đời. Thơ, phảng phất vóc dáng một chàng cuồng sĩ.

Ðọc bài thơ “Hoa Quì Vàng Lạnh Pleiku”, tự nhiên tôi như người trở về thời gian ấy, không gian ấy. Trở về những ngày tuổi trẻ, của những giây phút bốc đồng coi mọi việc như cuộc đùa chơi. Cái lạnh, chưa hẳn là lạnh lẽo Mùa Ðông, mà còn chứa đựng một chút nồng ấm nào đó của Mùa Hạ. Lạnh ở bên ngoài nhưng rần rần nóng hồi ở tim óc bên trong. Sương mù ban đêm trên đỉnh cao nhìn về phố buồn, tâm thức cũng ào ạt như sóng theo tầm nhìn vời vợi.

Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó
”.

Tôi cũng đã sống ở Pleiku gần ba năm. Thời gian ấy trong hơn tổng số bẩy năm ở lính của tôi chắc là đáng kể và đầy chật những điều đáng nhớ. Ngày đầu tiên khi từ Nha Trang xuống phi trường Cù Hanh là một ngày mưa u ám. Mưa sủi bọt trên mặt nhựa phi đạo và bầu trời nặng nề u ám mầu mây đen. Gió ào ạt lồng lộng ngoài kia khiến cho tôi thấy mình quá nhỏ nhoi trong cái buồn mênh mang của đất trời. Lúc ấy, tôi thấy những câu thơ vẩn vơ trong óc của Kim Tuấn, Du Tử Lê, Vũ Hữu Ðịnh, Nguyễn Bắc Sơn. Thơ tự nhiên thành một phần của một ngày, một tháng, một năm, của riêng tôi. Thơ để quên đi hiện tại. Những giọt mưa quất vào mặt, buốt rát. Những ngọn gió thốc vào ngực. Nặng tê.

Ðọc bài thơ dài của Nguyễn Bắc Sơn tôi chỉ thấy có hai câu nói về mầu hoa quì vàng. Thế mà cái mầu sắc hoa man dã ấy chỉ một nét thoáng qua nhưng lại gợi nhiều dư âm. Mầu vàng, có khi là mầu vàng lạnh, nhưng có khi là mầu nóng chói chang của nắng.

Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh.
Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao.

Hoa quì vàng, một loài hoa nhỏ, cây từa tựa giống như hoa cúc, tôi đã nhìn thấy miên man mầu vàng khi trên phi cơ nhìn xuống. Mầu vàng, mênh mang trên những ngọn dồi loang lổ mầu xám của đá và mầu đỏ của đất. Hoa quì, lẻ loi một cánh trên tay thú thực cũng chẳng hấp dẫn lắm nhưng nếu bạt ngàn dưới cánh phi cơ, rào rạt trong nắng trong gió sẽ trở thành một ấn tượng khó quên cho cảm xúc. Ơi hoa quì, mầu vàng không phải kiêu sa như mầu hoàng cúc của áo tôn nữ mà có sự gần gũi với tà áo vàng của dân dã, của thiên nhiên. Hèn chi, cũng có nhiều nhà thơ vấn vương với hoa quì vàng, như Nguyễn Xuân Thiệp, như Kim Tuấn.

Người thơ kể chuyện của mình, một câu chuyện có lẽ rất quen tai của những người lính thú. Cũng đi xuống, đi lên, cũng loay hoay bồn chồn như những chàng gà trống…

Ðời lang bạt của một người lính thú
Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ
Ði một mình lên xuống phố mù sương
Phố núi kia ơi, phố có con đường
Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu
Không có bạn tôi làm sao uống rượu
Tôi làm sao sống nổi một ngày đây
Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy
Nhìn gã lính không khác gì gã lính
”.

Không có bạn tôi làm sao uống rượu. Tôi làm sao sống nổi một ngày đây. Nghe như một câu nói thường ngày, không có chất thơ mà sao nghe tràn đầy thi tứ. Chắc lúc ấy, sự cảm khái của người thơ đã lên cao độ, và, nỗi lạnh lùng thiên cổ như bám vào da vào thịt. Có nỗi nhớ mong, có niềm tiếc nuối. Người em, bây giờ lưu lạc ở đâu?

“…Tôi vận rủi làm một người lãng đãng
Ngó mông hoài khuất bóng của người em
Sáng hôm nay đời sống thật bình yên
Sao phố lại đuổi đi người yểu điệu
Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu
In gót hồng lên lớp bụi đời tôi
Là từ khi tôi hạnh phúc rong chơi
Và quên lãng con thú mù phẫn nộ
Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ
Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang”.

Bài thơ thứ hai tôi đọc để nhớ Pleiku là của Nguyễn Xuân Thiệp, bài “Pleiku, Tháng Ba 1974”. Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy. Người thi sĩ kể chuyện một mình. Ðâu cần ai hiểu, chỉ để nỗi niềm loang vào sương đêm thành nỗi nhớ mịt mùng.

Cầm bút viết, Tháng Ba rực cháy
Hàng dầu cao trong bình minh
Cơn sốt của trái chín và cánh đồng
Trận gió hung trưa ngày ấy
Cầm bút viết, đồi hoa quỳ vàng
Tháng Ba xuống khu rừng. Bóng quạ
Rung những nhánh cây màu tàn lửa
Tiếng thét hư không
Chiều rượt qua ngàn

Những hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp nối. Ảnh tượng có khi như không liên quan nhau, chỉ là những nét phác sơ lược nhưng lại làm nổi bật được một không gian đầy biến động. Ðồi hoa quỳ vàng, khu rừng, bóng quạ, nhánh cây màu tàn lửa, tất cả như chìm đắm trong nỗi bàng hoàng của thế thời. Cơn bão lửa dậy lên từ hoang vu:

Tháng Ba, chân trời chớp tía
Những chuyến xe lên đường, cơn mưa chợt đến
Rào qua mái nhà, bàng hoàng. mưa ngưng bặt
Ðêm. Những căn nhà gỗ sáng đèn.
Tháng Ba. Trên đồi vông nở
Tôi trở về thị trấn Tháng Ba
Những sợi dây trời cắt đau trí nhớ
Cườm tay em nhỏ máu hè xưa
”.

Xa rồi những ngày thơ mộng. Gần lắm rồi những nỗi kinh hoàng. Cái linh cảm của một cuộc địa chấn là cái linh cảm chung của những người như những con chuột đang cuống cuồng trong rọ. Thị trấn sẽ thành biển lửa, nay mai. Sẽ đầy những cuộc chia ly đầy nước mát. Thảm họa sụp xuống, như cơn hồng thủy đến.

…Vò nát chiếc khăn. và đừng khóc
Chiều nay. Chớp bể mưa nguồn
Chia tay nhau. Sương phụ
Người đi râu bám bụi đường
Tháng Ba. Em. Những căn nhà gỗ
Ánh đèn khuya. Vệt máu hè xưa
Ðừng tiếc chiếc khăn tay ngày ấy
Sẽ bay trong lửa hoàng hôn
Tháng Ba. Cơn giông rền mặt đất.

Ðọc xong hai bài thơ, tôi như người hụt hơi. Ðời sống, như một hơi khói nhẹ, loãng bay vào hư không. Tự nhiên, thấy lòng mình chùng xuống những kỷ niệm. Những bài thơ. Thuở đã xa. Ngày còn trẻ. Và hoa quì vàng, cái màu vàng loang sắc nắng của buổi nào, bây giờ có còn vương trên núi đồi không? Cái sắc màu hỏa hoàng trong những buổi chiều nhạt nắng ấy sao nhức nhối ký ức. Thị trấn ấy, như câu thơ Vũ Hữu Ðịnh:

Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm Mùa Ðông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
”.


Click vào video trên để vừa nghe Sĩ Phú hát
Còn Một Chút Gì Để Nhớ
Thơ Vũ Hữu Định - Nhạc Phạm Duy
Video Hoàng Khai Nhan

Có khi em Pleiku chỉ là tưởng tượng. Thi sĩ đã làm thành một nhân dáng nữ tuyệt vời để tô điểm cho phố núi ấm áp hơn trong cái lạnh se se Tây Nguyên. Thơ như tháp cánh vút lên, để những hàng cây dầu hai bên con đường học trò vươn lên mầu lá xanh hiền. Thành phố có em, là thành phố mà tình yêu đã làm một thứ trang sức cho đời lính thú biên trấn xa xôi. May mà còn có niềm vui.

Thơ về Pleiku thì nhiều, nhiều lắm. Kim Tuấn, Diên Nghị, Du Tử Lê, Võ Ý, Lê Bá Ðịnh, Lâm Hảo Dũng… đã trải lòng mình lên thành những rung động thật với nơi chốn mà mình đã qua hoặc gắn bó. Pleiku, nhắc đến nó để nhớ lại một thời lửa đạn. Và, nếu có người sưu tập thành một tuyển tập có chủ đề về nơi chốn ấy, chắc sẽ có một quyển sách cả ngàn trang mới mong đầy đủ hết thơ văn của những người hoài vương vấn với mưa sình nắng bụi cao nguyên.

Nguyễn Mạnh Trinh



Friday, October 28, 2016

Gặp Lại Bạn Xưa

Thơ Phạm Tín An Ninh

Tặng các bạn Lạc Long (229),
Sơn Dương(235),
và những phi công trực thăng hào hùng của VNCH

Từ Bắc Âu sang Cali thăm con
Bất ngờ gặp lại mày giữa Little Saigon
người đông như hội
Hơn 40 năm rồi mày vẫn nhận ra tao
dù bây giờ cả hai thằng đều già nua quá đỗi
Mày - thằng pilot trực thăng
một thời hào hoa sôi nổi
Giữa mùa hè 1972
đã bốc tao ra từ vùng lửa khói
Giặc vây cả tuần trên đỉnh Ngok Wang
đèo heo gió thổi
Còn tao - thằng lính bộ binh rẻ mạt hết thời
Ðầu mùa mưa 1973
Dù chưa có lệnh "Mặt Trời"
dám đem quân đi cứu mày
rớt tàu ở tuyến đầu Võ Ðịnh
Nợ nần vừa huề nhau, tao bị thương
mày bất ngờ nhận lệnh
thuyên chuyển về căn cứ Phan Rang
Chiến cuộc tiếp tục leo thang
Cho đến lúc tan hàng, hai thằng vẫn chưa kịp
kết tình tri kỷ
Sau 40 năm trên địa hình bao la nước Mỹ
Không có bản đồ mày vẫn tìm được
điểm đứng của tao
Ngày xưa, khi bay bổng trên cao
Mỗi lần tìm tao mày đều xin cho mày
một "nàng Thúy Kiều áo đỏ" (*)
Lạc Long ơi, bây giờ Bắc Ninh tao còn nghe mày
năm trên năm - rất rõ
Tiếng nói của mày vẫn hào khí như xưa
Cali, tháng sáu- trời còn mưa
Ngồi trong quán cà phê
Tao cứ ngỡ như ngày nào ở bãi B-15
Hai thằng chờ đến giờ G
Mày đổ quân tao vào Chư Pao, Trung Nghĩa
Ngồi giữa Kontum hoang tàn khói lửa
Tao với mày chia nhau từng ngụm cà phê
Cuộc chiến buồn lê thê
Tao leo núi lội rừng không biết ngày về
Mày đổ quân, bao vùng, coi bầu trời như
cái sân trường thời còn đi học
Một thời tung hoành ngang dọc
Có thằng nào nghĩ đến phút cuối tang thương
Tao vào tù - Mày bay tàu lần cuối ra đại dương
Ðể 40 năm mất quê, lưu lạc
Giờ ngồi đây, nhắc nhau một thời trận mạc
Mày tiếc bầu trời của mày
Tao nhớ rừng núi của tao
Ðiểm danh đám bạn bè - ai còn ai mất
Ðứa ở quê nhà khổ nghèo, thương tật
Thằng ra đi cũng đủ thứ trần ai
Ðau đớn thay - những thằng lính chưa một lần chiến bại
Mà cuối cùng phải đành đập tàu, bẻ súng
Mày uống đi - Cà phê có đường sao tao thấy đắng
Giữa Little Saigon tao bỗng nghe tiếng rừng núi lao xao
Lạc Long ơi - Tao đang ở hướng hai giờ
Mày có nhận ra tao
Mày đáp đi - Tao đã cho mày một "nàng Thúy Kiều áo đỏ"

Phạm Tín An Ninh

(lính Sư Đoàn 23BB)

(*)"Thúy Kiều áo đỏ": trái khói màu đỏ



Wednesday, October 26, 2016

Phố Núi Ta Về

Lạc Long Nguyễn đình Minh

Hỡi chiến hưũ không quân Sư Đoàn Sáu
Rủ nhau về hội ngộ khúc hoan ca
Núi rừng xưa còn ở mãi trong ta
Khung trời ấy chan hoà bao kỷ niệm

Anh phi đạo,bạn phi hành,tôi yểm cứ
Lính không quân gìn giữ lấy quê hương
Mang thanh bình cho hàng triệu người thương
Mình chấp nhận hi sinh và gian khổ

Nơi Xứ lạ nâng ly mừng tao ngộ
Tay trong tay mắt hớn hở vô cùng
Cánh “én già” chẳng dệt được mùa Xuân
Ngàn cánh én không gian là tổ ấm

Đời ngắn ngủi thời gian không ngừng lại
Gặp nhau cùngtâm sự thuở hùng anh
Rồi xa nhau đời chẳng còn cô quạnh
Mình tự hào SƯ ĐOÀN SÁU KHÔNG QUÂN



Còn Một Chút Gì Để Nhớ

Thơ: Vũ Hữu Định

Nhạc: Phạm Duy

Hát: Sĩ Phú

Thực hiện & Dàn dựng: Hoàng Khai Nhan


Click on the video above to play!
It's best if you can play it on a 4K TV or monitor.
Click on Subscribe (a little red button on lower right corner of the video)
if you wish to receive notification
each time HKN Channel has a new song published.



Thursday, October 20, 2016

Lính

N. N. Thành

Tôi với anh là lính,
Cùng trả nợ đao binh.
Bạn bè dăm ba đứa;
Thằng chết trong rừng già,
Thằng chết trên đồi cao,
Phơi thây trên biển cả.
Không hề có thằng nào
Chịu đầu hàng giặc cộng.

Cuộc đời làm chiến binh;
Bay lượn trên trời cao,
Lênh đênh trên biển cả,
Xông pha nơi rừng thẩm.
Có thằng sống âm thầm
Trong ngục tù cộng sản,
Nhưng lòng vẫn hiên ngang,
Không khuất phục bạo tàn.

Giờ “Đỉnh Cao Trí Tuệ”
Tranh nhau học vỡ lòng.
Để lấy bằng tiến sĩ
Để chia cắt núi sông.
Cho quan thầy Trung cộng.

Tôi với anh là lính.
Khinh bọn người bỉ ổi
Đang “mãi quốc cầu vinh”

N. N. Thành



Tuesday, October 18, 2016

Một Thoáng Pleiku

Phạm Tín An Ninh


Click vào video trên để vừa nghe Sĩ Phú hát
Còn Một Chút Gì Để Nhớ
( Thơ Vũ Hữu Định - Nhạc Phạm Duy )
vừa đọc bài viết Một Thoáng Pleiku
của Phạm Tín An Ninh dưới đây...

Thật lòng, tôi không có nhiều gắn bó với Pleiku. Và dường như cái phố núi buồn hiu ấy đã cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui. Vậy mà khi đã xa -thực sự vĩnh viễn xa- Pleiku rồi, tôi lại thấy da diết nhớ, trăn trở với cái cảm giác mình có tội với Pleiku, và mãi mãi sẽ còn nợ phố núi này một lời xin lỗi.

Tôi chưa (và có thể không) có dịp về thăm lại Pleiku, nên cái xa cách ấy lại càng thấy mịt mùng. Cái phố núi vốn đã bé nhỏ, như một ông nhà thơ đã ví von “đi dăm phút đã về chốn cũ” ấy, giờ với tôi dường như chỉ còn là chút sương khói trong lòng. Điều kỳ lạ là chút khói sương mờ ảo ấy cứ luôn lãng đãng trong ký ức và trái tim già cỗi của tôi, như những mảng mù sương từng bao phủ, giăng mắc trên phố núi Pleiku ngày trước.

Nếu không có cuộc chiến Kontum, có lẽ sẽ không có dấu chân nào của tôi trên bùn lầy đất đỏ Pleiku. Dẫu là dấu chân của người lính chiến. Chợt đến chợt đi, hay có khi nằm lại vĩnh viễn trên núi rừng heo hút vô danh. Thống thuộc một đại đơn vị có bản doanh tại Ban Mê Thuột, nhưng đơn vị tôi có hậu cứ tại Sông Mao,Phan Thiết, và đảm trách một vùng hành quân khá rộng lớn dọc theo miền duyên hải. Đúng ngày cuối năm âm lịch 1972, khi cả đơn vị đang chuẩn bị cho quân sĩ ăn Tết tại doanh trại Lý Thường Kiệt, Sông Mao, chúng tôi nhận lệnh di chuyển khẩn cấp lên An Khê, thay thế cho một đơn vị của Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ rút quân về nước, và tăng cường cho mặt trận Bình Định, khi một số đơn vị của Sư Đoàn 22BB hoạt động ở đây, vừa di chuyển lên mặt trận Dakto, Tân Cảnh.

Loanh quanh ở An Khê chưa được hai tháng, cùng với Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh tăng phái, đánh vài trận, giải tỏa một số căn cứ của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn nằm dọc trên đèo An Khê bị Cộng quân tạo nhiều vòng đai vây hãm, đơn vị chúng tôi được lệnh di chuyển khẩn cấp lên phi trường Pleiku để được không vận lên Kontum. Bộ Tư Lênh HQ Sư Đoàn 22BB vừa bị tràn ngập tại căn cứ Tân Cảnh và vị Tư Lệnh đã ở lại để vùi thây nơi chiến địa cùng với quân sĩ dưới quyền. Địch quân đang trên đà tràn xuống trong ý đồ chiếm lấy Kontum.

Tôi đến Pleiku như vậy đó. Thời gian chưa đủ nhìn một dãy phố và núi đồi chạy dọc theo con đường dẫn ra phi trường Cù Hanh. Tôi có cảm giác chưa đến thì đã rời khỏi Pleiku. Hơn tám tháng sống chết với chiến trường và giữ vững Kontum, chúng tôi được kéo về Pleiku dưỡng quân và bổ sung quân số. Đây là phần thưởng đặc biệt cho một đơn vị tạo nên kỳ tích trong trận chiến đẫm máu để có một “Kontum Kiêu Hùng.” Một tháng đóng quân trên Đồi Đức Mẹ. Lại là một tháng “gió lạnh mưa mùa.” Cả núi đồi và thành phố Pleiku mờ mịt và lầy lội trong mưa. Hình ảnh của bao nhiêu bạn bè đồng đội vừa mới hy sinh trên chiến trường Kontum lúc nào cũng hiện ra trước mặt, đau đớn tựa hồ như những nhát chém còn rỉ máu trong lòng. Muốn tạm quên chốc lác đã là một điều không dễ. Bọn tôi cần được say. Mỗi ngày chỉ ra phố để uống rượu. Thỉnh thoảng đi nhận đám lính bị Quân Cảnh của ông đại úy Hiển bắt. Khi đó tôi đâu có biết ông đồn trưởng Quân Cảnh này là nhà thơ Hoàng Khởi Phong, cũng chịu chơi, nhậu nhẹt, lãng mạn, và vi phạm quân phong quân kỷ như ai!

Pleiku có nhiều quán cà phê và nhiều khuôn mặt mỹ nhân, nhưng chúng tôi chỉ chọn các quán rượu. Dường như cà phê không đủ ấm, không đủ để quên, và cái say của rượu cũng chóng phôi pha hơn cái say đàn bà, con gái. Hơn nữa chỉ được có một tháng, mà trước mặt là những trận chiến đẫm máu đang chờ. Chẳng ai muốn vương vấn nợ tình.

Riêng tôi còn có một anh bạn, Liên Đoàn Trưởng BĐQ trú đóng ở Biển Hồ. Vợ và hai đứa con chết thảm tại Quảng Đức vì xe bị VC giật mìn, nên bây giờ anh chỉ làm người tình với rượu. Tôi bị anh kéo theo cái vòng “tục lụy” này.

Lúc trước anh là một cấp chỉ huy nổi tiếng trong BĐQ, thời gian binh chủng này mới thành lập. Nhưng sau đó do ảnh hưởng từ các phe nhóm chính trị, anh đã bị bắt đi tù một thời gian, ngưng thăng cấp và sau đó chuyển đến đơn vị tôi, với cái lệnh “không được giữ chức vụ chỉ huy nào.” Biết anh là một niên trưởng và từng dạn dày lửa đạn, tôi tận tình giúp đỡ an ủi anh. Thời gian sau anh bỗng dưng được “vô tội,” trở lại binh chủng, thăng cấp và chỉ huy một Liên Đoàn BĐQ tại QK2.

Do cái ân tình đó, nên những ngày không hành quân, anh đến kéo tôi ra quán rượu. Tôi chỉ nhìn Pleiku qua những cơn say. Vì vậy Pleiku với tôi càng nhỏ hẹp hơn, chỉ là không gian của một quán rượu trong khu Chợ Mới. Một tháng, tôi chưa hề biết tên một con đường, thì làm sao biết được tên của một mỹ nhân, để “may mà có em đời còn dễ thương!

Tôi rời khỏi Pleiku một ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột (BMT) vừa lọt vào tay giặc. Sáng ngày 13/3/75, theo những toán quân đầu tiên của đơn vị được trực thăng vận từ Hàm Rồng đổ xuống Phước An, quận lỵ duy nhất còn lại của tỉnh Darlac, nằm cách BMT khoảng 30 cây số trên QL 21 về hướng Nha Trang. Khi một nửa đơn vị vừa xuống Phước An, thì Pleiku có lệnh di tản. Một nửa quân số còn lại phải di chuyển theo đoàn quân di tản trên Tỉnh Lộ 7B. Một cuộc triệt thoái sai lầm, tệ hại và bi thảm nhất trong chiến tranh. Nửa đơn vị của tôi gần như bị xóa sổ. Hai người bạn thân của tôi đều là tiểu đoàn trưởng đã tự sát, nhiều đồng đội đã chết trong đớn đau tức tưởi.

Hình ảnh cuối cùng của Pleiku trong mắt tôi là dãy núi Hàm Rồng, nhưng trong trí óc tôi chỉ còn đọng lại những cái chết bi tráng của đám bạn bè đồng đội cùng với những người Pleiku mà tôi chưa kịp biết mặt, làm quen. Và trong lòng tôi, dường như Pleiku chỉ có thế. Không phải là những con đường, góc phố, là rạp ciné Diệp Kính, Thanh Bình, hội quán Phượng Hoàng, quán cà phê Dinh Điền, cà phê Văn, cà phê Lính, Bắc Hương, Thiên Lý, và lại càng xa lạ với những ngôi trường mang tên Pleime, Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề... mà những cô học trò ngày ấy bây giờ đang mang theo cái hồn Phố Núi đi khắp muôn phương. (Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình khờ khạo biết bao nhiêu!)

Ngày ấy, tôi là thằng lính bộ binh, một thứ lính “hạng bét,” chỉ có khốn khổ gian truân và chết chóc. Tháng năm lặn lội trong núi rừng, chỉ còn biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Được chút thời gian không đủ cho một cơn say, thì đâu còn biết gì tới thơ với thẩn (mặc dù tôi vốn mê thơ - nhưng rất dốt về thơ). Ngoài bài hát nổi danh được phổ từ thơ Vũ Hữu Định, tôi chưa hề được đọc thơ các thi nhân nổi tiếng một thời của Pleiku hay viết về Pleiku. Sau này đọc Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Mạnh Trinh, Kim Tuấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Võ Ý, Cao Thoại Châu, Hoàng Khời Phong…, tôi thấy hối tiếc quá chừng. Pleiku đẹp quá, dễ thương, thơ mộng quá.

Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ một thời hành quân đánh giặc ở Mật khu Lê Hồng Phong, Sông Mao, nơi đơn vị tôi trú đóng, từng viết những câu thơ hào sảng:

Ngày mai đánh giặc may còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi,
Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui...

cũng từng bị “đày” lên Phố Núi, nhưng giờ thì đắm say ánh mắt của một nàng thiếu nữ Pleiku:

Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn
Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm
Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm
Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ
Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ
Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa
Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa
Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó...

Vậy mà hơn một tháng ở Pleiku tôi đã ngu ngơ, lãng phí. Không nhìn ngắm, mơ mộng với Pleiku mà chỉ biết say với rượu. “Ta say, trời đất cũng say.” Tôi đã bắt Pleiku say với tôi, mà đáng lý ra tôi phải say đắm với Pleiku mới phải. Đôi khi tôi cũng tự gạt để an ủi mình “Có thể chính mấy ông nhà thơ này đã làm cho Phố Núi đẹp hơn, thơ mộng và lãng mạn hơn những gì nó có?” Nhưng có lẽ tôi đã nhầm, sau này được dịp làm quen với những người Phố Núi, tôi chợt nhận ra rằng Pleiku đâu chỉ có những ông thi sĩ tài danh ấy, mà dường như cứ mỗi người Pleiku đã là một nhà thơ, hay ít nhất cũng là một bài thơ chưa được viết thành lời. Dẫu gì, tôi cũng có tội với Pleiku.

Ba năm hành quân ở Kontum và Pleiku, nhiều đồng đội, bạn bè tôi đã nằm lại nơi này. Võ Anh Tài, Đặng Trung Đức, Trần Công Lâm, Đỗ Bê... những tiểu đoàn trưởng nổi danh, những người anh, người bạn thân thiết như tình huynh đệ cùng một đơn vị từ ngày tôi vừa mới ra trường, đã vĩnh viễn ở lại với Kontum, với Pleiku. Khi tất cả -có lẽ cũng như tôi- chưa biết rõ mặt Pleiku cùng những vần thơ tuyệt vời ca tụng phố núi thơ mộng một thời.

Tôi vẫn mãi đau đớn khi hình dung cuộc di tản bi thảm trên Tỉnh Lộ 7B vào những ngày giữa tháng Ba. Cùng với những đổng đội của tôi, còn có biết bao nhiêu người Pleiku đã không đi hết đoạn đường kinh hoàng đẫm máu ấy. Trong đó chắc chắn có rất nhiều “em Pleiku má đỏ môi hồng” của nhà thơ Vũ Hữu Định, những bông hoa dại đã làm cho những thằng lính “bị đày” lên phố núi thấy đời dễ thương hơn. Thiếu những bông hoa ấy, Phố núi sẽ không còn đẹp, không còn lãng mạn, để cho bao thi nhân cảm xúc, để cho nhà thơ Không Quân Võ Ý vẫn mãi còn tiếc nhớ khôn nguôi một thời “Xưa Trên Đó”:

Xưa trên đó sương nhòa hơi thở đượm
dốc cũng vừa ta bước xuống vô biên
mê cho lắm cho tay dài với mộng
mặt trời lên chiếu rạng tới ưu phiền...

Một dạo bay qua nhìn qua trên đó
đồi như vương cây như vấn chân nàng
phố cũng xưa và tim thì đau nhói
quạt nồng đâu qua đó để cơ hàn...

Chúng tôi ra đi, cũng (rất vô tình) bỏ lại các cô gái Thượng. Những cô gái chân chất hồn nhiên mà đẹp đẽ như những cánh lan rừng. Họ mới thực sự là những người chủ Phố Núi, nên không đành bỏ núi đồi, buôn bản. Và chắc không hề biết đã từng là niềm vui, là nỗi khát khao của những thằng lính trẻ xa nhà, khi rủ nhau ẩn nấp sau những gốc cây, bờ đá để nhìn (trộm) các cô vô tư khoe mình bên các dòng suối biếc. Tuyệt vời!

Thuở ra đi, lòng dạ rối bời, chưa kịp nhận ra những điều gắn bó, giờ hồi tưởng, trong lòng bỗng chợt dấy lên bao nỗi bâng khuâng.

Thì ra, tôi đã mắc nợ phố núi quá nhiều. Nợ những người đã ở lại với Pleiku trong cơn đổi đời khốn khó, nợ người Pleiku nằm lại đâu đó trên tỉnh lộ 7B kinh hoàng, và nợ cả những người Pleiku ra đi mang theo bóng dáng mờ ảo mù sương và cả cái hồn Phố Núi.

Nợ ân tình thì không thể nào trả cho hết được. Đành viết mấy dòng này xin tạ lỗi Pleiku.

Phạm Tín An Ninh



Saturday, October 15, 2016

Tha Thiết Mong Tìm Về Bạn Cũ

Trang Blog SĐ6KQ Sau 30 Ngày Trình Làng

(09/15/2016 - 10/15/2016)


Click vào video trên để vừa nghe nhạc vừa đọc bài viết!

Trang blog của SĐ6KQ gồm các mục chính như Điều Lệ, Hội Ngộ 2017, Tin Tức, Tài Liệu, Văn NghệTrang Bạn. Mỗi mục đều chứa đựng những bài vở thể hiện tinh thần dân chủ, tính thân thiện, tình nước tình nhà và tình quân chủng thân yêu.

Mục Trang Bạn (trang nhà của các hội bạn) cũng rất thiết thực vì giúp chúng ta biết thêm những sinh hoạt phong phú của các tổ chức, hội đoàn bạn như Hội Quán Phi Dũng, Cánh Thép, Hải Quân VNCH, Khóa 7/68 KQ, Phố Núi Pleiku, Sinh Hoạt QLVNCH…

Phiá dưới cùng của mỗi trang blog luôn xuất hiện các trang tin tức cập nhật bằng tiếng Việt và tiếng Anh rất bổ ích, trích từ các báo và các đài phát thanh như Viễn Đông Daily News, VOA, BBC, RFI, ABC News, CNN, MSNBC, NBC News, USA Today.

Có thể mục Hội Ngộ 2017 lôi cuốn được nhiều người vào thăm vì đây là cuộc Hội Ngộ đầu tiên sau 42 năm xa xứ của các Không Quân thuộc SĐ6KQ. Qua mục nầy, chúng tôi ghi nhận đôi điều như sau:

  • Hiện có 56 người đã Ghi Danh, trong đó có 1 thân hữu (cô Thu Đào Phố Núi, 10 người), 1 KQ thuộc SĐ1KQ (Long Võ 110) và 2 KQ thuộc SĐ4KQ (NV Trường 116 & NĐ Gia 116)
  • Còn lại 51 KQ thuộc SĐ6KQ, gồm 27 KQ Pleiku và 24 KQ Phù Cát.
  • Số người ghi tên tham dự cho đến nay (10/15/2016) là 133 người.
  • Chỉ mới có Phan Thanh Hùng PĐ235 ghi danh 1 bàn, còn hầu hết ghi danh 2 người!

Đâu Pleiku mưa sình nắng bụi?
Đâu Phù Cát nắng thiêu quanh năm?
Đâu rồi gia đình và đồng đội sớm tối
Mau về Hội Ngộ SĐ6KQ
42 năm mới có một lần!!!

Như vậy, sau một tháng công bố Hội Ngộ SĐ6KQ, số người ghi danh là 56 người. Số người tham dự là 133 người, tương đương với 13 bàn đã được xếp chỗ (trên tổng số 35 bàn mà BTC ký giao kèo với nhà hàng).

Dù biết hãy còn sớm (còn những 9 tháng nữa cơ!), nhưng BTC vẫn mong muốn các chiến hữu thuộc SĐ6KQ (gồm Căn cứ Pleiku và Căn cứ 60 Chiến thuật Phù Cát) hăng hái ghi danh tham dự càng đông càng vui để giúp BTC “yên lòng” rằng, con số 35+ bàn sẽ sớm được vượt qua!

Khi chúng tôi viết bài đúc kết sau 30 ngày thì trang blog của SĐ6KQ đã có 11,693 pagewiews (không tính số người vào thăm trang blog mà chỉ tính số lần thăm các tiết mục thôi (pageviews). Như vậy là cũng… ấm lòng trang chủ (Hoàng Lão Tà Tà) và Ban Biên Tập lắm rồi!

Xin đa tạ và mong được quý đồng đội tiếp tục yểm trợ, thăm viếng và duy trì trang Blog, Tổ Ấm của SĐ6KQ!

Mà cách yểm trợ thiết thực nhất là… Ghi Danh Tham Dự Hội Ngộ!

Tha thiết mong tìm về bạn cũ…

Thân kính,

Ban Biên Tập

Xin click vào link dưới để ghi danh:

GHI DANH THAM DỰ HỘI NGỘ SĐ6KQ

Click vào link dưới để xem danh sách đã ghi danh tham dự tính đến hôm nay:

Danh Sách Đã Ghi Danh



Tuesday, October 11, 2016

Tâm Tình Người Lính Chuyển Vận SĐ6 KQ

KQ Tiêu Hồng Phước

Kính tưởng niệm cố Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang và các chiến hữu đã vị quốc vong thân.

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 - Tổng Động Viên

Như các sinh viên thời chiến, tôi nộp đơn gia nhập quân chủng không quân / Không Phi Hành (KPH). Học quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang và học ngành chuyên môn Chuyển Vận, chỉ số 60.44.

Bốc thăm ra đơn vị. Tôi đến Pleiku vào một buổi chiều mưa tầm tã, bùn đỏ đầy đường. Sáng hôm sau với quân phục chỉnh tề, tôi trình diện Tư Lệnh Sư Đoàn, Đại Tá Phạm Ngọc Sang:

- Chuẩn úy Tiêu Hồng Phứoc, số quân... Trình diện Đại Tá Tư lệnh! (*)

Đại Tá Tư Lệnh bắt tay và nói những lời nhắn nhủ cho một sĩ quan trẻ. Nhìn ông với bộ đồ bay uy nghi, gưong mặt nghiêm nghị, tôi chào ông rồi đến nhiệm sở: Trạm Hàng Không Quân Sự Pleiku, làm việc với Trung úy Trần Duy Đức Hoạch.

Sáng sáng điểm danh quân số, kiểm soát phi vụ đi đến, duyệt hành khách biểu... Rồi chiều đến với các chuyến bay từ các phi trừong bạn đáp xuống để vận chuyển binh sĩ, gia đình, hàng hóa về lại Tân Sơn Nhất Saigòn. Mỗi lần phi vụ đưa các quan tài tử sĩ các quân binh chủng đồn trú thuộc Quân Đoàn II cùng những vành khăn tang trắng trên đầu vợ con về Sàigòn, tôi cảm thương cho thân phận ngừơi lính chiến VNCH, đứng nghiêm chào vĩnh biệt chiến hữu...

Đời quân ngũ trôi dần với cafe Dinh Điền, patechaud Cao Nguyên, ciné Diệp Kính, vũ trừong Phựong Hoàng, bún bò Huế nhà xác, cafe Bắc Hương, quán cơm Minh Lợi Miền Nam và các em nữ sinh Pleime, Phạm Hồng Thái..., cho đến tháng 3/1975 oan nghiệt, toàn bộ Quân Đoàn II trong đó có SĐ6KQ di tản về Nha Trang rồi Phan Rang. Trong cuộc triệt thoái trên Liên tỉnh lộ 7 về Phú Bổn, trạm KHQS mất Th/sĩ I Nguyển Lịch, Tr/sĩ I Nguyễn Văn Khang. Còn KQ Lê Văn Trên không có tin tức cho đến nay. Xin dành một phút mặc niệm cho các anh.

Tại căn cứ Phan Rang chiều 15/4/1975, Chuẩn Tứơng Tư Lệnh tập hợp binh sĩ nói những lời đau buồn là không còn kiểm soát đựoc tình hình. Anh em đều một lòng ở lại không rời bỏ đơn vị.

Sáng 16/4/75 A37 dội bom T54 CSBV nhưng đành bó tay. Tin đau buồn là Chuẩn tứong Sang và Trung tứong Nghi bị bắt. Riêng tôi đi đừong bộ cùng dân quân từ Quân Đoàn I rút về, đến Biên Hòa chiều 30/4/75 thì mất tất cả.

Trong cuộc di tản thưong đau, trạm HKQS và riêng cá nhân tôi hãnh diện là không dính líu đến tiền, vàng của bất cứ dân quân cán chính khi vào phi trừơng để về Saigòn. Trong khi đó "Ngừơi Ta" đã rục rịch dollar, vàng trốn chạy để lại bao niềm uất hận cho những ngừoi một lòng vì dân vì nứoc.

Chuẩn tứong Phạm Ngọc Sang bị tù Cộng Sản 17 năm. Khi ông bị bệnh nặng đựoc đưa về bệnh viện Chợ Rẩy, tôi và Trung úy Lê Đăng Hùng hùn tiền mua 2 hộp sữa đặc đến thăm ông. Sau này khi định cư tại Hoa Kỳ, có một lần đến thăm ông tại shop may của Thảo (con gái ông), nhìn ông cặm cụi với sổ sách thấy mà xót xa.

Đến gần cuối đời với cơn bệnh trầm kha, tôi thừong xuyên viếng thăm ông, đôi khi đi cùng Đại úy Lê Đại Hiền THKQSTSN đến nổi Trung tá Lê Văn Bút hỏi tôi có bà con gì với ông Tứong không? Tôi nói không có bà con, chỉ vì lòng cảm phục tư cách, đạo đức của ông mà tôi thăm, vấn an ông và gia đình thôi. Chuẩn tứong Sang đã sa cơ thất thế như toàn thể miền Nam thất thủ thì tôi kề cận ông có đựoc chút ơn mưa móc nào đâu! Đó là tấm lòng trân quý của tôi đối với ông, không tính toán.

Khi ông trút hơi thở cuối cùng, tôi đã lau mặt cho Ông. Phựong Hoàng thoi thóp - Chim sẻ xót xa rơi lệ!

Nhắc đến kỷ niệm "Thằng Chuẩn úy chận đầu xe ông Tứơng" làm Chuẩn Tứong mỉm cừơi với nụ cừoi nhân hậu. Số là khi tôi chuyển qua Phân đoàn Thủy Bộ Vận với hơn 20 binh sĩ cứng đầu với xe GMC 18 bánh, may mà có các HSQ điều hành: Th/sĩ I Ngôn, Hòa, Tuấn hợp tác làm việc trong Phân đoàn nện mọi sự đựoc trôi chảy. Nếu không thì Chuẩn úy Phứoc (là tôi), bị "Ký Củ" rồi! Thời gian đó tôi đựoc cấp phát 1 xe Ford Pick Up nhưng chưa biết lái xe nên nhờ B2 Lâm tập lái. Vì mải mê học lái có biết đâu xe ông Tứong ở phía sau khi ông đi làm về 4 giờ chiều trứoc KQYHK nên quờ quạng ép xe ông. Bị lấy CCTN, CCQN, ngày mai trình diện Chuẩn tứong. Tôi nhủ thầm "chết rồi", nhưng may mắn thay, có Trung úy Trần Văn Oan - Trửong đoàn Kiến Tạo đi ngang, biết tự sự vì tôi vô tình không cố ý nên Tr/úy Oan thưa chuyện với Chuẩn tứong Sang. Ông thêm: Sĩ quan trẻ cần phải biết lái xe chứ không lẽ mỗi lần đi họp hay đi đâu đều cần có tài xế?

Hú hồn cho tôi không phải trình diện Tư Lệnh và gặp Chuẩn úy Nguyễn Phi Hùng chánh văn phòng lấy lại giấy tờ.

Khi Chuẩn Tứong Sang mất, trong 3 ngày liên tục các quân nhân SĐ6KQ đứng hầu quan tài biểu lộ niềm xót thưong quý trọng đối với ông: Sinh Vi Tứong - Tử Vi Thần. Mỗi kỳ cúng thất 21, 49, 100 ngày tại chùa Diệu Quang, tôi đều cầu nguyện cho hương linh ông sớm đựoc vãng sanh miền Cực lạc.

Tuy chỉ 3 năm lính nhưng tôi hãnh diện là ngừoi quân nhân SĐ6KQ không hổ thẹn với trời đất, bạn bè, chiến hữu, với Tổ Quốc - Danh Dự -Trách Nhiệm.

Sau này có 2 việc tôi ái náy:

  1. Lúc là Sĩ quan trực Yểm Cứ, tôi có gọi Quân Cảnh đem B2 Nghĩa vô Cải hối thất vì đã lấy 20 lít xăng. Sau 1975 gặp lại Nghĩa ở Saigòn, tôi hỏi về việc này, tôi nói nếu muốn trả thù thì tôi sẵn sàng để Nghĩa hành động nhưng anh nói "Ông thầy làm đúng". Ôi một ngừoi lính mà có tư cách, đạo đức nhân bản !!!
  2. Thiếu úy Trần Đại, khóa sau tôi là pilot trực thăng, trong lần gặp ở chợ, Đại trách tôi "đì" không xếp phi vụ trong lần đi phép về Saigòn. Vì Đại không gặp trực tiếp tôi nên có sự hiểu lầm chứ tôi không bao giờ có ý xấu như vậy. Bạn bè đều hết lòng giúp đỡ (C/úy Lê Minh Chánh TMPNH, Tr/tá Diệp Ngọc Châu biết tính tình của tôi). Theo tôi thì ưu tiên cho các quân nhân tác chiến có 10 ngày phép chờ đợi phi vụ rất khó khăn tội nghiệp nên phải dành sự ưu tiên cho họ, còn các KQ có thể xin Trửong phi cơ thêm vài chổ dù đã đủ đẩy trong hành khách biểu. Việc này, trứoc linh cữu Chuẩn tứong Sang tôi có nói lời xin lỗi với đàn em Trần Đại.

Trong tâm tình nhỏ nhoi này, nếu có điều gì làm các chiến hữu SĐ6KQ nói riêng và các quân binh chủng bạn thuộc QĐ 2 nói chung buồn lòng, thì xin hãy mở lòng tha thứ cho. Cám ơn nhiều.

KQ Tiêu Hồng Phước

Phụ chú: (*) cấp bậc, chức vụ nói trên tính theo thời điểm 1972-1975 .



Sunday, October 9, 2016

Phan Rang, Nỗi Hờn Di Tản

Lạc Long Huỳnh Quốc Phú

Thân tặng tất cả các chiến hữu Lạc Long, để ngậm ngùi tưởng nhớ một thời oai hùng lẫn cay đắng. LL HQP.

LỜI NÓI ĐẦU:

Đã ba mươi mấy năm rồi, nỗi hờn di tản tưởng đã phôi phai. Nhưng không, cứ mỗi “tháng tư đen” về, vết đau lại nứt ra. Chuyện ngày xưa vẫn lảng vảng trong đầu những người đã từng đóng góp xương máu trong cuộc chiến. Càng già niềm đau càng âm ỉ. Tôi muốn ghi lại những gì đã xảy ra, nhưng đã bao nhiêu lần ngồi trước keyboard mà chẳng viết được gì. Đánh được vài ba chữ, cổ họng thấy mặn đắng.

Cho đến bây giờ, lịch sử đã mở ra: trong khi đồng minh bỏ chạy, súng đạn của ta cạn dần, bọn VC lại bán nước để lấy thêm vũ khí. Vết đau tuy thuyên giảm vì có lý do xoa dịu mặc cảm người thua trận, tuy nhiên nó vẫn không lành hẳn.

Đôi lúc tôi lẩm cẩm nghĩ rằng: phải chi quân dân miền nam bán Hoàng Sa và Trường Sa cho “Đế Quốc Mỹ,” thì kẻ được giải phóng phải là miền bắc chứ không phải miền nam. Dù sao “Đế Quốc Mỹ” cũng không đến nỗi giết hại ngư dân mình nếu họ đi lạc vào những hòn đảo này, nghĩ tiếc thay!!!

Mỗi người một câu chuyện, nhưng cùng một niềm đau...

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, chỉ trong một đêm, Ban Mê Thuột mất vào tay việt cộng. Những người lính trấn thủ miền cao nguyên lại phải vất vả đánh đuổi quân thù để chiếm lại vùng đất đã mất.

Trung Đoàn 44 và 45 thuộc Sư Đoàn 23 bộ binh được di chuyển cấp tốc từ Pleiku về Ban Mê Thuột để giải cứu bản doanh của họ. Chiến trường tây nguyên bùng nổ lớn, tuy nhiên, đối với những người lính tác chiến, chuyện đánh giặc là chuyện xảy ra hàng ngày, suốt bao nhiêu năm trời, chiến tranh có bao giờ ngừng đâu mà phải hốt hoảng, giặc tới thì ta đánh thế thôi.

Mặt trận Ban Mê Thuột hứa hẹn gay go, những người lính Sư Đoàn 23 và Biệt Động Quân sẵn sàng tiến vào chiếm lại thành phố này. Nhưng rồi một cái lệnh quái đản từ Quân Đoàn 2 ban ra: “Pleiku di tản chiến thuật.”

Ô lạ chưa, Pleiku có bị đánh đâu mà phải di tản? Chẳng lẽ chỉ vì một vài trái đạn pháo kích mà cả một Quân Đoàn lại bỏ chạy?

Cũng vì cái lệnh quái đản đó mà hàng trăm ngàn quân dân nhốn nháo đổ xô về Qui Nhơn, Tuy Hòa và Nha Trang. Cuộc hành trình đã gây nên bao nỗi đau thương và uất hận cho mọi người. Chiến tranh quả thật là tàn khốc. Hàng vạn người tranh nhau để tìm đường sống, đã gây nên bao cảnh tượng tang thương mà lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy. Tôi không thể tưởng tượng được mạng người sao lại rẻ mạt như đám bèo trôi giữa giòng sông!

Cũng như những đơn vị khác của Sư Đoàn 6 Không Quân, Phi Đoàn Trực Thăng 229 của tôi được lệnh di tản về Nha Trang.

Pleiku, thành phố buồn nằm trên cao nguyên, xứ của lính và những người liên hệ đến lính. “Đi dăm phút đã về chốn cũ”, bài thơ được phổ nhạc đã diễn tả chính xác cái phố núi này. Ngày thuyên chuyển ra đây, tôi cứ tưởng rằng đã đến một nơi tận cùng bằng số, nhưng không ngờ trong những giây phút cuối cùng tại đây, từ trên cao độ một ngàn bộ nhìn xuống, một niềm cảm xúc lưu luyến dạt dào dâng lên mà chính tôi cũng không ngờ nó đã làm mắt mình ươn ướt. Tôi có linh cảm là sẽ không còn dịp trở về nơi nắng bụi mưa bùn, nơi của những con người vì chiến tranh gặp nhau ở đây. Một năm qua, chỉ ở đây mới có một năm thôi mà cảm tình của tôi đối với cái thành phố cao nguyên này đã nẩy nở một cách sâu đậm. Pleiku thân thương, thành phố mang nhiều kỷ niệm những ngày cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.

Đơn vị của tôi về đến Nha Trang, nhưng vì căn cứ này quá chật hẹp, nên một tuần sau lại có lệnh di chuyển xuống Phan Rang. Ngày rời Pleiku, tôi đã cố gắng đem được hầu hết vật dụng về Nha Trang, nhưng ngày rời Nha Trang xuống Phan Rang tôi đành bỏ lại tất cả những bàn ghế bằng gỗ quý đã tậu được ở Pleiku. Tiếc lắm, nhưng làm thế nào được, vả lại của cải là vật ngoại thân, bỏ đi để cho nhẹ gánh, mình còn nhiều việc quan trọng hơn phải lo.

Phan Rang, quê hương của Tổng Thống Thiệu. Một thành phố hiền hòa nằm cạnh bờ biển. Phi trường Phan Rang rộng lớn. Sau vài ngày sống tạm trong một cư xá chật hẹp, chúng tôi được cấp phát cho một cư xá khang trang hơn. Sau khi rời Pleiku, đây là lần đầu tiên chúng tôi có được một chỗ ở riêng biệt, chả bù cho những ngày còn ở Nha Trang, tất cả nhân viên Phi Đoàn 229 đều sống lăn lóc với những tiện nghi rất eo hẹp. Mọi người hăm hở sửa soạn chỗ ở và chấp nhận Phan Rang làm quê hương mới cho mình...

Tình hình chiến sự từ các mặt trận thay đổi nhanh chóng. Những thành phố từ Quảng Trị trở vào lần lần mất vào tay quân địch. Nói đúng ra là tất cả những đơn vị chiến đấu đều được lệnh rút lui một cách vội vã trong khi địch quân chưa tới. Hơn nữa, có nhiều thành phố việt cộng không có ý định tấn công, mình lại tự động rút lui bỏ ngỏ.

Tôi là một người lính chuyên nghiệp, mặc dù với một cấp bậc nhỏ bé, nhiệm vụ của tôi chỉ biết thi hành mệnh lệnh chứ không có nhiều thắc mắc. Nhưng vì cứ lui binh mãi, lòng tự ái của người lính tác chiến bị xúc phạm. Sự tức tối vì cứ phải lui binh, cộng với những hình ảnh đau thương của người di tản đã nhiều lúc làm tôi như một người điên. Hôm Đại, người cơ phi của tôi bị thương vì việt cộng bắn trong lúc đang cứu người di tản, việc này làm tôi không còn bình tĩnh nữa. Tôi đã xách khẩu súng lục P38 định bắn vào ổ khóa của nhà tắm khi về đến căn cứ. Nhà tắm này nằm trong cư xá của một số nhân viên cơ hửu đóng tại Phan Rang. Họ đã khóa cửa nhà tắm lại chỉ vì sợ không còn đủ nước khi đơn vị của tôi đến chia xẻ. Đứng trước cửa nhà tắm, tôi giận dữ chửi thề:

“Đ.M. tại sao lại đóng cửa? Có người nào mở ra không?”

Tôi la lớn để mọi người đều nghe. Rất nhiều binh sĩ trong cư xá đó theo dõi hành động của tôi nhưng tất cả đều im lặng. Tôi tức tối nói lớn hơn:

“Được rồi, nếu không ai mở ra, thì tôi sẽ mở.”

Quay vào trong cư xá, tôi lấy khẩu súng lục P38 trở ra. Lần này với một giọng hằn học hơn tôi cảnh cáo:

“Đ.M. có thằng nào chịu mở không?”

Nhiều cặp mắt nhìn tôi chầm chầm, nhưng tất cả vẫn hoàn toàn im lặng. Tôi dí họng súng vào ngay ổ khóa định bóp cò, thì thình lình có người vội vã lên tiếng:

“Anh đừng có bắn, để tôi mở, tại mấy thằng kia nó khóa lại đó.”

Thế rồi anh này vội vã mở cửa nhà tắm ra sau khi đổ thừa là tại một vài người nào đó ích kỷ khóa lại. Lúc đó, tôi thật sự rất cần những gầu nước thật lạnh để gột rửa những tức tối trong lòng mình. Di tản, chết chóc, khổ đau, đói khát.v.v...và sau cùng là đồng đội của tôi đã đổ máu, tôi đã không còn là tôi nữa...

Sau Pleiku, Ban Mê Thuột, rồi đến Quân Đoàn 1 vội vã rút lui. Bây giờ cái lệnh di tản chiến thuật quái đản này thật sự gây hoang mang cho cả mọi người. Làn sóng người hớt hải xuôi nam như một bệnh dịch lan truyền nhanh chóng. Dân và quân không còn niềm tin vào lệnh lạc nữa. Theo tôi nghĩ, mọi người chỉ sợ mình là kẻ bị bỏ rơi, chứ không hẳn là sợ đánh với việt cộng.

Tôi cứ tưởng là lệnh sẽ cho dừng lại tại đây để đánh một trận sống chết với quân thù, nhưng rồi, Qui Nhơn lại được lệnh di tản! Để rồi kể từ đó, Khánh Dương, Tuy Hòa, Nha Trang sụp đổ theo làn sóng người bỏ chạy, trong khi đó Bảo Lộc lại bị áp lực nặng nề và Đà Lạt không còn quân bảo vệ. Tất cả mọi người đều lo di tản về Sài Gòn. Lòng quân và dân hoàn toàn rối loạn. Tin chiến sự thay đổi từng giờ từng phút, ai cũng lo lắng cho gia đình bị bỏ rơi. Phi trường Phan Rang chỉ còn lại những quân nhân thật sự cần thiết để tác chiến. Tất cả gia đình binh sĩ và những phần sở không trực tiếp chiến đấu đều di tản về Sài Gòn. Chiến tranh đã thật sự hiện ra rõ ràng nơi tôi vừa định cư mà thoạt đầu tôi cứ tưởng sẽ là quê hương lâu dài của đơn vị.

Trong một đêm của những ngày cuối cùng tại Phan Rang, tôi đã thao thức và hồi hộp suốt đêm. Tôi sợ rằng, đến sáng hôm sau Đà Lạt sẽ bị mất. Tôi sợ gia đình chị tôi và mấy đứa em đang sống tại thành phố này phải chịu cảnh lầm than như những người di tản trên liên tỉnh lộ 7B. Tôi không theo đạo Chúa hay Phật, nhưng tôi đã cám ơn Chúa Phật rất nhiều vì đến ngày hôm sau, Đà Lạt vẫn chưa lọt vào tay việt cộng. Nhờ chuyến bay của một đơn vị bạn, tôi lên Đà Lạt ngày hôm đó, với ý định: đuổi gia đình bà chị về Sài Gòn bằng mọi giá. Tôi sợ rằng bà chị của tôi không chịu đi vì tiếc rẻ cái tài sản to lớn mà vợ chồng bà khổ công tạo dựng. Tôi sợ lắm vì cảnh đau thương của những người di tản đã hằn sâu vào đầu tôi trong mấy tuần qua. Càng sợ hơn nữa, trước đó vài ngày, lợi dụng một phi vụ lấy tàu từ Nha Trang về Phan Rang, tôi đã lén bay lên Đà Lạt và đáp trên nóc nhà bà chị để báo tin di tản. Cứ tưởng rằng bà chị của tôi hiểu được sự khẩn cấp mà về Sài Gòn, nhưng không ngờ mấy ngày sau, tôi được tin cả gia đình bà ấy vẫn còn ở tại Đà Lạt, chẳng ai đi đâu hết...

Vừa xuống phi trường Cam Ly, tôi tức tốc đến ngay nhà bà chị với quyết định: nếu chị ấy tiếc rẻ cái gì thì tôi sẽ rút súng bắn bỏ cái đó. May mắn thay, ngày hôm đó cũng là ngày bà ấy rời Đà Lạt. Còn lại một người em gái, tôi định đem em về Phan Rang để tìm phương tiện di chuyển, nhưng khi ra đến phi trường Cam Ly, gặp một chuyến C-130 chở người di tản, tôi đã gửi em về thẳng Sài Gòn. Nhìn chiếc C-130 nặng nề cất cánh mang theo người em của mình, tâm tư tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Nhẹ gánh lo gia đình, tôi yên tâm trở về Phan Rang và tự nhủ rằng, dù có phải tử thủ đến giờ phút cuối cùng, tôi cũng không sợ.

Sau cùng, việc đáp phi cơ trên nóc nhà bà chị, đã làm cho chị tôi gặp nhiều rắc rối sau khi việt cộng lên nắm chính quyền. Thật ra tôi cũng không muốn làm vậy, nhưng đâu còn cách nào khác, bởi vì tình hình lúc đó rất hỗn loạn, phương tiện truyền thông rất giới hạn, trong khi chiến sự lại thay đổi từng giờ từng phút !

Rồi thì việc phải đến đã đến, sau khi Khánh Dương mất vào tay việt cộng, Nha Trang bỏ ngỏ, bây giờ Phan Rang là tiền đồn của cuộc chiến. Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được cử ra từ Sài Gòn cùng Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân là hai người chỉ huy bộ tư lệnh tiền phương chống giữ Phan Rang.

Thành phần chống giữ phi trường Phan Rang gồm có Địa Phương Quân, Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Biệt Động Quân. Nhưng thành phần chủ lực thật sự chỉ có Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù. Những đơn vị khác chỉ là những đơn vị được tập họp lại một cách vội vã sau khi di tản từ những nơi khác về.

Không khí chiến tranh càng lúc càng nặng nề. Mọi người chỉ mong rằng mình có thể giữ vững phi trường Phan Rang hầu cản bước tiến của địch quân. Những tin đồn như là: “Ông Thiệu sẽ không bỏ quê hương của ông ta” đã được nhiều người nhắc nhở hầu lấy đó làm niềm tin để sống chết với quân thù.

Phi trường Phan Rang vắng lặng, không một hàng quán mở cửa, không một bóng dáng của gia đình binh sĩ, không khí chiến tranh bao trùm lên mọi cảnh vật. Lác đác một vài chiếc xe cam nhông hối hả chạy qua, một vài binh sĩ gò lưng trên chiếc Honda trong trạng thái vội vã. Tình trạng tiếp liệu cho Phan Rang càng ngày càng eo hẹp. Những đàn bò nuôi trong phi trường lần lượt bị giết để làm lương thực cho quân đồn trú. Tình trạng giết bò này lại không được tổ chức một cách hiệu quả, cho nên nhiều con bò bị giết một cách dư thừa, những con còn lại sợ hãi bỏ chạy tán loạn mỗi khi thấy bóng dáng của người. Tôi đã chứng kiến một con bị giết ngay trước cư xá mình, trong tích tắc, cả một con bò to lớn chỉ còn lại một đống xương và một vũng máu bầy hầy, mùi hôi thối nồng nặc xông lên trong cái nóng hừng hực của Phan Rang đã làm mọi người lo lắng.

Trong nhiều tuần liên tục, chúng tôi sống nương tựa vào gạo sấy thịt hộp, không có đồ ăn tươi. Một vài cái mương trồng rau muống quanh khu gia binh đã bị ngắt ăn hết, ban đầu còn ăn lá, sau đó những cọng già cũng bị ngắt ăn luôn. Vào một buổi ăn với lương khô, tôi vất vả nuốt từng miếng cơm gạo sấy, người xạ thủ của tôi móc trong túi áo bay ra một trái cà chua đưa cho tôi:

“Ông thầy, tôi có cái này nè”

Tôi sáng mắt lên cầm lấy quả cà chua non nhỏ xíu, không do dự, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Thú thật là tôi chưa bao giờ ăn một trái cà mà ngon như vậy. Sau khi nuốt mất trái cà quý báu đó, tôi bèn hỏi:

“Ở đâu mà có vậy?”

“Ở trong khu gia binh đó ông ơi. Tôi tìm thấy một luống cà, nhưng tất cả đều còn non.”

“Bây giờ còn không?” Tôi hỏi.

“Không biết nữa, Ngày hôm qua tôi thấy có mấy người đến hái.”

Sau khi ăn xong, tôi vội vã xách Honda chở Một, tên của người xạ thủ, trở lại khu gia binh kiếm thêm. Khi đến nơi, tất cả những trái cà dù lớn hay bé đều không còn. Cả hai chúng tôi chỉ đành hái lá cà về nấu canh. Ngày hôm sau, tôi và Một trở lại lần nữa, nhưng lần này cả hai đều thất vọng, bởi vì cả luống cà đều trụi lủi, một cái lá cũng không còn.

Vì ăn uống không có chất tươi, tôi đã bị nổi một cái nhọt to tướng ở ngay thắt lưng. Trong lúc tình hình nguy ngập như vậy, cái nhọt trên lưng quả là một điều đáng ngại. Đứng không thẳng, chạy không được, đã làm tôi lo lắng. Tuy nhiên, Một mới chính là người lo lắng nhiều hơn về cái nhọt của tôi. Một đã trông chờ từng giờ từng phút để ra tay tận diệt cái nhọt ấy. Ngày mà trên đỉnh cái nhọt vừa có một đốm trắng nhỏ xíu, là ngay lập tức, Một bắt tôi ngồi lên ghế với lưng quay về phía trước. Hắn ta đã xử dụng hết mười thành công lực để ép cho bằng được cái cùi nhọt ra. Tôi cắn răng chịu đựng sự đau đớn với hai hàng nước mắt tuôn rơi. Xong việc, tôi cảm thấy nhẹ nhõm như không còn cục đá ngàn cân đè ngang thắt lưng. Vận động chân tay để đo lường sự bình phục của mình, nhìn nét mặt lo lắng của Một, tôi cười nói:

“Chắc được rồi, không còn thấy khó chịu nữa.”

Nét mặt của Một lộ vẻ vui mừng:

“Ông thầy mà chạy không được thì phiền lắm đó.”

Một là người cùng quê, học cùng trường với tôi và sau tôi hai lớp. Không ngờ hai đứa lại gặp nhau ở một cái xứ cao nguyên xa lắc xa lơ, để rồi với tình chiến hữu, nghĩa đồng hương, hai chúng tôi đã cùng sống chết bên nhau trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.

Đã mấy ngày liên tục, tụi việt cộng cứ pháo kích ra rả vào phi trường, mọi người đều sống trong tình trạng cảnh giác. Sáng sớm ngày 16 tháng 4 năm 1975, đạn pháo của địch càng lúc càng dồn dập. Tất cả nhân viên của Phi Đoàn 229 đều túc trực ứng chiến tại phi cơ của mình.

Bầu trời ngày hôm đó quang đãng, có thể nhìn xa đến mười cây số. Ngay từ 7 giờ sáng, tiếng súng đạn đã vang dội từ xa. Địch quân đang dàn quân tiến chiếm phi trường. Mấy ngày hôm trước ba chiếc khu trục A1 biệt phái từ Sài Gòn ra yểm trợ Phan Rang, hôm nay chỉ còn lại hai, một chiếc đã anh dũng hy sinh trong trận chiến ngày hôm qua. Hai chiếc còn lại đang quần thảo với địch quân trên bầu trời hướng đông bắc. Tôi say sưa nhìn từng chiếc A1 nghiêng cánh sà xuống như những con đại bàng đang bắt mồi, rồi từng chiếc lại chậm rãi ngóc lên, theo sau là một cột khói dựng lên và sau cùng một tiếng nổ vang rền rung chuyển mặt đất.

Cùng lúc hai chiếc A1 đánh bom, bốn chiếc trực thăng võ trang của Phi Đoàn 229 và Phi Đoàn 235 thay phiên nhau nhả từng loạt đạn và rocket ngăn chận sự tiến quân của việt cộng. Tiếng rống vang lên từ mấy khẩu mini gun của trực thăng võ trang càng lúc nghe càng gần. Khi vỏ đạn từ những khẩu súng này rớt trên phi đạo tạo thành những tiếng kêu rổn rảng thì thình lình tôi nghe một âm thanh xì xèo xé gió. Kinh nghiệm chiến trường cho biết là một trái đạn pháo kích của địch đang rớt vào vị trí của tôi. Mọi người nhanh nhẹn nằm xuống để tránh sự tàn phá. Một tiếng nổ long trời cách tôi chừng ba mươi thước, quả đạn này trúng vào ụ đổ xăng của trực thăng, đồng thời làm cho Tuấn, người Trưởng Phi Cơ của chiếc trực thăng đậu trước mặt tôi bị thương nặng.

Cũng xin nói qua một ít về người phi công với nhiều đặc điểm khác người này: Th/Úy Nguyễn BửuTuấn.

Tuấn là đàn em của tôi ở quân trường Thủ Đức, nhưng là đàn anh của tôi ở trường bay. Cả hai chúng tôi phục vụ cùng một đơn vị ở Cần Thơ khi về nước và cùng đổi ra Phi Đoàn 229 Pleiku năm 1974.

Hắn ta rất đẹp trai, trắng trẻo như con gái, ăn nói nhỏ nhẹ nên nhiều người tưởng Tuấn là một người nhút nhát. Lầm, ngược lại Tuấn là một hoa tiêu rất bình tĩnh và lỳ lợm.

Năm 1971, trong lúc Phi Đoàn 219 chuyển sang bay UH, tôi và Tuấn biệt phái thay thế đơn vị này để đổ Lôi Hổ ở Lộc Ninh. Tuấn là Hoa Tiêu Chánh, tôi là Hoa Tiêu Phó. Mặc dù mặt mũi non choẹt, nhưng Th/Úy Tuấn đã chứng tỏ đầy đủ bản lãnh với phi công của hai chiếc trực thăng Cobra khi những chiến sĩ đồng minh này yểm trợ chúng tôi vào tận mật khu việt cộng ở tỉnh Kratie bên xứ Chùa Tháp. Mặc dù có tài, nhưng cuộc đời binh nghiệp của Tuấn không may mắn: từ ngày về nước mang lon Th/Úy, cho đến tàn cuộc chiến, Th/Úy Tuấn vẫn là Th/Úy Tuấn, không lên một cấp nào cả!

Đối với Tuấn, súng đạn không phải là thứ làm hắn ta hoảng hốt. Trong lúc mọi người tìm chỗ trú ẩn vì đạn pháo kích của địch, hắn ta vẫn bình thản ngồi khảy đàn trên sàn phi cơ của mình, chỉ tiếc rằng, lần này súng đạn không tránh hắn nữa!

Sau tiếng nổ kinh hồn và lửa bốc lên vì trúng ụ xăng, tiếng ồn ào phát ra từ phi cơ của Tuấn, một mảnh đạn pháo kích đã đâm vào lưng làm Tuấn gục xuống, máu tuôn ra ướt đẫm áo bay. Cây đàn đã rời tay Tuấn nằm nghiêng ngửa trên mặt đất...Vì vết thương của Tuấn quá nặng, Tr/Úy Xủi, người Trưởng Phi Cơ của chiếc trực thăng đậu bên cạnh vội vã cất cánh mang Tuấn về Phan Thiết cứu cấp...

Cũng may, người hoa tiêu tài hoa, lỳ lợm, nhưng thiếu may mắn này chỉ gục một lần, không chết, vẫn đứng dậy hiên ngang cất tiếng hát: “Anh không chết đâu em, anh chỉ vừa ngủ gục đêm qua...” Sau cuộc chiến, Th/Úy Tuấn một lần nữa thoát khỏi ngục tù cộng sản và định cư ở cái xứ “Down Under,” để rồi trong lúc trà dư tửu hậu, chàng có dịp kể lại những oai hùng đời lính cho con cháu mình nghe: chuyện của Tuấn, một chàng trai nước Việt...

Sau khi trái đạn làm cháy ụ đổ xăng, địch quân càng pháo kích nhiều hơn. Súng đạn nổ vang trời, địch quân quá đông và tràn ngập phi trường. Những con chim sắt của Phi Đoàn 229 đành đoạn lìa tổ để tránh xa vùng lửa đạn. Phan Rang đã mất!

Tôi bàng hoàng! Vẫn không tin là sự thật!

Tôi nghĩ là mình có thể giữ được Phan Rang, nhưng tôi đã lầm, trận chiến đã quyết định kể từ khi cái lệnh di tản chiến thuật quái đản ban ra! Một cái lệnh đã làm tan rã ý chí chiến đấu của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa !!!

Tôi không hèn đến nỗi phải bỏ chạy.

Đồng đội của tôi cũng không hèn đến nỗi phải bỏ chạỵ Chiến tranh đã bao nhiêu năm rồi, người lính miền nam có bỏ chạy đâu? Tại sao bỗng dưng lại bỏ chạy?

Tới bây giờ tôi vẫn không có câu trả lời một cách xác đáng. Tuy nhiên tôi biết là những người lính như tôi không hèn nhát buông súng trước kẻ thù. Bằng chứng:

Trong một chuyến bốc quân và dân di tản từ Ban Mê Thuột về Khánh Dương, tôi đã chửi thề khi thấy một Ông Đại úy Biệt Động Quân trong đó:

“Đ.M. mấy cha đánh giặc gì mà cứ bỏ chạy?”

Tôi đã gặp phải phản ứng giận dữ của Ông Đại Úy này:

“Đ.M. tụi này đang chiếm lại Ban Mê Thuột thì có lệnh rút lui.”

Lúc đó tôi ngạc nhiên, linh cảm một việc trọng đại sắp xảy ra. Nhưng sau đó tôi mới hiểu được những uất hận của một người lính cầm súng mà không được quyền chống trả. Tôi nợ một lời xin lỗi với Ông Đại Úy Biệt Động Quân này.

Than ôi! Vận nước bấp bênh từ đây!

Mùa quốc hận 2011

Lạc Long Huỳnh Quốc Phú



Saturday, October 8, 2016

Biên Bản Buổi Họp

KHUNG TRỜI CŨ, NÚI SÔNG XƯA

Ngày 30 tháng 9 năm 2016, lúc 6:30pm, tại tư gia KQ Võ Ý

I/ Thành phần tham dự: 10 người. Gồm các KQ sau:

KQ Võ Ý, KQ Lê tuấn Đạt, KQ Nguyễn trọng Lễ, KQ Lê văn Sáu, KQ Nguyễn Thành Trung (mọi), KQ Huỳnh Công Đáng, KQ Trần Duy Đức, KQ Đỗ Văn Khanh, KQ Nguyễn văn Minh, chị Giang Thanh (hiền nội Lạc Long Ngọc Đỉnh) và một thân hữu, chị Thu Đào, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Phố Núi Pleiku.

II/ Nghị trình:

  1. Chủ đề ngày Hội Ngộ: KHUNG TRỜI CŨ, NÚI SÔNG XƯA được anh em trong BTC đồng ý cho chủ đề ngày hội ngộ SĐ6KQ.
  2. BTC quyết định mướn ban nhạc full band.
  3. Sẽ in 100 thiệp mời & 600 vé. (KQ Võ Ý)
  4. Gởi thiệp mời đến tất cả quả phụ SĐ6KQ, các NT, các nhân vật cộng đồng & Truyền thông địa phương.
  5. Quà kỷ niệm cho các quả phụ tham dự hội ngộ.
  6. Sẽ có Thư Mời (trên trang blog) dành cho các KQ tại Việt Nam dùng để đi phỏng vấn sang CA tham dự Hội Ngộ SĐ6KQ.
  7. Trong chương trình đêm Hội Ngộ có phần tưởng niệm đồng đội đã ra đi: (Võ Ý & Giang Thanh & Minh)
    • Nhạc nền: Hãy thắp cho anh một ngọn đèn (Nguyễn đình Toàn).
    • Nến điện cho hội trường lúc tưởng niệm (Voy).

III/ Ban tiếp tân:

  1. Trưởng ban: KQ Nguyễ trọng Lễ, KQ Lê tuấn Đạt cùng quý chi thuộc SĐ6KQ
  2. BTT phụ trách: Ghi danh, thu tiền, phát vé, hướng dẫn chỗ ngồi…
  3. Sắp xếp chỗ ngồi: KQ Trương văn Huệ. (phụ tá Lê Văn Sáu, Nguyễn Trọng Lễ, Lê Tuấn Đạt)
  4. Slice show: KQ Nguyễn Thành Trung (mọi)
  5. MCs: Lạc Long Nguyễn Đình Minh và chị Thu Nguyệt (hiền nội Bắc Đẩu Đinh Đức Bản). Đề nghi Thái Dương Trương Minh Ẩn đảm trách Stage Manager.
  6. Giới thiệu Quan khách: NT KQ Nguyễn Cầu (Khóa 53KQ) & KQ Võ Ý.
  7. Trang trí: Phan Khánh Vân, Vũ Đức Định, Tiêu Hồng Phước, Nguyễn Văn Hồ, Ngô Thế Khanh.
  8. Các banners cho Hội Ngộ do Võ Ý phát thảo, hỏi ý kiên BTC trước khi in.

IV/ Ban văn nghệ:

KQ Trần Duy Đức, chi Giang Thanh & MC’s cùng phối hợp

V/ Linh tinh:

  1. Lac long Huỳnh Công Đáng tăng BTC $1000.00 để mướn full band.
  2. Chị Thu Đào ( Hội trưởng Hội Phố núi ) tặng mỗi bàn một chai rượu vang.
  3. Lạc Long Ngọc Đỉnh & Giang Thanh ủng hộ vải may 12 áo dài đồng phục cho Ban Tiếp Tân SĐ6KQ.

Buổi họp kết thúc lúc 9:30PM

Thư ký ghi chép:
KQ Lê văn Sáu



Dã Quỳ Vàng

Thơ Long Võ

Ước gì trồng được ở đây em nhỉ
Dã quỳ vàng phố núi Pleiku
Loài hoa hoang dã của xứ sương mù
Đã lâu lắm rồi anh không nhìn thấy

Kỷ niệm xưa đang tràn về bừng cháy
Của một thời anh khoác áo chinh nhân
Ngắm hoa mà lòng cảm thấy bâng khuâng
Trước vẻ đẹp của thảm vàng bất tận...

Mỗi chuyến bay là mỗi lần ra trận
Không biết mình còn sống đến ngày mai?
Chiến trường nơi đây khốc liệt, giằng dai
Kiếp sống mong manh như cánh Quỳ trước gió

Làm sao quên được những ngày tháng đó
Nhìn áo em bay anh chạnh nhớ màu vàng
Của loài hoa dại mọc trên những đồi hoang
Thật quyến rũ, thật dịu dàng của Phố Núi

Long Võ



Sunday, October 2, 2016

Thư Mời

Gởi Căn Cứ 60 Chiến Thuật Phù Cát

Người Lính Già Phù Cát trân trọng kính mời
Ba Không Đoàn tại Căn Cứ 60 Chiến Thuật Phù Cát tham dự HỘI NGỘ SĐ6KQ.
Ba Không Đoàn (KĐ) đó là:

I-KĐ 82 Chiến Thuật


  • Đại Tá Nguyễn Văn Trương: Không Đoàn Trưởng;
  • Trung Tá Nguyễn Kim: Không Đoàn Phó.
  • Phòng Huấn Luyện: Thiếu tá Lê Ngọc Yên
  • Phòng An Phi: Thiếu tá Nguyễn Văn Xuân
  • Phòng Hành Quân Chiến Cuộc: Thiếu tá Võ Ngọc.

Các Phi Đoàn trực thuộc là:

  • Phi Đoàn 427, Thiếu Tá Cần, (*)
  • Phi Đoàn 429, Trung Tá Cung Thăng An (*)
  • Phi Đoàn 431, Trung Tá Nguyễn Viết Xương (*)
  • Phi Đoàn 532, Trung Tá Lê Trai & Trung Tá Lê Tuấn Đạt
  • Phi Đoàn 243, Trung Tá Huỳnh Văn Bông, PĐT; Thiếu tá Trần Tấn Định PĐP.
  • Phi Đội Hắc Sư, Thiếu Tá Hoàng Thạch Đỉnh.
  • Phi Đoàn 421 Chinook, Trung Tá Đỗ Văn Hiếu.

Ghi chú: (*) Các Phi đoàn Caribou C7A sau nầy dời về Đà Nẵng & Tân Sơn Nhứt

II- KĐ Yểm Cứ Phù Cát (Không còn ai trong bộ chỉ huy)


  • Liên Đoàn Phòng Thủ: Trung tá Nguyễn Văn Hai
  • Đoàn Phòng Vệ: Thiếu tá Đoàn Đức Long
  • Đoàn Quân Cảnh: Thiếu tá Nguyễn Văn Bé
  • Phòng Nhân Viên: Thiếu tá Tôn, sau được thay thế Đại úy Giản
  • Phòng An Ninh: Trung Tá Nguyễn Xuân Hy.
  • Tình Báo Lãnh Thổ: Trung úy Nguyễn Diệp
  • Quân Y: Y Sĩ Đại Úy Lê Khắc Bình
  • Tài Chánh: Trung úy Trương Tấn Thảo
  • Phòng Chiến Tranh Chính Trị: Võ Văn Thi và Đinh Sinh Long
  • Phòng Huấn Luyện: Trung Tá Hiển
  • Phòng Truyền Tin: Đại úy Thọ.

III- KĐ Bảo Trì & Tiếp Liệu, Trung Tá Phùng Văn Đắc, XLTV KĐT


  • Liên Đoàn Tiếp Liệu: Trung Tá Phùng Văn Đắc.
  • Liên Đoàn Bảo Trì: Thiếu Tá Quân & Thiếu Tá Trí.
  • Liên Đoàn Vũ Khí Đạn Dược: Trung Úy Trọng & Trung Úy Bi
  • Đoàn Trang Cụ Điện Tử Phi cơ: Thiếu Úy Nguyễn Kỳ Chi.
  • Đoàn Bảo Trì Phi Đạo: Trung Úy Nguyễn Quốc Kỳ

IV- Các bà Quả Phụ

Và xin trân trọng kính mời các Bà Quả Phụ sau đây:
  • Bà Quả Phụ Cố Đại Tá Phạm Hữu Phương, KĐT YC.
  • Bà Quả Phụ Cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Thân, PĐT 243.
  • Bà Quả Phụ Trung úy Hà Thanh Tâm
  • Bà Quả Phụ Cố Thiếu Tá Nguyễn Hữu Nghề.

Và còn nhiều các bà Quả Phụ khác, xin các anh em bổ túc thêm để Ban tổ chức gởi giấy mời tham dự.

Thông báo các KĐ để chuyển lời mời các anh em cùng gia đình tham dự ngày Hội Ngộ SĐ6KQ cho đông đủ cùng góp chuyện hàn huyên trong thời khói lửa binh đao, gợi lại những kỷ niệm vui buồn của thời chinh chiến xa xưa.

Xin click vào link dưới để ghi danh:

GHI DANH THAM DỰ HỘI NGỘ SĐ6KQ

Click vào link dưới để xem danh sách đã ghi danh tham dự tính đến hôm nay:

Danh Sách Đã Ghi Danh

Người Lính Già Phù Cát.
Đ/T Nguyễn Hồng Tuyền,
CHT CC60CT