Wednesday, May 31, 2017

Phi Vụ Hành Quân Cuối Cùng Của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư


MS Lê Văn Sáu

       Ngày 31 tháng 3 năm 1975 là ngày chiến đấu kiên cường của Sư Đoàn 22 Bộ Binh nhằm giải tỏa áp lực địch trên toàn lãnh thổ tỉnh Bình Định đang ồ ạt tấn công về thành phố Qui Nhơn và đó cũng là ngày đau buồn của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư chúng tôi vì một phi hành đoàn trực thăng võ trang đã lâm nạn trong phi vụ cuối cùng yểm trợ hỏa lực, bảo vệ trực thăng tiếp tế đạn dược cho Trung Đoàn 42 (SĐ22BB), đã nằm lại mãi mãi trên mảnh đất Bình Khê thân yêu.

       Lúc 8 giờ sáng tất cả quân nhân tại Căn Cứ 60 Chiến Thuật Không Quân Phù Cát nhận được lệnh sẵn sàng di tản về phi trường Phan Rang để tái phối trí, lập vành đai bảo vệ Sài Gòn. Trong khi đó các phi tuần A37 (PĐ 532 Gấu Đen) cùng với trực thăng võ trang của Phi Đoàn 243 thay phiên nhau quần thảo hướng Tây Bắc phi trường để sẵn sàng oanh kích và tác xạ các ổ phòng không hay các tụ điểm hỏa tiễn 122 ly của địch đang hướng về phi trường Phù Cát, hầu tạo được một vòng đai bảo vệ an toàn cho các phi cơ C130 đáp và cất cánh chở người di tản.

       Về phía Sư Đoàn 22 Bộ Binh trú đóng đại bản doanh tại Căn Cứ An Sơn cũng nhận được lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hành Quân Mặt Trận Bình Định, điều động Sư Đoàn về phòng thủ Qui Nhơn. Cả ba trung đoàn lúc đó đều đang giao tranh khốc liệt với địch quân. Hướng Bắc tỉnh Bình Định thì Trung Đoàn 47 BB đang giữ nhiệm vụ bảo vệ Quốc lộ số 1 và các quận phía Bắc đang bị Việt Cộng tràn về sau khi Đà Nẵng và Quảng Ngãi thất thủ. Về hướng Tây thì Trung Đoàn 41 BB và Trung Đoàn 42 BB cũng đang bị áp lực nặng nề của hai Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt khi Sư Đoàn 3 Sao Vàng đang bôn tập từ mật khu An Lão và mật khu Vĩnh Thạnh tiến về bao vây Trung Đoàn 41 BB tại Phú Phong trong khi đó Sư Đoàn 968 Việt Cộng đang từ An Khê tiến về bao vây căn cứ Lai Nghi của Trung Đoàn 42 BB.

       Với lối tấn công cường tập, dùng chiến thuật biển người, cộng quân đã không ngần ngại đánh đổi mạng sống của các cán binh CS với mục đích tràn ngập căn cứ Lai Nghi của Trung Đoàn 42 BB hầu chiếm Quốc lộ 19 để địch quân cùng chiến xa dễ dàng tiến quân về thành phố Qui Nhơn.

       Lúc 9 giờ sáng, Phòng Hành Quân Chiến Cuộc (Căn Cứ 60 Chiến Thuật KQ Phù Cát) ra lệnh điều động một phi vụ hành quân cho Sư Đoàn 22 BB gồm một trực thăng tiếp tế và hai trực thăng võ trang yểm trợ.

  Các trưởng phi cơ gồm có:
  - Trực thăng tiếp tế là Đại úy Phan Đình Khoa.
  - Trực thăng võ trang số 1 là cố Đại úy Nguyễn Văn Hải.
  - Trực thăng võ trang số 2 là Trung úy Nguyễn Văn Long.

       Tại Căn Cứ An Sơn, phi hành đoàn nhận được lệnh hành quân là chở một tàu đạn súng cối để tiếp tế cho quân trú phòng tại Căn Cứ Lai Nghi của Trung Đoàn 42 BB có đủ đạn để các chiến sĩ mở một đường máu để rút về Qui Nhơn.

       Đơn giản thế thôi. Nhưng với kinh nghiệm chiến trường của các hoa tiêu trực thăng thì phi vụ này vô cùng khó khăn và nguy hiểm, lành ít dữ nhiều vì với cấp số hai sư đoàn cộng sản Bắc Việt được trang bị ̣những dàn phòng không 37 ly và cả hỏa tiễn tầm nhiệt SA7. Hiện tại thì địch quân đã chiếm các cứ điểm quan trọng và tràn ngập các vùng thuộc hai quận An Nhơn và Bình Khê về hướng Tây và Tây Nam phi trường Phù Cát cho nên các trực thăng vào vùng mà không biết các ổ pháo phòng không nằm ở vị trí nào, nhất là các hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 vác vai là loại vũ khí khắc tinh rất nguy hiểm cho các trực thăng.

       Một điều đặc biệt nữa là chính đích thân Tư lệnh phó SĐ22BB là Đại tá Lều Thọ Cường ra tận tàu để dặn dò với Đại úy Phan Đình Khoa, trưởng phi cơ trực thăng tiếp tế. Ông gởi niềm tin vào phi hành đoàn: “Các em cố gắng giúp Sư Đoàn. Anh em ở Lai Nghi rất cần số đạn súng cối này để mở đường máu ra Quốc lộ 19 để rút về bảo vệ Qui Nhơn ngay trong đêm nay”. 

       Ba chiếc trực thăng trực chỉ về hướng Tây như những cánh chim đơn độc bay vào vùng gió bão. Nhưng không, lúc này không phải một trận cuồng phong bình thường mà đó là một lưới lửa dày đặc đan kín bầu trời từ các dàn phòng không của Cộng quân khi thấy ba chiếc trực thăng xuất hiện và định mệnh đã an bài khi một tia lửa từ hỏa tiển tầm nhiệt SAxẹt lên trời, trúng ngay chiếc trực thăng võ trang số 1 trong đó gói trọn cả phi hành đoàn lâm nạn gồm:

  - Trưởng phi cơ         Cố Đại uý          Nguyễn Văn Hải.
  - Hoa tiêu phó           Cố Trung uý      Lê Minh Hải.
  - Cơ khí phi hành      Cố Thượng sĩ    (không nhớ họ) Hải.
  - Xạ thủ phi hành      Cố Trung sĩ       Phạm Văn Thiện.

     Biết không thể hoàn tất phi vụ vô cùng bất trắc và nguy hiểm này vì không thể nào đến được mục tiêu mà không bị thêm tổn thất cho nên hai chiếc trực thăng còn lại áp dụng phương thức khẩn cấp bay thấp để về lại phi trường Phù Cát mà trong lòng mang nặng một nỗi ngậm ngùi khi chính mắt nhìn thấy chiếc trực thăng lâm nạn quay vòng như chiếc lá, rơi xuống đất tan tành nghi ngút khói, gói trọn hình hài của cả phi hành đoàn mà các anh không thể nào tiếp cứu được.

     Biết rằng khi chọn ngành phi hành là chấp nhận “ra đi không ai tìm xác rơi” nhưng trong hoàn cảnh bất lực này khi hai cánh chim đơn độc đang tìm cách bay ra khỏi bầu trời ngập tràn lưới lửa phòng không, không thể giúp được gì hơn quân bạn dưới đất và các chiến sĩ bộ binh cũng đang phải tự cứu mình giữa hai bờ sinh tử. Xót xa tận cùng vì lực bất tòng tâm.

     Sở dĩ chúng tôi nêu tên các phi hành đoàn vì với thời gian trôi qua anh linh những người hy sinh cũng đã tiêu diêu trong cõi hư vô trong khi đó các không quân còn sống trong phi vụ cảm tử đó vẫn ám ảnh trong giấc mơ khi nhìn thấy lại cảnh con tàu lâm nạn và thở dài khi mình đã bất lực không thực hiện được trọn vẹn lời thề quân chủng “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”...

       Rồi 42 năm trôi qua. . . 

       Sau ngày quốc nạn, anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư lưu lạc bốn phương nhưng trong lòng mọi người vẫn mang một nỗi ngậm ngùi khi tưởng nhớ đến các anh trong phi hành đoàn lâm nạn đã anh dũng hy sinh vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến đấu bảo vệ chính nghĩa tự do nhưng không có cơ hội nhận được một ngân khoản tử tuất nào cùng vòng hoa “Tổ Quốc Tri Ân” trước quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ và nhất là gia đình vẫn không biết các anh đã mất tích hay lưu lạc phương nào. Còn nếu đã hy sinh thì cũng không biết các anh đã tử trận ngày giờ nào để biết mà lo bề thờ tự.

       Sau nhiều năm tìm kiếm khắp nơi, Phi Đoàn 243 Mãnh Sư đã tìm được chị Nguyễn Thị Thơm là vợ của cố Mãnh Sư Nguyễn Văn Hải đang định cư cùng con gái tại Úc. Chị đã qua Hoa Kỳ tham dự hai lần họp mặt của phi đoàn và sẽ tham dự Đêm Hội Ngộ SĐ6KQ do BTC mời.

       Với những cố gắng tìm kiếm thân nhân của các nhân viên phi hành còn lại trong phi hành đoàn lâm nạn thì trong những ngày gần đây (tháng 4 năm 2017) các anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư ở Việt Nam đã tình cờ tìm được tin tức của thân nhân cố Mãnh Sư Phạm Văn Thiện hiện đang cư trú tại Cần Thơ.

      Chúa nhật ngày14 tháng 5 năm 2017, các anh em đã về Cần Thơ để cố tìm gặp thân nhân của Thiện nhưng một lần nữa chúng tôi lại nghe thêm một tin buồn là vợ của Thiện sau những ngày mòn mỏi ngóng trông tin tức của chồng cùng nỗi thống khổ ngặt nghèo của cuộc sống dưới chế độ hà khắc của Cộng Sản, chị cùng đứa con gái thân yêu lưu lạc bốn phương để tìm kế sinh nhai và cuối cùng lâm trọng bệnh đã gởi thân xác tại mảnh đất Cần Thơ.

       Các anh em Phi Đoàn 243 ở VN đã trích một số tiền quỹ do anh em Phi Đoàn 243 hải ngoại gởi tặng để giúp đỡ thân nhân của Thiện. Với chút quà nhỏ “lá lành đùm lá rách” của anh em phi đoàn ở hải ngoại gởi cho hàng năm thì nay anh em ở VN mở lòng với một nghĩa cử cao đẹp hơn “lá rách đùm lá tả tơi” khiến cho con gái của Thiện là cháu Phạm Thanh Lan hiện có chồng và hai đứa con gái mừng rơi nước mắt. Cháu đang làm công nhân với đồng lương ít ỏi nên cuộc sống rất khó khăn. Anh em muốn cháu cho một địa chỉ chính xác để anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư gởi chút ít hiện kim để cháu trang trải cuộc sống nhưng cháu bùi ngùi tâm sự vì đồng lương ít ỏi nên gia đình cháu chỉ đủ tiền mướn phòng trọ. Nơi nào phòng trọ ̣cho mướn rẻ thì cháu chọn làm nơi trú ngụ. Mọi sự giúp đỡ của ân nhân cháu nhờ các anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư ở Việt Nam nhận lãnh giùm cho cháu.

       Nay chúng tôi gởi bài viết này gói trọn nội dung như một lá Thư Ngỏ đến toàn thể các niên trưởng và anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư và Phi Đội 259A Nhân Ái hải ngoại biết tin để cùng chung tay đóng góp ít nhiều giúp cho gia đình con gái của cố Mãnh Sư Phạm Văn Thiện trang trải cuộc sống khó khăn này. Đó cũng là một phần tưởng nhớ đến hương linh một chiến hữu của phi đoàn đã hy sinh trong phi vụ hành quân cuối cùng của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư.

       Ngoài ra nếu các ân nhân nào đọc được Thư Ngỏ này của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư chúng tôi, có lòng hảo tâm muốn đóng góp chút ít quà tình nghĩa cho con gái của cố Mãnh Sư Phạm Văn Thiện thì xin gởi ngân phiếu về địa chỉ:

Lê Văn Sáu
11554 Azalea Ave.
Fountain Valley, CA 92708
Memo: giúp cô nhi Phạm văn Thiện

Xin trân trọng cám ơn
Phi Đoàn 243 Mãnh Sư

Tuesday, May 23, 2017

Mùa Thu Paris (Cung Trầm Tưởng & Phạm Duy)

Thơ: Cung Trầm Tưởng

Nhạc: Phạm Duy

Hát: Ý Lan

Thực hiện & Dàn dựng: Hoàng Khai Nhan


Click on the video above to play!
It's best if you can play it on a 4K TV or monitor.
Click on Subscribe (a little red button on lower right corner of the video)
if you wish to receive notification
each time Hoàng Khai Nhan's Channel has a new song published.


Mùa Thu Paris


Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly

Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu

Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì

Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời

Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù

Mùa thu!... Trời ơi! Tình thu!

Cung Trầm Tưởng

Click vào link dưới để đọc thêm về...

Cung Trầm Tưởng – Wikipedia tiếng Việt



Tình Bạn Khu Trục

Huy Sơn

Như những tù nhân khác, Tuấn ăn uống không đủ chất dinh dưỡng nên cơ thể bị kiệt quệ và thân hình trông rất tiều tụy. Vẻ cao ráo, bảnh trai của anh trước đây đã mất, nay chỉ còn da bọc xương. Nhắc về sự bảnh trai của anh thì phải nói là  hiếm có, anh em cùng đơn vị rất hãnh diện về anh, mỗi lần có chào cờ hay những buổi lễ long trọng, anh đều được đề nghị đứng hàng đầu, trông rất oai nghiêm, không hổ danh là một chiến sĩ Không Quân được tuyển chọn kỹ càng. Ngoài ra, anh còn được lọt vào đôi mắt xanh của một hoa khôi trường Trưng Vương, họ lấy nhau hơn một năm thì hạ sinh người con trai đầu lòng, trông rất kháu khỉnh. 

Khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, anh bay sang Thái Lan lánh nạn và từ đó anh được chính phủ Hoa Kỳ chuyển đến căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam. Tại đây trong lúc đang đứng xếp hàng ăn cơm tối, anh được người bạn cùng đơn vị đến gần, dúi cho một mảnh giấy gồm mấy hàng chữ "Trong giây phút cấp bách, chúng mình đã phải ra đi, bỏ lại vợ con. Sáng mai có chuyến tàu Thương Tín rời đây, đưa những ai muốn trở lại Việt Nam. Tao đã nghĩ kỹ rồi, những ngày tháng tới, tao không thể tiếp tục sống thiếu trách nhiệm, bỏ vợ con bơ vơ nơi quê nhà được. Tao nhất quyết phải về! Cho dù chỉ gặp những người thân yêu một lần và sau đó số mạng của tao có ra sao, tao cũng chấp nhận... Mày có muốn thì gặp tao sáng mai, càng sớm càng tốt".

Sự suy nghĩ và đánh giá về những người Việt Cộng của hai viên phi công lỡ vận đã hoàn toàn trái ngược. Theo tàu Thương Tín đi về và kết qủa họ bị nhà Nước đưa thẳng ra Bắc, giam giữ tại trại tù Yên Bái, nơi nổi tiếng từ lâu là chỗ "danh lam chướng khí, rừng thiêng nước độc".

Vào một buổi sáng, trong khi các tù nhân tập họp, sẵn sàng đi làm lao động, người cán bộ Quản Giáo nói với người Đội Trưởng để Tuấn ở lại trại làm việc. Anh thất thểu theo người cán bộ mà trong lòng phân vân, lo lắng không biết chuyện gì sẽ xẩy đến cho mình. Trong gian phòng nhỏ, người cán bộ ngồi đối diện Tuấn, soi mói nhìn anh và hất hàm hỏi:
  • Khi xưa anh là giặc lái, vậy anh có nhận ra người trong ảnh này là ai không?
Nhìn tấm ảnh nhỏ bán thân trên giấy chứng chỉ tại ngũ, đã phai mờ theo năm tháng, Tuấn nhận ngay ra người ấy là bạn cùng khoá học bay A-37 với mình nhưng anh cố làm ra vẻ thản nhiên, lạnh lùng trả lời:
  • Thưa cán bộ, tôi không biết.  
Người cán bộ trầm ngâm, hồi tưởng lại qúa khứ của mình, giọng trầm buồn kể:
  • Anh biết không! Các anh đã được Nhà Nước khoan hồng lắm đấy... cái khổ cực hiện tại của các anh bây giờ chẳng thấm béo nếu so sánh với cái khổ của chúng tôi khi xưa, thời gian chúng tôi vượt Trường Sơn vào Nam. Chúng tôi ngày nghỉ, đêm đi, cứ như thế dòng dã cả tháng trời, lúc nào cũng lo ngay ngáy B-52 đến thả bom. Ôi! thật là kinh hoàng mỗi khi bị trận mưa bom. Chúng tôi nếu may mắn     không chết thì cũng bị tức ngực hay lãng tai.
Người cán bộ ngừng vài giây, rồi kể tiếp:
  • Tháng trước ngày đại thắng miền Nam, tôi đang ở trong tổ Phòng Không, có nhiệm vụ bảo vệ cây cầu huyết mạch trên quốc lộ Số 1, để đoàn quân có thể di chuyển tiến chiếm tỉnh Khánh Hoà. Bỗng có hai chiếc phản lực cơ bay đến thả bom, cố phá hủy cầu. Mỗi lần họ nhào xuống tôi đều khai hỏa, bắn chận nhưng không trúng. Kết quả chiếc cầu bị xập và người tôi bị trúng mảnh bê tông của chiếc cầu, máu me đầy mình. Ngay lúc đó tôi không hiểu sao một trong hai chiếc A-37 quành lại sau khi đã rời mục tiêu và chúi xuống nhả ra những tràng đạn liên thanh nhắm bắn chỗ tôi đặt súng. Tôi hoảng quá, lúc đó tôi không có chọn lựa nào khác là liên tục bóp cò bắn trả lại vì tôi và khẩu súng bị gắn liền với nhau bằng một sợi giây có khoá. May quá lần này chiếc máy bay bị trúng đạn và cắm thẳng xuống vũng nước cạnh chân cầu. Tôi lấy cái ví trong túi áo bay của anh và chôn xác anh ở gốc cây gần đấy.  
Nãy giờ Tuấn im lặng ngồi nghe và cố gắng đè nén cảm xúc của mình về người bạn đã  hy sinh thân xác cho Tổ Quốc vào những ngày cuối của cuộc chiến.

Đêm hôm đó Tuấn nằm trằn trọc, nhớ đến Hùng, người bạn đậu Thủ Khoa cùng khoá học bay, tánh tình hiền lành, anh em ai cũng mến. Sau ngày hồi hương  anh được bộ Tư Lệnh Không Quân ưu tiên bổ nhiệm về phục vụ một phi đoàn A-37 tại căn cứ Không Quân Cần Thơ trong khi các anh em khác phải bắt thăm cho đơn vị mới của mình. Sau đó anh lại đổi cho người bạn, về phục vụ phi đoàn A-37 đồn trú tại căn cứ Không Quân Phan Rang vì lý do gia đình của anh cư ngụ tại thành phố này. Tuy là phi công trẻ trong phi đoàn, nhưng nhờ vào sự siêng năng học hỏi những kinh nghiệm bay bổing của các bậc đàn anh, Hùng đã mau chóng trở thành một trong những phi công xuất sắc được các bạn nể phục.

Hơn bẩy năm chịu đựng tù đày, Tuấn được xuất trại và trở về Sài Gòn. Lúc đó anh mới biết là vợ và con anh đã bị mất tích trong chuyến vượt biên sang Thái Lan bằng con tầu nhỏ, chở quá tải. Anh rất đau khổ, nỗi đau này còn lớn hơn nỗi đau trước đây khi bị đi tù.

Sau hơn ba năm sang Mỹ theo diện H.O. Tuấn làm việc siêng năng và dành dụm được một số tiền, đủ chi phí hướng dẫn vợ và con gái của Hùng về Việt Nam kiếm xác chồng và cha. May mắn, mọi việc đã xảy ra tốt đẹp, toán người đã đào thấy xương cốt của Hùng, họ tẩm liệm kỹ càng và đưa sang Hoa Kỳ.

Khi linh cữu của Hùng vừa được máy bay chở đến phi trường quốc tế Los Angeles thuộc tiểu bang California, tại đây đã có số đông anh em cùng quân chủng Không Quân V.N.C.H. đứng chào và làm lễ Phủ Cờ cho Hùng, người anh hùng Phi Công đã Vị Quốc Vong Thân.

Huy Sơn

Saturday, May 13, 2017

Lệ Đá (Trần Trịnh & Hà Huyền Chi)

Nhạc: Trần Trịnh

Lời: Hà Huyền Chi

Hát: Khánh Ly

Thực hiện & Dàn dựng: Hoàng Khai Nhan



Click on the video above to play!
It's best if you can play it on a 4K TV or monitor.
Click on Subscribe (a little red button on lower right corner of the video)
if you wish to receive notification
each time Hoàng Khai Nhan's Channel has a new song published.





Vài Dòng Về "Lệ Đá"


Hà Huyền Chi

Lệ Đá trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của Trần Trịnh mới đúng. Do một cơ duyên đặc biệt Trung sĩ Nguyễn Văn Đông chơi Clarinet giới thiệu Trần Trịnh với tôi:

- Nhạc Trần Trịnh khá lắm nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần đặt lời ca giùm cho nó.

Tôi rất cảm mến Đông nhưng liền lắc đầu:

- Em biết là anh vốn mù nhạc mà!

Đông tha thiết:

- Em biết chứ nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.

Đông cười hiền:

- Xin anh giúp cho. Em nghĩ là sẽ có cách...

Tôi thẳng thắn đặt điều kiện:

- Nể thằng em coi như tôi thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán (chồng Pianist ca sĩ Quỳnh Giao)


Nhạc Sĩ Trần Trịnh


Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Độị Trần Trịnh ngồi vào Piano. Và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ rất Pianissimo ấy, Melody thật tha thiết ngọt ngào bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Sau phần thảo luận chúng tôi tự chế ra một quy ước riêng: Trần Trịnh ghi dưới các nốt nhạc chữ "o" cho những từ không dấu (bình thanh) / Dấu huyền cho các từ mang dấu huyền hỏi Nặng. Sắc cho các từ mang dấu sắc ngã.

Tiếc là khi ấy loại máy cassette còn chưa được phổ biến. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hưởng của bản nhạc. Và tôi bắt đầu chơi ô chữ.

Hôm sau tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng tôi là không biết bằng cảm hứng nào đó tôi đã hoà được cái rung cảm đích thực của thơ tôi cho nhạc Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp niềm vui:

"Hỏi đá xanh rêu bao nhiều tuổi đời
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời"

Lập tức tôi viết lời 2. Buổi trưa nắng gắt dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trạị Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng cáu bẩn tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng và khóc cũng dễ dàng với:

"Người đi đi mãi không về
Thời gian xóa vội câu thề
Bóng anh nhạt nhoà bóng núi
Em với tình yêu trăng soi
Tượng đá kiên trinh ru con đợi chồng
Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng... "


Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó như khi ngồi chép lại những dòng nàỵ Tôi bỏ dở bữa ăn đem lời 2 lên đài Quân Độị Gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoẹ Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửạ Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương Như Thuỷ. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường Mai Hương Như Thuỷ mỗi nguời trên tay một bản Lệ Đá "mì ăn liền" say mê hoà ca với nỗi xúc động đồng thiếp. Take one Good take! Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất.

Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh:

- Ông đặt lời thần sầụ Bản này sẽ là Top Hit.

Tôi nhún nhường:

- Top Hit được là nhờ nhạc Trần Trịnh bay bổng như diều đấy chứ.

Nhật Trường cướp lời:

- Nhưng ông là gió lớn. Đại phong... 

(Trích bài Lê Tạo phỏng vấn HHC điện báo VHNT)


Nhịp 4/4 Thiết tha thể điệu Slow Rock hợp âm La trưởng


Lệ Đá 1 
(sáng tác cuối thập niên 60)

1.

Hỏi đá xanh rêu... bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du... qua bao đỉnh trời
Hỏi những đêm sâu... đèn vàng héo hắt
Ái ân... bây giờ là nước mắt
Cuối hồn một... thoáng nhớ mong manh

2.

Thuở ấy tôi như... con chim lạc đàn
Xoải cánh cô đơn... bay trong chiều vàng
Và ước mơ sao... trời đừng bão tố
Để yêu thương... càng nhiều gắn bó
Tháng ngày là... men say nguồn thơ

Điệp khúc

Tình yêu... đã vỗ... cánh rồi
Là hoa..rót mật... cho đời
Chắt chiu... kỷ niệm... dĩ vãng
Em nhớ gì... không em ơi

3

Mầu áo thiên thanh... thơ ngây ngày nào
Chìm khuất trong mưa... mưa bay rạt rào
Đọc lá thư xưa... một trời luyến tiếc
Nhớ môi em... và mầu mắt biếc
Suối hẹn hò... trăng xanh đầu non


Lệ Đá 2

1

Tượng đá kiên trinh... ru con đời đời
Là nét đan thanh... nêu cao tình người
Là ánh chiêu dương...  đẩy lùi bóng tối
Tháng năm xa... trùng trùng sóng gối
Ngóng nhìn từ... bát ngát chân mây

2.

Bài hát ca dao... theo tôi vào đời
Và giữ cho tim... tôi xanh nụ cười
Nào biết trong em... còn nhiều trống vắng
Trái yêu đương... chỉ là trái đắng
Gã tật nguyền... buông trôi niềm tin

Điệp khúc

Tình yêu... đã vỗ... cánh rồi
Là hoa... rót mật... cho đời
Chắt chiu... kỷ niệm... dĩ vãng
Em nhớ gì... không em ơi

3.

Tương đá kiên trinh... ôm con đợi chồng
Nhạc lá thu mưa... hay chân ngựa hồng
Lệ đá tuôn rơi... dòng dòng nối tiếp
Ngóng chinh phu... đời đời kiếp kiếp
Suối vọng tìm... trăng xanh đầu non



Cái ma kiếp của một bài ca được yêu chuộng thường yểu tử và xuống cấp. Nhưng Lệ Đá thì không. Nó may mắn thoát khỏi định số ước lệ ấy. Vào những năm 67 68 Lệ Đá được cất tiếng thường xuyên hầu như ở khắp mọi sinh hoạt văn nghệ. (Thời kỳ độc chiếm một cõi của nhạc Trịnh Công Sơn.)

Lệ Đá góp mặt hàng đêm ở các phòng trà tiệm nhảý. Lệ Đá vào khuê phòng ra máy nước. Rồi quán cà phê cũng Lệ Đá phim ảnh cũng Lệ Đá (với tiếng hát Khánh Ly do Thanh Nga (?) Đoàn Châu Mậu diễn xuất Bùi Sơn Ruân đạo diễn).

May sao Lệ Đá vẫn chưa trở thành nhạc sến nhạc đứng đường. May sao tôi vẫn được yên thân bởi vẫn giữ kín cơ duyên nhảy dù vào nghề viết lời nhạc. Để mọi người đều hiểu lầm rằng Trần Trịnh phổ thơ tôi.


Hà Huyền Chi