Sunday, August 25, 2019

Đà Lạt Khóc

Tạp Ghi

Diễm

Mấy hôm nay tin từ quê nhà vọng sang làm mắt tôi cay.

Suốt 25 năm sống ở Việt Nam, tôi chỉ đến Đà Lạt có mỗi một lần vào năm tôi mười sáu tuổi. Nhưng có lẽ vì đó là lứa tuổi ô mai ngọt ngào "sweet sixteen" nên những ấn tượng thơ mộng đầu đời đối với Đà Lạt ngày ấy đã in sâu vào ký ức của tôi.


Thác Prenn - Đà Lạt

Lúc chiếc xe đò dừng lại nơi thác Prenn cho du khách nghỉ chân, tôi bước ra ngoài để thoát khỏi sự ngột ngạt của không khí bên trong xe. Trời ơi! hương Đà Lạt ngạt ngào mùi thông tươi thơm mát khiến tôi hit đầy cả buồng phổi một cách vô cùng sảng khoái. Tôi nhớ ngay đến quyển tiểu thuyết "Bước Khẽ Tới Người Thương" của nữ văn sĩ Nhã Ca có những câu thơ rất đỗi dễ thương như sau:

Em! Anh đi núi về
Ðầu còn ngân gió núi
Da còn vang nắng ngàn
Giọng còn pha tiếng suối...

Băng cao lại vượt mau
Núi non một tuần trường
Hôm nay, từng bước khẽ
Dìu dặt tới người thương

Đà Lạt, vì vậy, càng thêm quyến rũ như một "người thương" trong trí tưởng tượng của tôi.


Hồ Than Thở - Đà Lạt

Người hướng dẫn viên du lịch cho xe chạy quanh một vòng thành phố và giới thiệu cho du khách cả trăm cái "château" kiểu Pháp với những kiến trúc độc đáo riêng biệt, không hề có sự trùng lập. Rồi thì những danh lam thắng cảnh như Đồi Cù, Hồ Than Thở, Hồ Xuân Hương, nhà thờ Con Gà...


Nhà Thờ Con Gà - Đà Lạt

Đà Lạt còn là nơi ngày xưa bố tôi từng theo học tại trường Võ Bị và cùng bạn bè đồng khoá chinh phục được Đỉnh Lâm Viên cao vời vợi để được đeo trên cầu vai đỏ chữ "Alpha" rực rỡ. Một trong số những người bạn ấy chính là cậu Võ Ý. Hình như cậu Ý cũng đã có đôi lần "Bước Khẽ Tới Người Thương" thì phải:

Rồi phố trên thương về phố dưới
Đà Lạt thu mình nhớ Hội An

(Chàng - Thơ Võ Ý)


Trường Võ Bị Đà Lạt


Sinh Viên Trường Võ Bị Đà Lạt

Hi hi... cậu tôi đang "đứng phố này, trông phố nọ" rồi!

Gia đình chúng tôi đã được thưởng thức những món ăn tuyệt vời của Đà Lạt trong đó có món "rau bó xôi" lần đầu tiên tôi được nếm thử, ngọt ngon mãi đến giờ. Rồi thì ghé thăm chợ Đà Lạt về đêm, ăn từng hột lạc rang nóng hổi giấu trong túi áo và nhâm nhi từng hớp sữa đậu nành béo thơm bốc khói trong khí trời se lạnh.


Sữa Đậu Nành Nóng - Đà Lạt

Chao ôi, đối với một cô bé "ếch" lần đầu tiên ngoi lên khỏi cái miệng giếng "Saigon" luôn luôn có cái không khí đông đúc ngột ngạt và nhộn nhịp của một thành phố lớn, Đà Lạt quả là một thiên đường thơ mộng trên cao nguyên. Đà Lạt còn nổi tiếng về hoa. Có những loài hoa đẹp chỉ đua khoe sắc thắm nơi khí hậu ôn hoà của Đà Lạt. Vì vậy, tôi đã thầm ví von Đà Lạt như một cô gái da trắng má hồng xinh đẹp với một vòng hoa thắm kết trên mái tóc.


Đà Lạt Bốn Mùa Hoa

Đà Lạt còn nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hữu tình của suối và thác. Hình như ai đến Đà Lạt, cũng đều có ít nhất một kiểu hình chụp với Thác Cam Ly vốn dĩ là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và là niềm tự hào của người dân Đà Lạt.

Có hai giả thuyết về tên gọi của thác Cam Ly: Giả thuyết thứ nhất đó là người dân tộc Lạch gọi thác Cam Ly là Liêng Tô Sra, về sau đổi thành thác Cam Ly mang tên đoạn suối Cẩm Lệ chảy từ Liêng Tô Sra đến sông Đạ Đờng. Vị tù trưởng người Cơ Ho có tên K’ Mly nên dân trong vùng lấy tên ông đặt cho dòng suối của họ để ghi nhớ công lao của chủ làng. Và lâu ngày người ta đọc trại thành Cam Ly.


Thác Cam Ly (Xưa) - Đà Lạt

Giả thuyết thứ hai là do Cam Ly xuất phát từ gốc Hán- Việt ("Cam" là ngọt và "Ly" là thấm vào). Điều này có nghĩa rằng Cam Ly là biểu tượng của một dòng suối có nước ngọt.

Mỉa mai thay khi ngày nay dòng suối đó không còn là "nước ngọt" mà đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dưới sự quản lý và khai thác của Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Du Lịch Đà Lạt, Thác Cam Ly đang trong tình trạng xuống cấp do không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên. Dòng suối trở thành nơi chứa nước thải của thành phố Đà Lạt không được xử lý đúng cách nên bốc mùi hôi thối và tù đọng.


Suối Rác Cam Ly (Nay) - Đà Lạt

Đau buồn hơn thế nữa, Cam Ly còn là tên của một "núi rác ngàn tấn" từ khắp nơi chở về chất đầy trên đỉnh. Sau cơn mưa to giữa tháng 8 vừa qua khiến cho “cao nguyên” cũng bị lâm vào cảnh ngập lụt một cách khó hiểu, núi rác ấy bị sạt lở trượt dài theo dòng mưa lũ đổ xuống thung lũng trong sự lo âu kinh hoàng của những người dân trồng trọt hiền lành.

"Dòng suối rác" đó chính là dòng lệ của Đà Lạt!


Suối Rác Cam Ly (Nay) - Đà Lạt

Đà Lạt đang khóc! Cô gái má hồng Đà Lạt của tôi đang rơi những dòng lệ đau buồn!

Thử hỏi vì sao nên nỗi?

Những người lãnh đạo quốc tế lỗi lạc thường là những người có một "vision" (tầm nhìn xa) để bảo vệ giang sơn và tài nguyên của đất nước.

Chỉ nói riêng về phạm trù gìn giữ thiên nhiên, Tổng Thống Theodore Roosevelt - vị tổng thống thứ 26 của nước Mỹ - chính là người có công rất lớn trong việc ký những sắc lệnh để bảo vệ đất rừng và đời sống của động vật hoang dã. Nhờ có ông mà vô số những Lâm Viên Quốc Gia như Yosemite, Sequoia, Yellowstone, vv... vẫn duy trì được vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ không suy suyển cho đến hôm nay.

Thử hỏi chừng nào giới chức lãnh đạo tại Việt Nam mới có được một tầm nhìn như vậy?

Mới đây, có một thanh niên trẻ tại Việt Nam vừa thực hiện một bộ ảnh du lịch đặc biệt mang tựa đề "Khóc Thét Khắp Đà Lạt", trong đó bức ảnh nào anh ta cũng khóc. Tuy nhiên, những giọt nước mắt của anh ta hoàn toàn không giống với tôi. Anh ta "khóc" chỉ đơn giản là để "gây cười" và "câu like" trên FaceBook. Còn mắt tôi cay, tôi đang cùng thổn thức với Đà Lạt vì xót xa và khát khao cho một tầm nhìn xa trông rộng... cho Việt Nam.

Diễm

August 25, 2019



Saturday, August 17, 2019

Vạt Áo Trong Chiều

Thơ

Diễm


Nhẹ nhàng
hai vạt điểm hoa
trong màu áo ngọc chiều qua dịu dàng

Mùa thu ơi,
chớ vội sang
cho ta níu giữ hạ vàng thêm lâu

Kiếp này
đã lỡ thương nhau
xin như đôi vạt trước sau còn hoài

Một mai
đón gió heo may
qua cầu xin giữ... đừng bay ngọc ngà

Diễm

August 14, 2019



Friday, August 16, 2019

Áo Bay Mở Khép Niềm Tâm Sự

Tạp ghi

Diễm


Đó là một câu mà tôi vô cùng yêu thích trong bài hát "Mộng Dưới Hoa" (Thơ: Đinh Hùng, Nhạc: Phạm Đình Chương). Thế nhưng, chưa bao giờ tôi lại có những cảm xúc dạt dào khi ngâm nga câu hát này như hôm nay. Bởi vì, tôi vừa nhận được một món quà tặng rất đặc biệt. Một người bạn đã ưu ái gởi tặng tôi hai mươi tà áo dài từ nửa vòng trái đất xa xôi.

Bạn hãy thử nhắm mắt và tưởng tượng hai mươi cánh bướm đủ màu sắc, phấp phới trong nắng, trong gió, vượt biển Thái Bình bao la để bay đến với tôi. Mỗi cánh bướm sẽ chập chờn "mở khép niềm tâm sự," kể lể về người bạn đặc biệt này.

Bạn của tôi là một thạc sĩ tâm lý. Cô từng đi dạy học rất nhiều năm và có thời gian cầm micro làm MC, xuất hiện thường xuyên trên sóng truyền hình. Cô sở hữu một giọng nói mang âm hưởng "Bắc di cư" nhẹ nhàng và rất dễ thương. Với nét duyên dáng sẵn có cộng với vốn tri thức trong đời sống, cô đã rất thành công cả một giai đoạn của cuộc đời. Vì vậy, những tà áo dài là điều mà cô chọn để gởi gấm "niềm tâm sự."

Cứ mỗi khi gặp điều gì muộn phiền trong đời sống, cô lại chọn cho mình một màu áo mới. Cô thổ lộ với tôi đó là khi cô tự mình "biến ‘đau thương’ thành... ’hạnh phúc’."

Cô nói: "Mua vải, may áo là 'đau thương' biến mất, lúc ấy 'hạnh phúc' là chờ đợi mặc chiếc áo dài mới."

Ôi! Triết lý "áo dài" của cô mới thú vị làm sao!

Tôi biết có những người bạn của tôi thường có thói quen đi mua sắm để xả stress. Có người mua túi xách, có người mua giày dép, có người thích sưu tập kính mát,... Tuy nhiên, những ý thích mua sắm đó thường hiển hiện rất cụ thể và có kết quả "nhãn tiền," không cần chờ đợi lâu lắc.

Áo dài "đa sự" hơn! Bởi có biết bao nhiêu là chọn lựa từ chất liệu, màu vải, hoa văn và hoạ tiết, rồi kiểu dáng. Quả thật là từ khi chọn màu vải, rồi nôn nao chờ đợi để thành hình một chiếc áo dài may đúng ni tấc đòi hỏi một cả khoảng thời gian kiên nhẫn kim chỉ vá may.

Ngày xưa, khi còn ở trong nước, đã có lúc tôi võ vẽ học may áo dài. Mỗi khi phải "luôn" hai tà áo dài là tôi muốn khóc. Có tới 3 loại tà: tà Bắc, tà Trung, và tà Nam. Tà Bắc và tà Trung khá cầu kỳ, vì cần phải cắt 4 rẻo vải dài may nẹp viền tà. Tà Nam tương đối "dễ dãi" hơn, chỉ cần cắt dư phần đường may một chút rồi dằn chỉ và gấp vào.

"Luôn" tà áo là một danh từ chuyên môn của thợ may để nói đến việc dùng kim chỉ đính nhẹ làm thành những đường may rất khéo léo để phía mặt phải chỉ thấy có những chấm chỉ li ti, càng li ti càng khéo.

Luôn tà, rồi đơm nút, có khi kết nút vải, là những công đoạn vô cùng tỉ mỉ. Về sau này, người ta dùng máy may công nghệ để may tà, rồi dùng dây kéo để khỏi phải đơm nút bấm, hay kết nút vải.

Thế là cô bạn tôi phải chờ đợi.

Đợi chờ là hạnh phúc?
Vậy thì... chờ đợi thôi!


(Trích thơ Đặng Việt Lợi)

Hi hi... Nhà thơ đã viết thế, cho nên kết quả của "đợi chờ" chính là "hạnh phúc." Chân lý là đây!

Vậy mà cô đã gởi tặng tôi một số áo trong bộ sưu tập "hạnh phúc" của cô.

Khổ nỗi, điều làm cho tôi cảm thấy hết sức tò mò đó là tôi cứ mãi cắc cớ suy đoán từ mỗi màu áo xem cô đã nghĩ gì khi chọn chúng. Nỗi muộn phiền nào dẫn đến sự lựa chọn từng màu vải, từng hoạ tiết, hoa văn trên áo? Và niềm hạnh phúc của cô ra sao khi đón nhận từng chiếc áo và khoác lên người.

Bất giác tôi nhận ra mình đang tủm tỉm cười và hát "Khúc Thuỵ Du": "Đừng bao giờ em hỏi...Vì sao và vì sao?

Tôi biết cô bạn của tôi ở nơi xa xôi kia cũng đang mỉm cười khi đọc những dòng này. Bởi vì "hạnh phúc" của cô đang được "nhân đôi"... rộn ràng trong lòng tôi!

Diễm

August 13, 2019

Photos: Selfie by Rĩm - Chiếc áo dài đầu tiên trong bộ sưu tập "Hạnh Phúc Nhân Đôi” sau vườn nhà.



Thursday, August 8, 2019

Quanh Ngụm Sữa Bò

Tạp Ghi của

Rĩm

Có ai đó nói rằng "mọi sự so sánh đều khập khiễng."

Vẫn biết thế, nhưng lại không thể không nói đến và để mặc cho cảm xúc của mình tê dại đi trở thành vô cảm. Vì điều này còn đáng sợ hơn! Nhất là tôi đang làm việc ngay trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm cho những nông trại nuôi bò sữa trù phú tại vùng thung lũng Miền Trung California, nơi cung cấp một sản lượng khá đáng kể góp phần trong thị trường thế giới.

Đúng là một sự khập khiễng rất đáng thương nếu đem công trình nghiên cứu và kết luận của "Ông Nghè Sữa" Tiến Sĩ Ngô Đức Vượng của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam so sánh với những điều quanh ngụm sữa bò - từ ngàn xưa cho đến... ngày nay - trong thế giới phát triển của nhân loại.

Trước tiên, không phải là tôi không hiểu được thiện ý của ông muốn kêu gọi mọi người lưu ý đến vấn đề ăn uống để có sức khỏe tốt và "duy trì nòi giống" (nguyên văn của ông). Trộm nghĩ, nếu ông thích ăn chay thì cứ ca ngợi những lợi ích của việc ăn chay, hoặc ca ngợi những ích lợi tuyệt vời từ dòng sữa mẹ ngọt ngào và thiêng liêng. Nhưng có lẽ ông cho rằng đây là những điều "thiên kinh địa nghĩa", ai cũng "biết rồi, khổ lắm... nói mãi...", cho nên ông phải dùng những luận chứng "thất kinh" thì thiên hạ mới hoảng hồn và lưu ý. Ha ha... có lẽ vậy!

Thật tình là tôi không muốn nhắc lại những điều mà ông ta "phát biểu linh tinh" vì không hề có dẫn chứng nào cụ thể. Nhưng bởi vì tôi chủ trương "viết" mà không "lách" nên buộc lòng tóm tắt cho quý bạn sau đây:

Ông ta cho rằng trời ban chất can-xi (calcium) trong sữa bò là để giúp đôi chân bê con mau cứng cáp, chạy nhảy và sống còn không bị các loài thú dữ khác ăn thịt. Tuy sữa bò giàu can-xi, nhưng lại thiếu đi phot-pho (phosphorus) cần thiết cho bộ não thông minh mà dưỡng chất này có trong sữa mẹ. Vì vậy, nếu uống sữa bò; thứ nhất, các trẻ "sẽ ngu thôi là chuyện tất nhiên không có gì là lạ cả" (nguyên văn); thứ hai, vô tình các trẻ sẽ trở thành những đứa "cùng mẹ khác cha với các con bò con" (nguyên văn - lạ một điều là tôi thấy có rất nhiều khán giả bên dưới vỗ tay!). Sữa bò giúp cho các trẻ "sớm biết đi như con bò, nhưng chậm biết nói vì thần kinh không phát triển" (nguyên văn). Những trẻ ấy rồi chỉ giỏi làm "tay sai," "nô lệ cho kẻ khác" (nguyên văn).

Kinh khủng hơn, ông ta còn cho rằng các Tiểu Thư Moo bị tiêm chất kích dục để "luôn luôn mang bầu quanh năm ngày tháng mới có sữa" (nguyên văn). Và vì quanh năm "động cỡn" như vậy, nên các nàng lại bị tiêm thêm thuốc an thần "để cho nó ì ra" (nguyên văn). Vì vậy, những dư chất này trong sữa "sẽ làm biến đổi sinh lý của người ăn rất nhiều đặc biệt là giới nữ" (nguyên văn). He he... ông ta cho rằng các bé gái uống sữa bò cũng bị lây cái vụ này: "mới 1 tuổi đã kích dục,... 3 tuổi bầu vú đã to như trẻ 14-15 tuổi, âm mao đã mọc đen xì" (nguyên văn), "4 tuổi chuẩn bị có kinh, 5 tuổi đã có khối u trong tử cung phải mổ" (nguyên văn).

OMG, tôi nghe mà rùng mình rởn da gà vì ngôn ngữ sống sượng và khiếm nhã của ngài tiến sĩ này!

Tuy nhiên, tôi thầm hỏi, những điều "linh tinh" này ông ta lấy ở đâu ra? Đã bảo vệ thành công một "Đề Án Tiến Sĩ", chắc chắn ông ta phải hiểu là khi diễn thuyết về một vấn đề luôn cần có dẫn chứng cụ thể chứ không thể cứ thích là nói một cách khơi khơi như vậy. Ông ta "kịch liệt phản đối" chương trình "Sữa Cho Học Đường" và cho rằng người thảo chương trình là một người "không hiểu biết tí gì về ăn uống." Ông ta "cực kỳ bức xúc": "2-3 tuổi nó đã động dục rồi có chết người không chứ! Nòi giống này làm sao duy trì được?"

Ông ta kết luận bằng những cụm từ hết sức "đao to búa lớn" như thế này: "Xung quanh chuyện uống sữa là cả một vấn đề vô cùng phức tạp, cực kỳ nan giải, và phải đấu tranh gay go quyết liệt lắm lắm ạ!"

Ông ta hiểu rõ rằng vì lập trường này mà ông có thể bị đe doạ tính mạng nhưng ông ta hùng hồn tuyên bố rằng: "Kẻ nào giết tôi chính là nó phong thánh cho tôi"... Ha ha... Nghe đến đây, tôi giật mình, có lẽ nên gọi ông là "Ông Thánh Sữa" thay vì "Ông Nghè Sữa" mới xứng đáng với tầm vóc cái công trình nghiên kíu này của ông ta.

"Thánh Sữa" phán vậy!

Còn tôi chỉ là "người phàm" chuyên bán thực phẩm cho các Tiểu Thư Moo. Tôi biết rõ các cô ăn rơm rạ, ăn bắp khô, vỏ hạnh nhân, ăn bã đậu nành, bã cà chua, bã nho... cho có đủ dưỡng chất trong sữa. Các cô "nhai đi nhai lại" đến sùi cả bọt mép theo một chế độ dinh dưỡng do các điều dưỡng viên dày công kết hợp với giá thành mới tạo ra được dòng sữa ngọt ngào.

Trong một lần đi thăm nông trại, ông chủ của tôi còn giải thích rằng các trại chủ còn phải bảo đảm tỉ lệ giữa bò đốm và bò vàng. Bò đốm cho nhiều sữa về "lượng," nhưng bò vàng cho nhiều sữa về "chất" (béo). Cho nên phải có một tỉ lệ cân đối thì nguồn sữa mới đủ tiêu chuẩn ra thị trường.

Mời bạn hãy theo link dẫn sau đây để đọc bài tiểu luận "Con Người Uống Sữa Bò Có Hợp Lẽ Tự Nhiên?" của tác giả Michael Marshall đăng trên BBC Future số ngày 18 tháng 3 năm 2019.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-47573627

Theo đó bạn sẽ thấy người Ai Cập Cổ Đại từ những năm 2350 trước Công Nguyên đã biết vắt sữa bò. (xem hình minh họa ở cuối bài viết).

Hơn nữa, "sữa cho trẻ sơ sinh" chỉ là một trong những sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu sữa bò. Ngoài ra, còn có phó-mát (cheese/fromage), cả một nền nghệ thuật ẩm thực Tây Âu để làm nên những loại phó-mát ngon quý để những kẻ "không biết tí gì về ăn uống" nhấm nháp thưởng thức trong các bàn tiệc.

Kem cũng làm từ sữa bò chứ gì nữa! Các thương hiệu kem ngon nổi tiếng như Häagen-Dazs, Baskin Robbin, chứng khoán của họ trên thị trường vẫn lên vùn vụt và tôi dám cá nếu bạn xách xe đảo một vòng quanh các tiệm kem ở Saigon, chắc chắn bạn sẽ tìm ra vô số kẻ... ngu như bò.

Trong lãnh vực văn chương và thi ca, tôi yêu giấc mơ của cô bé bán sữa trong bài thơ "La Laitière et le Pot au Lait" được viết bởi vị đại thi hào người Pháp chuyên viết truyện ngụ ngôn Jean De La Fontaine.

Tôi yêu cái tập tục dễ thương để một ly sữa và vài cái bánh ngọt bên cửa lò sưởi trong đêm Giáng Sinh của những em bé lo lắng ông Noel sẽ đói bụng sau khi đến nhà chúng tặng quà.

Trên những đoạn đường xa lộ của Mỹ, đó đây, bạn sẽ bắt gặp những bảng quảng cáo thật to với gương mặt hạnh phúc của các Tiểu Thư Moo bên cạnh dòng chữ "Happy Cow." Hoặc gương mặt dễ thương của một em bé với cái vòng ria sữa trắng bám trên mép môi trên với dòng chữ "Got Milk?"

Chao ôi, những điều hiền hoà và nhân bản "quanh ngụm sữa bò" này làm cho tôi cảm thấy "khập khiễng đau lòng" bởi một người có học vị tiến sĩ nơi quê nhà.

Rĩm

Aug 7, 2019

Hình minh hoạ: Tác phẩm trong lăng mộ Methethi ở Ai Cập, có nguồn gốc từ năm 2350 trước Công Nguyên, miêu tả một người Ai Cập cổ đại đang vắt sữa bò.



Tuesday, August 6, 2019

Thơ Tưởng Nhớ Đinh Hùng

Thơ Tưởng Nhớ Đinh Hùng
Ban Thi Văn Tao Đàn

Tác Giả Phạm Văn Phú