Wednesday, July 31, 2019

Con Diễm - Thằng Dũng

Tạp Ghi

Diễm


Con Diễm vừa tìm được Thằng Dũng.

Đây không phải là hai nhân vật trong một quyển tiểu thuyết nào đó của Duyên Anh đâu nhé quý vị.

Chúng chỉ là hai đứa trẻ hàng xóm ở đối diện nhà nhau trong một con hẻm nhỏ đường Đặng Dung, Quận Nhất tại Saigon năm nào.

Năm Con Diễm dọn về căn nhà số 17 đường Đặng Dung thì nó mới khoảng 10-11 tuổi. Bố nó lên đường vào tù cải tạo nên mẹ con nó phải về nương nhờ nhà ngoại. Ngôi nhà nhỏ đó đã gắn bó với nó biết bao kỷ niệm cho đến khi bố nó trở về, rồi cho tới khi gia đình nó lên đường qua Mỹ tái định cư theo chương trình HO vào tháng 8, 1991.

Lúc đó, Thằng Dũng cũng trạc tuổi nó. Gia đình hai đứa vốn biết nhau từ một, hai thế hệ trước. Từ ông bà chúng, xuống đến bố mẹ, chúng nó là thế hệ tiếp nối của mối quan hệ hàng xóm thân thiết đặc trưng của văn hoá Việt Nam.

Không biết hiện tại như thế nào, chứ thời đó hàng xóm ở Việt Nam thân nhau lắm, “tối lửa tắt đèn” là có... hàng xóm.

Chả là vì những ngôi nhà san sát nhau trong một con hẻm nhỏ thường có chung một bức vách - "Tai vách, mạch rừng." Nhà bên này nói gì, nhà bên kia có thể nghe hết. Nhà bên này nấu món gì nhà bên kia cũng ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng.

Huống chi là Diễm và Dũng ở đối diện nhà nhau.

Lúc ấy, cả hai đứa đều không có bố.

Lúc ấy, cả hai đứa đều non nớt và không hề có khái niệm gì về hai ông bố của chúng cũng chính là hai người bạn đồng môn được đào tạo cùng một khoá từ ngôi trường quân sự danh tiếng của Việt Nam thời bấy giờ: Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt - Khóa 17 Lê Lai, 1963.

Lúc ấy, chúng đều là những đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu vắng cha. Vì vậy, chúng có cùng một mong ước: sự trở về của người cha.

Con Diễm thì biết rõ là bố nó đang ở trong tù Cộng Sản ở một nơi rất xa xôi và cực khổ. Mẹ nó đã dắt chị em nó đi thăm bố mấy lần, có lần phải đi bằng tàu hoả.

Lần đó suýt nữa nó bị lạc mất một đứa em trai bởi vì tàu chỉ dừng tại mỗi bến có một vài phút mà người lên kẻ xuống chen chúc xô đẩy nhau thật kinh khủng. Khi tàu chuyển bánh, thằng cu Đạt em nó bị kẹt lại trên tàu. Mẹ nó sợ hãi cố níu lấy bàn tay bé xíu của thằng con nhất định không buông, cho dù bị bà bán bưởi mang đôi quang gánh thật to đạp lên mặt đau điếng. Mẹ nó phải hét toáng lên "Cứu con tôi!" và dùng hết sức bình sinh để kéo thằng bé xuống kịp thời. Hiểm hoạ mất con chỉ cách có một sợi tóc!

Thằng Dũng, đáng thương hơn, vì nó không biết bố nó đang ở đâu. Nó chỉ biết bố nó là một "Chiến Sĩ Anh Hùng MIA" (Missing In Action) vì đồng đội của bố nó sống sót trở về kể lại cho gia đình nghe gương can trường của bố nó trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Lúc ấy, mẹ nó đang mang thai đứa em gái út. Có lẽ nỗi nhớ thương chồng ám ảnh người mẹ đau khổ của nó trong từng giấc ngủ suốt thai kỳ nên em gái nó khi chào đời đã được mẹ đặt cho một cái tên được ghép bằng chữ "Mộng" (chữ đệm của tên bố nó) cùng với hai chữ "Hoài Quân" (nhớ chồng!)

Vậy mà bọn con nít hàng xóm ngày ấy, bao gồm cả Con Diễm, thật là đáng ghét! Chúng cứ giễu con bé em nó bằng cách gọi trại ra thành "Mông Ngoài Quần" làm cho con bé phải bật khóc tấm tức mà đâu hiểu được nỗi lòng người mẹ.

Mẹ nó không bao giờ tin là bố nó đã chết. Trong lòng mẹ nó, bố nó vĩnh viễn là một Người Hùng và... sẽ trở về!

May mắn thay, cả hai đứa đều có người mẹ tuyệt vời.

Mẹ của Thằng Dũng rất đảm đang và tháo vát, dường như món gì mẹ nó nấu đều ngon, nhất là món "phở," vì vậy mà mẹ nó cày cục gom góp vốn liếng mở được một quán phở nho nhỏ trong thành phố. Công việc buôn bán nấu nướng khiến bà bận rộn và hay vắng nhà.

Tuy nhiên, điều làm cho Thằng Dũng bực nhất là trước khi đi, mẹ nó cứ nhốt anh em nó trong nhà và khoá trái bên ngoài rồi mang chìa khóa sang gởi bên nhà Con Diễm với lời dặn dò "Rủi có chuyện gì..."

Nó bực lắm! Bởi vì những lúc như vậy chị em Con Diễm cứ hay le lưỡi trêu nó và ánh mắt ranh mãnh của Con Diễm cứ nheo nheo nhìn nó giễu cợt.

Nó ấm ức!

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm

Hic!... Nó đồng cảm với nỗi ấm ức của "Ông Ba Mươi" trong bài thơ "Nhớ Rừng" của Thế Lữ hơn ai hết!

Nó bèn nghĩ cách. A! con gà mái của nó nuôi bấy lâu bỗng... đẻ trứng vàng.

Nó đứng bên trong song cửa sắt dụ khị:

- Ê! Diễm. Sang nhà tao chơi không? Gà tao đẻ trứng, mình chơi làm bánh đi!

Mặt Con Diễm vênh lên, nói:

- Thôi đi! Không được đâu. Mẹ mày mà biết la tao chết!

Thằng Dũng... "ủ mưu":

- Sao mẹ tao biết được? Mày mở cửa vào rồi tụi mình làm bánh. Khi nào xong mày "nhốt" tao lại, làm sao mẹ tao biết được?

Nó bồi thêm:

- Bánh bột mì nhồi trứng ngon lắm đó nha!

(Ha ha! Nó biết Con Diễm có tới mấy cái "nốt ruồi ham ăn" trên mặt mà - phen này khó đỡ nhá!)

Quả thật, Con Diễm bị trúng kế, nuốt nước bọt đánh "ực," nhưng cũng làm bộ gãi đầu ra chiều suy nghĩ:

- Ừa, thôi cũng được. Một lần thôi nha!

Thế là mấy đứa nhóc hàng xóm có một buổi trưa hè đúng kiểu "vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm." Chúng nhồi nhào món bánh bột "bảy món" với tất cả tài nghệ non trẻ của chúng và tất nhiên là tấm tắc, xuýt xoa khen ngon.

Sau đó, Con Diễm chùi mép, chùi tay sạch sẽ, nó "nhốt" anh em Thằng Dũng lại theo kiểu "vũ như cẩn" và chuồn về nhà êm re như chưa hề xảy ra chuyện gì.

Tuổi thơ của chúng trôi qua mau trong cái bối cảnh giao thời của nước Việt đầy khốn khó, cho đến ngày gia đình Thằng Dũng lên đường qua Mỹ do người dì của nó đứng đơn bảo lãnh.

Hôm đó là một ngày buồn hiu hắt. Thằng Dũng phải cõng trên lưng người mẹ đã lả đi vì khóc, đưa mẹ nó lên xe ra Phi Trường Tân Sơn Nhất. Cuộc chiến với Cộng Sản đã cướp đi người cha của nó, và cho đến giờ phút cuối cùng trên quê hương, những con người gian xảo do chế độ Cộng Sản sản sinh ra lại tiếp tục cướp trắng ngôi nhà mà lẽ ra đã trở thành chút vốn liếng cho mẹ góa con côi gầy dựng cuộc sống trên xứ người.

Hai đứa hoàn toàn mất liên lạc từ đó.

Mãi cho đến hơn ba mươi năm sau, một hôm, Con Diễm được các chú bác trong Khóa 17 Võ Bị giao cho nhiệm vụ tổ chức một buổi hội ngộ hai thế hệ. Nó lướt qua quyển Kỷ Yếu Khóa 17 của bố nó và chợt dừng lại nơi tấm hình thân phụ của Thằng Dũng. Nó chợt nhớ cậu bạn hàng xóm thuở thiếu thời và phải ra sức lùng kiếm vòng vèo nửa vòng trái đất mới có được số phone của Thằng Dũng.

Tim nó đập mạnh khi nghe giọng nói thằng bạn tinh nghịch năm nào giờ đây đã trở thành giọng một người đàn ông vững vàng và ấm áp.

Chúng trao đổi với nhau biết bao là chuyện xưa, chuyện nay, khoe nhau hình ảnh gia đình đuề huề của mỗi đứa.

Câu chuyện của chúng chắc cũng giống như câu chuyện của bao nhiêu nhóc tì khác trong xã hội Việt Nam thời đó. Vậy mà giờ đây, sau 36 năm gặp lại, những giá trị cảm xúc quý báu về tuổi thơ nơi quê hương vẫn như nước sông dâng đầy trong lòng chúng.

Chợt! Thằng Dũng gửi qua một dòng tin nhắn:

"Mấy cái nốt ruồi trên mặt còn không ta?"

Trời! Ha ha...

Diễm - 7/30/2019



Wednesday, July 24, 2019

Nhớ Bạn Cũ

Tùy bút

Phạm Minh Xuân


Để nhớ về 7/68 Lê Văn Độ


Phạm Minh Xuân (ngồi giữa) Lê Văn Độ (người ngồi bên phải) và các bạn bay.

Tôi là chứng nhân của những chuyện xẩy ra ở Phi Đoàn 530 thời 1971-1974.

Trong Phi Đoàn 530 trước khi có Thiếu Úy Vĩnh Thuận về (1973) thì chỉ có Lê Văn Độ và tôi là dân Huế chính cống bị thuyên chuyển lên Pleiku cùng một lúc. Trong Phi Đoàn thường hay trêu chọc hai thằng tôi là dân 'Huệ' mà bày đặt đi Không Quân và bay 'Khù-Trục'(?) không trách gì bị tống cổ lên ‘Plề-Cu’ vì thiếu ‘piston’.

Hồi đó trong 3 phi đoàn khu trục còn lại của KQVNCH 514, 518, và 530 hầu hết là người Nam và Bắc. Hai phe nầy kèn cựa và chơi nhau hằng ngày. Chỉ có mấy thằng Huế thủ phận con rơi con rớt, làm... thinh và suốt ngày làm... tầm bậy cho đỡ buồn!

Bên cạnh người bạn nối khố trong quân trường của Lê Văn Độ là Nguyễn Văn Trường ra, tôi cũng là một thằng bạn Huế gốc 7/68 chí thân của Lê Văn Độ trong cuộc đời bay bổng. Độ đã gắn liền với tôi từ khi ở trong trường bay cho đến khi Độ được hạ huyệt.

Độ cùng đi Mỹ và được sắp xếp vào cùng 'K' Flight với tôi ở trường bay Keesler AFB (MS.). Ra trường Độ có điểm 'academic' và tôi có điểm 'flying' cao của 'K' Flight vì vậy hai thằng là hai candidates duy nhất của 'K' Flight... bị chọn đi Skyraider, vì hồi 1969-1970 US-Navy bắt đầu chính thức chuyển giao toàn thể Skyraider cho USAF và USAF phải mở trường tự huấn luyện Skyraider cho USAF ở ngay tại S.O.G Center / Hurburt Field (Eglin AFB, FL.).

Bốn khóa trước bọn tôi (71-01; 71-02; 71-03; 71-04 - See attached pictures) Pilot bị ra cỏ và đập máy bay khá nhiều cho nên trước ngày Class 71-05 bọn tôi mãn khóa, Col. Yeally và Staff của ông ta đích thân bay qua Keesler AFB cho đám T-28 Instructor Pilots biết là Trường Huấn Luyện A-1 không muốn nhận graduated-pilot 'yếu' nữa!

Trong dịp nầy, để khuyến khích và động viên tinh thần, đám nầy cho tôi và Độ leo lên 'tham quan' hai chiếc AD-5 đồ sộ, dơ bẩn và 'ugly SOB' bám đầy dầu mỡ mà họ đã dùng để bay qua Keesler. Không ngờ họ đã làm tôi và Độ quá 'khủng' và muốn đái trong quần luôn! Lòng buồn rười rượi vì cái dơ dáy và uy hiếp tinh thần của chiếc A-1. Không biết với trình độ hơi non tay lái, mới ra trường của mình, rồi có thể chế ngự được con 'trâu điên' nầy chăng?! (USAF called it 'A DUMP TRUCK')

Về Pleiku Tôi còn được 'adopted' bởi các tay đàn anh cô hồn các đảng: Phạm-Văn-Thặng 'Fulro', T.K.Long 'Lăng Quăng', Phúc 'Gandhi', Phùng 'Django' v.v... để tiếp tục quậy và say sưa vô kỷ luật. Còn Độ thì rất hiền từ và chừng mực. Độ cực kỳ chăm chỉ trong việc bay bổng. Trời xấu là thầy mang DASH-1 ra thầy đọc để toan tính học thuộc lòng luôn cả Emergency Procedure section. Tuy khác lối sống nhưng hai thằng tôi rất thương nhau. Có lẽ là vì có chung Huế và 7/68 DNA, và ở chung phòng.

Độ và tôi 'shared' chung một phòng ở cư xá của Mỹ để lại cho PĐ-530 trên đồi cao phía Bắc của căn cứ nhìn xuống phi-đạo, ATC Tower và Tarmac của 2 Phi Đoàn Trực-Thăng.

Đêm đầu tiên sau khi Độ bị tai nạn (See the last attached picture) người ta đem bộ đồ bay của Độ từ bệnh xá về quăng vào dưới gường của Độ. Mùi khét của da thịt Độ làm tôi không thể nào ngủ được, phải vác mền mùng qua phòng của Tiến Chỉnh ngủ.

Sáng sớm hôm sau, được tin Độ đã qua đời tại Long Bình, Phi Đoàn Trưởng Tr/T Mười 'Lung' kêu tôi vào và yêu cầu tôi đem thi hài Độ về Huế để lo một đám tang thật đàng hoàng cho Độ.

Tr/T Mười 'Lung' bảo: "Tôi biết ông anh rể của anh là Đ/T Tôn-Thất-Khiên làm Tỉnh-Trưởng Huế. Anh ráng làm đám tang cho anh Độ càng trịnh trọng chừng nào càng tốt chừng đó để gia đình của người anh em Jupiter chúng ta được vui lòng và thỏa nguyện".

Ông thân sinh của Độ rất thật thà và chất phát giống như Độ. Khi tôi gặp và xin được biết ước nguyện của gia-đình thì ông cụ cho biết chỉ muốn lúc hạ huyệt có được một dàn kèn của ban quân-nhạc tiểu-khu thổi bài Chiêu Hồn Tử Sĩ.

Ngày hạ huyệt 2 GMC với đầy đủ kèn trống của Tiểu Khu đã làm ông cụ và bà con ở Bao-Vinh/Huế hãnh diện và vui lòng.

Kỷ niệm buồn vẫn không bao giờ quên: Những chiều gần Tết thật vắng lặng ở mọi công sở ở Biên Hòa. Tôi theo trực thăng đưa thi hài của Độ về Tử Sĩ Đường Tân Sơn Nhất. Từ Burn-Treatment-Center của Long-Bình Hospital, Trực Thăng dropped tôi xuống Tarmac Khu-Trục A-1 ở Biên Hòa AFB để tôi mượn xe Honda của 1 người bạn Khu-Trục 518 chạy đi ra Tòa Hành Chánh Tỉnh làm giấy khai tử cho Độ trước khi đưa Độ về Huế (vì Độ chết ở Long Bình chứ không phải ở Pleiku).

Phòng sở nào cũng có bàn thờ cúng kiến ngay trước cửa để rước Ông Bà về ăn Tết, chạy tìm người muốn hụt hơi mới xong 1 giấy khai tử có đủ chữ ký cho Độ.

Tối hôm đó tôi ngồi với ông cụ của Độ trong Tử-Sĩ-Đường cho tới 9:00 đêm. Thật là rợn người, không chữ nghĩa nào có thể diễn tả được cái khung cảnh ghê rợn nầy và lòng thương con vô bờ bến của một người cha.

Sau khi đem quan tài vào Tử-Sĩ-Đường, quan tài được kê lên hai 'con ngựa' gỗ thô sơ, một bát nhang và hai cây đèn cầy ở hai đầu quan tài. Mọi người đều biến mất chỉ còn lại hai bác con, một ông già đang đau khổ và một thằng pilot Khu-Trục, tay dao tay súng, trông oai phong lẫm liệt nhưng nhát gan, thỏ đế, sợ ma còn hơn sợ cọp.

Thú thật hôm đó tôi cũng không biết phải giải quyết sự việc bằng cách nào!? Rồi sau đây mình phải làm gì nữa đây?? (lần đầu tiên trong đời lo cho 1 thằng bạn mới chết, không biết mô tê gì cả!!!!).

Hôm đó quan tài của Độ là chiếc quan tài duy nhất trong căn phòng rộng lớn và ma quái của Tử-Sĩ-Đường. Sự đơn lẻ càng làm cho không khí lạnh lẽo hơn. Tiếng gió hú qua mái hiên ở đằng sau nhà càng làm cho khung cảnh thêm ghê rợn như những chuyện ma quái mà tôi đã đọc lúc còn nhỏ.

Hai Bác Con ngồi trong bóng tối của Tử-Sĩ-Đường. Cuối cùng tôi phải lên tiếng và hỏi: "Thưa Bác, Độ về tới đây là cũng tạm thời xong được một bước trước khi chiều mai máy bay C-123 đưa Độ về Huế. Vậy con xin mời bác về nhà con ở Chợ Lớn ngủ qua đêm rồi ngày mai mình trở lại".

Ông Cụ cám ơn và từ chối: "Tui muốn ngồi ở chỗ ni với con tui cho hết đêm ni, để hắn nằm một mình lạnh lẽo không đành. tui không đi mô cả. Tết 'dức' tui hiểu, anh đi về với gia đình đi rồi mai trở vô với tui cũng được".

Trong những tình huống như thế nầy mới thấy được tình cha thương con. Tôi chạy vội ra ngoài cổng Phi-Long mua một ổ bánh mì thịt và một chai xá xị cho ông cụ của Độ trước khi thắp một nén nhang khấn thầm với Độ: "Độ, mầy biết tau ham chơi nhưng tau đã đưa mầy về tới đây rồi, mầy cho tau chạy về thăm nhà một chút trong ba ngày Tết rồi ngày mai tao vô lại với mầy".

Vái xong ba vái là tôi đi lui, trông ông cụ ngồi một mình bên quan tài con, tôi không thể nào đủ mạnh để cầm lại nước mắt của mình vì kính phục lòng hy sinh và tình cao cả của Cha và Con.

Ngày hôm sau, sau khi giải thích cho ông cụ, tôi cho phép đục 4 lỗ trên quan tài (để release the pressure trong hòm lúc lên cao độ) để đưa Độ về Phú-Bài Huế và gác hòm 3 ngày 3 đêm trước khi hạ huyệt.

Có thể nói Độ là người bạn 7/68 mà tôi đã có duyên gắn bó nhất và dành nhiều thì giờ nhất cho nhau trong cuối cuộc đời binh nghiệp. Nhân một lỗi nhỏ trong bài viết của Hà 'cà-chớn' Trần-Ngọc Nguyên-Vũ mà tôi lại có dịp ngồi ôn lại một kỷ niệm xưa cùng chia sẻ với anh em. Cũng là một cái duyên để nhớ bạn cũ.

Phạm Minh Xuân














Lê Văn Độ (người đứng bìa phải) và bạn bè



Lê Văn Độ (người đứng bìa trái) và bạn bè



Máy bay của Độ bị tai nạn ở phi trường Cù Hanh, Pleiku.




Wednesday, July 17, 2019

Em Yêu Dấu

Chuyện tản mạn của

Diễm

Có một bài hát mà tôi rất thích và thường nghêu ngao từ thuở còn là một cô gái nhỏ những câu như sau:

Em yêu dấu ơi, ngồi bên anh đi bé ơi
vào mùa xuân chim hót trên đôi hàng cây
Xe theo phố vui, nhẹ đường hoa nương gót hài
Ngày nào đưa em xuống đời...

Thích lắm! nhưng lại không biết tác giả là ai?

Thời đó ở Việt Nam đâu có internet, đâu có nhà hiền triết thông thái mang tên Google để mình có thể bay lên online lướt tìm điều muốn kiếm. Đành chịu!

Lúc ấy, tôi chỉ thầm nghĩ "Ôi! cái ông nhạc sĩ nào mà rành 'tâm lý phụ nữ' thế không biết. Ai mà chả thích được gọi là "Yêu dấu," là "Bé ơi!" Ai mà chả thích được người yêu đưa... "xuống đời..." Hi hi. Trộm nghĩ, nếu như thế giới loài người ai cũng hiểu được tiếng Việt thì có lẽ đây là bài hát được yêu thích nhất của hơn phân nửa nhân loại.

Chỉ mới thật gần đây thôi, tôi mới biết tác giả bài hát này không phải ai xa lạ mà chính là chú Hoàng Khai Nhan - biệt danh Hoàng Lão Tà Tà – người “khét tiếng” trong "giới giang hồ" về tài hoa của chú. Chú là một nghệ sĩ "rất" đa tài. Chú viết nhạc, làm thơ, viết văn, chụp hình, và đặc biệt nhất là những video nhạc tuyệt đẹp bay bổng trên khung trời YouTube như những cánh bướm khoe sắc thắm tô điểm cho cuộc đời. Chính vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như mỗi ngày lại biết thêm một "tài hoa" mới của chú, ví dụ như chú rất giỏi đi "câu cua" ngoài biển chẳng hạn... hi hi!

Tôi gọi chú là "Hoàng Thúc Tà Tà" và bắt đầu lẻn vào "trang nhà Hoàng Khai Nhan" nơi mà chú "dụng võ" đồng thời nghe ngóng tình hình trong “giới võ lâm” thì biết được thêm vài điều thú vị như sau:

  • Ở nhà, chú thường gọi "Hoàng Cô Tà Tà" là "Bé"
  • Cô "Bé" nấu phở rất ngon! Gần đây, cậu Võ Ý sành ăn của tôi được mời thưởng thức mà cứ xuýt xoa khen rối rít là đủ biết rồi!

Hèn chi mà trong bài hát này, hình ảnh "Em yêu dấu" của chú được gắn liền với hình ảnh "bếp chiều" ("Về đây ta nhen bếp chiều") và "bếp vui" ("Ấm trên môi như lửa hồng bếp vui").

Ôi chao! thì ra câu ngạn ngữ "con đường ngắn nhất đến trái tim của một người đàn ông là đi ngang qua cái bao tử" quả thật không sai chút nào!

Có rất nhiều ca sĩ đã hát bài hát này, kể cả ông bác họ Vũ Khanh của tôi. Nhưng thật lòng mà nói, dường như ngay cả bác tôi vẫn hát chưa... tới lắm!

Khi biết là nhạc của chú, tôi đem điều này nói với chú và năn nỉ chú hát. Chú chỉ trả lời rất gọn: "Cháu chờ nhá!"

Và sáng nay thức dậy, trong hộp thư của tôi có món quà âm nhạc vui vui đầu ngày từ Hoàng Thúc Tà Tà. Hi hi... thì ra chú đâu có "tà tà" như tên gọi!

Xin mời quý vị cùng thưởng thức "Em Yêu Dấu" lần đầu tiên được trình bày bởi chính tác giả, nhạc sĩ Hoàng Khai Nhan, hoà cùng với giọng bè êm như nhung của bác sĩ/ca sĩ Vương Đức Hậu, hòa âm: Quang Đạt, hình ảnh: Dương Minh.


Em Yêu Dấu

Sáng tác: Hoàng Khai Nhan

Hát: Hoàng Khai Nhan & Vương Đức Hậu

Vương Đức Hậu & Hoàng Khai Nhan

Cháu kính chúc Hoàng Thúc Tà Tà và Hoàng Cô "Em Yêu Dấu" mãi vui khoẻ để tiếp tục "về đây ta nhen bếp chiều" cống hiến cho đời sống những tô phở "nghệ thuật" thơm ngon nhất trần đời.

Diễm - 7/17/2019


EM YÊU DẤU

(Nhạc và Lời: Hoàng Khai Nhan)

Em yêu dấu ơi, một chiều xưa mưa ướt vai
Đường về bên nhau ước mơ nên dài lâu
Cây nghiêng bóng cao
Nụ tầm xuân thơm lối vào
Về đây ta nhen bếp chiều

Em yêu dấu ơi, ngồi bên anh đi bé ơi
Vào mùa xuân chim hót trên đôi hàng cây
Xe theo phố vui, nhẹ đường hoa nương gót hài
Ngày nào đưa em xuống đời

(Đ.K)
Ngày nào em biết đón hạnh phúc tới
Biết yêu thương, biết trao nhau tuổi đời
Là ngày khăn áo mới rộn tiếng nói
Ấm trên môi như lửa hồng bếp vui

Em yêu dấu ơi, ngồi bên anh đi bé ơi
Vào mùa xuân chim hót trên đôi hàng cây
Xe theo phố vui, nhẹ đường hoa nương gót hài
Ngày nào đưa em xuống đời...

Tuesday, July 16, 2019

Xưa Trên Đó

Thơ: Võ Ý

Nhạc: Trần Duy Đức

Hát: Tấn Đạt

Hòa âm: Quang Phúc

Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan



Hình: KQ Võ Ý & KQ Trần Duy Đức










Đây là bài thơ của con-bé-Diễm-Pleiku mạo muội viết hoạ lại bài thơ của cậu Võ Ý, xin chia sẻ cùng quý độc giả.

NAY TRÊN ĐÓ

Nay trên đó, Pleiku ai có nhớ?
Một thuở xưa ta ngang dọc đường bay
Đôi cánh Cessna quyện cùng với gió
Như quạt nồng yêu dấu nối dài tay

Bốn mươi ba năm gió thoảng mây trôi
Quên được thì quên...nhớ thì ai nhớ
Quốc nhớ Quyên, chim bồi hồi nhớ núi
Hồn Cali, tâm vọng tưởng Biển Hồ

Vầng trăng xưa lạ lùng đêm hôm đó
Dấu phượng hoàng ngơ ngẩn chuốc ta say
Ngọn đồi cũ có còn vương gót nhỏ?
Phố núi xưa chắc đã hết thơ ngây!

Con dốc cũ có chờ ta bước xuống?
Cõi vô biên - cam khổ cũng cam đành
Sông có khúc - trăm năm là hữu hạn
Lội ngược dòng há kiếm lại ngày xanh?

Nay trên đó, bên bờ giao ước cũ
Giữa vô thường, em dễ có như xưa?
Hương phấn chắc nhạt nhoà theo cơn lũ
Ta còn đây, quên-nhớ mấy mươi mùa...

Diễm
Cali - 7/17/2018



Friday, July 12, 2019

Dư Âm

Sáng tác: Nguyễn Văn Tý

Tiếng hát: Hoàng Khai Nhan

Hình ảnh: Dương Quốc Định

Thực hiện: Hoàng Khai Nhan


Click on the icon below to play the video!






Monday, July 8, 2019

Con Bé Diễm Pleiku

Tạp Ghi

CBDPK


Photo: Con-Bé-Diễm-Plei-Ku lên 6 tại Pleiku (đứa lớn!)

Thế là tự nhiên nó bị cậu Võ Ý kéo cổ lôi vào trang blog của Sư Đoàn 6 Không Quân. Nó đành phải "cung kính không bằng tuân lệnh" cậu như tuân lệnh “thượng cấp” nhưng trong lòng thì đầy hoang mang không biết sẽ phải làm gì, viết gì đây? Bởi vì nó chỉ là một con bé lên 6 khi đến Pleiku và chỉ ở đó vỏn vẹn có hai năm khi bố nó "trấn thủ lưu đồn" tại đó từ năm 1970 cho đến mùa hè đỏ lửa 1972.

Tại đây, đứa em trai út của nó chào đời. Một chuyện vui có thật nó xin kể lại đó là sau năm 1975, cậu bé này đi học và khi cần phải khai "Lý Lịch Dọc Ngang" của mình theo kiểu "XHCN"thì cậu út này đã ngang nhiên điền vào chỗ trống trong bản lý lịch thơ ngây như sau: "Quốc Tịch: Mỹ" - "Nơi Sinh: Pleiku" - bởi vì trong trí óc non nớt của cậu em nó lúc ấy "Pleiku" dường như không phải là một địa danh của Việt Nam.

Khi nghe cô giáo kể lại cả nhà ai cũng cười ngất, nhưng lúc bấy giờ không ai dám nghĩ rằng đó lại là một điềm lành báo trước. Bởi vì "trải qua một cuộc bể dâu," hiện nay, cậu em này quả thật đã mang "Quốc Tịch Mỹ."

Nó hầu như đã quên bẵng Pleiku cho đến khi gặp cậu Võ Ý, một người bạn đồng môn Võ Bị cùng khoá 17 với bố nó. Cậu từng là Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn Bắc Đẩu 118, một phi đoàn máy bay quan sát tại phi trường Cù Hanh. Vì vậy, đối với cậu Võ Ý, Pleiku là một khoảng trời ký ức hào hùng không dễ gì phai nhạt trong lòng người cựu phi công.

Khi biết nó đã từng ở Pleiku, thế là cậu đặt ngay cho nó một cái tên nghe dài loằng ngoằng như kiểu tên... con quan: Con-Bé-Diễm-Plei-ku.

Rồi thì tên dài như tên ‘con nhà quan’ vậy, nhưng khi viết thì cậu lại viết tắt theo kiểu ‘con nhà lính’ thành ra "CBDPK." Hi hi... có Trời mới hiểu!

Nhưng cũng nhờ vậy mà ký ức Pleiku trở về dạt dào trong lòng nó.

Nếu như ai đó học môn tâm lý học và cần phải trắc nghiệm xem trí nhớ của một con bé lên 6 như thế nào thì có thể sẽ "phát hoảng" nếu như biết nó nhớ được những gì đấy nhé!

Nó nhớ Pleiku mưa nhiều!

Điều này thì dễ ợt vì nó đọc được trong bài thơ "Xưa Trên Đó" của cậu Võ Ý:

Mưa thì sình bụi mù thay nắng gió
Gặp là vui cam khổ cũng cam đành

Có điều nó cũng hơi thắc mắc mà chưa tiện hỏi cậu: Gặp là gặp ai?


Xưa Trên Đó (Thơ Võ Ý - Nhạc Trần Duy Đức) Tấn Đạt hát

Mưa Pleiku, nhạc sĩ Trần Duy Đức năm 18 tuổi cũng viết nhạc phẩm đầu tay "Khúc Mưa Sầu" với giai điệu ngũ cung buồn thổn thức và già rười rượi... như ri:

Nằm nghe ngày tháng rơi đều
Ngoài hiên mưa đọng bọt bèo
Tình nằm trong nắm mộ rêu
Chờ mình nghe những quạnh hiu
Ôi! nằm nghe... ngoài hiên giọt rớt bên thềm
Lặng yên ta gọi tình quên...


Khúc Mưa Sầu (Trần Duy Đức) Ngọc Lan hát

Có lần nó cắc cớ hỏi trêu rằng: "Hồi đó ở Pleiku có con bé lên 6 hay 'đi lên đi xuống' lắm mà tại sao không gặp Nhạc Sĩ nhỉ?" Người nhạc sĩ đã cười rung râu trả lời: "Lúc đó tui đã khoác áo 'chinh nhân' rồi chứ bộ! Đâu phải là 'con nít' đâu mà con bé lên 6 đòi gặp ... ha ha!

Nó nhớ những con đường đất đỏ trơn ướt!

Bởi vì mẹ nó đã có lần dắt nó đến một cái thư quán nho nhỏ cuối con dốc và "thuê" cho nó đọc một quyển truyên dài nhiều chương đầu tiên trong cuộc đời. Đó là quyển "Tuổi Mười Ba" của nhà văn Duyên Anh. Nhắm mắt lại nó vẫn còn nhớ cái bìa sách có hình một cô bé mắt to. Có lúc nó nghĩ mình nhớ nhầm! Mới có 6 tuổi sao lại đọc "Tuổi Mười Ba" - khác nào như con nít tiểu học bên này mà xem phim PG13 cơ chứ.

Có một bài thơ cũng mang tên "Tuổi Mười Ba" của thi sĩ Nguyên Sa:

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn.

Đấy! "Tuổi Mười Ba" người ta đã "nhớn" như vậy kia mà.

Nó bèn hỏi lại mẹ nó cho... chắc ăn, thì mẹ nó tủm tỉm cười xác nhận.

Có lẽ quyển truyện chương đầu đời thơ mộng ấy đã in sâu vào tiềm thức của con bé 6 tuổi và dẫn dắt nó đi vào con đường "vừa viết vừa lách," bởi vì con đường này cũng như những con đường Pleiku dốc đứng, quanh co, trơn ướt nhiều sình lầy và rất dễ bị trượt ngã... dưới mưa.

Nó nhớ trời Pleiku rất lạnh!

Lúc đó gia đình nó ở một căn nhà nhỏ trong khu gia binh. Bố nó và mấy chú lính bèn ghép những lát gỗ chung quanh phòng và còn dùng một thứ dụng cụ để "khò" ra lửa vừa đủ tạo những vân hoa gỗ nâu nâu nổi lên trông rất đẹp và làm cho căn phòng trở nên ấm áp hẳn lên. Trời thì lạnh như vậy, nhưng những cô gái Thượng lại để ngực trần, chỉ quấn có mỗi mảnh xà-rông bên dưới, vai đeo gùi chứa củi, chứa gạo và chứa… con.

Nó nghe lỏm được các chú lính nói chuyện với nhau, khuyên nhau đừng bao giờ dại dột sờ vào những bầu ngực trần đó, bởi vì thế nào cũng bị... thư. Theo các chú, bị Thượng "thư" là một điều kinh hãi. Bụng nạn nhân sẽ phình to và đau quặn, phải mời thầy mo về mổ ra sẽ thấy có một nùi tóc găm đầy kim nhọn...nghe phát khiếp! Các chú kháo nhau phải cẩn thận khi đi ngang qua cái núi gì đó (bây giờ nó mới biết là núi Hàm Rồng), vì không khéo sẽ gặp bóng ma thiếu nữ Thượng hiện lên trong trời mờ hơi sương.

Nó nhớ bố nó là một Huấn Luyện Viên rất nghiêm khắc!

Bố nó có biệt danh là "Đức... Manh-Xà-Lam" vì bố nó "cạo" các chú lính mới ra trò. Giọng ông mà cất lên thì các chú lính đều run bắn. Nó và ba đứa em đều lãnh đòn của bố nếu như không ngoan ngoãn vâng lời. Bố nó có rất nhiều bạn bè trong quân ngũ thời bấy giờ, nó nhớ được tên bác Võ Quế, bác Trần Dật.

Nó không nhớ ra chú Nguyễn Hữu Thiện và cô Nga, nhưng cô chú thì lại nhớ nó. Bằng chứng là chú Thiện đã tìm ra nó trên diễn đàn Hội Quán Phi Dũng và kể lại cho nó nghe rằng hồi còn bé nó rất hay qua nhà cô chú chơi và đã khá là bẻm mép từ dạo ấy.

Chú Thiện có cả một bụng truyện về Pleiku! Chú viết cho nó những lá thư rất vui kể cho nó nghe rất nhiều chuyện về bố nó, về chuyện bức tranh "Vua Quang Trung Đại Thắng Quân Thanh" mà bố nó đã "phỗng tay trên" của chú nhưng lại thành một bức tranh được đóng khung tuyệt đẹp trưng bày tại phòng huấn luyện làm nức lòng chiến sĩ Pleiku. Ôi! những mảnh ghép chân dung của một người cha quá vãng cứ thế mà hiện lên ngày càng đậm nét trong lòng nó. Nó sống với bố nó suốt chiều dài cuộc đời khi ông còn sinh tiền, nhưng dường như lại biết về ông nhiều hơn sau khi ông khuất bóng.

Nó nhớ mẹ nó khi ấy là một phụ nữ hết sức đảm đang!

Lúc đó mẹ nó chưa đầy 30 tuổi mà đã "bốn con cùng chàng". Có lẽ những người luôn miệng rêu rao là "nguỵ quân, nguỵ quyền" tham nhũng thế nọ thế kia sẽ không bao giờ hình dung ra cảnh "Bà Thiếu Tá Đức" một nách 4 con, xắn tay áo làm bánh flan và yaourt bỏ mối cho Câu Lạc Bộ Sĩ Quan để kiếm thêm từng đồng phụ vào lương lính của ông chồng quân nhân liêm khiết. Không những chỉ có mẹ nó như vậy, mà chung quanh còn có rất nhiều những bà mẹ khác mà nó được nghe kể chuyện đều giỏi giang tháo vát y như vậy. Nó cảm thấy thương và phục thế hệ của những người mẹ Pleiku biết là bao!

Ký ức của một con bé lên 6 về Pleiku chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu, nhưng niềm tự hào đã từng được "sống với Pleiku" trong những ngày tháng đỏ lửa của quê hương dâng đầy trong lòng nó.

Nó hãnh diện về bố nó và các chú bác của nó đã chiến đấu và kiên cường cùng với Pleiku. Nhưng lòng nó cũng quặn đau khi sau này lớn lên và được nghe/thấy những hình ảnh bi thương trên liên tỉnh lộ 7B.

Hôm nay, nó được các chú bác chắp thêm cho nó đôi cánh để bay vào khung trời Sư Đoàn 6 Không Quân thế là những mảnh ký ức non nớt năm nào lại lấp lánh hiện về trong tâm tưởng.

Ôi Pleiku một địa danh dễ thương đã hiện hữu trong cuộc đời của nó! Nơi mà khi nó nghĩ về thì trong lòng dâng lên một nỗi niềm “còn một chút gì để nhớ... để thương..."


PBN 120 | Vũ Khanh - Còn Chút Gì Để Nhớ (Thơ Vũ Hữu Định - Nhạc Phạm Duy)

CBDPK - 7/7/2019

Sunday, July 7, 2019

Thú Vị Cúp Đá Banh Nữ

Tạp Ghi

Bắc Đẩu Võ Ý


USA Women's Soccer Team

Thời trung học, tôi cũng thích đá banh. Khi vào quân đội thì sở thích nầy không còn cơ hội nữa. Khi vào tù cộng sản, TV không là tiêu chuẩn của “ngụy quân ngụy quyền.” Những năm sau 1988 (năm tôi ra tù), hình như cũng có cúp đá banh thế giới, nhưng tâm trí đâu mà mà xem? Hơn nữa, gia đình thuộc chế độ cũ đâu dễ kiếm ra tiền để sắm TV mà xem đá banh? Rõ chán!

Vào thập niên 1990, thế giới văn minh nẩy sinh sáng kiến lập hội đá banh toàn nữ rồi tổ chức cúp thế giới nữ lần đầu tại Trung Quốc vào năm 1991. Năm đó tôi còn vất vưởng tại Saigon chờ ngày đi HO-10 nên không còn tâm trí để enjoy những cầu thủ tóc đuôi ngựa tung bay trên sân vận động.

Tôi định cư Saint Louis Missouri năm 1992. Vào năm 1995, cúp đá banh nữ thế giới được tổ chức lần 2 tại Thụy Điển. Thú thật, là Mít ướt (Việt mới qua Mỹ), còn ngu ngơ English, lo học lo làm, dịp weekend lo túi bụi đủ mọi chuyện cho cuộc sống mới, không đầu óc nào mà nghĩ đến chuyện xem TV cúp thế giới vô bổ này.

Thế rồi, cúp đá banh nữ lặp lại cứ sau 4 năm. Cụ thể, năm 1999 tại Mỹ, năm 2003 cũng tại Mỹ, năm 2007 tại Tàu, năm 2011 tại Đức, năm 2015 tại Canada và năm nay, 2019, tại Pháp.


1999 World Soccer Champs

Tôi có một chút thuận duyên để theo dõi một số ít những trận đấu của giải năm 2019. Một cách tổng quát, giải nầy gồm 24 đội (của 24 quốc gia) trên toàn cầu được FIFA (Federation Internationale de Football Association – chữ Pháp) phân tích như sau:

  • Băc Mỹ: USA, Canada, Jamaica. (Jamaica là một đảo quốc nhỏ nằm trong Biển Caribbean)
  • Nam Mỹ: Brazil, Agentina, Chile
  • Châu Âu: Pháp, Đức, Italy, Anh, Hòa Lan (Neitherlands), Thụy Điển (Sweden), Tây Ban Nha, Scotland, Na Uy (Norway).
  • Châu Phi: Cameroon, Nigeria, South Africa,
  • Châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Thái Lan và nước Úc (FIFA xếp Úc vào Châu Á- theo Google)
  • Châu Đại Dương: New Zealand

Được tuyển vào danh sách thi đấu của giải thế giới là cả một vinh dự cho một đội, nghĩa là cho một quốc gia. Nhìn vào bảng phân chia đó, ai cũng thấy Châu Âu có đến 9 đội được vào tranh giải thế giới. Nên biết, Châu Âu là cái NÔI của môn thể thao đầy hấp dẫn. Một thú vị ngọt ngào là môn đá banh nữ bùng phát khắp địa cầu vào những năm đầu của thế kỷ 21 mà người viết may mắn còn tinh tường để thưởng thức những pha đưa bóng và làm bàn đầy nghệ thuật của các nữ tuyển thủ vừa cân đối xinh đẹp vừa thông minh và dũng mãnh!


Japan’s Yuka Momiki, left, and United States’ Megan Rapinoe vie for the ball during the first half of Tournament of Nations soccer match, Thursday, Aug. 3, 2017, in Carson, Calif. (Mark J. Terrill / Associated Press)

Giải FIFA Women’s World Cup 2019 khởi sự ngày 7 tháng 6 năm 2019 và chấm dứt vào Chủ nhật ngày 7 tháng 7 năm 2019 sau một tháng tranh tài trên 9 sân vận động của toàn nước Pháp như: Lyon, Paris, Nice, Rennes, Le Havre, Valenciennes, Reims, Monpellier, và Grenoble. Các sân nầy có sức chứa từ 18,000 người đến 58,000 người.

Con đường dẫn vào bán kết và chung kết, không là con đường đầy hoa thơm mà lắm chông gai, đòi hỏi tài năng, quyết tâm lẫn hên xui may rủi nữa. Môn đá banh, dù tuyển thủ là nam hay nữ, đều cần mấy tiêu chuẩn căn bản:

  • Thực sự có năng khiếu và thực sự thích thú môn thể thao này.
  • Thể lực thật tốt trong độ tuổi ấn định (có thể từ 19 đến 25)
  • Chịu khó luyện tập học hỏi kỷ thuật chuyên môn như chuyền banh, đội đầu, phối hợp tấn công nhịp nhàng, sút dứt điểm chính xác, v.v…
  • Thủ môn cần tập dượt để đoán chính xác đường banh bay để bắt gọn quả banh, bảo vệ khung thành nguyên vẹn.

Chiều cao của hai đội Nhựt và Hàn được cho là khiêm nhường so với hai đội còn lại của Châu Á. Cả bốn đội không lọt nổi vào vòng trong. Dù vậy, đội Nhựt đã có lần giành chức vô địch (với Mỹ) một cách vinh quang bằng bàn thắng đá luân lưu vào năm 2011 tại Đức.

Các tuyển thủ Châu Phi ra sân cũng rất quyết liệt. Nhưng dịp may chưa mỉm cười với các đội tuyển có màu da đen sậm và mái tóc thì quăn tự nhiên. Các đội Nam Mỹ cùng chung số phận. Tính ra, chỉ có đội Brazil (Nam Mỹ) được giải á quân vào năm 2007 tại Trung Quốc, sau đội Đức.

Người yêu thích môn đá banh đều dành thiện cảm cho đội mình yêu thích. Lý do: mình thể hiện tình cảm với đội nào nếu đội đó (hay nước đó) có liên hệ đến gia đình hay thân thuộc của mình. Cũng có khi do nước đó đã đóng góp tâm trí cho nền văn minh nhân loại hay sự ổn định của thế giới. Một bà chỉ mong đội Úc thắng với lý do đơn giản là anh của bà định cư bên Úc. Một ông kỵ đội Trung quốc với lý do nhà cầm quyền Tàu Cộng độc ác, tham lam và bá quyền!

Dân mày râu yêu thích đá banh nữ cũng có những lý do vừa lãng mạn vừa logic là:

  • Tuyển thủ nữ tranh bóng như thể điệu vũ trên sân cỏ!
  • Tuyển thủ nữ đẹp và uyển chuyển nhờ trời cho đầy đủ 3 vòng gợi cảm
  • Khi va chạm, các tuyển thủ nữ không giãy giụa, lăn lộn kiểu đóng kịch như các đấng nam nhi.

Mấy cụ cao niên thích đá banh nữ với lý do thầm kín hơn. Các cụ không dám bày tỏ công khai, nhưng mỗi khi các cầu thủ nữ lượm banh, phô vòng ba tròn trịa là dịp giúp cho các cụ thưởng thức một bức tranh sống động. Chưa kể mỗi khi mấy cô kéo vạt áo lau mồ hôi để lộ cả lỗ rún và làn da bụng trắng nõn thì hai mắt các cụ có cơ hội điều tiết tối đa. Cũng nên thông cảm, các cụ chỉ thưởng thức nghệ thuật với tinh thần thượng tôn pháp luật nên cũng thông cảm cho các cụ!

Chân thành mà nói, các tuyển thủ Châu Âu (trong đó có Bắc Mỹ) trông như những người mẫu. Cô nào cũng cao ráo cân đối. Cô nào cũng mày ngài mắt phượng mũi cao môi mọng cả. Hầu hết các cô sơn móng tay và không ít cô đánh môi son khi ra sân. Đa phần các cô để tóc dài, bới lên trên hay cột đuôi ngựa. Nhìn các cô dẫn banh trên sân cỏ xanh, tóc bạch kim tung bay trong gió (tóc vàng sợi nhỏ), nước da trắng trẻo mịn màng, giới mày râu chiêm ngưỡng bức tranh sống động tuyệt vời với cả tấm lòng ngưỡng mộ thích thú!

Vì tuyển thủ là phụ nữ nên FIFA đã nghĩ cách bảo vệ những nơi chốn nhạy cảm của các cô bằng cách áo mặc kín nách, kín ngực, mặc thêm quần bó trong quần đùi, v.v…

Kể từ năm 1991 đến nay (2019) qua 8 lần Cúp Thế Giới, những đội chiếm vô địch lần lượt như sau: Hoa Kỳ (1991), Na-Uy (1995), Hoa Kỳ (1999), Đức (2003), Đức 2007), Nhật (2011), Hoa Kỳ (2015).

Và đội chiếm champion của năm 2019? Xin xem tiếp đoạn sau sẽ rõ.

Trận mở màn của Cup 2019 diễn ra tại sân vận động Parc des Princes, Paris với trên 45 ngàn người tham dự, trong đó có Tổng Thống Pháp và phu nhân. Đội Pháp thắng đội Nam Hàn 4-0. Hai trận chung kết được diễn ra vào weekend đầu tiên của tháng 7 vào lúc 8AM trên sân vận động có sức chứa nhiều nhất, đó là sân Lyon.

France v USA - FIFA Women’s World Cup France 2019™
Click on the link above to watch!

  • Sáng thứ bảy ngày 6 tháng 7 năm 2019, Thụy Điển đã thắng Anh với tỉ số 2-1, đứng thứ 3.
  • Sáng chủ nhật ngày 7 tháng 7 năm 2019, Mỹ thắng Hòa Lan với tỷ số 2-0 tranh chức vô địch tại sân vận động Stade de Lyon, lớn nhất nước Pháp với sự tham dự của Tổng Thống Pháp và lãnh đạo FIFA.
  • Đây là chức vô địch lần thứ 4 của đội USA! Năm nay, 2019, nước Mỹ ăn mừng July 4th thật ý nghĩa.


    Hình 1: Tuyển thủ Megan Rapinoe

    Đội trưởng đội tuyển Mỹ, tuyển thủ Megan Rapinoe nhận cúp chiếc giày vàng và quả bóng vàng (Hình 1). Tuyển thủ số 16 của đội Mỹ nhận cúp chiếc giày bạc và quả bóng đồng (Hình 2). Cả đội nhận cúp vô địch đá banh nữ 2019 tại Pháp.


    Hình 2: Tuyển thủ 15 & Tuyển thủ 16

    Cô thủ môn đội Hòa Lan nhận cúp găng vàng, vì cô đã xuất sắc cứu nhiều cú sút nguy hiểm của đội Mỹ. Cô xứng đáng nhận cúp này.


    Team USA wins the Women's World Cup over Netherlands, 2-0

    Những ủng hộ viên đội Mỹ khắp thế giới (và cả nước Mỹ) hân hoan trước chiến thắng này. Các cầu thủ Hòa Lan buồn xo, mặt mày rũ rượi như kẻ mất hồn. Tội nghiệp các em bé Hòa Lan cũng buồn theo cha mẹ trước thất bại này. Mong các em sớm nhận biết, đây chỉ là môn thể thao, thắng thua là chuyện thường tình.

    Dù vậy, lòng tôi cũng lắng xuống khi nhìn một tuyển thủ Anh, cô vừa đi vừa vổ tay (không biết vổ tay cho đội nào) mà hai mắt cô nhạt nhòa và đỏ hoe vì thua đội Mỹ trong trận bán kết.

    Được biết, mỗi khi ra sân, hai đội đều chào cờ và hát quốc gia của nước mình. Điều này hàm ý, mỗi đội sẽ thi đấu nhân danh lá cờ của đất nước mình. Qua đó, mỗi tuyển thủ như là một chiến sĩ, ra sức thi đấu để mang vinh quang về cho tổ quốc mình. Vinh quang đó đương nhiên là bàn thắng và cả cách chơi lịch sự trong tinh thần thể thao mã thượng.

    Là công dân Mỹ gốc Việt, chúng ta ai ai cũng ủng hộ đội nhà. Chúng ta ủng hộ đội Mỹ, ngoài tình yêu dành cho quê hương mới, chúng ta còn tin vào các tuyển thủ Mỹ trẻ đẹp và nhuần nhuyễn về tài năng nữa.

    Xin cám ơn đội tuyển Mỹ, trong đó có các nhà dìu dắt và các tuyển thủ kiên cường. Các cô đã tận lực, chơi đẹp đá hay, bắt banh giỏi, mang chiến thắng về cho đất nước. Các cô như thể các chiến sĩ anh hùng. Hoan hô các cô!

    Riêng đối với tuyển thủ Rapinoe, cô quả đã có công trong chiến thắng nầy và FIFA đã tưởng thưởng cô xứng đáng. Tôi không muốn biết vì lý do thầm kín gì mà cô đứng yên như pho tượng trong lễ chào cờ. Tôi chỉ xin bày tỏ suy nghĩ cá nhân là, chào cờ Tổ Quốc của mình và hát Quốc Ca không chỉ là một Vinh Dự mà còn là Bổn Phận thiêng liêng của công dân nữa đó, thưa cô!

    Bắc Đẩu Võ Ý
    Vườn Thượng Uyển, CA 07/07/2019

  • Wednesday, July 3, 2019

    Rơi Về Nhau

    Thơ: Diễm

    Soạn thành ca khúc: Trần Duy Đức

    (Cảm tác theo truyện "The Bridges of Madison County" của Robert James Waller)

    Tiếng hát: Nguyễn Duyên Quỳnh

    Phim ảnh: Hubble the Final Frontier by Gala Media

    Thực hiện video: Hoàng Khai Nhan


    The human heart has a way of making itself large again even after it's been broken into a million pieces... I am grateful for having at least found you. We could have flashed by one another like two pieces of cosmic dust... I love you, profoundly and completely. And I always will."

    -- Robert James Waller, The Bridges of Madison County.