Tuesday, January 31, 2017

Nỗi Đau Thời Chiến

Huy Sơn

Từ ngày miền Nam Việt Nam Cộng Hoà bị lọt vào tay Cộng Sản miền Bắc, đến nay đã có rất nhiều buổi hội thảo, tài liệu, nghiên cứu và sách vở bàn về nguyên nhân gần và xa đã đưa đến sự thể đau buồn này. Những câu chuyện tôi ghi lại với hình thức hồi ký, nó chứa đựng những suy nghĩ thô thiển của một cá nhân, hoàn toàn không đại diện cho bất cứ ai, với mục đích là chia sẻ cùng bạn đọc một thời dĩ vãng xa xưa và hoàn toàn không có ý dính líu đến chuyện đại sự của đất nước.

Là một quân nhân sinh sau đẻ muộn, phục vụ trong quân chủng Không Quân, nghành phi hành, đã sống nổi trôi theo vận nước trong suốt khoảng thời gian 1969-1975, đã có cơ duyên được tham dự cùng với các niên trưởng và các bạn đồng nghiệp những phi vụ yểm trợ cho quân bạn một chu vi rộng lớn. Phía Tây-Nam ra tới biên giới Campochia và phía Bắc ra tới thung lũng Thượng Đức. Đã chứng kiến rất nhiều chuyện thương tâm xẩy ra trong cuộc chiến tự vệ của nhân dân miền Nam Việt Nam chống lại ý đồ xâm lăng của quân Cộng Sản. Xưa nay không ai lấy sự thắng bại để luận đấng anh hùng. Người viết chỉ muốn ghi lại ít nhiều chuyện đã qua, nó phản ảnh một phần nào sự khổ đau, sự hy sinh, lòng quả cảm, tính hào hùng và tình yêu trong thời chiến.

Có người gọi phi công khu trục là Thiên Lôi, có nghĩa là chỉ đâu đánh đó, điều này cũng có phần đúng. Chúng tôi được lệnh từ Hành Quân Chiến Cuộc cất cánh, bay đến tọa độ chỉ định, rồi liên lạc với phi công Quan Sát để biết mục tiêu. Thông thường họ bắn ra một trái khói trắng và mục tiêu được điều chỉnh từ vị trí của trái khói đó. Mục tiêu có nhiều loại chẳng hạn như: Phá hủy cầu cống để ngăn chận sự di chuyển của địch quân, phá hủy các ổ pháo kích hay phòng không, thả bom các đoàn xe Motolova chuyên chở địch quân và vũ khí, thả bom để yểm trợ quân bạn mỗi khi có trận giao tranh.

Mỗi phi vụ, chúng tôi đều phải cố gắng gặt hái những thành quả tốt cho quân bạn, bằng cách dùng hết khả năng có được qua những điều học hỏi và kinh nghiệm sẵn có để điều khiển máy bay, thả những trái bom trúng mục tiêu. Điều này nó hoàn toàn lệ thuộc vào sự khéo léo của người phi công. Ngoài ra những trái bom khi rời khỏi máy bay nó còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố khác như độ chúi, tốc độ của máy bay và tình trạng gió máy bên ngoài, hơn nữa máy bay của chúng tôi đã không được trang bị bom khôn (bom được hướng dẫn bởi tia laser hay satellite). Cho dù với sự cố gắng và tài giỏi của các phi công và kỹ thuật trang bị phi cơ có tối tân mấy đi nữa thì sự bất trắc và rủi ro đôi khi vẫn cứ xẩy ra. Đó là tai họa của chiến tranh. Ðiển hình gần nhất là trận chiến tại Ban Mê Thuật, nơi đã xẩy ra những chuyện rất đau buồn như sau:

Tôi có một người cô, nhà ở gần phi trường tỉnh Ban Mê Thuật. Vào một buổi sáng của ngày thứ hai kể từ khi Việt Cộng tấn công và chiếm đựơc thành phố. Vì nhà có con cháu đông, cô muốn đi ra ngoài mua ít thức ăn dự trữ. Khi ra đi cô dặn dò rất cẩn thận với các con cháu, tổng cộng có đến cả chục người, ở nhà phải khoá chặt cửa và không được đi ra ngoài, sợ bị lạc đạn. Người con gái út của cô, xưa nay vẫn được cô của chúng tôi cưng nhất, nài nỉ xin theo nhưng vẫn bị từ chối mặc dầu thông thường trước đây hay được cô dẫn theo. Khoảng nửa giờ sau, khi cô của chúng tôi trở về thì hỡi ơi! thấy nhà của mình đã bị một trái bom vô tình rơi xuống gần chỗ của anh chị và cháu của chúng tôi đang chờ mẹ và bà về. Kết qủa rất đau khổ là người con gái út của cô đã bị chết.

Một sự kiện khác đã xảy ra rất đau lòng cho đất nước. Hôm đó tôi được xếp trực bay cho phi vụ cuối của buổi sáng. Từ khi tỉnh Ban Mê Thuật mất, mấy ngày nay anh em chúng tôi đều thấp thỏm chờ tới lượt phi vụ của mình được điều động để bay trợ giúp quân bạn chống lại lực lượng địch quân chiếm đóng ở tỉnh lỵ này. Khi kim đồng hồ chỉ đúng 12:00 trưa, chúng tôi vẫn chưa nghe động tĩnh gì từ Hành Quân Chiến Cuộc, chúng tôi nghĩ rằng phi vụ của mình đã bị hủy bỏ rồi cùng nhau lên xe pick-up để đến câu lạc bộ Sĩ Quan dùng cơm trưa, xe vừa nổ máy thì anh sĩ quan trực phi đoàn chạy ra sân gọi giật tôi lại, anh cho biết Hành Quân Chiến Quộc gọi điện thoại cho biết tình hình quân bạn tử thủ trong tiểu khu đang bị nguy ngập, rất cần chúng tôi bay đến trợ giúp và họ hỏi tôi có bằng lòng không (theo thông lệ là phi vụ trực bay cho buổi sáng, nếu đến 12:00 trưa mà vẫn chưa được điều động thì H.Q.C.Q. sẽ hủy nó và điều động những phi vụ chiều từ 12:00 trưa đến 5:00 chiều ), tôi trả lời chấp nhận và cùng anh phi công số hai gấp rút vào phòng lấy dù và nón bay.

Chúng tôi cất cánh và khoảng 20 phút sau có mặt trên vùng trời tỉnh Ban Mê Thuật, lúc đó phi tuần của chúng tôi phải chờ một phi tuần bạn đang sửa soạn bắt đầu vào vòng đánh, mục tiêu thả bom là ngay trên đại lộ Thống Nhất, trước Tiểu Khu khoảng 50 thước. Trong Tiểu Khu có một đơn vị tử thủ của mình được chỉ huy bởi một vị đại tá với danh hiệu là Hồng Hà Zulu. Chung quanh Tiểu Khu đang bị Việt Cộng tấn công bằng chiến thuật biển người với xe tăng và đại pháo. Trong tình thế quá nguy kịch của những anh hùng can trường, quyết tâm giữ vững vòng tuyến, đã can đảm bất chấp mọi bất trắc có thể xảy ra, để chấp nhận cho máy bay thả bom với chu vi qúa gần, 50 thước, cận chiến với quân địch.

Mặc dầu phòng không ở dưới đất bắn lên phi cơ xối xả, người phi công hướng dẫn phi tuần bạn đã bình tĩnh hướng dẫn phương thức thả bom cho phi công số hai, phi tuần sẽ đánh từ Nam lên Bắc, quẹo trái, thả bom từng trái một, nhắm ngay xe tăng trên đại lộ, trái đầu thả né về phía đối diện với tiểu khu là biệt điện của vua Bảo Đại để xem ảnh hưởng gió.

Chúng tôi đang vui và phấn khởi khi thấy những trái bom thả xuống đúng ngay những chiếc xe tăng, cháy bùng bùng, rồi bỗng nhiên nghe phi công số hai báo cáo anh bị kẹt bom (bom không rơi khi bấm nút thả) ở lần đánh thứ ba. Anh phi công hướng dẫn phi tuần chỉ thị viên phi công số hai bật hết các nút để thả hai trái một lượt ở vòng đánh chót rồi tái lập hợp đoàn bay trở về phi trường. Kết quả xui xẻo, bất ngờ đã xẩy ra là hai trái bom đó đã rơi ngay trên nóc nhà Tiểu Khu, mọi vô tuyến đều bị tắt ngủm...

Lịch sử đã cho thấy cuộc chiến nào cũng kéo theo tang thương và đổ vỡ, con người tự hủy diệt lẫn nhau, những nước nhược tiểu thường không được tự quyết định vận mệnh cho mình, đa số đều tùy thuộc vào các cường quốc. Ước mong trong tương lai, tất cả các vị lãnh đạo của các quốc gia khắp nơi trên thế giới luôn sáng suốt giải quyết được mọi bất đồng trên căn bản hoà bình để nhân loại sẽ không bị khổ đau do hậu quả của chiến tranh gây ra...

Huy Sơn



No comments:

Post a Comment