Tuesday, February 7, 2017

Căn Cứ Không Quân Phù Cát

Huy Sơn

Chiếc vận tải cơ C7 cất cánh tại phi trường Cần Thơ, chở 6 anh em chúng tôi, ba phi công thuộc phi đoàn 520, danh hiệu Thần Báo và ba phi công thuộc phi đoàn 526, danh hiệu Satan lấy hướng Bắc đưa chúng tôi đến căn cứ Không Quân Phù Cát của sư đoàn VI Không Quân, tại tỉnh Bình Định.

Tâm trạng của tôi khi ấy có thể nói là không buồn và cũng chẳng vui. Bấy lâu nay vẫn nghe anh em Không Quân rỉ tai, Phù Cát là căn cứ Không Quân dành cho những ai bị đì. Thực sự chữ "đì" ở đây không có nghĩa là thượng cấp trong quân đội ghét bỏ đàn em, rồi có những hành động với chủ ý không được tốt với người đó. Chữ "đì" ở đây chỉ có nghĩa là những ai phải thuyên chuyển về đây đều phải chịu cảnh "buồn" của căn cứ. Vì anh em chúng tôi khăn gói quả mướp đến căn cứ này trong chương trình đáp ứng nhu cầu chiến trường, thành lập thêm phi đoàn mới. Danh sách anh em chúng tôi phải ra đi là do kết quả "hên-xui" của cuộc bắt thăm chứ nào có bị ai đì.

Anh em chúng tôi, tất cả đều nín thinh, ngồi trong khoang tầu C7. Không ai nói với ai một câu nào, có lẽ một phần vì tiếng động cơ có hơi ồn và một phần chúng tôi mong sớm được tới nơi, xem chỗ ở tương lai của chúng tôi ra sao.

Tôi đang nghĩ mông lung thì viên phi công Trưởng ngoái đầu ra sau buồng lái, báo cho chúng tôi biết là máy bay đã ở trên không phận của thị xã Quy Nhơn và chừng khoảng 15 phút nữa là sẽ đáp xuống phi trường Phù Cát. Tôi nhìn qua cửa sổ bên phải của thân máy bay. Bên ngoài trời đang mưa lớn, thị xã Qui Nhơn khi hiện, khi khuất vì bị mây che. Con tàu gầm gừ cố tiến tới, có lẽ vì bị gió thổi mạnh và ngược nên tôi có cảm tưởng nó như bị dừng lại.

Tôi thở phào và cảm thấy người nhẹ nhõm khi bánh của máy bay chạm nhẹ trên mặt phi đạo và từ từ lăn bánh, di chuyển đến sân của bãi đậu trước Hậu Trạm. Tại đây, chúng tôi thấy có mặt đại tá căn cứ trưởng Nguyễn Hồng Tuyền, niên trưởng đã không quản ngại mưa gió, dành thì giờ qúy báu, chờ sẵn đón chúng tôi. Tay bắt mặt mừng, cái giây phút đầu tiên ấy tuy ngắn ngủi nhưng mỗi khi chúng tôi nhớ đến đều cảm thấy ấm lòng, về tình cảm thân thương của một anh cả Khu Trục đối với đàn em.

Tài xế chở anh trên chiếc xe Jeep chạy trước, hướng dẫn chiếc xe Step Van chở anh em chúng tôi chạy theo sau. Khi chạy ngang qua dẫy Hangar thì hai xe cùng ngừng lại chốc lát. Anh cho chúng tôi biết đó là những chiếc A-37B mới được tiếp nhận, kiểm soát và ở tình trạng khả dụng hành quân. Kế đến xe đưa chúng tôi đến phi đoàn, đây là một cơ sở được xây dựng rất tiện nghi, ngăn nắp và kiên cố. Trong đó có phòng trực bay, phòng họp, phòng sĩ quan cấp chỉ huy, phòng để dù và nón bay, phòng giải trí và phòng vệ sinh. Nơi đây là cơ sở cũ của phi đoàn F-100 giao lại. Sau đó chúng tôi được Anh thiết đãi một bữa cơm thân mật tại câu lạc bộ Sĩ Quan trước khi đến cư xá Sĩ Quan Độc Thân.

Căn cứ Không Quân Phù Cát do quân đội Hoa Kỳ xây dựng và bàn giao cho sư đoàn VI Không Quân vào thời gian quân đội Mỹ ngừng tham chiến tại Việt Nam. Căn cứ này nằm trên một ngọn đồi thấp trồng xoài. Trước mặt khoảng 10 dặm là biển Việt Nam và sau lưng là một thung lũng, bao bọc bởi những dặng núi nhấp nhô của dẫy Trường Sơn. Đối với quân sự, địa điểm này có lợi về hai mặt: Mặt đất liền, là nơi phát xuất những phi vụ oanh tạc ra tới đường mòn Hồ Chí Minh và biên giới vùng Tam Biên (V-M-L). Mặt biển, là nơi phát xuất những phi vụ ngăn chận hữu hiệu tàu bè từ miền Bắc xâm nhập vào miền Nam.

Căn cứ luôn luôn bị áp lực mạnh, phát xuất từ lực lượng quân đội chính quy của sư đoàn Ba Sao Vàng. Đã có lần bọn chúng điên rồ, xua quân chiếm được ngọn đồi chỉ cách khoảng hai ba dặm ở về phía Tây của căn cứ. Nhờ vào sự chỉ huy khôn khéo của vị căn cứ Trưởng, Anh đã phối hợp đơn vị phòng thủ Phi Trường, phi đoàn 241, phi đoàn 243 và phi đoàn 532 giữ vững được căn cứ và tái chiếm được ngọn đồi, đẫm máu quân địch trên dưới cả đại đội và nhiều vũ khí. Tôi ngậm ngùi và cảm động khi đọc lá thư trong ba lô của người quá cố, đại uý đại đội trưởng Việt Cộng. Lá thư viết bởi thân mẫu của anh và trong đó có câu "Xuân này, quê hương mình đang được hưởng cảnh thanh bình. Máy bay Mỹ đã ngừng ném bom. Mọi người nô nức đón xuân nhưng mẹ vẫn trông chờ một cánh chim, sao bay mãi chưa về..."

Phù Cát được mệnh danh là căn cứ Không Quân "buồn" nhất, so với tất cả các căn cứ Không Quân khác của quân chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, bởi hai lý do: Thứ nhất là vị trí ở xa thành phố. Chúng tôi muốn ra Qui Nhơn chơi bằng đường bộ, thì ít nhất phải mất nửa tiếng lái xe Honda. Thứ hai là sau 6:00 chiều căn cứ bị đặt ở trong tình trạng nội bất xuất và ngoại bất nhập, vì lý do an ninh của khu vực chung quanh vòng đai.

Có lần chúng tôi được các anh lính Biệt Động Quân đóng quân ở các quận gần căn cứ kể rằng: Các giếng nước của dân địa phương quanh đây, đa số đều được đào rất sâu, nhưng giây gầu lại ngắn. Muốn múc được nước các anh phải nhón chân và chúi đầu xuống giếng. Những ai đi múc nước một mình và đang cố gắng ở trong tư thế này, bất chợt có cô thôn nữ đi ngang, nàng chỉ cần nâng nhẹ mông của anh ta lên, là có thể kết liễu tính mạng một người lính Quốc Gia, mà không phải tốn một viên đạn AK nào cả. Các nàng ở đây có dụng ý "tốt" hay "xấu" chẳng ai biết được, đã nhiều lần mời anh em chúng tôi, những chàng Không Quân trẻ, độc thân, có tiếng là hào hoa và đào hoa, ra miệt vườn và ở lại đêm chơi với các nàng. Điều này nghe hấp dẫn và lãng mạng quá! Nhưng cũng may là anh em chúng tôi không ai dám nhận lời, nếu không thì chúng tôi có thể đã sớm đi chầu Diêm Vương và sau đó chẳng những không được Phi Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu và quan tài được phủ cờ Vàng, mà còn bị phạt hàng chục củ vì tội nhẹ dạ, đã không nghe lời anh Cả cảnh giác ngay từ khi chúng tôi mới đặt chân đến đây.

Tuy nhiên căn cứ Phù Cát cũng có cái hấp dẫn của nó, nếu không thì chẳng có câu " Phù Cát ra dễ, khó về". Mỗi khi phi đoàn có dịp tổ chức dạ hội như ngày sinh nhật của phi đoàn hay tiệc cưới của các nhân viên. Những bông Hồng (made in Sài Gòn) nô nức kéo nhau ra căn cứ Phù Cát và có khi ở lại chơi cả tuần lễ không chịu về. Lý do thì cũng dễ hiểu là các nàng đã được các chàng độc thân nơi đây, nổi danh bay bướm, trổ tài galang, ngày thì đưa đi hái xoài, tối thì đưa đi bắt con cà cuống. Còn tiền thì mời ăn cơm ở Câu Lạc Bộ, khi hết tiền thì đãi mì gói hay gạo sấy cũng vui. Đôi khi các nàng ở lại hơi lâu, các mệnh phụ phu nhân thấy chướng tai, gai mắt, than phiền với các đấng phu quân. Thế là lệnh được ban ra, các anh phải tiễn đưa các nàng, trả về nguyên quán trong vòng 24 giờ.

Trong thời gian đồn trú tại đây, có lần chúng tôi được điều động cho một phi vụ khá đặc biệt, đó là bay đến giải tỏa cho đoàn xe đò đang bị kẹt trên đoạn đường Quốc Lộ Số 1, bởi một toán quân Việt Cộng, đắp mô và chận xét. Sau khi quan sát hiện trường, tôi liên lạc với viên phi công số 2 là chúng tôi sẽ đánh từ Nam lên Bắc, quẹo trái, thả từng trái bom cho một lần đánh. Số hai nhắm thả bên trái, 50 thước cách con đường, còn tôi sẽ thả bên phải, 50 thước cách con đường. Sau khi thi hành xong lần đánh chót, chúng tôi lấy cao độ và bay trở về phi trường, để lại hiện trường hai lằn khói trắng, chính giữ là đoàn xe, trông giống như hình một cái bánh kẹp.

Chiều đến, chúng tôi cứ hai người cùng cưỡi trên một chiếc Honda, ra quán cơm Tư Sa ăn cơm tối. Hôm nay quán rất đông khách, đa số là hành khách của đoàn xe đò đã được chúng tôi giúp cho lưu thông trở lại. Họ nói chuyện với nhau về sự quan tâm và lo lắng của họ khi phòng không của Việt Cộng bắn xối xả lên máy bay của anh em chúng tôi. Vì chúng tôi mặc y phục dân sự nên họ đã không nhận ra chúng tôi là những phi công đã giúp họ. Nghe được câu chuyện "Họ đã không nghĩ đến những hiểm nguy có thể xẩy đến cho chính bản thân họ mà họ lại lo lắng cho tính mạng của chúng tôi". Chúng tôi cảm thấy vui và ấm lòng về tình "Quân Dân Cá Nước" của nhân dân và quân đội Việt Nam Cộng Hoà.

Huy Sơn



No comments:

Post a Comment