Huy Sơn
Cái mộng trở thành phi công nó đã ăn sâu vào tâm khảm của tôi từ lúc nào thì tôi không biết, nhưng có điều mà tôi nhớ rõ là ngay từ thủa nhỏ, lúc đó vào ngày sinh nhật thứ năm của tôi, tôi rất mừng rỡ khi nhận được món quà từ bà cô. Đó là chiếc máy bay nhỏ chạy bằng giây cót. Tôi rất thích thú và quý nó vô vàn. Tôi hãnh diện với đám bạn trong xóm vì không ai có được món đồ chơi giống như của tôi. Những năm đầu sau ngày tôi theo gia đình di cư vào Nam, năm 1954, mỗi lúc vào dịp lễ Trung Thu là tôi đều được ba tôi giúp làm một cái lồng đèn hình tàu bay để rước, khi mà các bạn lối xóm chỉ có đèn xếp mà thôi. Tôi dẫn đầu đám trẻ, nâng cao chiếc lồng đèn máy bay, tuần tự đi qua nhiều ngõ hẻm trong xóm. Trông nó oai làm sao ấy... Cũng vì thế, đến khi có lệnh động viên là tôi sẵn sàng xếp bút nghiên xin gia nhập vào quân chủng Không Quân ngay lập tức, chẳng hề do dự. Thời gian sống trong quân ngũ, tôi có cơ hội quen thêm nhiều bạn mới. Tôi quen được họ là nhờ những lần đi thụ huấn các khoá học khác nhau chẳng hạn như khoá căn bản quân sự Quang Trung, khoá Sinh Ngữ Quân Đội, và khoá học bay ở Hoa Kỳ. Đến năm 1971, sau khi tốt nghiệp để trở thành phi công tác chiến A-37, tôi hồi hương và được phục vụ tại sư đoàn IV và sư đoàn VI Không Quân. Tuy chúng tôi đồn trú rải rác trên khắp vùng chiến thuật nhưng thỉnh thoảng cũng có cơ hội gập lại nhau ở những nơi như hậu trạm, trong lúc chờ đợi những chuyến bay hay những lần đi biệt phái. Những lần gập gỡ này tuy ngắn ngủi nhưng nó cũng cho chúng tôi có cơ hội, tay bắt mặt mừng và hỏi han nhau đủ thứ. Vào đầu năm 1972 tình hình chiến sự càng lúc càng trở nên sôi động, tin dữ cứ lần lượt kéo đến, lúc có tin người bạn bị bắn rơi ở chiến trường An Lộc của phi vụ tiếp tế, lúc ở trên bầu trời Chu Pao, Quảng Trị hay Thượng Đức của những phi vụ yểm trợ cho quân bạn. Một lần đi và không bao giờ trở lại hay đi không ai tìm xác rơi... Những lúc như thế tôi hay xà vào một quán cóc, uống cho vùi đầu, uống thương tiếc những người bạn vắn số đã nằm xuống hy sinh cuộc đời quá son trẻ của mình để bảo vệ mảnh đất tự do. Suốt khoảng thời gian sống đời tỵ nạn, cứ mỗi khi đến tháng Tư là lòng tôi lại chùng xuống, bồi hồi nhớ đến những người bạn cũ, cùng một binh chủng, một thời đã cùng chiến đấu bên nhau. Trong đó có một người mà tôi muốn nhắc đến, tên là Tâm. Anh chỉ hơn tôi một tuổi nhưng trông rất già giặn, nên anh em đặt cho biệt hiệu "bác Tâm Già". Tôi quen anh vào dịp ra Nha Trang thụ huấn giai đoạn 2 quân sự, anh đã cho tôi tá túc cùng phòng của anh trong cư xá Sĩ Quan Độc Thân. Khi ấy anh là hoa tiêu tác chiến A-37, hàng ngày vào phi đoàn trực bay còn tôi phải đi học quân sự. Khi xong xuôi mọi việc, chúng tôi rủ nhau ra phố ăn cơm tối. Đêm đến, trước khi ngủ chúng tôi thường trò chuyện và tâm sự với nhau. Nhờ vậy tôi được biết khi xưa anh sinh ở Nam Định và bị mồ côi từ lúc 4 tuổi, cha mẹ anh đều bị sát hại qua lần đấu tố diệt tư sản của Việt Cộng. Anh đã được một gia đình nhận về nuôi và họ đã đưa anh vào Nam theo đợt di cư năm 1954. Gia đình ân nhân của anh chỉ sinh được một người con gái, thua anh bốn tuổi. Cha mẹ của cô làm nghề buôn bán, hàng ngày rất bận bịu với công việc cho nên anh đã thay thế họ, dành rất nhiều thì giờ chăm sóc cô em gái này. Một buổi chiều tôi đã về cư xá trước anh, rồi sửa soạn để khi anh về chúng tôi cùng nhau ra phố ăn cơm tối. Một tiếng đồng hồ trôi qua vẫn chưa thấy anh, tôi đâm ra lo lắng không biết có chuyện gì xẩy ra, tôi ra ngoài hướng mắt nhìn phía phi đạo xem có phi vụ nào về đáp không. Chừng độ năm phút sau bỗng có một phi cơ A-37 trở về, lúc này nỗi lo âu trong lòng tôi càng gia tăng bởi vì thông thường một hợp đoàn phải có tối thiểu là hai chiếc trở lên, giờ đây chỉ có một chiếc thôi thì chắc chắn phải có chuyện chẳng lành. Đang suy nghĩ vẩn vơ thì anh bạn của tôi xuất hiện và đậu xe trước chỗ tôi đứng. Nét mặt anh trông tái mét. Tôi vội hỏi xem có chuyện gì đã xẩy ra. Anh cho biết là anh phải bỏ tàu ở trên phi trường Pleiku và đã về cùng tầu với phi công số hai. Tôi khuyên anh hãy tạm quên chuyện đó và giao chìa khoá xe cho tôi. Tôi chở anh ra phố, đến một quán nhỏ, uống để cố quên đi những điều không may đã xẩy ra cho anh. Sau một vài ly rượu anh tâm sự, khi thi hành xong phi vụ yểm trợ cho quân bạn tại vùng tam biên (VN-Lào-CB), phi tuần của anh phải đáp xuống phi trường Pleiku để lấy nhiên liệu trước khi bay về Nha Trang. Khi phi cơ chạm bánh, anh đạp thắng thì thắng không ăn, phi cơ cứ tiếp tục chạy gần cuối phi đạo, lúc đó anh không còn đủ đường bay cho phi cơ cất cánh lên lại, trước mặt là một vực thẳm, anh vội nâng cần emergency dở bánh đáp lên cho máy bay xập xuống, máy bay tiếp tục trườn ra khỏi phi đạo và khi chỉ còn vài thước là tới miệng vực bỗng nó dừng lại. Nghe vậy tôi rất mừng cho anh đã thoát nạn. Nét mặt anh vẫn đăm chiêu và tiếp tục kể, cùng lúc đó một ý nghĩ thoáng qua trong đầu anh là cứ để tầu băng xuống vực thẳm vì trong lòng anh đang bị day dứt bởi nỗi buồn khiến anh không còn muốn sống nữa. Người con gái của ông bà ân nhân đã nuôi anh trước đây nay sắp lấy chồng! Bấy lâu nay anh thầm yêu cô ta nhưng không dám thưa chuyện này với cha mẹ của cô, sợ bị từ chối. Tuy họ chưa một lần chính thức nói nhận anh làm con nuôi nhưng họ đã đối xử với anh không kém gì đối với người con ruột của họ. Mối tình đơn phương đã được ấp ủ bao lâu nay qua sự gần gũi và chăm sóc của anh với cô ta. Nó hao hao giống như câu chuyện tình yêu của Lệnh Hồ Xung yêu con gái của Nhạc Bất Quần là cô Nhạc Linh San trong truyện kiếm hiệp của tác giả nồi tiếng Kim Dung. Bẵng độ khoảng ba năm sau ngày chúng tôi chia tay, bất ngờ tôi nhận được tin anh bị bắn rơi trên vùng trời lửa đạn, anh bị bắt và chết để lại người vợ trẻ và một con thơ. Giờ đây khi nghĩ về anh, tôi tin là anh đang có một đôi cánh nhiệm mầu thay thế chiếc áo cũ khổ đau, bay tung tăng khắp nơi trong bầu trời vô tận... Tôi xin thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ đến anh, một người bạn đồng nghiệp, thân thương đã Vị Quốc Vong Thân và cầu mong cho vợ và con của anh luôn gập nhiều may mắn.
Huy Sơn
|
- Home
- Quân Sử
- Khung Trời Cũ
- Hội Ngộ
- Sinh Hoạt
- Tản Mạn Văn Học
- Tạp Ghi
- Nhạc
- Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc
- Bài Ca Hội Ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân
- Trần Duy Đức & Hạt Thơ Nẩy Chồi Nốt Nhạc
- Xưa Trên Đó (Võ Ý & Trần Duy Đức)
- Em Yêu Dấu (Hoàng Khai Nhan)
- Mùa Thu Paris (Cung Trầm Tưởng & Phạm Duy)
- Lê Thương & 70 Năm "Hòn Vọng Phu"
- Lệ Đá (Trần Trịnh & Hà Huyền Chi)
- Giai Thoại Về Nhạc Phẩm "Làng Tôi"
- Rơi Về Nhau (Trần Duy Đức & Diễm)
- Nhạc Thính Phòng (Hoàng Khai Nhan)
- Văn
- Thơ
- About
Tuesday, January 17, 2017
Chuyện Năm Xưa
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment