Thành GiangCánh cửa phòng ngủ của phi đoàn Phượng Long 431st mở rộng. Ánh đèn được bật sáng. Lê Văn Đệ vừa thiêm thiếp ngủ, đã phải thức giấc vì tiếng động, vài nhân viên phi hành vẫn còn ngáy khò khò giữa đêm khuya tĩnh mịch. Thiếu úy Lê Nghi, viên sĩ quan trực phi đoàn cất giọng ồn ào đánh thức: – Phi vụ khẩn cấp! Lệnh của Đại tá Minh Không đoàn trưởng, chỉ thị tập họp nhân viên phi hành ứng chiến đêm nay, tại phòng họp phi đoàn. Tất cả hãy thức dậy, đến phòng họp gấp! Đêm nay, sĩ quan trực phi đoàn khá bận rộn với những phi vụ bất thường, ông ta phải điều động nhân viên, liên lạc Thiếu tá Huỳnh Ngọc Nghĩa, phi đoàn phó phi đoàn Phượng Long, 431st, viên sĩ quan ứng chiến có cấp bậc cao nhất, ông hiện đang nghỉ ngơi tại cư xá sĩ quan trong phi trường Tân Sơn Nhất. Một phần ba quân số phi đoàn đang ứng chiến, trên dưới độ 30 nhân viên phi hành gồm đủ các ngành nghề: trưởng phi cơ, phi công phụ, cơ khí phi hành và áp tải phi hành. Họ đã tề tựu đông đủ tại phòng hành quân vào giữa khuya, chỉ còn vài phút giây ngắn ngủi nữa, kim đồng hồ sẽ chỉ đúng 12 giờ, bước sang một ngày mới. Lê Văn Đệ cúi người xuống cột dây giày, miên man suy tư về phi vụ khẩn cấp, bất thường giữa đêm khuya. Không biết tầm quan trọng của phi vụ như thế nào, đã khiến cho viên đại tá Không đoàn trưởng Không đoàn 33 Chiến thuật đã vất vả, phải đích thân điều động trong đêm khuya. Chắc chắn, đây phải là một phi vụ hóc búa, được thực hiện giữa đêm tối. Tại sao họ không thể chờ đến sáng để thực hiện phi vụ? Tại sao họ không sử dụng trực thăng vận tải Chinook, CH-47 đáp không cần phi đạo? Phải dễ dàng và an toàn hơn không! Có lẽ vì muốn bảo mật trong tình hình chiến sự đang căng thẳng và nguy ngập của Miền nam Việt Nam chăng? Phi cơ trực thăng vận tải Chinook có thể đã bay thấp, tạo những âm thanh ồn ào, khó giữ được những sự bí mật, địch quân dễ dàng phát hiện và tấn công. Họ phải nhờ đến vận tải cơ C-7A Caribou trợ lực, thi hành phi vụ. Trong khi chờ đợi Thiếu tá Nghĩa đến. Sĩ quan trực trình bày sơ lược các chi tiết về cuộc họp khẩn do đại tá Minh vừa điện xuống. Đại tá đã chỉ thị công tác lập cầu không vận tiếp tế nhiên liệu JP-4 cho trực thăng tại chiến trường nóng bỏng Phan Thiết. Cần gấp hai phi vụ C-7A Caribou, thực hiện ngay đêm nay. Vận chuyển 8,000 pounds xăng JP-4 cho trực thăng đang tham chiến, giết giặc và ngăn chận cộng quân tại phòng tuyến mới thành lập, Phan Thiết. Sau khi căn cứ Không quân Phan Rang đã thất thủ ngày hôm trước. Hôm nay, ngày 16-4-1975. Quân Dân Việt Nam Cộng Hòa đang lo lắng cho tình hình chiến sự Miền nam đang nguy ngập, sụp đổ lần lần. Khi cộng sản Bắc Việt đã ồ ạt tấn chiếm các phần đất của Chính phủ Miền nam, từ trung phần chạy dài đến tỉnh Bình Thuận. Chúng đã không gặp một sự kháng cự nào đáng kể. Giờ đây, Việt cộng cố tranh thủ, tiến chiếm mục tiêu cuối cùng là Thủ đô Sài Gòn, sau nhiều năm chúng kiên trì, mưu chước, lọc lừa, chờ đợi thời cơ, cái thiện chí “chống cộng” của nhân dân Mỹ đang bị “mục rữa”. Chính quyền Hoa kỳ sẵn sàng ngoảnh mặt, phản bội, bỏ rơi đồng minh VNCH mà họ đã khuyến dụ mở một cuộc chiến tranh chống cộng tại tiền đồn tự do Miền nam VN. Cộng sản Bắc Việt đã nắm phần chắc giấc mộng điên rồ, không tưởng “thế giới cộng sản đại đồng” với thâm ý trong thủ đoạn tạo chiến tranh để cướp chính quyền Miền nam Việt nam của họ Hồ, chúng sắp sửa được thành tựu. Đồng thuận với các cuộc tiến quân vũ bão của cộng sản Việt Nam chính phủ Hoa kỳ nhẫn tâm cắt đứt mọi viện trợ quân sự, mạch máu chính cho chiến trường của Quân đội Miền nam, để cuộc sụp đổ của Quân đội VNCH càng nhanh càng có lợi cho sự tháo chạy của Quân đội Hoa kỳ đã bị “mắc lầy” tại Việt nam, họ cố thoát ra khỏi cuộc chiến tranh dai dẳng, do chính Hoa kỳ và cộng sản Bắc Việt đã chủ xướng và kình chống nhau, cả hai đã tạo ra cuộc chiến tranh Việt Nam, trên phần đất của miền Nam Việt Nam. Ông Hồ yêu chuộng chiến tranh, lão đã ma giáo không muốn để cho chiến tranh đó xảy ra ở miền Bắc của lão? Chính phủ Hoa kỳ đã hô hào, khích lệ chống cộng sản và ngăn chận Đế quốc Xã hội Chủ nghĩa, cứu nguy thế giới và nước Mỹ, mà Miền nam Việt nam là một tiền đồn Tự do, nạn nhân của hai thế lực cộng sản và tư bản. Giờ đây, 58,000 quân nhân Hoa kỳ đã tử vong tại Việt nam, đã không còn mang một ý nghĩa tốt đẹp, họ đã có thiện chí hy sinh và nằm xuống để bảo vệ tự do “riêng” của nước Việt nam Cộng Hòa. Thiếu tá Nghĩa xuất hiện ở phòng hành quân phi đoàn, cặp mắt còn đỏ hoe, chứng tỏ ông vừa trải qua một giấc ngủ không trọn vẹn, thì được lệnh họp khẩn cấp. Sĩ quan trực báo cáo ngay với Thiếu tá Nghĩa. Tuyển chọn và thành lập ngay một phi hành đoàn bất thường, có đầy đủ khả năng bay đêm. Mặc dù, phi vụ lệnh cho ngày mai đã được Thiếu tá Nguyễn Đình Thảo, Sĩ quan Hành quân phi đoàn sắp xếp xong và đã phân phát ra hồi chiều. Nhưng đa số nhân viên phi hành có tên trên phi vụ lệnh đã được phép về nhà nghỉ ngơi. Vả lại, số phi công trưởng phi cơ có khả năng bay đêm của phi đoàn chỉ đếm được, không quá trên đầu hai bàn tay. Thiếu tá Nghĩa thay thế Thiếu tá Nguyễn Đình Thảo, làm công việc của viên sĩ quan hành quân phi đoàn, đang vắng mặt. Ông bắt tay vào việc, đảo mắt một vòng nhìn mặt từng nhân viên phi hành hiện diện trong phòng họp, rồi ông lên tiếng: – Trung úy Hùng bay với tôi đêm nay. Lê Văn Đệ quan sát ánh mắt Thiếu tá Nghĩa đã mấy lần đảo qua mặt anh, là biết ngay ông sẽ chọn Đệ là một cơ phi có nhiều kinh nghiệm hơn các cơ phi đang ứng chiến đêm nay. Rất tiếc, Thượng sĩ Lê Như Nhã, trưởng ngành Cơ phi, thâm niên, nhiều kinh nghiệm hơn, đã vắng mặt. Sau khi đã cắt bay xong, ông rời phi đoàn, đã trở về nhà. Thiếu tá Nghĩa chỉ vào hai nhân viên: – Trung sĩ I Đệ và Hạ sĩ I Hi. Bốn người chúng ta sẽ thi hành phi vụ Cầu Không Vận đêm nay! Sĩ quan trực ghi vội phi hành đoàn vừa thành lập vào sổ hành quân. Thiếu tá Nghĩa nhìn viên sĩ quan trực, bảo: – Thiếu úy, gọi điện thoại hỏi phi đoàn Sơn Long 429th, xem ai sẽ bay với chúng ta đêm hôm nay. Thiếu úy! Sĩ quan trực đã chuẩn bị chu đáo, đáp ngay: – Trung tá Cung Thăng An, phi đoàn trưởng 429th. Thưa Thiếu tá. Ông Nghĩa gật đầu tỏ vẻ an tâm. – Tốt quá rồi! Trung tá An sẽ “lead” chúng ta. Thiếu tá Nghĩa tiếp: – Thiếu úy đã gọi và báo với phòng kỹ thuật 431th để họ chuẩn bị phi cơ chưa? – Máy bay đã chuẩn bị xong rồi, Thiếu tá! Papa Tango 725 Sĩ quan trực gác điện thoại, tiếp lời: – Đại tá Minh, Không đoàn trưởng mới thông báo. Ông ta đã vừa thuyết trình xong công tác bên phi đoàn Sơn Long 429th. Giây lát nữa đây, đại tá sẽ sang thuyết trình với phi đoàn Phượng Long 431st của chúng ta. Các phi vụ thường nhật, bay ban ngày, phi hành đoàn thường chỉ dùng một phi công trưởng phi cơ và một hoa tiêu phụ. Nhưng phi vụ đêm nay tương đối nguy hiểm hơn, phi đạo nhỏ không đèn, đang trong tình trạng sôi sục của chiến tranh. Các phi hành đoàn đều phải chọn lựa và tận dụng những nhân viên phi hành có nhiều kinh nghiệm nhất trong số những quân nhân đang ứng chiến. Thiếu tá Nghĩa đã phải dùng hai trưởng phi cơ nhiều kinh nghiệm bay chung một phi vụ cho đêm hôm nay. Chuyến bay đêm đặc biệt này, Thiếu tá Nghĩa đã chọn và đặt trung úy Võ Văn Hùng là một trưởng phi cơ Caribou thuộc lớp trẻ, nhưng trưởng phi cơ Võ Hùng đã có rất nhiều năm kinh nghiệm bay bổng phi cơ C-7A Caribou trên những tiền đồn nguy khốn của Bốn Vùng Chiến Thuật, ông ngồi vào ghế phi công phụ, giúp đỡ Thiếu tá Nghĩa thực hiện an toàn phi vụ đặc biệt, bất thường và hóc búa đêm nay. Các phi công của hai phi vụ đều đã biết trước tình trạng nguy hiểm của phi trường Phan Thiết là một phi trường nhỏ, không đầy đủ phương tiện đèn đuốc an toàn, thiếu các đèn xác định vị trí trên phi đạo, để đáp ban đêm, trong bối cảnh của chiến trường tàn khốc. Thiếu tá Nghĩa đã lo xa, dù chức vụ, cấp bậc và thâm niên của ông cao hơn Trung úy Hùng, nhưng càng lớn tuổi mắt càng kém, chậm chạm, vả lại, ở chức vụ tham mưu phi đoàn, ngồi chơi xơi nước, ông đã ít có dịp bay nhiều trên các phi trường tiền đồn, thiếu “văn ôn võ luyện” như các trưởng phi cơ trẻ tuổi C-7A, đã bay và đáp nhuyễn nhừ ở những phi đạo nhỏ hẹp, không tiện nghi, thiếu an ninh. Ông cần một phi công giỏi hầu tiếp sức khi cần thiết trong tình huống bay đêm đầy nguy hiểm, khó lường trước. Lệnh là lệnh, họ phải cố gắng thi hành bằng mọi khả năng, vì đất nước đang ở trong tình trạng nguy ngập. Cộng sản Việt nam đã tiến gần đến Thủ đô Sài Gòn. Dường như mỗi quân nhân đều ưu tư, lo lắng và tự phải có một trách nhiệm với một tinh thần phục vụ đất nước và hy sinh. Họ cùng nhau yểm trợ, xây đắp những phòng tuyến ngăn chận làn sóng tiến quân của kẻ thù thâm độc phương Bắc với những thiện chí cao nhất, kể cả sự hy sinh tính mạng để cứu nước, trong đó, có sự bình an của thân nhân họ. Đại tá Minh xuất hiện ở cửa phi đoàn. Ông bước vội vào phòng họp, thản nhiên vẫy tay mời mọi người ngồi. Đây là một công tác đặc biệt, bất thường có tính cách khẩn trương và bí mật. Đích thân đại tá Không đoàn trưởng Không đoàn 33 Chiến thuật đảm trách việc điều động, kiêm nhiệm luôn thuyết trình viên về công tác và an ninh của các phi vụ. Tương tự những tin tức an ninh đại tá Minh đã thuyết trình tại phi đoàn Sơn Long 429th, Caribou. Ông lập lại tình hình chiến sự xung quanh phi trường Phan Thiết với những lời nhắn nhủ: – Như các anh đã biết phi trường Hàm Tân là một phi trường tiền đồn nhỏ, thiếu thốn tiện nghi, không có đèn xác định vị trí phi đạo và đặt trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, khi phi cơ các anh đáp, anh em quân nhân dưới đất sẽ bắn hỏa châu để soi sáng phi đạo cho các anh đáp. Vừa nghe qua, hai ông phi công nhìn nhau rởn tóc gáy. Bốn nhân viên phi hành ruột gan lộn ngược khi họ liên tưởng đến “trò chơi sáng chế” nguy hiểm của giới hữu trách Quân Đoàn II trước đó, đã sáng tạo những “sáng kiến chết người”, và giờ đây những “phi vụ cạm bẫy” đó nó đang tái diễn với phi hành đoàn của Thiếu tá Nghĩa. Mấy tháng trước đây, năm 1974, một phi hành đoàn Sơn Long 429th đã lâm nạn thê thảm ở sân bay tiền đồn Nhơn Cơ, Ban Mê Thuột. Họ đã đáp đêm với đèn phi đạo bằng những đèn pha xe jeep, đã giết chết 4 nhân viên phi hành và 25 Biệt kích quân thiện chiến của Sư đoàn 23 Bộ Binh. Phi hành đoàn hơi nôn nao nhưng họ cố làm ra vẻ bình tĩnh. Đàng nào họ cũng phải cố gắng, không có một lý do gì để từ chối trong giây phút cứu nguy đất nước đang nguy khốn này. Khi các trực thăng bạn đang khẩn cấp cần sự tiếp tế nhiên liệu, mạch máu chính trên chiến trường xao động ở Bình Tuy. Họ đang ráo riết chiến đấu, hy sinh, dựng các phòng tuyến ngăn chặn giặc thù nham hiểm Bắc Việt. Thiếu tá Nghĩa cất giọng hỏi: – Còn tình hình chiến sự quanh vùng như thế nào? Thưa đại tá! – Cám ơn Thiếu tá, ông đã nhắc nhở tôi điều này. Ngưng giây lát, ông nói tiếp: – Rất nhiều trận đánh lẻ tẻ đang diễn ra xung quanh Phan Thiết. Khi đã đến nơi, các anh nên nhớ, không nên giảm cao độ và đáp ở phía tây của phi trường, rất có thể sẽ bị địch quân bắn đấy! Phải đáp từ bờ biển đáp vào, tức đáp từ phía đông phi trường. Nhớ rõ điều này. Đại tá Không đoàn trưởng Không đoàn 33 Chiến thuật cố gắng nhanh chóng kết thúc cuộc thuyết trình an phi và tình hình chiến sự tại Hàm Tân trong 20 phút ngắn ngủi. Để phi hành đoàn sớm lên đường, thực hiện các phi vụ. Ông kết thúc buổi họp bằng một lời khích lệ cao đẹp: – Các anh em cố gắng hoàn tất phi vụ tốt đẹp. Đêm nay, Câu lạc bộ Mây Bốn Phương sẽ mở cửa suốt đêm. Đích thân tôi sẽ chờ đợi các anh trở về và chúng ta sẽ dùng buổi ăn sáng tại Câu lạc bộ. Thiếu tá Nghĩa muốn xác định lại phi hành đoàn Sơn Long 429th, gồm có những ai sẽ thi hành công tác, ông hỏi: – Thưa đại tá! Ai sẽ bay phi vụ của bên phi đoàn 429th đêm hôm nay? – Trung tá phi đoàn trưởng Cung Thăng An sẽ bay đêm nay và ông ta sẽ “lead” các anh. Các anh còn thắc mắc điều gì nữa không? Lê Văn Đệ nghĩ thầm, với một ý định sẽ phát biểu một câu nói để đời, tuy hài hước nhưng đầy ý nghĩa: “Thưa đại tá! Chúng tôi sẽ cố gắng vượt bực, chúng tôi nhất định phải hoàn tất phi vụ của đại tá đã giao phó một cách an toàn và tốt đẹp. Chúng tôi khẳng định phải trở về đây để dùng buổi ăn sáng đặc biệt, đầy ưu ái của đại tá, có lẽ chúng tôi rất hân hoan được sự ưu đãi của đại tá như vậy! Chúng tôi nhứt định phải trở về”. Văn Đệ kịp thời nhận định tình hình đang căng thẳng, không thuận tiện cho việc “tếu” trong giây phút nguy kịch này, chàng tự mỉm cười trong im lặng. Thiếu tá Nghĩa lắc đầu ra hiệu không còn thắc mắc. Để sớm chấm dứt buổi họp. Đại tá Minh cất tiếng: – Cám ơn các anh. Bây giờ, các anh có thể bắt đầu đi thi hành phi vụ, chúc các anh gặp nhiều may mắn. Trời Sài Gòn vào khuya, bóng đêm bao phủ. Hai chiếc vận tải cơ Caribou C-7A nổ máy đều đặn, di chuyển và tiến vào phi đạo, họ xin chỉ thị cất cánh với đài kiểm soát Không lưu Sài Gòn. Hai cánh chim sắt ầm vang, lần lượt vỗ cánh bay đi trong giấc điệp an lành của người dân thủ đô Sài Gòn. Thiếu tá Nghĩa đậu phi cơ trên phi đạo, chờ Trung tá An cất cánh bay đi trước trong giây lát. Đến lượt cánh chim thép Papa Tango 725 của Thiếu tá Nghĩa nhổ chân rời mặt phi đạo, nhẹ nhàng lướt trên không trung. Đối với các phi công, cất cánh trên phi đạo Tân Sơn Nhất rộng rãi, đủ chiều dài với hai cột đèn xác định rõ rệt mặt phi đạo rộng thênh thang, cất cánh dễ dàng hơn “ăn cơm bữa”. Thiếu tá Nghĩa điều chỉnh phòng hờ đồng hồ hướng bay, ông chỉ việc nhắm và bay theo cây đèn đỏ xoay tròn trên đỉnh đuôi phi cơ của trung tá An, bay theo cho nó tiện. Chẳng mấy chốc, thành phố Sài Gòn rực rỡ ánh đèn, bỏ lại đàng sau lưng. Hai chiếc phi cơ âm thầm, lầm lũi trong bóng tối âm u, tiếp tục lấy cao độ bay lên không, trong màn đêm xám xịt, thẳng ra hướng đông-đông bắc của Sài Gòn. Về đêm, càng lên cao không khí càng trở lạnh. Chiếc áo dạ phi hành không đủ ấm. Lê Văn Đệ co ro tựa vào thành ghế, nỗi nhớ vợ con miên man, không biết giờ này Kim Lan và hai con của chàng đã yên giấc điệp hay chưa? Có thể nàng còn đang thao thức, bận rộn chăm sóc cho thằng con thứ hai mới vừa sinh được 35 ngày, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của đất nước, nỗi bi thương, sắp sửa sụp đổ tan tành. Bằng cầu nguyện cho họ có được những giấc điệp êm đềm giữa lòng đô thị bình an. Có bao giờ những người nhân viên phi hành dám kể lại những giây phút gian nguy của họ trên không trung đầy lửa đạn. Kim Lan nào biết chồng nàng đã trải qua hàng chục phi vụ kinh hoàng, xuýt mất mạng, đã bao lần chàng may mắn vượt thoát khỏi thần chết, để còn tồn tại. Giờ đây, chàng sắp sửa đi vào vùng trời tăm tối, đầy ám ảnh, nhiều dun rủi và gian nguy trong cuộc chiến tuyệt vọng của Miền nam. Đối diện hàng ghế trống trải bên trái, Hạ sĩ I Dương Phong Hi vô tư, tựa lưng vào thành ghế lim dim đi vào giấc điệp. Văn Đệ đứng lên tiến lại gần kiểm soát lại khối hàng hóa, gồm 8 phi xăng phản lực JP4 sẽ dùng cho phi cơ trực thăng vũ trang chiến đấu UH-1. Khối hàng hóa “xăng nhạy bén” nguy hiểm đã làm cho chàng không ít suy tư và lo lắng. Đưa tay, chàng kéo mạnh những sợi dây buộc khối hàng. Nó đã được áp tải phi hành cẩn thận, khóa chặt xuống sàn phi cơ. Trở lại ghế ngồi, Đệ suy tư về lời thuyết trình tình hình bất ổn của phi trường Hàm Tân, Phan Thiết còn âm vang trong tâm tư, khiến cho Văn Đệ đâm lo lắng, nhưng không thể từ chối trách nhiệm, một khi đã được cấp trên chọn lựa và chỉ định. Trách nhiệm của một quân nhân, đành phải liều mạng thi hành, dù biết rằng đây có thể là một phi vụ cực kỳ nguy hiểm, có thể sẽ xảy ra những điều bất trắc, bỏ mạng, trong tích tắc với những sơ hở nhỏ của phi công và cũng có thể đây là phi vụ cuối cùng cho cuộc đời của chính họ. Nỗi lo lắng của Đệ dâng cao, cứ phải nghĩ đến khối hàng hóa nhiên liệu, cực kỳ nguy hiểm hiện diện giữa thân tàu. Nếu chẳng may phi cơ lâm nạn và làm crash, có thể 4,000 pound xăng phản lực cực nhạy này, cộng thêm số lượng xăng trong bình của phi cơ, đủ để thiêu xác bốn nhân viên phi hành trên phi cơ thành tro bụi, không có một bàn tay cứu hỏa nào có thể dập tắt, cứu chữa được sinh mạng của họ. Văn Đệ rùng mình, hồi tưởng lại phi hành đoàn của cố Thiếu tá Hoàng Trọng, trong đó bạn đồng môn của anh, Thượng sĩ Nguyễn Minh Bạch đã tử nạn, phi hành đoàn bốn người và 25 Biệt kích quân thiện chiến của Sư đoàn 23 Bộ binh đã chết thê thảm tại phi trường tiền đồn Nhơn Cơ, khi cộng sản Việt nam tiến quân và đánh thử lửa tại Ban Mê Thuột mấy tháng trước. Phi vụ đêm hôm đó, cũng tương tự như phi vụ Văn Đệ hiện đang thi hành. Phi vụ cầu không vận khẩn cấp đúng vào giờ khuya, phi đạo nhỏ và ngắn, không đèn đuốc xác định vị trí đường bay. Giới hữu trách Quân đoàn II biết rằng các phi vụ này rất nguy hiểm. Họ đã sáng chế ra những phương cách đáp đêm thiếu an phi và ngoài khả năng của phi công. Lần trước, họ đã dùng hai chiếc xe jeep đặt ở hai đầu phi đạo, bật đèn pha làm dấu hiệu đường bay cho các phi cơ đáp đêm rất tai hại và nguy hiểm. Hai lý do thiếu an toàn: vì bốn ngọn đèn của hai chiếc xe không đủ xác định chiều dài của đường phi đạo mà mỗi bên đường bay phải cần đến ít nhất 10 ngọn đèn cho mỗi cột của hai phía đường bay, vả lại, đèn xe chiếu ngược vào mặt phi công sẽ bị chóa mắt, nhìn không thấy rõ mặt phi đạo, rất tai hại, làm chết người, và các phi vụ khác bị đình động, cầu không vận cũng phải bị hủy bỏ ngay đêm hôm đó. Một sáng kiến ngớ ngẩn, cực kỳ nguy hiểm, hại người. Đại úy Trọng đã cố gắng đáp phi cơ và không ước lượng được cao độ giữa phi cơ và mặt đất. Chiếc máy bay của ông đã xuống thấp sớm hơn dự liệu đáp trên mặt phi đạo, va chạm và cày nát 50 thước trên đỉnh đồi thông, cách đầu phi đạo vài chục thước. Kết quả phi cơ lâm nạn với tất cả 29 mạng người trên máy bay đều thiệt mạng. Ngày thăm xác phi hành đoàn của Đại úy Trọng tại Tử Sĩ Đường ở Tân Sơn Nhất, thật thê thảm và khủng khiếp quá chừng. Văn Đệ đau lòng chứng kiến thân xác vỡ nát của Nguyễn Bạch, chàng không khỏi sợ hãi lẫn thương tâm, hàm răng dưới và cánh tay phải đã văng đi mất, trông khủng khiếp vô cùng. Phi vụ của Văn Đệ đêm nay tương tự như phi vụ của Nguyễn Bạch mấy tháng trước. Lần này, các ông lại sáng chế bắn hỏa châu soi sáng mặt phi đạo, không biết nó có an toàn và khá hơn lần trước hay không? Không chừng còn tệ hại hơn nữa. Đệ lo lắng khi nhìn 4,000 pound xăng phản lực, có lẽ nó sẽ thiêu rụi thân xác phi hành đoàn không còn một mảnh xương thịt như phi hành đoàn của Nguyễn Bạch. Giọng trung tá An phát ra từ máy liên thoại trên chiếc phi cơ “lead” Gold Alpha, GA 750 của phi hành đoàn Sơn Long 429th, cắt đứt luồng tư tưởng yếm thế hèn nhát của Lê Văn Đệ. Ông ta thông báo với Thiếu tá Nghĩa, hiện thời phi cơ của ông đang giảm cao độ bay xuống, đề chuẩn bị đáp ở Hàm tân. Thiếu tá Nghĩa cũng bắt đầu cho phi cơ giảm dần cao độ. Từ trên không, Văn Đệ nhìn xuống mặt đất bao trùm bóng đêm xám xịt. Xa xa phía tây bắc phi trường Phan Thiết, một vài bãi chiến trường đang giao tranh ác liệt, phi hành đoàn đã nhận diện được các cuộc giao chiến dưới mặt đất, những đường đạn lửa đỏ rực liên tục đan vào nhau như màn lưới đỏ, những ánh chớp vàng hoe, lóe sáng trong màn đêm, dường như nó là: lựu đạn, mìn, đại bác hay bom máy bay nổ không chừng! Nhìn cảnh tượng hãi hùng của chiến tranh, chắc chắn nơi đó đang máu chảy thịt rơi mà đôi bên đã sẵn sàng sát phạt lẫn nhau, hầu tranh giành từng tấc đất cho phần thắng lợi cuối cùng, để làm phần thưởng cao quý cho các nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam lỗi lạc an lòng, ngủ ngon, nơi an toàn tại Hà nội. Thiếu tá Nghĩa nghiêng phi cơ bay về bên phải tránh xa vùng giao tranh bên trái, những bãi chiến trường khốc liệt dưới mặt đất. Không khéo Việt cộng bắn phòng không lên, bỏ mạng! Ông ta đem phi cơ ra đến bờ biển Phan Thiết, bay mấy vòng chờ đợi Trung tá An đáp xuống trước. Trung tá An lớn tuổi nhất trong hai phi hành đoàn, nhưng ông ta còn “gân lắm” mắt vẫn còn tốt trong đêm tối, ông đã sử dụng kinh nghiệm gần 20 năm bay bổng, với mấy chục ngàn giờ bay, để đáp phi vụ ngoạn mục, đầy nguy kịch này. Không biết nhân viên hỏa châu dưới đất đã bắn trái sáng như thế nào, sau 20 phút Trung tá An mới đáp an toàn xuống phi trường Hàm Tân. Phi cơ của Trung tá An đang đậu dưới bến đậu của phi trường Hàm Tân, ông gọi lên không trung, thông báo với Thiếu tá Nghĩa, đến lượt Papa Tango 725 hạ cánh. Từ bờ biển, nhắm hướng phi trường Hàm Tân, Thiếu tá Nghĩa hạ mũi phi cơ bay xuống, ông ra lệnh cho phi hành đoàn làm thủ tục đáp. Thiếu tá Nghĩa liên lạc với người lính bắn hỏa châu ở dưới đất, dặn dò: – Phi cơ của chúng tôi hiện đang giảm cao độ bay xuống. Bạn chờ khi nào chúng tôi đến sát phi đạo và ra hiệu, bạn mới bắn trái sáng. Bạn nghe tôi thế nào? – Tôi nghe bạn rõ 5 trên 5 đó, Papa Tango 725! Thiếu tá Nghĩa cho phi cơ hạ thấp theo vệt sáng của mặt phi đạo lờ mờ dưới mặt đất, ông cho bánh đáp duỗi ra, phi hành đoàn hoàn tất thủ tục hạ cánh. Rồi ông ra hiệu cho nhân viên bắn trái sáng: – Papa Tango gọi! Anh chuẩn bị trái sáng. Chúng tôi đã xuống gần đường bay rồi. Anh hãy bắn trái sáng giùm! Hỏa châu bật sáng trên bầu trời, mặt phi đạo lung linh, lúc ẩn lúc hiện theo các vệt ánh sáng chói chang của hỏa châu đang bay nhấp nhô trong không gian. Thiếu tá Nghĩa cố gắng cắm mũi phi cơ lao xuống nhanh hơn để đáp. Hơn một phút trôi qua. Quả hỏa châu đột ngột tắt ngúm, khi phi cơ của Thiếu tá Nghĩa vẫn còn đang lơ lửng trên không gian, cả chục bộ Anh từ mặt đất. Từ bên trong lẫn bên ngoài phi cơ tối om như mực. Thiếu tá Nghĩa hốt hoảng quát tháo, đồng lúc bàn tay phải sờ soạng trong bóng tối, tìm kiếm cần ga của hai động cơ, giọng Thiếu tá Nghĩa khẩn trương, thông báo phi hành đoàn làm thủ tục bay lên: – Go around, go around! Nhanh như chớp, Trung úy Hùng ngồi ở ghế phải của phi công phụ vội vàng đẩy hai cần chong chóng và hỗn hợp khí về trước, đồng lúc Thiếu tá Nghĩa đẩy hai cần ga lên vận tốc tối đa, cho phi cơ cất cánh bay lên, ông cho bánh đáp phi cơ co vào làm giảm bớt sức cản của gió. Văn Đệ hồi hộp trong bóng tối của chiếc phòng lái, chỉ còn nhờ hai cái tai nghe vang vọng những tiếng hụ của hai cái động cơ. Chàng lâm râm, cầu nguyện cho hai cái máy đều hoạt động tốt. Vài giây trôi qua. Bây giờ mắt của các hoa tiêu mới quen với bóng tối. Thiếu tá Nghĩa nghiêng phi cơ bay vòng ra bờ biển trở lại. Phi hành đoàn toát mồ hôi lạnh khi sự kiện đáp vừa rồi quá nguy hiểm. Thiếu tá Nghĩa bực dọc, quát tháo khiển trách chuyên viên bắn hỏa châu dưới đất: – Chúng tôi nghĩ anh bắn hai ba quả liên tục, chúng tôi mới có đủ thì giờ đáp được. Anh bắn có một trái, phi cơ chưa kịp đáp, chưa chạm mặt phi đạo, trái sáng tắt tối thui làm sao chúng tôi có thể đáp được? Anh có biết bắn hỏa châu như vậy chúng tôi không thấy đường đáp, rất nguy hiểm cho chúng tôi, anh biết không? Chúng tôi muốn anh bắn liên tục hai ba quả cho đến khi chúng tôi đáp được trên phi đạo, rõ không? – Xin lỗi Papa Tango, Chính phủ VNCH đã bị cúp viện trợ, chúng tôi không có đủ trái sáng để bắn liên tục đâu bạn. – Như vậy, là anh đã xác nhận không có đủ trái sáng để cho chúng tôi đáp an toàn phải không? Hay anh muốn chúng tôi phải hủy bỏ phi vụ? Chuyên viên hỏa châu ngẫm nghĩ giây lát, dường như ông ta đang lo sợ trách nhiệm, chiến trường rất nguy ngập, trực thăng đang cần tiếp tế xăng để bay và chiến đấu bảo vệ tỉnh Bình Tuy. Ông ta xuống giọng thuyết phục Thiếu tá Nghĩa: – Xin Papa Tango hãy xuống gần phi đạo hơn nữa, bạn đáp lại một lần nữa đi bạn! Thiếu tá Nghĩa bay vòng phi cơ, cố gắng đáp lại lần thứ hai, ông xuống gần phi đạo hơn, trước khi thông báo cho bắn trái sáng. Tay Nghĩa ghìm chặt cần lái, mắt chăm chú nhìn phi đạo lờ mờ dưới đất. Trước kia, ít ai thấy Thiếu tá Nghĩa đeo kính cận, đột nhiên, đêm nay ông ta đeo kính, làm tăng thêm sự lo ngại cho phi hành đoàn. Khi rời cửa phi đoàn, ông cũng đã cảnh báo trước với Trung úy Võ Hùng, mắt ông kém về đêm, khiến cho Bằng càng lo lắng, bị ám ảnh, cứ lo sợ phi công không nhìn thấy rõ độ cao, dễ nhầm lẫn, ước tính sai cao độ, có thể gây ra những phương hại chết người tương tự như Đại úy Hoàng Trọng đã bị lâm nạn tại Nhơn Cơ. Thiếu tá Nghĩa nhất đinh phải đáp cho bằng được lần này. Ông cố cho phi cơ xuống thật thấp trước khi ra hiệu bắn hỏa châu. Chẳng khác lần trước, phi cơ còn trên không, hỏa châu đã vụt tắt. Thiếu tá Nghĩa quát tháo inh ỏi, ông hồi hộp cho phi cơ bay lên. – Trời ơi! Anh định giết chúng tôi phải không? Chúng tôi thỉnh cầu anh bắn cho hai quả mới đủ thời gian để đáp, chúng tôi chưa đáp được, tắt tối thui làm sao mà đáp? – Một lần nữa xin lỗi Papa Tango, chúng tôi không có đủ trái sáng, làm sao thỏa mãn, bắn liên tục cho Papa Tango được! Nghĩa tức giận quát: – Các anh nói các anh không đủ trái sáng, nhưng các anh đã bắn phí phạm hai quả rồi phải không? Thật vô ích quá! Phải chi các anh bắn liên tục hai quả ngay từ đầu, đủ thời gian cho chúng tôi đáp, đâu phải tốn đến quả thứ ba, các anh lấy ở đâu ra để bắn cho chúng tôi đáp chứ? Bạn có muốn tôi báo cáo việc này lên cấp trên hay không? Chuyên viên hỏa châu xuống nước nhỏ: – Lần này, xin bạn hãy cố gắng xuống thấp hơn nữa, rồi mới báo hiệu cho chúng tôi bắn trái sáng, để đáp cho kịp. Xin Papa Tango thông cảm! – Chúng tôi đã xuống thấp lắm rồi. Trời tối, làm sao chúng tôi xuống thấp hơn được nữa chứ! Thiếu tá Nghĩa sửa chữa lại thế ngồi cho thoải mái, thở ra những hơi thở bực dọc trong người. Lần này, ông cố gắng xuống thật thấp, mới hy vọng đủ thời gian đáp kịp trước khi hỏa châu vụt tắt. Văn Đệ cố gắng quan sát kỹ lưỡng các đồng hồ của hai động cơ, tai chăm chú theo dõi mọi động tịnh khác thường của hai cái máy. Cứ mỗi lần đối diện nguy hiểm, khó khăn, tâm trí Đệ cứ cầu an cho hai cái động cơ đều hoạt động tốt, mới hy vọng còn sống sót. Mọi sự hư hỏng động cơ trong những lúc khó khăn này, rất nguy nan, thật khó lòng thoát nạn. Thiếu tá Nghĩa thở ra một hơi thở dài, lấy lại bình tĩnh, gò phi cơ thật kỹ lưỡng, cho mũi phi cơ lao xuống, nhắm thẳng hàng ngay vệt mờ của phi đạo. Phi cơ mỗi lúc xuống thấp dần. Ông cho bánh đáp phi cơ hạ xuống, chuẩn bị đáp. Papa Tango 725 đang tiến gần đến đầu phi đạo, ông ra hiệu bắn trái sáng. Hai viên phi công có vẻ nao núng vì họ đoán chắc lần này họ cũng sẽ không thể đáp kịp trước khi hỏa châu tắt, nếu họ ngoan cố, chỉ bắn có một quả. Đúng như dự đoán của hai viên phi công. Hỏa châu đã tắt, trời tốt đen. Phi cơ quá thấp chỉ còn vài chục bộ trên không trung. Thiếu tá Nghĩa không còn chọn lựa bắt buộc phải đáp. Vài giây bóng tối nhanh chóng trôi qua. Hai hoa tiêu cố nhướng mắt nhìn phi đạo bên ngoài. Trung úy Võ Hùng kinh hoàng nhận ra mũi phi cơ không thẳng hàng với đường phi đạo, nó xỉa xéo vào bức tường vôi trắng nằm dọc theo hàng rào đường bay bên tay trái. Hùng gào thét thất thanh: – Thiếu tá! Over shoot! Coi chừng phi cơ bị “over shoot”, đó Thiếu tá! Thiếu tá Nghĩa tay ghì chặt cần lái, mất bình tĩnh, cố nhướng mắt nhìn mặt phi đạo bên ngoài, ông cố nghiêng gắt phi cơ về bên phải, tim đập mạnh, mắt chăm chăm, nhanh nhẹn, cố gắng gò phi cơ thẳng hàng với phi đạo, miệng lắp bắp trấn an: – Đã thấy rồi! Tôi thấy rồi, Cám ơn, trung úy! Trung úy Võ Hùng rùng mình, hoảng hốt, hồi hộp, tim đập mạnh, phi cơ đã sắp sữa chạm mặt phi đạo, mũi phi cơ vẫn chưa hoàn toàn thẳng hàng với đường bay, phi cơ có thể phóng ra ngoài phi đạo. Cái chết cận kề ngay trước mặt, Trung úy Hùng bất chấp qui luật bay, phi công phụ không bao giờ được phép đụng chạm vào cần lái khi trưởng phi cơ đang điều khiển chiếc máy bay. Đi tù cũng nhận chịu, cái chết trước mắt, phải hành động! Trung úy Hùng tiếp tục đè nặng cần lái về bên phải, nghiêng phi cơ, cố gắng sửa chữa mũi phi cơ cho hoàn toàn thẳng hàng với mặt phi đạo. Vừa đúng lúc, bánh đáp bên phải cũng chạm xuống mặt đường bay, lót bằng vỉ sắt phát ra những âm thanh rồn rột, bánh trái phi cơ vẫn còn hỏng trên không. Phi hành đoàn có cảm giác phi cơ nghiêng về bên phải, mất 5 giây trôi qua, bánh trái mới chạm mặt phi đạo. Một lối đáp bất thường nguy khốn, trong khi hai viên phi công cố nghiêng phi cơ, sửa chữa cho thẳng hàng với mặt phi đạo và đã chạm một bánh xuống trước, một bánh xuống sau, rồi hai bánh mới chạm đều xuống mặt đường bay. Phi cơ nhồi theo dợn sóng của vỉ sắt, Thiếu tá Nghĩa vừa đạp thắng, đồng thời vô reverse, đổi sải chân cánh quạt thổi gió ngược về phía trước, cản lại trớn của phi cơ, chạy chậm chạp đến cuối đường bay, rồi quẹo vào bến đậu Hàm Tân. Phi hành đoàn thở phào nhẹ nhỏm, mừng thầm, đã may mắn thoát đại nạn. Trong bốn năm làm việc trên phi cơ Caribou, với hàng trăm lần phi cơ đã đáp, chưa một lần nào Văn Đệ gặp phải một trường hợp phi cơ lại đáp quờ quạng, một bánh chạm trước một bánh chạm sau như thế này, Đệ đã hồi hộp chờ đợi một tai nạn có thể sẽ xảy ra. May thay, họ đã vất vả, kịp thời sửa chữa và đã thoát cơn nguy khốn. Thiếu tá Nghĩa đã tự biết mình lớn tuổi, mắt kém về đêm, ít kinh nghiệm bay bổng trên các phi trường tiền đồn nhỏ, thiếu tiện nghi, những phi trường nhỏ càng trở nên nguy hiểm hơn về ban đêm, tối tăm, khó xác định vị trí. Đó là lý do chính khiến Thiếu tá Nghĩa phải chọn một trưởng phi cơ nhiều kinh nghiệm và đã đáp nhuyễn ở các phi trường nhỏ, ngồi vào ghế phi công phụ để giúp đỡ ông khi hữu sự. Ông không hề tự ái, khi Trung úy Võ Hùng đã can đảm phá luật lệ bay, phụ đè cần lái về bên phải sửa chữa mũi phi cơ, và Trung úy Hùng đã cứu mạng cho cả phi hành đoàn, tránh khỏi một tai nạn, phi cơ có thể đã tông ra khỏi đường phi đạo, đâm đầu vào những chướng ngại vật, chết cháy trong kho xăng JP-4 trên phi cơ. Trong thâm tâm Thiếu tá Nghĩa đã thầm cám ơn sự can đảm của Trung úy Hùng, đã cứu sinh mạng các đoàn viên, trong đó có trách nhiệm của ông. Không biết người ta xây bức tường nằm dọc theo phi đạo để làm gì? Quá nguy hiểm. Nếu hai phi công không kịp thời nhìn thấy, sửa chữa và kéo mũi phi cơ lại. Nó đã xỉa ra ngoài phi đạo rồi đâm sầm vào bức tường “ngớ ngẩn” kia, phi hành đoàn đều bỏ mạng, sẽ bị thiêu rụi tệ hại hơn phi hành đoàn của cố Thiếu tá Hoàng Trọng. Thiếu tá Nghĩa cho chiếc phi cơ Papa Tango 725 của ông đậu song song với chiếc phi cơ Gold Alpha 750 của Trung tá An. Ông tắt hai máy, ngồi thừ người giây lát, im lìm tựa lưng vào thành ghế thở dốc để hoàn hồn. Thở ra những hơi thở âu lo, sợ hãi lẫn giận dữ. Rồi ông chậm rãi rời phòng lái. Phi hành đoàn đang chờ đợi nhân viên hậu trạm dỡ những khối hàng. Trung tá An đứng dưới đất chờ Thiếu tá Nghĩa khá lâu, trong nỗi lo lắng. Ông nở nụ cười: – Làm gì lâu quá không đáp được vậy? Thiếu tá! Từ trên không lạnh lẽo, thế mà mồ hôi của Thiếu tá Nghĩa nhễ nhại. Ông rút chiếc khăn lau những giọt mồ hôi còn đọng trên trán. Không ai biết chân ông còn đang run vì vừa trải qua và thoát khỏi một đại nạn, ông lắc đầu đáp: – Chúng nó độc ác quá trời! Tiếc làm gì mấy cái trái sáng đó, chúng nó bắn từng trái một, khi phi cơ chưa kịp đáp đã tắt ngúm, tối thui, rất nguy hiểm, phải bay lên mấy lần. Tức mình quá, lần thứ ba quyết định đáp luôn, bị “over shoot”, cũng may, chúng tôi đã kịp thời trông thấy, sửa chữa lại mũi phi cơ, đúng lúc bánh đáp cũng vừa chạm mặt phi đạo. Xuýt nữa là đâm đầu vào bức tường kia, là thiêu rụi cả phi hành đoàn của chúng tôi rồi. Mất 15 phút, nhân viên hậu trạm phi trường nhanh chóng dỡ các khối hàng khỏi phi cơ, công tác cầu không vận đã hoàn thành. Trung tá An bảo: – Thôi, chúng ta về thôi. Chúng tôi cất cánh trước nhé! Hai phi hành đoàn trở lại vị trí làm việc trên phi cơ, quay máy, cất cánh và trở về hậu cứ Tân Sơn Nhất khi bầu trời Sài Gòn còn tối om, gần 5 giờ sáng. Họ đã đáp an toàn xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chấm dứt phi vụ. Đại tá Minh giữ đúng lời hứa, chờ đợi họ tại Câu lạc bộ Mây Bốn Phương và họ đã dùng bữa ăn sáng sớm nhất trong ngày, do ông Đại tá Minh đã khoản đãi những phi hành đoàn ưu tú của ông, đã hoàn tất tốt đẹp hai phi vụ khẩn cấp, hóc búa và nhiều rủi ro, đã được cấp trên giao phó. Thiếu tá Nghĩa, phi đoàn phó, một phi công cao và gầy của phi đoàn Phượng Long 431, dường như ông không mấy quan tâm gì đến bữa ăn ưu đãi đặc biệt của Đại tá Không đoàn trưởng, sau một phi vụ hiểm nghèo, ngoài khả năng của các phi công. Theo ông những sáng chế nguy kịch này cần phải được chấm dứt, hầu cứu mạng cho rất nhiều phi công. Những nét âu lo còn vương vấn trên gương mặt phong trần của người phi công gầy còm gốc Miền nam. Phi hành đoàn đã ghi thêm vào sổ giờ bay cá nhân của họ những giờ bay nguy kịch và dài nhất trên không gian, một vùng trời âm u của tháng Tư Đen, nghiệt ngã, năm 1975, đánh dấu những kinh nghiệm xương máu của những người Không quân trên không trung, mà những người bạn của họ đã kém may mắn, nhiều bất hạnh, chẳng may họ đã ra đi và không bao giờ trở lại. Rất tiếc, bài hồi ký Những Phi Vụ Chết Người này, một câu chuyện thật của chiến trường Tháng Tư Đen nghiệt ngã này đã viết ra quá trễ. Đại tá Minh đã qua đời nhiều năm trước ở California. Ông không có dịp đọc để thưởng thức, tưởng nhớ, hay tìm hiểu sự thật, những chi tiết quý báu của các công tác rất nguy hiểm, để so sánh với những hình ảnh ông đã hình dung ra, của những phi vụ hiểm nghèo, trong những đêm độc hành, ông đã đơn độc ngồi chờ tin tức đoàn chim sắt Caribou của ông, tại văn phòng Không đoàn. Những chuyện gì đã xảy ra ngoài chiến tuyến cho những cánh chim sắt Sơn Long và Phượng Long của ông, mà ông đã gửi họ ra tiền tuyến sôi sục chiến tranh, giữa đêm khuya. Và cũng để thấu hiểu tường tận, chính xác nguyên nhân cái chết đau thương của những cánh chim thép Sơn Long 429, đã hy sinh tại phi trường Nhơn Cơ, trong cùng một cảnh ngộ, đáp ban đêm. Thiếu tá Nghĩa đã mãn nguyện sau khi xem qua bài hồi ký Những Phi Vụ Chết Người trước khi ông qua đời vì cơn bạo bệnh năm 2009, tại Brass Valley, Bắc Cali. Bài viết này thay cho một lời cám ơn ông, đặc biệt ghi ơn Trung úy Võ Văn Hùng đã một lần cứu mạng và biến phi hành đoàn PT 725 trở thành là một phi hành đoàn ưu tú, đã cố gắng khắc phục được những giây phút nguy ngập của phi vụ kinh hoàng trong điều kiện thiếu thốn phương tiện an phi của Quân đội VNCH. Và nhân viên phi hành đoàn cũng đã may mắn sống sót sau cuộc chiến tranh Việt nam tàn khốc. Thành Giang Chân thành cảm ơn Cố Thiếu tá Huỳnh Ngọc Nghĩa, Trung úy Võ Văn Hùng, Lê Văn Đệ và Hạ sĩ I Dương Phong Hi của Phi hành đoàn ưu tú Papa Tango 725, phi đoàn Phượng Long 431. Đã cùng nhau chia sẻ Những Gian Nguy Đời Lính Không Quân. Đã hoàn thành công tác “cầu không vận tháng Tư Đen 1975” tốt đẹp trên VÙNG TRỜI MÁU LỬA VIỆT NAM.
|
- Home
- Quân Sử
- Khung Trời Cũ
- Hội Ngộ
- Sinh Hoạt
- Tản Mạn Văn Học
- Tạp Ghi
- Nhạc
- Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc
- Bài Ca Hội Ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân
- Trần Duy Đức & Hạt Thơ Nẩy Chồi Nốt Nhạc
- Xưa Trên Đó (Võ Ý & Trần Duy Đức)
- Em Yêu Dấu (Hoàng Khai Nhan)
- Mùa Thu Paris (Cung Trầm Tưởng & Phạm Duy)
- Lê Thương & 70 Năm "Hòn Vọng Phu"
- Lệ Đá (Trần Trịnh & Hà Huyền Chi)
- Giai Thoại Về Nhạc Phẩm "Làng Tôi"
- Rơi Về Nhau (Trần Duy Đức & Diễm)
- Nhạc Thính Phòng (Hoàng Khai Nhan)
- Văn
- Thơ
- About
Friday, January 13, 2017
Những Phi Vụ Chết Người
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment