Tuesday, October 15, 2019

Môi Còn Muối Mặn

Tạp Ghi Của

Diễm



Cố thi sĩ Du Tử Lê
(Trần Thế Vinh vẽ)

Tôi không nhớ mình đã bắt đầu đọc thơ Du Tử Lê từ khi nào? Từ khi nghe những bài thơ của ông được phổ nhạc thành những bài tình ca tuyệt vời được yêu mến trong tim mọi người?

Tuy nhiên, mỗi khi thấy trăng rằm trên quê hương thứ hai vàng tròn vằng vặc là tôi tự nhiên nhớ đến bài thơ "Đêm Nhớ Trăng Saigon":

Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

hoặc như khi đọc hay nghe thấy "chim bói cá" là tự nhiên tôi liên tưởng tới hình ảnh "như loài chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm" trong 'Khúc Thuỵ Du":

hay khi nghe tiếng dế kêu nỉ non sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh "con dế mèn tự tử giữa đêm sương" của một "Du Tử" họ Lê (*).

Rồi mỗi khi bị đuối lý khi không thể diễn giải một vấn đề cho người đối diện hiểu ý mình, tôi lại bắt gặp mình đưa hai tay lên trời than thở mượn câu: "Ở chỗ nhân gian không thể hiểu!"

Nhân gian không thể nào hiểu nổi vì sao "bài thơ tình ngắn nhất nhân loại, gửi yêu dấu" của Du Tử Lê chỉ có mỗi một chữ "ôi...(!??!)" cùng với một lô một lốc những dấu hỏi, dấu chấm than, mở ngoặc và khép ngoặc.... phức tạp và da diết như nỗi lòng của tác giả.

Nhân gian cũng không thể nào hiểu nổi thế nào là "ngực ngải, môi trầm".

ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.

Hmm... hình như có ai đó nói với tôi rằng thơ là để "cảm" chứ không cần "hiểu", bởi vì thơ là ẩn dụ. Mà ẩn dụ trong thơ Du Tử Lê thì vô cùng! Tôi xin kể hầu một câu chuyện mà tôi nhớ mãi!

Trong một show "Văn Hoá Và Con Người" do chị Phiến Đan phỏng vấn nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhạc sĩ đã kể lại về một ẩn dụ vô cùng sâu sắc trong thơ Du Tử Lê mà nhạc sĩ đã vô cùng yêu thích và phổ thành nhạc:

hỏi môi đi! môi còn muối mặn
xát ướp lòng tôi thì đã sao?
chỉ e chẳng kịp cho đời khác
cửa mở nhưng tôi chẳng thể về

(Trích "Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Ta" - thơ Du Tử Lê)

Hình ảnh "hỏi môi đi! môi còn muối mặn" - theo cách giải nghĩa của Du Tử Lê chính là một ẩn dụ được ông viết theo mode 'cách không đả ngưu". Thứ "thi chưởng" này - giống như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung - được tung ra từ nội công thì dù cách xa một khoảng không (có khi là cách một quả núi) cũng có thể làm cho con trâu ở tuốt phía bên kia phải... xiểng niểng! Đó là hình ảnh tuyệt đẹp của một giọt lệ đi từ khóe mắt ngang qua gò má cao của một người con gái rồi rơi xuống đôi môi, để bờ môi có thể nếm vị mặn của nước mắt.


Văn Hóa Và Con Người
(Phiến Đan phỏng vấn Trần Duy Đức)

Chưa bao giờ tôi được nghe lời giải thích về một ẩn dụ với ý nghĩa ngộ nghĩnh, độc đáo và sâu sắc đến như vậy! Đẹp đến như vậy! Nên thơ và đượm tình đến như vậy! Cho nên, tôi ghi sâu trong lòng. Có lẽ tôi cũng giống như con trâu kia, ẩn mình tại vùng thung lũng miền Trung này cách xa một quả núi, thế mà vẫn bị "thi chưởng" của Du Tử Lê tung ra làm cho choáng váng.

Câu chuyện này trước đây tôi và nhạc sĩ Trần Duy Đức vẫn từng nhắc lại cùng với nụ cười trên môi, hôm nay... dường như có vị mặn.

Xin gửi lời cảm ơn muộn màng đến linh thi Du Tử về bài học ẩn dụ trong thơ để "môi còn muối mặn"... đến ngàn sau!

Diễm - 10/15/2019

(*) Theo cách giải thích của chính thi sĩ Du Tử Lê trong "The Jimmy Show" (2018) thì chữ "Du Tử" ở đây trích từ bài thơ "Du Tử Ngâm" của Mạnh Giao đời Đường có nghĩa là "một đứa con xa mẹ" chứ không phải là một "gã du tử" như thường bị hiểu sai.



No comments:

Post a Comment