Saturday, November 9, 2019

Tản Mạn Normandy

Chuyện Tản Mạn của

Diễm


Thường thì trước mỗi chuyến đi xa, tôi rất thích làm "homework" để tìm hiểu về nơi sắp đến. Vì vậy, dù đã đến Paris một lần rồi, tôi vẫn lò dò lên YouTube để xem thêm "Paris có gì lạ?"

Thưa có!

Có một cơn gió đã thổi xoay hướng bước chân lãng du của tôi về vùng biển phía Tây của Paris. Là vì tôi tình cờ xem được một số video clip do một YouTuber tên Anhtuan Dinh vừa thực hiện sau chuyến du lịch trở về, đặc biệt là những chi tiết lịch sử về vùng biển Normandy.


Du lịch Pháp Paris P5-N1


Du lịch Pháp Paris P5-N2

Xin thú thật hồi còn đi học, cứ đến giờ Sử là tôi thường thả hồn mình "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", nhất là Sử Thế Giới. Hai chữ "Thế Giới" sao mà bao la và xa lạ quá khi cánh cửa của Việt Nam đang khép chặt sau chiến tranh.

Cách dẫn chuyện của anh ấy, cách anh ấy cất công đối chiếu hình ảnh bờ biển thanh bình hôm nay với một bãi biển loang máu và ngập ngụa xác người giữa bom rơi đạn nổ trong ngày D-Day Thế Chiến thứ Hai qua phim "Saving Private Ryan" đã làm cho tôi vô cùng xúc động cảm nhận giá trị của tự do và hoà bình quý giá hơn bao giờ. Thế là chúng tôi quyết định dành một ngày để đến thăm vùng biển Normandy.

Đầu tiên, chúng tôi mua vé xe lửa từ Paris đi đến làng Bayeux ven biển nơi nổi tiếng với tấm thảm thêu kỳ công dài 70 mét kể chuyện lịch sử cho đời sau. Giá vé xe lửa khứ hồi từ Ga St. Lazare/Paris đến Bayeux (khoảng 2 tiếng rưỡi lộ trình) là 40 euro/người mua trước online. Sau đó, từ Bayeux mới đi ra biển.

Trước khi đi 3 tuần, tôi kiếm đặt tour online từ Bayeux để đi thăm những địa điểm lịch sử tại vùng biển Normandy, nhưng mọi chuyến tour buổi chiều đã được book kín. Thế mới biết "lịch sử" nằm trong tim của muôn người. Tour sáng thì còn nhưng bắt đầu lúc 8 giờ rưỡi mà chúng tôi khởi hành từ Paris không thể nào đến kịp.

Thế là chúng tôi đành tính đến một bước liều lĩnh kế tiếp, đó là mướn xe hơi rồi tự lái từ Bayeux đi ra biển. Sự liều lĩnh nào cũng đem lại phấn khích. C'est la vie! Chúng tôi chọn thuê một chiếc Peugeot 2008 với giá thuê tổng cộng chừng 100 đô-la bao gồm phần bảo hiểm 100% cho yên lòng người anh hùng xa lộ.

Hi hi...không biết có nên gọi đây là "Sự lựa chọn đúng nhất" hay không, bởi vì ngôi làng vùng ven Bayeux này quá nhỏ bé, nên nó chỉ có mỗi một trạm xăng vừa là chỗ cho thuê xe nằm cách nhà ga có khoảng 3km (2 miles). Thế là đoàn lữ hành "Tây Du Ký" sau hơn 2 tiếng rưỡi ngồi trên xe lửa lại tiếp tục lô-ca-chân đi bộ thêm 2 dặm nữa băng qua ngôi làng để đến địa điểm lấy xe. Dù sao thì cũng là một dịp để thăm thú vùng ngoại ô xinh đẹp của nước Pháp.

Phong cảnh Bayeux đẹp y như trong phim “Paris Can Wait“, một bộ phim khá mới mời gọi khách du lịch hãy đến với nhiều nơi khác xinh đẹp nằm ngoài thủ đô hoa lệ Paris.

Nơi đây có rất nhiều những ngôi giáo đường nho nhỏ với cái tháp chuông nhọn mà trên đỉnh có biểu tượng "con gà" giống như "Nhà Thờ Con Gà" tại Đà Lạt. Khắp làng có rất nhiều những cái chateaux với kiến trúc xinh xắn vô cùng và không hề giống nhau. Nơi đây cũng có Nhà Thờ Đức Bà Bayeux với kiến trúc Gothic cổ xưa cầu kỳ và đồ sộ không kém Nhà Thờ Đức Bà Paris. Nơi đây cũng có những công viên tuyệt đẹp với những pho tượng cổ, những fountain róc rách nên thơ vào một buổi chớm thu lá nhuốm vàng giữa một không gian bao la và khoảng khoát còn hơn cả vườn Lục-Xâm ngay giữa Paris.

Xin cho tôi cắt ngang để kể một mẩu chuyện vui bên lề. Trong một dịp hội thảo với thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại Canada năm 2013, nhà văn Trà Lũ kể lại vì mê thơ Cung Trầm Tưởng nên vào năm 1964, khi có cơ hội đến London ông đã nhất quyết lặn lội đến Paris chỉ để thăm Vườn Lục-Xâm. Đến nơi, ông chả thấy Vườn Lục-Xâm đẹp gì hơn những khu vườn khác nên hôm nay ông "bắt đền" Cung Trầm Tưởng 200 đô-la lộ phí từ London đi Paris thăm Vườn Lục-Xâm. Cả hội trường cười vang!

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng tủm tỉm biện bạch:

Ô hay! trong thơ tôi có nói Vườn Lục-Xâm đẹp bao giờ đâu! Tôi chỉ viết rằng:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm

Đúng vậy! Quả thật là trong thơ đâu có chữ nào bảo Vườn Lục-Xâm "đẹp", nhưng nó đẹp là vì thơ và in sâu trong lòng những người yêu thơ đến vậy!

Trở lại với Bayeux. Chúng tôi làm thủ tục lấy xe và định hướng đi ra biển. Có lẽ suốt chuyến đi, đây là điều mà phu quân tôi yêu thích nhất! Có mấy ai được dịp lái xe trên những con đường làng tuyệt đẹp của vùng thôn quê thanh bình của nước Pháp như vầy. Có lẽ chúng tôi đang đi "thỉnh...kinh nghiệm sống". Bờ biển màu xanh ngọc thạch hiện dần ra trước mắt...

Normandy là tên gọi của vùng duyên hải phía Tây Bắc nước Pháp bao gồm nhiều bờ biển và trước đây từng là một phần đất tự trị của Công Tước Normandy người Anh. Sau khi Pháp thắng Anh trong trận chiến trăm năm 1337-1453, Normandie mới thống nhất dưới quyền Pháp.

Ngày lịch sử nhất của Normandie là D-Day - ngày 6 Tháng 6 1944 - khi 156,000 quân Đồng Minh thực hiện một cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử mang mật danh "Overlord", nhằm đánh chiếm bãi biển Normandy của Pháp từ tay phát xít Đức.

Mặc dù nhiều tháng trước D-Day, dùng gián điệp, thông tin mật, và ngay cả bố trí di chuyển súng ống, Mỹ và Anh đã thành công trong việc lừa Hitler tin rằng cuộc tấn công sẽ xảy ra ở nơi khác, Pas de Calais và Na-Uy.

Chiến dịch Overlord bắt đầu vào rạng sáng 6/6 với cuộc đổ bộ của ba đơn vị lính dù gồm Sư đoàn số 82 và 101 lục quân Mỹ, cùng Sư đoàn dù số 6 của Anh. Lực lượng đổ bộ đường biển được chia thành 5 hướng tới các bãi biển mang mật danh Sword, Juno, Gold, Omaha và Utah.

Quân đội Mỹ phụ trách bãi biển Utah và Omaha, trong khi các sư đoàn Anh tập trung vào Gold và Sword. Sư đoàn bộ binh số 3 của Canada nhận nhiệm vụ đánh chiếm bãi biển Juno.

Trong đợt đổ bộ đầu tiên lên bãi biển Utah, quân Đức kháng cự khá yếu ớt, cho phép binh sĩ Mỹ đánh chiếm và rời bãi biển trước buổi trưa. Tuy nhiên, việc thiếu hụt lực lượng thiết giáp khiến quân Mỹ bị Đức ghìm chân ở bãi biển Omaha và chịu thiệt hại rất nặng. cơn tắm máu tại Bãi Omaha đánh dấu sự hy sinh anh dũng của quân đội Mỹ đã phải hứng chịu thương vong lớn nhất trong cuộc đổ bộ này với số lượng thiệt mạng lên tới 2000 lính chỉ trong ít giờ đồng hồ.

Bờ biển này thích hợp để phòng thủ, với vách đá cao, ít đường vào đất liền. Vì vây, khi những sư đoàn bộ binh của Mỹ tiến vào, súng máy của Đức đã bắn hạ họ. Một chi tiết nữa là bởi vì kế hoạch của quân Đồng Minh là đánh sâu vào đất liền, nên Lục Quân Mỹ được điều động thay vì Thuỷ Quân Lục Chiến. Vì vậy, khi di chuyển trên các tàu há mồm vào bờ thường lính Lục Quân Mỹ phải chiến đấu trong tình trạng bị say sóng nặng khiến họ không thể đứng vững chứ không nói tới việc chiến đấu. Tình hình càng xấu đi khi xe tăng lội nước của Mỹ bị lún, không một xe tăng nào vào được bờ do sóng lớn, đội quân mắc kẹt ở bờ biển, thảm kịch dần hiện ra, số lượng thiệt mạng lên tới 2000 lính chỉ trong ít giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, quân Mỹ vẫn cố thủ ở vị trí đổ bộ bất chấp mọi nguy hiểm cho đến khi một vài tốp lính Mỹ may mắn đã vượt qua được bãi biển, tiến vào gần phòng tuyến của quân Đức, trèo được lên vách đá và tràn được vào chiến hào và mở đường tiến công dẫn đến chiến thắng góp phần vào sự kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến.

Là một công dân Mỹ gốc Việt, tôi đã lặng người khi đứng trong nghĩa trang Omaha trùng trùng điệp điệp những cây thánh giá màu trắng để nghiêng mình trước linh vị của những anh hùng.

Vừa mới đây, Không Quân Hoa Kỳ đã đưa hài cốt của 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh lạc lõng tại những chiến trường ở Việt Nam từ Hawaii về California. Họ là những anh hùng vô danh mà chính phủ Mỹ đã tìm thấy khi được phép truy tìm hài cốt lính Mỹ trong vùng chiến trận tại Việt Nam sau những giảo nghiệm về nhân chủng học.

Được biết chính quyền Hà Nội đã hai lần từ chối nhận cho họ một cuộc chôn cất tử tế. Họ cũng không phải là quân nhân Mỹ, hay công dân Mỹ để chính phủ Hoa Kỳ có thể tổ chức theo lễ nghi quân cách. Sau ba năm tìm kiếm những giải pháp, cuối cùng thì từ phòng lab POW/MIA của quân đội Mỹ tại Hawaii họ sẽ được đưa về an táng tại Freedom Park, Westminster/California vào ngày 26 tháng 10 sắp tới.

Trên trang USA TODAY-online Thứ Sáu, 13 Tháng Chín có đăng lời của cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb trong bài viết “Soldiers without a country: We’re finally honoring South Vietnamese who fought with us” (Các chiến binh không có tổ quốc: Cuối cùng, chúng ta vinh danh những người lính VNCH từng chiến đấu với chúng ta). Trong đó ông nhắc lại rằng Thủ Tướng Anh thế kỷ thứ 19, William Gladstone, đã cống hiến "một công thức vượt thời gian" như sau:

"Hãy cho tôi thấy cái cách một quốc gia hay một cộng đồng lo cho những người chết của họ, và tôi sẽ đo được một cách chính xác theo toán học lòng nhân ái của dân tộc đó, sự tôn trọng về luật pháp của nước đó và sự trung thành của họ đối với những lý tưởng cao đẹp."

Bỗng dưng tôi liên tưởng đến "Những Hồn Hoang Trên Pháp Trường Cát", tên bài ký của chú Tô Văn Cấp viết về những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã hy sinh trong một ngày D-Day u buồn trên bãi cát tại cửa biển Thuận An, Huế cuối tháng 3, 1975. Hình ảnh nấm mộ chung của họ với dòng chữ khắc trên bia đá "Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ" khiến cho lòng tôi đau nhói.

Ôi! Dường như đâu đây văng vẳng những lời thiết tha mà nhạc sĩ Trần Duy Đức đã mủi lòng viết xuống trong một chiều mưa nơi nghĩa trang quân đội năm nào.


Anh Đã Ngủ Yên Trên Quê Hương
Nhạc và lời Trần Duy Đức

"Ngoài trời vẫn còn mưa
Người nằm dưới mộ sâu
Ôi thiên thu phôi phai hình hài
Hỡi người ơi tủi lòng
Hỡi người ơi tủi lòng
Bao năm tháng cô đơn nằm đây
Bên bia xanh ai qua từng ngày
Cơn mưa xuống nuôi xanh cỏ hoang
Trên quê hương xương khô mộ gầy
Đã ngủ yên một ngày
Anh đã ngủ yên một đời..."

Diễm @ Normandy - Sept 19, 2019



No comments:

Post a Comment