Tạp ghi của
DiễmBỗng dưng nàng trở thành một trong vô số những Nàng Tô của Miền Nam tiễn chồng lên đường vào những trại tù Cộng Sản, nơi rừng thiêng nước độc mà phe chiến thắng đầy dã tâm Miền Bắc luôn lu loa cùng thế giới bên ngoài rằng họ sẽ "khoan hồng cải tạo" những người anh em Quân Dân Cán Chính Miền Nam. Từ đó, nỗi chờ đợi ám ảnh nàng từng ngày, từng đêm... nàng như hóa thân vào những câu hát Hòn Vọng Phu:
“Người vọng phu trong lúc gió mưa
Giấc mơ của nàng “chưa mòn”, và nhất định sẽ không hề mòn mỏi, vì người ta cần bám víu vào tình yêu và mơ ước để mà sống sót, để mà tồn tại trong những hoàn cảnh cùng cực đen tối, nghiệt ngã nhất trong cuộc đời. Nàng cũng vậy. Ba mươi tuổi đời với hai bàn tay trắng, một nách bốn con thơ. Nàng sẽ phải làm gì đây để chống chọi qua ngày? Bất giác nàng nhìn xuống đôi tay của mình như thể đang tự soi bóng bên mặt hồ ký ức phảng phất dòng thơ tình tự của Thi Sĩ Nguyên Sa, người thầy từng dạy Việt Văn cho nàng thời trung học.
Sài Gòn phóng solex rất nhanh Đó chính là hình ảnh của nàng trước khi “theo chồng bỏ cuộc chơi.” Nàng cũng từng là một trong những cô gái thích “Tám phố Saigon” như vậy. Rồi tình yêu đến, nàng lên xe hoa và theo người chồng quân nhân thuyên chuyển qua những vùng chiến thuật: Saigon, Đà Nẵng, Nha Trang, Pleiku, nơi những đứa con lần lượt ra đời. Bổn phận làm vợ và làm mẹ không còn cho phép nàng mơ mộng. Tổ ấm cuối cùng của gia đình nàng là một gian nhà nhỏ trong dãy nhà dành cho sĩ quan tại phi trường Tân Sơn Nhất. Những ngày cuối tháng tư, giữa tiếng bom rơi và đạn nổ, nàng chỉ kịp xách vội cái ấm nước vì nỗi ám ảnh các con bị chết khát trong hầm tránh bom, không kịp mang theo thứ gì khác. Khi trở lại, ôi thôi có còn gì! Giờ đây, nhìn bốn đứa con ngủ bên nhau như một bầy cún con trong căn gác nhỏ từ khi mấy mẹ con nàng “về ngoại” nương nhờ, lòng nàng chợt quặn lên một nỗi lo sợ: Làm sao để nuôi chúng lớn lên? Làm sao để dạy dỗ chúng nên người khi thiếu vắng bóng hình cha? Nàng cảm thấy mình yếu đuối hơn bao giờ hết! Những điều mà nàng tự trang bị vào đời chỉ toàn là những gì trong sách vở, báo chí, trong những cuốn magazine mà từ khi còn là một cô gái nhỏ, cứ có đồng nào là nàng lại ra tiệm sách mua về và đọc ngấu nghiến. Những điều đó giờ này giúp ích gì cho nàng cơ chứ? Nàng vốn sống nội tâm và chỉ có vài người bạn thân giờ đây tản mác khắp nơi. Nàng không giao du nhiều và việc buôn bán dường như là "sở đoản" của nàng. Tuy nhiên, nàng hiểu rõ là giờ đây mình cần phải đối mặt với thực tế để sống còn cùng với bầy con để chờ đợi chồng về. Nàng lục lọi trong trí óc của mình một cách tuyệt vọng và bỗng dưng nhớ đến một bài thơ vui vui của vị đại thi hào người Pháp Jean De La Fontaine. Đó là bài thơ “La Laitière et le Pot au Lait” kể về giấc mơ của cô nàng bán sữa mang tên Perrette.
Perrette sur sa tête ayant un Pot au lait Bài thơ đã được nhạc sĩ Y Vân chuyển thể thành nhạc Việt với giai điệu “tung tăng” như sau:
Cô Pê-Rết sữa mang trên đầu Nàng chợt mỉm cười và cảm thấy phấn chấn hẳn lên khi ôn lại một loạt những câu chuyện ngụ ngôn của vị đại thi hào nổi danh này, ví dụ như câu chuyện "Thỏ Và Rùa" chẳng hạn. Không ai nghĩ chú Rùa chậm chạp mang cái mai nặng nề lại có thể về đích trước Thỏ. Bởi vậy, giấc mơ của Nàng Perrette đâu thể sánh với giấc mơ của Nàng Tô! Nàng chợt nhớ đến những công thức làm bánh flan và yaourt. Ngày xưa ở Nha Trang và Pleiku, nàng đã từng làm những món này bỏ mối cho Câu Lạc Bộ Sĩ Quan để kiếm thêm chút tiền phụ vào ngân quỹ "tiền lính - tính liền" của chồng. Đúng rồi! Nàng có thể làm một món gì tương tự như vậy, nhưng với nguyên liệu rẻ và dễ kiếm hơn. Đôi mắt nàng chợt chạm phải nải chuối sứ đặt trên chiếc bàn ngay gần đó. Chuối! Một món gì làm bằng chuối, vừa ngon vừa lành như trong ca dao
Mẹ già như chuối ba hương A! Nàng sẽ làm món "chuối rim đường".Đáng lẽ phải gọi là "chuối ngào đường" mới thật đúng nghĩa, nhưng nàng thích chữ "rim" hơn vì sự tượng hình của một ngọn lửa hồng nho nhỏ lung linh. Nàng vui hẳn lên và thiêm thiếp chìm dần vào giấc mộng. Sáng hôm sau nàng thức dậy thật sớm và đi chợ. Nàng chọn được hai nải chuối sứ thật ngon với giá hời. Những quả chuối béo múp míp dễ thương trong lớp vỏ vàng điểm một vài đốm đen nhàn nhạt như những "nốt ruồi duyên" đặc trưng của chuối. Nàng mua thêm một ký đường thẻ bằng nửa số tiền vốn ít ỏi còn lại, rồi vội vã về nhà... "tay ngọc bên bếp hồng." Mùi đường ngào thơm ngọt đánh thức khứu giác của lũ trẻ, bốn đứa con và sáu đứa cháu con ông anh nàng. Chúng chạy ùa vào bếp ríu rít hỏi han và chầu chực. Nhưng rồi khi biết đây là "business" của nàng thì cả bọn chúng đều tiu nghỉu như mèo cụp đuôi, thật tội nghiệp! Mới có mấy tháng kể từ ngày được Cộng Sản Miền Bắc "giải phóng," những đứa trẻ Miền Nam bỗng trở nên "bơ vơ" mới đáng thương làm sao. Chúng gầy ốm xanh xao, khẳng khiu và đen đúa như những que củi. Sau khi chồng vào tù, nàng phải dọn về cầu cứu với gia đình người anh trai. Anh trai nàng và chị dâu nhân dịp đó cũng tìm cách "đi tiền trạm" chuyển về Lái Thiêu làm ruộng sinh sống, gửi lại cho nàng sáu đứa con ở lại thành phố học hành tạm thời trong thời gian "chưa biết tính sao". Bốn đứa con, cộng với sáu đứa cháu, vị chi cả thảy là mười đứa. Nàng chật vật chạy cơm từng ngày. Nàng phải mua một chục chiếc bát bằng nhôm để không bị lũ trẻ lỡ tay làm vỡ. Những bữa ăn toàn là cơm nấu độn với đậu đen hoặc với bắp, rắc thêm vài sợi dừa bào là thực đơn thường xuyên của nàng và lũ trẻ. Hoạ hoằn lắm mới có một bữa thịt kho do ông anh từ Lái Thiêu tiếp tế lên thành phố. Những hôm như vậy, lũ trẻ vui lắm. Nhưng chúng ngầm hiểu là mỗi đứa chỉ được phép gắp đúng một miếng. Đứa nào "phạm luật giang hồ" sẽ bị "Đại Ca” Quân, đứa cháu trai lớn nhất trong bọn "xử" liền. Tội nghiệp thằng bé út Dũng của nàng. Nó mới lên ba, mới có tí tuổi đầu mà sao đã hiểu rõ cách thưởng thức "save the best for last" ngay từ ngày ấy thế không biết? Miếng thịt của nó luôn được giấu dưới đáy chiếc bát nhôm, phủ cơm nóng bên trên. Nó cứ ăn cơm không, rồi mãi đến miếng cuối cùng mới nhai miếng thịt một cách từ tốn đầy khoan khoái. Dường như đó là cách mà nó lưu giữ hương vị của miếng thịt mỏng và nhỏ "không đủ nhét kẽ răng" nấn ná với nó lâu hơn... cho đến lần sau! Nàng và lũ trẻ bên ngoài sống khó khăn và thiếu thốn như vậy, nhưng qua những người đồng cảnh ngộ nàng biết rất rõ rằng những người chồng đang sống dở chết dở bên trong các trại tù Cộng Sản. Nàng ứa nước mắt nhớ câu chuyện kể lại về một vị quân nhân đã chết sau một cơn kiết lỵ trong tù, trong tay vẫn nắm chặt một chiếc kẹo đường. Mùi đường nấu chảy tan ra và xông lên mũi nàng thơm ngào ngạt. Nàng đưa tay áo lên lau khô nước mắt và đảo đều tay đũa để số đường ít ỏi có thể thấm quanh những trái chuối. Không bao lâu sau thì nàng đã rim xong. Thành phẩm là một mẻ chuối nằm ngoan trong chiếc chảo gang rộng với những quả chuối trần tròn lẳn, khoác một lớp áo đường màu nâu đỏ như màu mật ong thật quyến rũ. Nàng dùng những chiếc que tre cắm vào mỗi trái chuối và điểm nhẹ vài hạt mè rang vàng làm tăng sức hấp dẫn của thị giác và vị giác. Nàng cũng thèm ăn một miếng vô cùng, nhưng phải khó khăn dằn lại sự cám dỗ. Nàng lót một lớp lá chuối xanh vào bên trong cái nồi chõ nấu xôi rộng vành. Sau đó, nàng khéo léo xếp đều những "cây chuối rim" tròn đều vào lòng chõ trông rất đẹp mắt. Nàng cẩn thận đậy nắp bên trên, rồi dùng vài sợi dây thun ràng nắp nồi lại cho thật chặt. Nàng dặn dò lũ trẻ ở nhà rồi cắp cái nỗi chõ đựng chuối rim một cách chắc chắn bên hông và bước về hướng ngôi trường tiểu học Trương Minh Giảng ngay đầu đường. Nàng ngượng nghịu cười khi chợt nhận ra nét tương đồng giữa mình và Perrette trong thơ:
Nàng Tô cắp chuối mang bên mình Nhưng nàng biết mình tính toán chắc chắn, khiêm nhường và thực tế hơn Perrette rất nhiều. Nàng chỉ mơ ước được "một vốn, bốn lời". Một phần để dành xoay vòng vốn, một phần để dành mua quà thăm nuôi chồng, một phần để dành đi chợ qua ngày, và phần cuối cùng dành dụm lại phòng khi cơ nhỡ. Đến nơi, nàng tìm cho mình một chỗ thích hợp giữa những người buôn bán quà vặt nơi lề đường trước cửa trường học. Những người bạn hàng chung quanh thoạt nhìn nàng bằng ánh mắt soi mói, nhưng sau đó là niềm cảm thông có lẽ là vì bề ngoài hiền lành của nàng. Cảm tạ Ơn Trên, nồi chuối rim của nàng vẫn nguyên vẹn, không bị rơi vỡ như liễm sữa của Perrette. Nàng vui lắm! Hân hoan chờ đợi người khách "mở hàng" đầu tiên. … Bỗng dưng, mười gương mặt thân yêu của lũ trẻ hiện ra trước mắt nàng. Nàng dụi mắt! Nàng có đang nằm mơ không nhỉ? Ồ, không! Sự thật giữa ban trưa đây mà! Lũ trẻ mười đứa đang vây quanh chỗ nàng ngồi thành một vòng tròn. Chúng háo hức phân trần muốn xem mẹ/xem cô buôn bán như thế nào? Đôi mắt chúng sáng rực dán chặt vào những trái chuối, cổ họng và tuyến nước bọt của đứa nào đứa nấy đều hoạt động hết công suất. Tội nghiệp quá! Chúng thèm! Nàng tự hỏi bao nhiêu lâu rồi chúng đã không được nếm vị ngọt của đường? Thế là tuy liễm sữa không vỡ, nhưng trái tim của nàng đã oà vỡ tuôn theo những giọt nước mắt. Giấc mơ của nàng cũng tan tành cùng với lòng yêu thương ngọt ngào và vô bờ bến dành cho lũ trẻ. Thương thay, giấc mơ của Nàng Tô!
Diễm - 11/2019Viết theo hồi ức kể lại của thân mẫu.
|
- Home
- Quân Sử
- Khung Trời Cũ
- Hội Ngộ
- Sinh Hoạt
- Tản Mạn Văn Học
- Tạp Ghi
- Nhạc
- Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc
- Bài Ca Hội Ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân
- Trần Duy Đức & Hạt Thơ Nẩy Chồi Nốt Nhạc
- Xưa Trên Đó (Võ Ý & Trần Duy Đức)
- Em Yêu Dấu (Hoàng Khai Nhan)
- Mùa Thu Paris (Cung Trầm Tưởng & Phạm Duy)
- Lê Thương & 70 Năm "Hòn Vọng Phu"
- Lệ Đá (Trần Trịnh & Hà Huyền Chi)
- Giai Thoại Về Nhạc Phẩm "Làng Tôi"
- Rơi Về Nhau (Trần Duy Đức & Diễm)
- Nhạc Thính Phòng (Hoàng Khai Nhan)
- Văn
- Thơ
- About
Tuesday, November 26, 2019
Giấc Mơ Của Nàng Tô
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment