Tạp Ghi
Diễm
Con Diễm vừa tìm được Thằng Dũng. Đây không phải là hai nhân vật trong một quyển tiểu thuyết nào đó của Duyên Anh đâu nhé quý vị. Chúng chỉ là hai đứa trẻ hàng xóm ở đối diện nhà nhau trong một con hẻm nhỏ đường Đặng Dung, Quận Nhất tại Saigon năm nào. Năm Con Diễm dọn về căn nhà số 17 đường Đặng Dung thì nó mới khoảng 10-11 tuổi. Bố nó lên đường vào tù cải tạo nên mẹ con nó phải về nương nhờ nhà ngoại. Ngôi nhà nhỏ đó đã gắn bó với nó biết bao kỷ niệm cho đến khi bố nó trở về, rồi cho tới khi gia đình nó lên đường qua Mỹ tái định cư theo chương trình HO vào tháng 8, 1991. Lúc đó, Thằng Dũng cũng trạc tuổi nó. Gia đình hai đứa vốn biết nhau từ một, hai thế hệ trước. Từ ông bà chúng, xuống đến bố mẹ, chúng nó là thế hệ tiếp nối của mối quan hệ hàng xóm thân thiết đặc trưng của văn hoá Việt Nam. Không biết hiện tại như thế nào, chứ thời đó hàng xóm ở Việt Nam thân nhau lắm, “tối lửa tắt đèn” là có... hàng xóm. Chả là vì những ngôi nhà san sát nhau trong một con hẻm nhỏ thường có chung một bức vách - "Tai vách, mạch rừng." Nhà bên này nói gì, nhà bên kia có thể nghe hết. Nhà bên này nấu món gì nhà bên kia cũng ngửi thấy mùi thức ăn thơm lừng. Huống chi là Diễm và Dũng ở đối diện nhà nhau. Lúc ấy, cả hai đứa đều không có bố. Lúc ấy, cả hai đứa đều non nớt và không hề có khái niệm gì về hai ông bố của chúng cũng chính là hai người bạn đồng môn được đào tạo cùng một khoá từ ngôi trường quân sự danh tiếng của Việt Nam thời bấy giờ: Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt - Khóa 17 Lê Lai, 1963. Lúc ấy, chúng đều là những đứa trẻ sống trong một gia đình thiếu vắng cha. Vì vậy, chúng có cùng một mong ước: sự trở về của người cha. Con Diễm thì biết rõ là bố nó đang ở trong tù Cộng Sản ở một nơi rất xa xôi và cực khổ. Mẹ nó đã dắt chị em nó đi thăm bố mấy lần, có lần phải đi bằng tàu hoả. Lần đó suýt nữa nó bị lạc mất một đứa em trai bởi vì tàu chỉ dừng tại mỗi bến có một vài phút mà người lên kẻ xuống chen chúc xô đẩy nhau thật kinh khủng. Khi tàu chuyển bánh, thằng cu Đạt em nó bị kẹt lại trên tàu. Mẹ nó sợ hãi cố níu lấy bàn tay bé xíu của thằng con nhất định không buông, cho dù bị bà bán bưởi mang đôi quang gánh thật to đạp lên mặt đau điếng. Mẹ nó phải hét toáng lên "Cứu con tôi!" và dùng hết sức bình sinh để kéo thằng bé xuống kịp thời. Hiểm hoạ mất con chỉ cách có một sợi tóc! Thằng Dũng, đáng thương hơn, vì nó không biết bố nó đang ở đâu. Nó chỉ biết bố nó là một "Chiến Sĩ Anh Hùng MIA" (Missing In Action) vì đồng đội của bố nó sống sót trở về kể lại cho gia đình nghe gương can trường của bố nó trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Lúc ấy, mẹ nó đang mang thai đứa em gái út. Có lẽ nỗi nhớ thương chồng ám ảnh người mẹ đau khổ của nó trong từng giấc ngủ suốt thai kỳ nên em gái nó khi chào đời đã được mẹ đặt cho một cái tên được ghép bằng chữ "Mộng" (chữ đệm của tên bố nó) cùng với hai chữ "Hoài Quân" (nhớ chồng!) Vậy mà bọn con nít hàng xóm ngày ấy, bao gồm cả Con Diễm, thật là đáng ghét! Chúng cứ giễu con bé em nó bằng cách gọi trại ra thành "Mông Ngoài Quần" làm cho con bé phải bật khóc tấm tức mà đâu hiểu được nỗi lòng người mẹ. Mẹ nó không bao giờ tin là bố nó đã chết. Trong lòng mẹ nó, bố nó vĩnh viễn là một Người Hùng và... sẽ trở về! May mắn thay, cả hai đứa đều có người mẹ tuyệt vời. Mẹ của Thằng Dũng rất đảm đang và tháo vát, dường như món gì mẹ nó nấu đều ngon, nhất là món "phở," vì vậy mà mẹ nó cày cục gom góp vốn liếng mở được một quán phở nho nhỏ trong thành phố. Công việc buôn bán nấu nướng khiến bà bận rộn và hay vắng nhà. Tuy nhiên, điều làm cho Thằng Dũng bực nhất là trước khi đi, mẹ nó cứ nhốt anh em nó trong nhà và khoá trái bên ngoài rồi mang chìa khóa sang gởi bên nhà Con Diễm với lời dặn dò "Rủi có chuyện gì..." Nó bực lắm! Bởi vì những lúc như vậy chị em Con Diễm cứ hay le lưỡi trêu nó và ánh mắt ranh mãnh của Con Diễm cứ nheo nheo nhìn nó giễu cợt. Nó ấm ức!
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt, Hic!... Nó đồng cảm với nỗi ấm ức của "Ông Ba Mươi" trong bài thơ "Nhớ Rừng" của Thế Lữ hơn ai hết! Nó bèn nghĩ cách. A! con gà mái của nó nuôi bấy lâu bỗng... đẻ trứng vàng. Nó đứng bên trong song cửa sắt dụ khị: - Ê! Diễm. Sang nhà tao chơi không? Gà tao đẻ trứng, mình chơi làm bánh đi! Mặt Con Diễm vênh lên, nói: - Thôi đi! Không được đâu. Mẹ mày mà biết la tao chết! Thằng Dũng... "ủ mưu": - Sao mẹ tao biết được? Mày mở cửa vào rồi tụi mình làm bánh. Khi nào xong mày "nhốt" tao lại, làm sao mẹ tao biết được? Nó bồi thêm: - Bánh bột mì nhồi trứng ngon lắm đó nha! (Ha ha! Nó biết Con Diễm có tới mấy cái "nốt ruồi ham ăn" trên mặt mà - phen này khó đỡ nhá!) Quả thật, Con Diễm bị trúng kế, nuốt nước bọt đánh "ực," nhưng cũng làm bộ gãi đầu ra chiều suy nghĩ: - Ừa, thôi cũng được. Một lần thôi nha! Thế là mấy đứa nhóc hàng xóm có một buổi trưa hè đúng kiểu "vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm." Chúng nhồi nhào món bánh bột "bảy món" với tất cả tài nghệ non trẻ của chúng và tất nhiên là tấm tắc, xuýt xoa khen ngon. Sau đó, Con Diễm chùi mép, chùi tay sạch sẽ, nó "nhốt" anh em Thằng Dũng lại theo kiểu "vũ như cẩn" và chuồn về nhà êm re như chưa hề xảy ra chuyện gì.
Tuổi thơ của chúng trôi qua mau trong cái bối cảnh giao thời của nước Việt đầy khốn khó, cho đến ngày gia đình Thằng Dũng lên đường qua Mỹ do người dì của nó đứng đơn bảo lãnh. Hôm đó là một ngày buồn hiu hắt. Thằng Dũng phải cõng trên lưng người mẹ đã lả đi vì khóc, đưa mẹ nó lên xe ra Phi Trường Tân Sơn Nhất. Cuộc chiến với Cộng Sản đã cướp đi người cha của nó, và cho đến giờ phút cuối cùng trên quê hương, những con người gian xảo do chế độ Cộng Sản sản sinh ra lại tiếp tục cướp trắng ngôi nhà mà lẽ ra đã trở thành chút vốn liếng cho mẹ góa con côi gầy dựng cuộc sống trên xứ người. Hai đứa hoàn toàn mất liên lạc từ đó.
Mãi cho đến hơn ba mươi năm sau, một hôm, Con Diễm được các chú bác trong Khóa 17 Võ Bị giao cho nhiệm vụ tổ chức một buổi hội ngộ hai thế hệ. Nó lướt qua quyển Kỷ Yếu Khóa 17 của bố nó và chợt dừng lại nơi tấm hình thân phụ của Thằng Dũng. Nó chợt nhớ cậu bạn hàng xóm thuở thiếu thời và phải ra sức lùng kiếm vòng vèo nửa vòng trái đất mới có được số phone của Thằng Dũng. Tim nó đập mạnh khi nghe giọng nói thằng bạn tinh nghịch năm nào giờ đây đã trở thành giọng một người đàn ông vững vàng và ấm áp. Chúng trao đổi với nhau biết bao là chuyện xưa, chuyện nay, khoe nhau hình ảnh gia đình đuề huề của mỗi đứa. Câu chuyện của chúng chắc cũng giống như câu chuyện của bao nhiêu nhóc tì khác trong xã hội Việt Nam thời đó. Vậy mà giờ đây, sau 36 năm gặp lại, những giá trị cảm xúc quý báu về tuổi thơ nơi quê hương vẫn như nước sông dâng đầy trong lòng chúng. Chợt! Thằng Dũng gửi qua một dòng tin nhắn: "Mấy cái nốt ruồi trên mặt còn không ta?" Trời! Ha ha...
Diễm - 7/30/2019
|
- Home
- Quân Sử
- Khung Trời Cũ
- Hội Ngộ
- Sinh Hoạt
- Tản Mạn Văn Học
- Tạp Ghi
- Nhạc
- Sư Đoàn 6 Không Quân Hành Khúc
- Bài Ca Hội Ngộ Sư Đoàn 6 Không Quân
- Trần Duy Đức & Hạt Thơ Nẩy Chồi Nốt Nhạc
- Xưa Trên Đó (Võ Ý & Trần Duy Đức)
- Em Yêu Dấu (Hoàng Khai Nhan)
- Mùa Thu Paris (Cung Trầm Tưởng & Phạm Duy)
- Lê Thương & 70 Năm "Hòn Vọng Phu"
- Lệ Đá (Trần Trịnh & Hà Huyền Chi)
- Giai Thoại Về Nhạc Phẩm "Làng Tôi"
- Rơi Về Nhau (Trần Duy Đức & Diễm)
- Nhạc Thính Phòng (Hoàng Khai Nhan)
- Văn
- Thơ
- About
Wednesday, July 31, 2019
Con Diễm - Thằng Dũng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment