Photo: Con-Bé-Diễm-Plei-Ku lên 6 tại Pleiku (đứa lớn!)
Thế là tự nhiên nó bị cậu Võ Ý kéo cổ lôi vào trang blog của Sư Đoàn 6 Không Quân. Nó đành phải "cung kính không bằng tuân lệnh" cậu như tuân lệnh “thượng cấp” nhưng trong lòng thì đầy hoang mang không biết sẽ phải làm gì, viết gì đây? Bởi vì nó chỉ là một con bé lên 6 khi đến Pleiku và chỉ ở đó vỏn vẹn có hai năm khi bố nó "trấn thủ lưu đồn" tại đó từ năm 1970 cho đến mùa hè đỏ lửa 1972.
Tại đây, đứa em trai út của nó chào đời. Một chuyện vui có thật nó xin kể lại đó là sau năm 1975, cậu bé này đi học và khi cần phải khai "Lý Lịch Dọc Ngang" của mình theo kiểu "XHCN"thì cậu út này đã ngang nhiên điền vào chỗ trống trong bản lý lịch thơ ngây như sau: "Quốc Tịch: Mỹ" - "Nơi Sinh: Pleiku" - bởi vì trong trí óc non nớt của cậu em nó lúc ấy "Pleiku" dường như không phải là một địa danh của Việt Nam.
Khi nghe cô giáo kể lại cả nhà ai cũng cười ngất, nhưng lúc bấy giờ không ai dám nghĩ rằng đó lại là một điềm lành báo trước. Bởi vì "trải qua một cuộc bể dâu," hiện nay, cậu em này quả thật đã mang "Quốc Tịch Mỹ."
Nó hầu như đã quên bẵng Pleiku cho đến khi gặp cậu Võ Ý, một người bạn đồng môn Võ Bị cùng khoá 17 với bố nó. Cậu từng là Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn Bắc Đẩu 118, một phi đoàn máy bay quan sát tại phi trường Cù Hanh. Vì vậy, đối với cậu Võ Ý, Pleiku là một khoảng trời ký ức hào hùng không dễ gì phai nhạt trong lòng người cựu phi công.
Khi biết nó đã từng ở Pleiku, thế là cậu đặt ngay cho nó một cái tên nghe dài loằng ngoằng như kiểu tên... con quan: Con-Bé-Diễm-Plei-ku.
Rồi thì tên dài như tên ‘con nhà quan’ vậy, nhưng khi viết thì cậu lại viết tắt theo kiểu ‘con nhà lính’ thành ra "CBDPK." Hi hi... có Trời mới hiểu!
Nhưng cũng nhờ vậy mà ký ức Pleiku trở về dạt dào trong lòng nó.
Nếu như ai đó học môn tâm lý học và cần phải trắc nghiệm xem trí nhớ của một con bé lên 6 như thế nào thì có thể sẽ "phát hoảng" nếu như biết nó nhớ được những gì đấy nhé!
Nó nhớ Pleiku mưa nhiều!
Điều này thì dễ ợt vì nó đọc được trong bài thơ "Xưa Trên Đó" của cậu Võ Ý:
Mưa thì sình bụi mù thay nắng gió
Gặp là vui cam khổ cũng cam đành
Có điều nó cũng hơi thắc mắc mà chưa tiện hỏi cậu: Gặp là gặp ai?
Xưa Trên Đó (Thơ Võ Ý - Nhạc Trần Duy Đức) Tấn Đạt hát
Mưa Pleiku, nhạc sĩ Trần Duy Đức năm 18 tuổi cũng viết nhạc phẩm đầu tay "Khúc Mưa Sầu" với giai điệu ngũ cung buồn thổn thức và già rười rượi... như ri:
Nằm nghe ngày tháng rơi đều
Ngoài hiên mưa đọng bọt bèo
Tình nằm trong nắm mộ rêu
Chờ mình nghe những quạnh hiu
Ôi! nằm nghe... ngoài hiên giọt rớt bên thềm
Lặng yên ta gọi tình quên...
Khúc Mưa Sầu (Trần Duy Đức) Ngọc Lan hát
Có lần nó cắc cớ hỏi trêu rằng: "Hồi đó ở Pleiku có con bé lên 6 hay 'đi lên đi xuống' lắm mà tại sao không gặp Nhạc Sĩ nhỉ?"
Người nhạc sĩ đã cười rung râu trả lời: "Lúc đó tui đã khoác áo 'chinh nhân' rồi chứ bộ! Đâu phải là 'con nít' đâu mà con bé lên 6 đòi gặp ... ha ha!”
Nó nhớ những con đường đất đỏ trơn ướt!
Bởi vì mẹ nó đã có lần dắt nó đến một cái thư quán nho nhỏ cuối con dốc và "thuê" cho nó đọc một quyển truyên dài nhiều chương đầu tiên trong cuộc đời. Đó là quyển "Tuổi Mười Ba" của nhà văn Duyên Anh. Nhắm mắt lại nó vẫn còn nhớ cái bìa sách có hình một cô bé mắt to. Có lúc nó nghĩ mình nhớ nhầm! Mới có 6 tuổi sao lại đọc "Tuổi Mười Ba" - khác nào như con nít tiểu học bên này mà xem phim PG13 cơ chứ.
Có một bài thơ cũng mang tên "Tuổi Mười Ba" của thi sĩ Nguyên Sa:
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ…
Tôi phải dỗ như là… tôi đã nhớn.
Đấy! "Tuổi Mười Ba" người ta đã "nhớn" như vậy kia mà.
Nó bèn hỏi lại mẹ nó cho... chắc ăn, thì mẹ nó tủm tỉm cười xác nhận.
Có lẽ quyển truyện chương đầu đời thơ mộng ấy đã in sâu vào tiềm thức của con bé 6 tuổi và dẫn dắt nó đi vào con đường "vừa viết vừa lách," bởi vì con đường này cũng như những con đường Pleiku dốc đứng, quanh co, trơn ướt nhiều sình lầy và rất dễ bị trượt ngã... dưới mưa.
Nó nhớ trời Pleiku rất lạnh!
Lúc đó gia đình nó ở một căn nhà nhỏ trong khu gia binh. Bố nó và mấy chú lính bèn ghép những lát gỗ chung quanh phòng và còn dùng một thứ dụng cụ để "khò" ra lửa vừa đủ tạo những vân hoa gỗ nâu nâu nổi lên trông rất đẹp và làm cho căn phòng trở nên ấm áp hẳn lên.
Trời thì lạnh như vậy, nhưng những cô gái Thượng lại để ngực trần, chỉ quấn có mỗi mảnh xà-rông bên dưới, vai đeo gùi chứa củi, chứa gạo và chứa… con.
Nó nghe lỏm được các chú lính nói chuyện với nhau, khuyên nhau đừng bao giờ dại dột sờ vào những bầu ngực trần đó, bởi vì thế nào cũng bị... thư. Theo các chú, bị Thượng "thư" là một điều kinh hãi. Bụng nạn nhân sẽ phình to và đau quặn, phải mời thầy mo về mổ ra sẽ thấy có một nùi tóc găm đầy kim nhọn...nghe phát khiếp! Các chú kháo nhau phải cẩn thận khi đi ngang qua cái núi gì đó (bây giờ nó mới biết là núi Hàm Rồng), vì không khéo sẽ gặp bóng ma thiếu nữ Thượng hiện lên trong trời mờ hơi sương.
Nó nhớ bố nó là một Huấn Luyện Viên rất nghiêm khắc!
Bố nó có biệt danh là "Đức... Manh-Xà-Lam" vì bố nó "cạo" các chú lính mới ra trò. Giọng ông mà cất lên thì các chú lính đều run bắn. Nó và ba đứa em đều lãnh đòn của bố nếu như không ngoan ngoãn vâng lời. Bố nó có rất nhiều bạn bè trong quân ngũ thời bấy giờ, nó nhớ được tên bác Võ Quế, bác Trần Dật.
Nó không nhớ ra chú Nguyễn Hữu Thiện và cô Nga, nhưng cô chú thì lại nhớ nó. Bằng chứng là chú Thiện đã tìm ra nó trên diễn đàn Hội Quán Phi Dũng và kể lại cho nó nghe rằng hồi còn bé nó rất hay qua nhà cô chú chơi và đã khá là bẻm mép từ dạo ấy.
Chú Thiện có cả một bụng truyện về Pleiku! Chú viết cho nó những lá thư rất vui kể cho nó nghe rất nhiều chuyện về bố nó, về chuyện bức tranh "Vua Quang Trung Đại Thắng Quân Thanh" mà bố nó đã "phỗng tay trên" của chú nhưng lại thành một bức tranh được đóng khung tuyệt đẹp trưng bày tại phòng huấn luyện làm nức lòng chiến sĩ Pleiku. Ôi! những mảnh ghép chân dung của một người cha quá vãng cứ thế mà hiện lên ngày càng đậm nét trong lòng nó. Nó sống với bố nó suốt chiều dài cuộc đời khi ông còn sinh tiền, nhưng dường như lại biết về ông nhiều hơn sau khi ông khuất bóng.
Nó nhớ mẹ nó khi ấy là một phụ nữ hết sức đảm đang!
Lúc đó mẹ nó chưa đầy 30 tuổi mà đã "bốn con cùng chàng". Có lẽ những người luôn miệng rêu rao là "nguỵ quân, nguỵ quyền" tham nhũng thế nọ thế kia sẽ không bao giờ hình dung ra cảnh "Bà Thiếu Tá Đức" một nách 4 con, xắn tay áo làm bánh flan và yaourt bỏ mối cho Câu Lạc Bộ Sĩ Quan để kiếm thêm từng đồng phụ vào lương lính của ông chồng quân nhân liêm khiết. Không những chỉ có mẹ nó như vậy, mà chung quanh còn có rất nhiều những bà mẹ khác mà nó được nghe kể chuyện đều giỏi giang tháo vát y như vậy. Nó cảm thấy thương và phục thế hệ của những người mẹ Pleiku biết là bao!
Ký ức của một con bé lên 6 về Pleiku chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu, nhưng niềm tự hào đã từng được "sống với Pleiku" trong những ngày tháng đỏ lửa của quê hương dâng đầy trong lòng nó.
Nó hãnh diện về bố nó và các chú bác của nó đã chiến đấu và kiên cường cùng với Pleiku. Nhưng lòng nó cũng quặn đau khi sau này lớn lên và được nghe/thấy những hình ảnh bi thương trên liên tỉnh lộ 7B.
Hôm nay, nó được các chú bác chắp thêm cho nó đôi cánh để bay vào khung trời Sư Đoàn 6 Không Quân thế là những mảnh ký ức non nớt năm nào lại lấp lánh hiện về trong tâm tưởng.
Ôi Pleiku một địa danh dễ thương đã hiện hữu trong cuộc đời của nó! Nơi mà khi nó nghĩ về thì trong lòng dâng lên một nỗi niềm “còn một chút gì để nhớ... để thương..."
PBN 120 | Vũ Khanh - Còn Chút Gì Để Nhớ (Thơ Vũ Hữu Định - Nhạc Phạm Duy)
No comments:
Post a Comment