Wednesday, February 26, 2020

Thoát Ngục

Thoát Ngục

Huy Sơn

"Gấu Đen 532" (Phù Cát)


Mỗi sáng, Trung Úy Khải lái xe Honda vào căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất để trình diện phi đoàn trực bay hành quân.

Lần này anh bị Quân Cảnh Không Quân ở cổng Phi Long chận lại không cho vào, lý do căn cứ đã có lệnh "nội bất xuất và ngoại bất nhập." Khải thẫn thờ như người mất hồn, không biết nên xử trí ra sao, đành phải trở về nhà.

Anh dùng điện thoại liên lạc với anh em trong phi đoàn hỏi thăm tin tức, mới biết chiều ngày hôm trước có một phi tuần gồm 4 chiếc A-37 ném bom xuống khuôn viên của căn cứ, do đó lệnh cắm trại đã được ban hành. Sau này Khải còn biết thêm người Phi Công hướng dẫn phi tuần đó là Trung Úy Nguyễn Thành Trung, viên Phi Công F-5 đã dội bom xuống dinh Độc Lập khoảng nửa tháng trước, với mục đích gây xáo trộn chính trị cho chính quyền miền Nam Việt Nam. Anh là con của một cán bộ Việt Cộng đã chết từ khi anh còn bé, được Việt Cộng đổi tên và nuôi ăn học cho đến tuổi động viên để gia nhập Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, sau đó anh đã trở thành một Phi Công Tác Chiến.

Khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Khải bị kẹt lại Việt Nam và phải đi trình diện "học tập cải tạo."

Một hôm trong giờ làm lao động, Khải lợi dụng lúc sơ xuất của người cán bộ quản giáo để lẻn trốn. Anh băng rừng, lội suối, cố gắng đi xa trại tù. Sáng hôm sau anh bị kiệt sức nên đành liều đập cửa một nhà người Thượng để cầu cứu. Cô gái Thượng tuổi chừng 20 ra mở cửa, dìu anh vào nhà, cho anh uống nước và ăn vài củ khoai mì. Ăn xong Khải lấy lại sức rồi hướng mắt về cô gái Thượng nói:

- Tôi xin cám ơn cô.

Cô gái Thượng nhìn Khải tỏ vẻ thương hại, nói:

- Tại sao anh như vậy?

Khải ngạc nhiên khi nghe cô Thượng phát âm tiếng Việt khá rõ ràng. Trước khi trả lời câu hỏi của cô, anh khen:

- Cô nói tiếng Việt giỏi lắm.

Cô gái Thượng nói:

- Trước đây tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Kinh và đã học được từ họ.

Khải tiếp:

- Tôi vừa trốn khỏi trại cải tạo Hàm Tân.

Cô gái Thượng nói:

- May cho anh, ba tôi mới cùng mẹ tôi ra rẫy. Ông là Tổ Trưởng nơi đây. Nếu gặp anh, nhất định ông sẽ báo cáo lên cấp trên.

Sau vài giây đắn đo, cô tiếp:

- Thôi được, anh nên theo tôi đến nơi này, đó là một chỗ kín đáo mà hồi nhỏ tôi hay chơi ẩn núp. Anh ở đó một thời gian, ít lắm là cả tuần trước khi rời nơi đây.

Khải lí nhí nói lời cám ơn rồi đi theo cô gái Thượng.

Chỗ ẩn là một cái hang nhỏ bên cạnh dòng suối, có nước chảy róc rách. Nếu bên trong phát tiếng động nhỏ, người ở bên ngoài cũng không nghe được. Hàng ngày cô Thượng lén lút tiếp tế cơm nước cho Khải, nhờ vậy anh mau chóng lấy lại sức và thân hình của anh cũng bớt tiều tụy. Tại đây Khải đã có những giờ phút nhàn hạ bên cạnh cảnh thiên nhiên hữu tình, đôi lúc anh tưởng mình đang lạc vào động Thiên Thai...

Gần hai tuần sau ngày trốn trại tù, Khải bịn rịn nói lời chia tay với cô gái Thượng để tiếp tục dự tính của mình. May mắn, anh đã về đến nhà của cha mẹ anh ở Sài gòn mà không gặp một trở ngại nào. Cha mẹ anh giấu mọi người về sự hiện diện của anh. Ông bà gấp rút móc nối với một nơi quen biết cho anh vượt biên.

Chuyến đi khởi hành lúc 2 giờ sáng tại bờ sông Sài gòn bằng thuyền nhỏ và được lên tàu đánh cá đậu sẵn ngoài cửa sông. Trên tàu có 11 đàn ông, 19 đàn bà và 4 em nhỏ. Tàu nhổ neo lúc 5 giờ sáng, chạy được nửa ngày thì bị một tàu Tuần Duyên của Việt Cộng rượt theo, họ ra lệnh tàu của Khải phải ngừng và tắt máy. Trên tàu Việt Cộng có tất cả 6 người, 4 người nhảy sang tàu Vượt Biên còn hai người ở lại, một người chạy máy và một một người cầm súng A.K. canh chừng cho đồng bọn. Những người lính V.C. sang tàu vượt biên hô lớn:

- Mọi người đứng dạy và dơ hai tay lên.

Tất cả đàn ông ở trên tàu Vượt Biên đưa mắt nhìn nhau, ngầm ra dấu đồng loạt xúm vào 4 người lính V.C. tước vũ khí của họ. Người đầu tiên giựt được một khẩu súng A.K., anh liền nẩy cò bắn chết hai người lính bên tàu kia. Sau một hồi xô sát giữa hai bên để tranh dành sự sống, kết qủa những người vượt biên đã thắng. Họ đẩy xác lính V.C. xuống biển, chuyển xăng dầu và lương thực từ tàu Việt Cộng sang tàu của họ. Nhờ vậy con tàu vượt biên có đủ lương thực và xăng dầu chạy đến được bờ biển của trại tỵ nạn Phi Luật Tân.

Khải sống trong trại tỵ nạn một thời gian ngắn khoảng vài tháng rồi được ban phỏng vấn Hoa Kỳ cho phép anh đến định cư ở trên đất nước của họ.

Sau hơn 10 năm làm việc chuyên cần, Khải đem về Việt Nam số tiền anh đã đành dụm. Anh biếu cha mẹ của anh một phần số tiền ấy, mong đền đáp phần nào công ơn sinh thành và dưỡng dục của ông bà. Anh lên lại buôn Thượng gần trại tù Cải Tạo Hàm Tân để tìm cô gái Thượng năm xưa. Lúc gặp nhau, cô Thượng liền chạy đến ôm chặt lấy Khải, ngả đầu vào vai anh, thổn thức:

- Sau khi anh rời đây, em liền lấy chồng và sau đó em sinh được một người con trai, nó giống anh như đúc.

Ngừng vài phút, cô tiếp:

- Em giấu nhẹm với chồng của em về chuyện riêng tư của chúng mình. Giờ này hai cha con đang ở ngoài rẫy.

Nghe xong Khải không biết phải xử trí ra sao, anh liền lấy số tiền còn lại đưa hết cho cô gái Thượng, đền đáp công lao của cô đã giúp anh thoát ngục và nuôi nấng người con, kết qủa của một mối tình ngắn ngủi, một cục máu rơi của anh mà anh chưa và sẽ mãi mãi không bao giờ gặp được.

Huy Sơn

"Gấu Đen 532" (Phù Cát)



No comments:

Post a Comment