Thursday, July 20, 2017

Tình Yêu Đơn Phương

Huy Sơn

Chủ nghĩa dù tốt hay xấu, đều là sản phẩm của con người. Duy chỉ tình yêu mới là tiếng nói chân chính, phát xuất từ trái tim, sự hiện hữu của nó hoàn toàn độc lập, không bị lệ thuộc vào môi trường sống ngoài xã hội.

Đa số nhân viên phi hành trong quân chủng Không Quân V.N.C.H. đều có một "call sign" và một "nickname".  

"Call sign" được dùng ở trên không, mỗi khi thi hành phi vụ. Chẳng hạn như "Thái-Dương 1" hay "Gấu-Đen 2", hai chữ đầu là tên riêng của phi đoàn, số kế tiếp là thứ bực của hoa tiêu trong phi đoàn. 

Còn "nickname" là tên do bạn bè đặt, chẳng hạn như "Hải-Alain Delon" hay "Minh-Kều", những "nickname" này thường ám chỉ phong cách đặc biệt của cá nhân, khi nghe đến bạn bè sẽ nhận ra người đó là ai. Nickname của thiếu tá Trần Như Khánh là "Khánh-Charles Bronson". Đâu ai lạ lùng gì "Charles Bronson", tài tử Mỹ, nổi tiếng đóng phim cao bồi. Thật khó mà diễn tả được nét độc đáo của tài tử này. Nước Tàu nổi tiếng về đóng phim chưởng, nước Nhật nổi tiếng về đóng phim võ sĩ đạo và nước Mỹ nổi tiếng về đóng phim cao bồi. Tài tử Charles Bronson có dáng cao của người đàn ông Mỹ, nước da xạm nắng với bộ râu mép và nét mặt trông rất tỉnh của một anh cao bồi thứ thiệt. Khánh giống tài tử Charles Bronson ở chỗ anh cũng cao, da cũng xạm nắng, bộ râu mép và nét mặt tỉnh có một không hai. Cái tỉnh của anh không chỉ thể hiện khi phải đối đầu với lằn tên mũi đạn nơi chiến trường mà ngay cả những lần anh tiếp xúc với các em gái hậu phương, khi bị các nàng cợt đùa hay nũng nịu...

Ngoài vóc dáng giống tài tử Charles Bronson, thiếu tá Khánh còn là một phi công tài ba, anh đã từng lập nhiều chiến công hiển hách như hủy diệt nhiều xe tăng, nhiều ổ phòng không lớn và yểm trợ hữu hiệu cho quân bạn. Anh cũng đã từng được đơn vị đề cử là chiến sĩ xuất sắc, về Sài gòn trong ngày lễ Quân Lực và được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân khen thưởng.

Nếu chỉ dựa vào cấp bậc thiếu tá đeo trên vai của anh, thì người ta sẽ nghĩ "Khánh-Charles Bronson" đã đứng tuổi và có vợ rồi, thực ra anh mới 29 tuổi và còn đọc thân. Anh là con một trong gia đình nề nếp, cha mẹ thường hay thúc dục anh lập gia đình nhưng anh luôn thoái thác, mãi đến đầu năm 1975 anh mới vâng lời.

Người mà thiếu tá Khánh lấy là một nữ sinh lớp 12 của trường Nữ Trung Học Nha Trang. Nàng thua anh 10 tuổi, tên là Nguyễn Thị Kiều Diễm. Đôi vợ chồng mới cưới trông rất xứng đôi, đúng là một cập "trai tài gái sắc". Nhưng tiếc thay thời gian trăng mật của họ chỉ kéo dài được ít tháng thì vận nước bị đổi thay và anh phải vào tù, trại tù ở mãi tận vùng Sơn la, nơi đất Bắc. 

Chẳng bao lâu vì sự khổ cực và ăn uống thiếu thốn, thân hình Khánh trở nên tàn tạ, cái vẻ "Charles Bronson" của anh nay đã mất, nhường vào đó là một người chỉ còn da bọc xương. 

May thay, ngay ngày đầu nhập trại tù, Khánh đã được lọt vào cập mắt của một nữ cán bộ quản giáo tên Nguyễn Thảo Như, cô khoảng 25 tuổi, thân hình đầy đặn. Ngoài ra, không ai trong trại biết thêm hay dám bàn về lý lịch của cô. Thấy sức khỏe của Khánh đã đến lúc qúa nguy kịch, Thảo Như lén lút tiếp tế cho Khánh thuốc men và thức ăn. Nhờ vậy, Khánh lần hồi khỏe lại, tiếp tục sống lay lất những chuỗi ngày kế tiếp...

Vào một buổi sáng, trong thời gian làm thủ tục sửa soạn xuất trại, Khánh được nữ quản giáo gọi vào phòng nói chuyện. Một mình, ngồi đối diện với Thảo Như, Khánh phân vân không biết chuyện gì sẽ xẩy đến với mình. Bỗng người nữ cán bộ với giọng trầm buồn, tâm sự:
  • Thời gian qua, anh có biết là tôi đã đối xử với anh đặc biệt hay không?
Khánh trả lời:
  • Thưa cán bộ tôi biết và ơn này tôi sẽ ghi mãi trong lòng...
Người nữ cán bộ tiếp:
  • Tôi được sinh trưởng trong một gia đình có cha mẹ đều là cán bộ cao cấp. Năm 18 tuổi, tôi được gia đình gởi du học Nga. Thời gian ở đó, nhờ vào sách báo, tôi đã có cơ hội biết một phần nào đời sống con người bên các nước tự do. Tôi đâm chán ghét cái vỏ bấy lâu bao bọc quanh tôi, nhưng chẳng biết làm sao thoát ra... Đến khi các anh bị cầm tù, tôi liền tình nguyện làm cán bộ quản giáo. Thoạt đầu cha mẹ tôi đều cấm cản. Tôi liền nêu ra lý do là muốn trả thù món "nợ máu" cho nhân dân. Nhờ vậy, ông bà mới ưng thuận.
Giọng nữ cán bộ càng lúc càng trở nên nhỏ:
  • Tôi xin chúc mừng anh sắp xuất trại. Nay mai tôi cũng rời đây và một ngày nào đó tôi sẽ vào Nam kiếm anh. Khi ấy, nếu anh muốn, tôi sẵn sàng lập gia đình cùng anh.
Khánh nói nhỏ nhẹ:
  • Cám ơn cán bộ, thưa cán bộ tôi đã có vợ.
Người nữ cán bộ tiếp:
  • Hơn ai hết, tôi đã biết rõ lý lịch của anh. Khi anh trở về gặp lại vợ anh, nếu sự đoàn tụ xảy ra êm thắm thì tốt, còn không thì anh hãy nhớ đến những lời tôi đã tâm sự với anh... Tất cả những lời ấy đều phát xuất từ trái tim, mà tôi hằng ấp ủ bấy lâu...
Người nữ cán bộ nói:
  • Câu chuyện tới đây coi như đã hết. Anh có thể về trại.
Sau khi mãn tù, Khánh trở về Sài Gòn gặp lại vợ. Họ cùng nhau làm lụng vất vả, đủ sống qua ngày. Khoảng một năm sau Kiều Diễm hạ sinh một người con gái đầu lòng, trông rất dễ thương.

Trước ngày gia đình Khánh Diễm sang Mỹ theo diện H.O., họ bán hết vật dụng trong nhà. Nhờ đó, họ có đủ tiền mua vé máy bay về Nha Trang thăm và từ giã cha mẹ của Diễm. 

Vì thời tiết xấu, trước khi đáp, máy bay không may bị đâm vào dẫy núi Đồng Bò. Mãi ngày hôm sau, đội cứu cấp mới đến được hiện trường. Họ thấy trong số hành khách chỉ có một bé gái còn thoi thóp sống, nhưng lại bị tắt thở đúng lúc đem được đến nhà thương.

Ngày tiễn đưa linh cửu của gia đình cựu thiếu tá Trần Như Khánh "Khánh-Charles Bronson", người ta thấy một thiếu nữ mặc y phục màu đen, trên tay cầm một bó hoa hồng. Khó ai ngờ được người đó chính là một cựu nữ cán bộ quản giáo tại trại tù Sơn La. Nàng cũng là người cán bộ quản giáo duy nhất đã được các tù nhân ở trong trại tù biết ơn, qua những hành vi lén lút giúp họ trong lúc nguy khốn.

Huy Sơn

No comments:

Post a Comment