Tuesday, May 23, 2017

Tình Bạn Khu Trục

Huy Sơn

Như những tù nhân khác, Tuấn ăn uống không đủ chất dinh dưỡng nên cơ thể bị kiệt quệ và thân hình trông rất tiều tụy. Vẻ cao ráo, bảnh trai của anh trước đây đã mất, nay chỉ còn da bọc xương. Nhắc về sự bảnh trai của anh thì phải nói là  hiếm có, anh em cùng đơn vị rất hãnh diện về anh, mỗi lần có chào cờ hay những buổi lễ long trọng, anh đều được đề nghị đứng hàng đầu, trông rất oai nghiêm, không hổ danh là một chiến sĩ Không Quân được tuyển chọn kỹ càng. Ngoài ra, anh còn được lọt vào đôi mắt xanh của một hoa khôi trường Trưng Vương, họ lấy nhau hơn một năm thì hạ sinh người con trai đầu lòng, trông rất kháu khỉnh. 

Khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, anh bay sang Thái Lan lánh nạn và từ đó anh được chính phủ Hoa Kỳ chuyển đến căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam. Tại đây trong lúc đang đứng xếp hàng ăn cơm tối, anh được người bạn cùng đơn vị đến gần, dúi cho một mảnh giấy gồm mấy hàng chữ "Trong giây phút cấp bách, chúng mình đã phải ra đi, bỏ lại vợ con. Sáng mai có chuyến tàu Thương Tín rời đây, đưa những ai muốn trở lại Việt Nam. Tao đã nghĩ kỹ rồi, những ngày tháng tới, tao không thể tiếp tục sống thiếu trách nhiệm, bỏ vợ con bơ vơ nơi quê nhà được. Tao nhất quyết phải về! Cho dù chỉ gặp những người thân yêu một lần và sau đó số mạng của tao có ra sao, tao cũng chấp nhận... Mày có muốn thì gặp tao sáng mai, càng sớm càng tốt".

Sự suy nghĩ và đánh giá về những người Việt Cộng của hai viên phi công lỡ vận đã hoàn toàn trái ngược. Theo tàu Thương Tín đi về và kết qủa họ bị nhà Nước đưa thẳng ra Bắc, giam giữ tại trại tù Yên Bái, nơi nổi tiếng từ lâu là chỗ "danh lam chướng khí, rừng thiêng nước độc".

Vào một buổi sáng, trong khi các tù nhân tập họp, sẵn sàng đi làm lao động, người cán bộ Quản Giáo nói với người Đội Trưởng để Tuấn ở lại trại làm việc. Anh thất thểu theo người cán bộ mà trong lòng phân vân, lo lắng không biết chuyện gì sẽ xẩy đến cho mình. Trong gian phòng nhỏ, người cán bộ ngồi đối diện Tuấn, soi mói nhìn anh và hất hàm hỏi:
  • Khi xưa anh là giặc lái, vậy anh có nhận ra người trong ảnh này là ai không?
Nhìn tấm ảnh nhỏ bán thân trên giấy chứng chỉ tại ngũ, đã phai mờ theo năm tháng, Tuấn nhận ngay ra người ấy là bạn cùng khoá học bay A-37 với mình nhưng anh cố làm ra vẻ thản nhiên, lạnh lùng trả lời:
  • Thưa cán bộ, tôi không biết.  
Người cán bộ trầm ngâm, hồi tưởng lại qúa khứ của mình, giọng trầm buồn kể:
  • Anh biết không! Các anh đã được Nhà Nước khoan hồng lắm đấy... cái khổ cực hiện tại của các anh bây giờ chẳng thấm béo nếu so sánh với cái khổ của chúng tôi khi xưa, thời gian chúng tôi vượt Trường Sơn vào Nam. Chúng tôi ngày nghỉ, đêm đi, cứ như thế dòng dã cả tháng trời, lúc nào cũng lo ngay ngáy B-52 đến thả bom. Ôi! thật là kinh hoàng mỗi khi bị trận mưa bom. Chúng tôi nếu may mắn     không chết thì cũng bị tức ngực hay lãng tai.
Người cán bộ ngừng vài giây, rồi kể tiếp:
  • Tháng trước ngày đại thắng miền Nam, tôi đang ở trong tổ Phòng Không, có nhiệm vụ bảo vệ cây cầu huyết mạch trên quốc lộ Số 1, để đoàn quân có thể di chuyển tiến chiếm tỉnh Khánh Hoà. Bỗng có hai chiếc phản lực cơ bay đến thả bom, cố phá hủy cầu. Mỗi lần họ nhào xuống tôi đều khai hỏa, bắn chận nhưng không trúng. Kết quả chiếc cầu bị xập và người tôi bị trúng mảnh bê tông của chiếc cầu, máu me đầy mình. Ngay lúc đó tôi không hiểu sao một trong hai chiếc A-37 quành lại sau khi đã rời mục tiêu và chúi xuống nhả ra những tràng đạn liên thanh nhắm bắn chỗ tôi đặt súng. Tôi hoảng quá, lúc đó tôi không có chọn lựa nào khác là liên tục bóp cò bắn trả lại vì tôi và khẩu súng bị gắn liền với nhau bằng một sợi giây có khoá. May quá lần này chiếc máy bay bị trúng đạn và cắm thẳng xuống vũng nước cạnh chân cầu. Tôi lấy cái ví trong túi áo bay của anh và chôn xác anh ở gốc cây gần đấy.  
Nãy giờ Tuấn im lặng ngồi nghe và cố gắng đè nén cảm xúc của mình về người bạn đã  hy sinh thân xác cho Tổ Quốc vào những ngày cuối của cuộc chiến.

Đêm hôm đó Tuấn nằm trằn trọc, nhớ đến Hùng, người bạn đậu Thủ Khoa cùng khoá học bay, tánh tình hiền lành, anh em ai cũng mến. Sau ngày hồi hương  anh được bộ Tư Lệnh Không Quân ưu tiên bổ nhiệm về phục vụ một phi đoàn A-37 tại căn cứ Không Quân Cần Thơ trong khi các anh em khác phải bắt thăm cho đơn vị mới của mình. Sau đó anh lại đổi cho người bạn, về phục vụ phi đoàn A-37 đồn trú tại căn cứ Không Quân Phan Rang vì lý do gia đình của anh cư ngụ tại thành phố này. Tuy là phi công trẻ trong phi đoàn, nhưng nhờ vào sự siêng năng học hỏi những kinh nghiệm bay bổing của các bậc đàn anh, Hùng đã mau chóng trở thành một trong những phi công xuất sắc được các bạn nể phục.

Hơn bẩy năm chịu đựng tù đày, Tuấn được xuất trại và trở về Sài Gòn. Lúc đó anh mới biết là vợ và con anh đã bị mất tích trong chuyến vượt biên sang Thái Lan bằng con tầu nhỏ, chở quá tải. Anh rất đau khổ, nỗi đau này còn lớn hơn nỗi đau trước đây khi bị đi tù.

Sau hơn ba năm sang Mỹ theo diện H.O. Tuấn làm việc siêng năng và dành dụm được một số tiền, đủ chi phí hướng dẫn vợ và con gái của Hùng về Việt Nam kiếm xác chồng và cha. May mắn, mọi việc đã xảy ra tốt đẹp, toán người đã đào thấy xương cốt của Hùng, họ tẩm liệm kỹ càng và đưa sang Hoa Kỳ.

Khi linh cữu của Hùng vừa được máy bay chở đến phi trường quốc tế Los Angeles thuộc tiểu bang California, tại đây đã có số đông anh em cùng quân chủng Không Quân V.N.C.H. đứng chào và làm lễ Phủ Cờ cho Hùng, người anh hùng Phi Công đã Vị Quốc Vong Thân.

Huy Sơn

No comments:

Post a Comment