MS Lê Văn Sáu
Ngày 31 tháng 3 năm 1975 là ngày chiến đấu kiên cường của Sư Đoàn 22 Bộ Binh nhằm giải tỏa áp lực địch trên toàn lãnh thổ tỉnh Bình Định đang ồ ạt tấn công về thành phố Qui Nhơn và đó cũng là ngày đau buồn của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư chúng tôi vì một phi hành đoàn trực thăng võ trang đã lâm nạn trong phi vụ cuối cùng yểm trợ hỏa lực, bảo vệ trực thăng tiếp tế đạn dược cho Trung Đoàn 42 (SĐ22BB), đã nằm lại mãi mãi trên mảnh đất Bình Khê thân yêu.
Lúc 8 giờ sáng tất cả quân nhân tại Căn Cứ 60 Chiến Thuật Không Quân Phù Cát nhận được lệnh sẵn sàng di tản về phi trường Phan Rang để tái phối trí, lập vành đai bảo vệ Sài Gòn. Trong khi đó các phi tuần A37 (PĐ 532 Gấu Đen) cùng với trực thăng võ trang của Phi Đoàn 243 thay phiên nhau quần thảo hướng Tây Bắc phi trường để sẵn sàng oanh kích và tác xạ các ổ phòng không hay các tụ điểm hỏa tiễn 122 ly của địch đang hướng về phi trường Phù Cát, hầu tạo được một vòng đai bảo vệ an toàn cho các phi cơ C130 đáp và cất cánh chở người di tản.
Về phía Sư Đoàn 22 Bộ Binh trú đóng đại bản doanh tại Căn Cứ An Sơn cũng nhận được lệnh từ Bộ Tư Lệnh Hành Quân Mặt Trận Bình Định, điều động Sư Đoàn về phòng thủ Qui Nhơn. Cả ba trung đoàn lúc đó đều đang giao tranh khốc liệt với địch quân. Hướng Bắc tỉnh Bình Định thì Trung Đoàn 47 BB đang giữ nhiệm vụ bảo vệ Quốc lộ số 1 và các quận phía Bắc đang bị Việt Cộng tràn về sau khi Đà Nẵng và Quảng Ngãi thất thủ. Về hướng Tây thì Trung Đoàn 41 BB và Trung Đoàn 42 BB cũng đang bị áp lực nặng nề của hai Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt khi Sư Đoàn 3 Sao Vàng đang bôn tập từ mật khu An Lão và mật khu Vĩnh Thạnh tiến về bao vây Trung Đoàn 41 BB tại Phú Phong trong khi đó Sư Đoàn 968 Việt Cộng đang từ An Khê tiến về bao vây căn cứ Lai Nghi của Trung Đoàn 42 BB.
Với lối tấn công cường tập, dùng chiến thuật biển người, cộng quân đã không ngần ngại đánh đổi mạng sống của các cán binh CS với mục đích tràn ngập căn cứ Lai Nghi của Trung Đoàn 42 BB hầu chiếm Quốc lộ 19 để địch quân cùng chiến xa dễ dàng tiến quân về thành phố Qui Nhơn.
Lúc 9 giờ sáng, Phòng Hành Quân Chiến Cuộc (Căn Cứ 60 Chiến Thuật KQ Phù Cát) ra lệnh điều động một phi vụ hành quân cho Sư Đoàn 22 BB gồm một trực thăng tiếp tế và hai trực thăng võ trang yểm trợ.
Các trưởng phi cơ gồm có:
- Trực thăng tiếp tế là Đại úy Phan Đình Khoa.
- Trực thăng võ trang số 1 là cố Đại úy Nguyễn Văn Hải.
- Trực thăng võ trang số 2 là Trung úy Nguyễn Văn Long.
Tại Căn Cứ An Sơn, phi hành đoàn nhận được lệnh hành quân là chở một tàu đạn súng cối để tiếp tế cho quân trú phòng tại Căn Cứ Lai Nghi của Trung Đoàn 42 BB có đủ đạn để các chiến sĩ mở một đường máu để rút về Qui Nhơn.
Đơn giản thế thôi. Nhưng với kinh nghiệm chiến trường của các hoa tiêu trực thăng thì phi vụ này vô cùng khó khăn và nguy hiểm, lành ít dữ nhiều vì với cấp số hai sư đoàn cộng sản Bắc Việt được trang bị ̣những dàn phòng không 37 ly và cả hỏa tiễn tầm nhiệt SA7. Hiện tại thì địch quân đã chiếm các cứ điểm quan trọng và tràn ngập các vùng thuộc hai quận An Nhơn và Bình Khê về hướng Tây và Tây Nam phi trường Phù Cát cho nên các trực thăng vào vùng mà không biết các ổ pháo phòng không nằm ở vị trí nào, nhất là các hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 vác vai là loại vũ khí khắc tinh rất nguy hiểm cho các trực thăng.
Một điều đặc biệt nữa là chính đích thân Tư lệnh phó SĐ22BB là Đại tá Lều Thọ Cường ra tận tàu để dặn dò với Đại úy Phan Đình Khoa, trưởng phi cơ trực thăng tiếp tế. Ông gởi niềm tin vào phi hành đoàn: “Các em cố gắng giúp Sư Đoàn. Anh em ở Lai Nghi rất cần số đạn súng cối này để mở đường máu ra Quốc lộ 19 để rút về bảo vệ Qui Nhơn ngay trong đêm nay”.
Ba chiếc trực thăng trực chỉ về hướng Tây như những cánh chim đơn độc bay vào vùng gió bão. Nhưng không, lúc này không phải một trận cuồng phong bình thường mà đó là một lưới lửa dày đặc đan kín bầu trời từ các dàn phòng không của Cộng quân khi thấy ba chiếc trực thăng xuất hiện và định mệnh đã an bài khi một tia lửa từ hỏa tiển tầm nhiệt SA7 xẹt lên trời, trúng ngay chiếc trực thăng võ trang số 1 trong đó gói trọn cả phi hành đoàn lâm nạn gồm:
- Trưởng phi cơ Cố Đại uý Nguyễn Văn Hải.
- Hoa tiêu phó Cố Trung uý Lê Minh Hải.
- Cơ khí phi hành Cố Thượng sĩ (không nhớ họ) Hải.
- Xạ thủ phi hành Cố Trung sĩ Phạm Văn Thiện.
Biết không thể hoàn tất phi vụ vô cùng bất trắc và nguy hiểm này vì không thể nào đến được mục tiêu mà không bị thêm tổn thất cho nên hai chiếc trực thăng còn lại áp dụng phương thức khẩn cấp bay thấp để về lại phi trường Phù Cát mà trong lòng mang nặng một nỗi ngậm ngùi khi chính mắt nhìn thấy chiếc trực thăng lâm nạn quay vòng như chiếc lá, rơi xuống đất tan tành nghi ngút khói, gói trọn hình hài của cả phi hành đoàn mà các anh không thể nào tiếp cứu được.
Biết rằng khi chọn ngành phi hành là chấp nhận “ra đi không ai tìm xác rơi” nhưng trong hoàn cảnh bất lực này khi hai cánh chim đơn độc đang tìm cách bay ra khỏi bầu trời ngập tràn lưới lửa phòng không, không thể giúp được gì hơn quân bạn dưới đất và các chiến sĩ bộ binh cũng đang phải tự cứu mình giữa hai bờ sinh tử. Xót xa tận cùng vì lực bất tòng tâm.
Sở dĩ chúng tôi nêu tên các phi hành đoàn vì với thời gian trôi qua anh linh những người hy sinh cũng đã tiêu diêu trong cõi hư vô trong khi đó các không quân còn sống trong phi vụ cảm tử đó vẫn ám ảnh trong giấc mơ khi nhìn thấy lại cảnh con tàu lâm nạn và thở dài khi mình đã bất lực không thực hiện được trọn vẹn lời thề quân chủng “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”...
Rồi 42 năm trôi qua. . .
Sau ngày quốc nạn, anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư lưu lạc bốn phương nhưng trong lòng mọi người vẫn mang một nỗi ngậm ngùi khi tưởng nhớ đến các anh trong phi hành đoàn lâm nạn đã anh dũng hy sinh vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến đấu bảo vệ chính nghĩa tự do nhưng không có cơ hội nhận được một ngân khoản tử tuất nào cùng vòng hoa “Tổ Quốc Tri Ân” trước quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ và nhất là gia đình vẫn không biết các anh đã mất tích hay lưu lạc phương nào. Còn nếu đã hy sinh thì cũng không biết các anh đã tử trận ngày giờ nào để biết mà lo bề thờ tự.
Sau nhiều năm tìm kiếm khắp nơi, Phi Đoàn 243 Mãnh Sư đã tìm được chị Nguyễn Thị Thơm là vợ của cố Mãnh Sư Nguyễn Văn Hải đang định cư cùng con gái tại Úc. Chị đã qua Hoa Kỳ tham dự hai lần họp mặt của phi đoàn và sẽ tham dự Đêm Hội Ngộ SĐ6KQ do BTC mời.
Với những cố gắng tìm kiếm thân nhân của các nhân viên phi hành còn lại trong phi hành đoàn lâm nạn thì trong những ngày gần đây (tháng 4 năm 2017) các anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư ở Việt Nam đã tình cờ tìm được tin tức của thân nhân cố Mãnh Sư Phạm Văn Thiện hiện đang cư trú tại Cần Thơ.
Chúa nhật ngày14 tháng 5 năm 2017, các anh em đã về Cần Thơ để cố tìm gặp thân nhân của Thiện nhưng một lần nữa chúng tôi lại nghe thêm một tin buồn là vợ của Thiện sau những ngày mòn mỏi ngóng trông tin tức của chồng cùng nỗi thống khổ ngặt nghèo của cuộc sống dưới chế độ hà khắc của Cộng Sản, chị cùng đứa con gái thân yêu lưu lạc bốn phương để tìm kế sinh nhai và cuối cùng lâm trọng bệnh đã gởi thân xác tại mảnh đất Cần Thơ.
Các anh em Phi Đoàn 243 ở VN đã trích một số tiền quỹ do anh em Phi Đoàn 243 hải ngoại gởi tặng để giúp đỡ thân nhân của Thiện. Với chút quà nhỏ “lá lành đùm lá rách” của anh em phi đoàn ở hải ngoại gởi cho hàng năm thì nay anh em ở VN mở lòng với một nghĩa cử cao đẹp hơn “lá rách đùm lá tả tơi” khiến cho con gái của Thiện là cháu Phạm Thanh Lan hiện có chồng và hai đứa con gái mừng rơi nước mắt. Cháu đang làm công nhân với đồng lương ít ỏi nên cuộc sống rất khó khăn. Anh em muốn cháu cho một địa chỉ chính xác để anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư gởi chút ít hiện kim để cháu trang trải cuộc sống nhưng cháu bùi ngùi tâm sự vì đồng lương ít ỏi nên gia đình cháu chỉ đủ tiền mướn phòng trọ. Nơi nào phòng trọ ̣cho mướn rẻ thì cháu chọn làm nơi trú ngụ. Mọi sự giúp đỡ của ân nhân cháu nhờ các anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư ở Việt Nam nhận lãnh giùm cho cháu.
Nay chúng tôi gởi bài viết này gói trọn nội dung như một lá Thư Ngỏ đến toàn thể các niên trưởng và anh em Phi Đoàn 243 Mãnh Sư và Phi Đội 259A Nhân Ái hải ngoại biết tin để cùng chung tay đóng góp ít nhiều giúp cho gia đình con gái của cố Mãnh Sư Phạm Văn Thiện trang trải cuộc sống khó khăn này. Đó cũng là một phần tưởng nhớ đến hương linh một chiến hữu của phi đoàn đã hy sinh trong phi vụ hành quân cuối cùng của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư.
Ngoài ra nếu các ân nhân nào đọc được Thư Ngỏ này của Phi Đoàn 243 Mãnh Sư chúng tôi, có lòng hảo tâm muốn đóng góp chút ít quà tình nghĩa cho con gái của cố Mãnh Sư Phạm Văn Thiện thì xin gởi ngân phiếu về địa chỉ:
Lê Văn Sáu
11554 Azalea Ave.
Fountain Valley, CA 92708
Memo: giúp cô nhi Phạm văn Thiện
Xin trân trọng cám ơn
Phi Đoàn 243 Mãnh Sư
Thưa quý NT và quý chiến hữu,
ReplyDeleteBan Tổ chức Hội Ngộ SĐ6KQ chỉ có mục đích duy nhất là tạo điều kiện cho tất cả KQ trong Sư đoàn gặp lại nhau sau 42 năm xa cách. Hội Ngộ không có mục đích gây quỹ. Nhưng nếu sau hội ngộ, nếu còn dư, sẽ sung số dư vào quỹ "Lá Lành Đùm Lá Rách" của Hội AHKQ Trung Cali với đề nghị ưu tiên dành cho gia đình tử sĩ thương binh, cô nhi quả phụ của Sư đoàn 6 Không quân, trong đó có con gái của tử sĩ Mãnh Sư Phạm Văn Thiện
Trân trọng
Bắc Đẩu Võ Ý