Monday, March 20, 2017

Du Học Hoa Kỳ

Huy Sơn

Chiếc Boeing 747, chở khoá sinh phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, rú lên rời phi đạo Tân Sơn Nhất, lấy hướng tới một đất nước xa xôi, cách Việt Nam nửa địa cầu là Hoa Kỳ, nổi tiếng nhất thế giới về mọi mặt từ quân sự, khoa học, kinh tế đến đời sống văn minh. Chúng tôi ai nấy đều háo hức cho tương lai và tự nhủ sẽ quyết tâm học hỏi những điều hay của xứ người, để rồi khi hồi hương sẽ sẵn sàng phục vụ cho đất nước, trả lại phần nào công lao của chính phủ đã tin tưởng đặt trọng trách vào những người trai thời chiến.

Chúng tôi tuổi trên dưới 20, sinh quán tại ba miền: Trung, Nam, Bắc. Học vấn ngang nhau, trong đó có một thiếu uý xuất thân từ trường võ bị Đà Lạt, một chuẩn uý Bộ Binh và một chuẩn uý Nhảy Dù, còn lại là những sinh viên sĩ quan hiện dịch Không Quân đã đam mê mây trời, xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi Núi Sông.

Máy bay bay suốt 18 giờ đồng hồ, băng qua đại duơng và đáp xuống phi trường quốc tế San Francisco. Quang cảnh về đêm tại đây thật là rực rỡ, nổi bật nhất với chiếc cầu Golden Gate được treo bởi những sợi giây cáp lớn bắc ngang qua hai chân cầu khổng lồ, trông xứng đáng là một trong những kỳ công nhân tạo nổi tiếng trên thế giới.

Xe bus chở chúng tôi vào Travis AFB để ngủ qua đêm rồi ngày sau lên phi cơ quân sự, bay đến Lackland AFB thuộc tiểu bang Texas. Nơi đây có trường sinh ngữ Quân Đội dành cho các học sinh đến từ nhiều nước trên thế giới như Việt Nam, Do Thái, Iran ... Chúng tôi ở đây khoảng vài ba tuần, học qua ít lớp chuyên môn và thi khảo sát trình độ Anh Văn. Nếu ai không đủ điểm, sẽ phải hồi hương. Tuy thời gian ở đây rất ngắn, bận rộn học hành và thi cử, nhưng nó đã để lại trong chúng tôi kỷ niệm đặc biệt, lần đầu tiên được sống và hít thở khí trời trên một đất nước thanh bình, không có bóng giáng chiến tranh.

Căn cứ kế tiếp là Randolph AFB, cách Lackland AFB không xa. Chúng tôi lưu trú tại đây khoảng hai tháng, học lái máy bay T-41, chiếc máy bay cánh quạt, nhỏ bé chỉ có một động cơ do hãng Cessna chế tạo. Các thầy là những hoa tiêu dân sự, mhiề kinh nghiệm với hàng ngàn giờ bay. Cái cảm giác của lần đầu tiên được thầy cho cầm cần lái điều khiển con tầu nó ngỡ ngàng làm sao ấy! Lúc đó tôi phải đối phó với sự di động của chiếc máy bay ở trong không gian 4 chiều, khi nó thụp xuống, khi nó ngẩng lên, lúc nó quẹo trái, lúc nó quẹo phải. Tôi cố gắng kìm nó lại nhưng không được. Thấy vậy thầy tôi lấy lại cần lái, con tàu ngoan ngoãn không còn trở chứng. Tôi phục thầy sát đất.

Sau khi mãn khoá học bay T-41, chúng tôi đến Keesler AFB học lái máy bay T-28. Căn cứ này nằm cạnh sông Mississippi, chỗ đổ ra biển. Chương trình học kéo dài khoảng 8 tháng. Mỗi tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, xe bus đón chúng tôi lúc sáu giờ sáng và trả về Barrack lúc sáu giờ chiều. Dưới đất thì học lý thuyết, trên trời thì học bay. Trước đây cứ tưởng rằng khi nhập ngũ sẽ bớt việc sách đèn, giờ này mới vỡ lẽ, phải đành cam chịu. Lại nữa sống xa quê hương, bạn bè chẳng có, ai nấy đều dành hết thì giờ của mình vào việc học, nhờ vậy ngày mãn khoá, tỷ số đậu lên tới 99/100. Các thầy khen ngợi đủ điều, giấy tờ từ trên gởi về cho phép các phi công mới ra lò đi học đủ loại máy bay, nào là A-37, C-123, C-119, C-47 và C-7.


Keesler ABF

Thời gian chúng tôi lưu trú tại Keesler AFB tương đối khá lâu, nhờ vậy thỉnh thoảng chúng tôi có dịp tiếp xúc với các giới trẻ thuộc thành phần học sinh và hướng đạo ở ngoài căn cứ, qua những trận đá banh và đánh bóng chuyền giao hữu. Có lần chúng tôi cũng tổ chức đêm biểu diễn võ thuật, giới thiệu các môn võ gia truyền của Việt Nam và được họ hoan nghênh nồng nhiệt.

Tôi thuộc trong toán 14 khoá sinh dời đến England AFB học lái máy bay A-37. Thời gian của khoá học kéo dài khoảng 9 tuần. Lúc này chúng tôi tương đối được thoải mái, các thầy đối xử với học trò như là người bạn đồng nghiệp, không còn khó khăn như trước, chúng tôi được chỉ dạy các phương thức tác xạ và thả bom trong mọi tình huống nơi chiến trường.

Đặc biệt những phi vụ đánh đêm, khi máy bay nhào lộn lên xuống dễ làm đầu óc của người phi công rơi vào tình trạng vertigo (nhận định sai về vị trí trời đất), nhìn đèn thì tưởng là sao, nhìn sao thì tưởng là đèn, tai nạn có thể xẩy ta trong tích tắc. Ngoài sự nguy hiểm đó, cái không gian yên tĩnh về đêm được gắn bó cùng tâm trạng của người phi công và nỗi niềm này đã được diễn tả qua bài hát "Một Chuyến Bay Đêm", sáng tác của nhạc sĩ Hoài Linh-Song Ngọc qua giọng ca truyền cảm của nữ danh ca Thanh Thuý, đã được nhiều người ưa thích.

Bao lâu trông đợi ngày hồi hương, kết cuộc rồi nó cũng đến. Mọi người nao nức muốn thấy lại Quê Hương sau những năm tháng cặm cụi học hành nơi xứ người. Khi người phi công trưởng loan báo máy bay đang vào không phận của nước Việt Nam thì tất cả chúng tôi đều vui mừng, vỗ tay hoan hô. Bờ biển Việt Nam, hình chữ S dần dần hiện rõ dưới thân máy bay. Giây phút ấy chúng tôi mới cảm nhận rõ ý nghĩa xâu xa của câu nói "No place is more beautiful than our home land".

Huy Sơn



1 comment: